Thứ Tư, 27/11/2024 05:19 SA
Từ làng “tỷ phú” trở thành làng... nợ!
Thứ Tư, 03/05/2006 14:58 CH

Làng Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa quanh năm phải vật lộn với gió cát và đói nghèo. Con tôm sú “lên ngôi”, làng cát này bỗng chốc “lột xác” trở nên sầm uất, nhà nhà thu nhập bạc triệu, bạc tỉ, ai cũng thi nhau mua sắm tiện nghi, xây nhà cao tầng. Vậy mà giờ đây, hàng trăm hộ dân ở thôn phải lao đao, trắng tay, nơ nần chồng chất. Tất cả cũng vì con tôm.

 

NHỮNG “TỈ PHÚ”...…NỢ!

 

Làng cát Đa Ngư vẫn xanh biếc trong cái nắng và gió khô khốc. Bên những hàng cây tươi tốt ven đường, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều ngôi biệt thự sang trọng. Tôi lia máy chụp vài kiểu ảnh, bất chợt nghe tiếng gọi giật: Anh mang túi xách ơi, đi mua nhà phải không? Chưa kịp trả lời, một người đàn bà luống tuổi (sau mới biết tên là Đào Thị Đầm), cao, ốm, đen, gương mặt trông tiều tụy, đến gần mời mọc: Vào đây xem nhà mới kiên cố, rộng và thoáng mát lắm! Ngôi biệt thự cửa kính, tường ốp gạch men bóng loáng, nhưng bên trong trống rỗng không có một chiếc ghế để mời khách ngồi! Chị bộc bạch: “Khi con tôm còn “thịnh hành”, làng này với hơn 70% hộ dân là “triệu phú”, “tỷ phú”. Nhưng bây giờ nhà cao, cửa rộng chỉ còn là “vỏ bọc” bên ngoài thôi anh ạ, bởi đa số người nuôi tôm lỗ nặng, nợ như chúa chổm, phải dắt díu nhau đi tứ xứ làm ăn, nhiều người phải kêu bán nhà để trang trải vốn vay. Tôi xây nhà này hơn 500 triệu đồng đấy, đành bấm bụng rao bán cả năm nay với giá rất rẻ để trả nợ ngân hàng, nhưng chẳng ai mua…”

 

060503-langtyphu.jpg
Một góc làng Đa Ngư

 

Khi biết tôi là nhà báo, chị Đầm ngồi thừ ra và nói: “Có ai muốn mua nhà ở đây, anh chỉ dùm nhé!”. Rồi chị lầm lũi đi bóc vỏ lụa hạt điều cùng đứa con trai. Gia đình chị Đầm đang thật sự lâm vào cảnh bi đát. Những năm 2000, vợ chồng chị nuôi tôm trúng đậm tiền tỉ, trở nên giàu nhất nhì ở thôn Đa Ngư. Sau đó, họ liền dốc hết vốn vào đầu tư trại sản xuất tôm giống, xây nhà, mua sắm phương tiện… nhưng liên tục bị lỗ nặng, nợ ngân hàng 200 triệu đồng, chưa kể tiền “vay nóng”. Không chịu được cảnh ngày ngày bị nợ đòi, anh Dương Văn Chương, chồng chị đã bỏ ao đìa, bỏ nhà ra đi biền biệt gần 2 năm nay. Một mình chị vất vả đan ghế mây hoặc bóc vỏ lụa hạt điều kiếm được từ 12 – 15.000 đồng/ngày, không đủ phụng dưỡng cha chồng và lo cho 3 đứa con, cháu ăn học. Chị Đầm rưng rưng nước mắt, tâm sự: “Cực chẳng đã tôi mới cam chịu sống cảnh đơn chiếc như bà… góa trong căn biệt thự, ăn bữa đói bữa no và lo nợ đòi. Giờ đây, tôi lại thèm khát biết bao được hạnh phúc trong “ngôi nhà tranh với hai quả tim vàng” như thời mới lập gia đình!”...

 

Mặt trời đứng bóng, tôi như bị ám ảnh bởi câu chuyện của chị Đầm nên cứ lang thang trên đường, nhìn những ngôi biệt thự lộng lẫy mà chạnh nghĩ về những người đang sống trong đó, đối mặt với cảnh túng thiếu, nợ nần. Tình cờ, tôi gặp ông Phạm Năm, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Hòa Hiệp Nam đi phát giấy thu nợ vay ngân hàng đến tận nhà dân ở Đa Ngư. Tất cả có 247 phiếu nợ quá hạn phải trả lãi. Ông Năm thở dài thườn thượt: “Từng quý, các tổ HND vay vốn buộc phải đi thu nợ mệt nhừ người, bởi cả xã có đến 1.365 hộ nợ vốn vay gốc và lãi hơn 15 tỉ đồng, trong đó thôn Đa Ngư chiếm khoảng phân nửa! Đọc kỹ tên trên phiếu thì những “tỷ phú” có nhà xây 2-3 tầng như Võ Ri, Trương Minh Trí, Dương Nghề, Nguyễn Hào, Nguyễn Ngừng… nợ quá hạn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Thú thật, một khi tài sản bán không trôi và nghề nuôi tôm vẫn cứ lao đao, thì còn lâu ngư dân ở đây mới trả được nợ …!”

 

KHÁT “ĐÁNH BẠC” VỚI...… TÔM!

 

Ở cuối làng Đa Ngư, là cánh đồng tôm với hàng trăm ao đìa bờ vuông vức như ô bàn cờ bên cạnh dòng sông Đà Nông. Đây đó, lác đác những chòi canh mới dựng, những hồ tôm khô khốc nằm xen với những ao nuôi loang loáng nước, máy quạt tung bọt trắng xóa. Bí thư Chi bộ thôn Đa Ngư Huỳnh Trọng Mười đang thả tôm nuôi, cho biết: “Nơi đây, một thời gọi là “dòng sông Dream”, mỗi năm thu hàng trăm tấn tôm, làm đổi đời cuộc sống của người dân Đa Ngư và cả xã Hòa Hiệp Nam. Còn bây giờ, càng nuôi, tôm càng dịch bệnh, càng lỗ vốn. Mùa này chỉ có khoảng 40 - 50% diện tích ao đang nuôi”.

 

- Vì sao con tôm liên tục bị dịch bệnh, lỗ vốn mà bà con vẫn cứ lao vào nuôi? – tôi hỏi.

 

- Đa số hộ dân chuyển sang làm nghề khác. Nhưng nhiều hộ đành phải bám sông và bạo gan “đánh bạc” với… tôm mới mong “gỡ” lại vốn để trang trải nợ nần. – Ông Mười phân trần.

 

- Nhưng ai ai cũng nợ ngân hàng thì lấy đâu ra vốn đầu tư nuôi tôm?

 

060503-ty-phu.jpg
Bà Đào Thị Đần cần mẫn bốc vỏ hạt điều bên ngoài ngôi biệt thự của mình
- Một số hộ nuôi cũng có lãi, lại giúp đỡ người thiếu vốn. Còn nhiều người xoay vốn chủ yếu bằng cách “vay nóng”. Nếu hết tiền, đại lý không bán nợ thức ăn, thì… nấu cháo gạo trắng cho tôm ăn. Mấy năm nay nhiều hộ dân vẫn làm như thế.

 

Đứng trên ao tôm khô trơ đáy, ông Đào Khắc Nhạn, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Hòa Hiệp Nam nhớ lại: Trước đây thôn Đa Ngư rất nghèo, chỉ có vài chục ngôi nhà tranh vách liếp liêu xiêu trên dải cát nóng bỏng. Bà con quanh năm lam lũ với đồng ruộng, với nghề đi xiết bắt con tôm, con cá ở mom sông này. “Cái khó ló cái khôn”- năm 1988, tôi cùng các nông dân Vân, Vẫn và Bốn Chiến ở Đa Ngư cùng nhau bắt con tôm cỏ, tôm sắt (nay gọi là tôm sú) về thả nuôi thử nghiệm ở hồ ven sông Đà Nông. Kết quả con tôm phát triển nhanh và có giá trị kinh tế. Đến năm 1990, chúng tôi lặn lội vào tận Ninh Hòa (Khánh Hòa) mua con giống đẻ nhân tạo về nuôi trên 3 ha và đạt hiệu quả rất cao, cứ bán 10 cân tôm là lãi được 1 chỉ vàng. Thế là ở đây hình thành một nghề mới và năm năm sau con tôm sú bắt đầu “lên ngôi”, nhiều hộ nuôi tôm ở Đa Ngư có thu nhập rất cao, từ 300 - 500 triệu/năm. Chính hấp lực từ lợi nhuận khiến nhà nhà, người người ồ ạt lao vào phá bỏ tất cả ruộng lúa để làm ao thả tôm hơn 1.500ha (riêng Đa Ngư 200,8ha). Song cũng chính người nuôi đã “hành xử” thô bạo với thiên nhiên như thả tôm quá dày, xả thải ra sông, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy… Hệ quả là môi trường nước ngày càng suy thoái, ô nhiễm và dịch bệnh tôm tất yếu xảy ra, lây lan càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Từ năm 2002 đến nay, vùng nuôi tôm “siêu lợi nhuận” này quay lại “đánh” vào người nuôi, với những vụ tôm “siêu rủi ro”, mỗi năm có đến 80% hộ nuôi bị lỗ vốn nặng!

 

TÌM NGHỀ MƯU SINH CHO DÂN

 

Từ giàu sang bỗng chốc trắng tay, nợ nần, lão ngư Phạm Sướng không thể gắn bó với dòng sông, con tôm, đành vô thành phố Hồ Chí Minh bán vé số dạo để lo cho cả gia đình qua cơn “bĩ cực”. Nhưng sau vài tháng, ông không đủ sức “trụ” nổi ở chốn phồn vinh đô hội, lại về quê làm thuê làm mướn trên đồng, không đủ đắp đổi qua ngày. Trưởng thôn Đa Ngư Đào Khắc Vẫn cho biết: “Hơn 70% dân thôn Đa Ngư (trong tổng số 788 hộ) có cùng cảnh ngộ như ông Sướng, ông Nghề, chị Đầm… Không nuôi tôm, không còn ruộng đất sản xuất lúa, không ghe thuyền đi biển, họ tìm kế sinh nhai bằng nhiều nghề khác nhau ở nhiều nơi”.

 

Không thể nhìn cảnh đói nghèo bộc phát và cứ len lỏi vào từng thôn xóm, chính quyền xã Hòa Hiệp Nam “ra tay” tìm nghề mưu sinh cho dân bằng cách “hợp tác” với Khu công nghiệp Hòa Hiệp giải quyết cho hàng trăm con em ngư dân vào làm công nhân lao động trong nhà máy, xí nghiệp chế biến… Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên và Công ty TNHH Minh Mỹ cũng vào cuộc giúp dân học và làm nghề bóc vỏ hạt điều, đan mây, tre, lá ở tại nhà. Dù ngày công còn thấp, nhưng ai ai cũng có công ăn việc làm. Mấy tháng nay, UBND xã kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ vốn vay để hạn chế lãi phát sinh trong dân; vận động bà con Đa Ngư đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản như cua, cá rô phi, chuyển đổi được 20ha ao đìa sang trồng lúa… Trước khi rời làng cát, ông Lương Văn Khạn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam nói với chúng tôi: “Những nỗ lực tìm nghề mưu sinh cũng chỉ là giải pháp tình thế để ổn định cuộc sống trước mắt cho dân. Dân gian có câu “đạp (dậm) gai thì phải lấy gai để lể”. Chỉ có liên kết được “bốn nhà” để đầu tư khôi phục lại nghề nuôi tôm ở Đà Nông một cách bền vững, mới mong “giải cứu” cho dân khỏi nợ nần và vực dậy làng cát này trở lại thời phồn thịnh!”.

 

LƯU PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek