Thứ Ba, 01/10/2024 06:40 SA
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA

 “Ở Mặc Hàn này muốn học lên cấp hai, tụi nhỏ phải thay đổi rất nhiều điểm trường. Đường xá đi lại thì cách trở. Vì thế, thay vì cho con học ở trường trong xã, người ta quyết định cho tụi trẻ xuống học cấp 1, 2 dưới Hoà Hội” - Ông trưởng thôn Đặng Thanh Chiến lí giải cho chuyện học “ké” trường  của trẻ con trong thôn. Và, đằng sau hành trình tìm đến con chữ ở Mặc Hàn là một câu chuyện cảm động. Tương lai đã mở ra cho những đứa trẻ nghèo từ những bài học đầu đời về lòng nhân ái và sự sẻ chia của cộng đồng.

CẢ HUYỆN TÌNH NGUYỆN... CHỞ DÙM

Chưa tới 5 giờ sáng, những ngôi nhà ở Mặc Hàn (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà) còn chìm trong cảnh im lìm. Nhưng trong nhà các cô bé, cậu bé đã lăn mình ra khỏi tấm chăn, chuẩn bị sách vở. Cô bé 11 tuổi Đặng Thị Thuý Diễm cũng vậy. Sau khi ăn cơm sáng, thay bộ đồng phục đến trường, cô bé mang cặp sách đi bộ ra Quốc lộ 25 đứng đón “xe thồ” cùng các bạn. Những bàn tay nhỏ vẫy vẫy những chiếc xe chạy về hướng Hoà Hội (Phú Hoà). Thật lạ là ngoài những chiếc xe máy của người đi đường, cả xe khách liên huyện, liên tỉnh cũng dừng lại cho các cô cậu học trò nhỏ “quá giang”. Diễm liến thoắng: “Có hôm tụi cháu còn ngồi trên xe bục bịch chở mía, bữa nào “oai” nhất là được ngồi trên xe ô tô máy lạnh của mấy cô chú lãnh đạo huyện xuống tỉnh công tác”.

Điều đặc biệt là chủ nhân của những chiếc xe này đều tình nguyện chở dùm. Cô bé Thái Thị Thơm học lớp 5A, Trường tiểu học Hoà Hội nói: “Mấy anh chị học cấp hai còn đi xe đạp tới trường được. Tụi con còn nhỏ, nếu người ta không chở dùm thì không đi học được”. Theo qui định, 7 giờ kém10 phút vào lớp, mà trường lại cách xa đến 5 cây số. Quãng đường này thật quá sức với lứa tuổi 8-12. Tụi nhỏ chưa thể đi xe đạp, lại càng không thể cuốc bộ. Mà người miền núi thì làm gì có thời gian đưa đón con mình như người thành phố” ông Chiến thổ lộ.

Tôi thắc mắc: “Sao không cho tụi nhỏ học trường trong xã, mà phải đến học nhờ trường khác xã, khác huyện chi cho cực?”. Ông Chiến giải thích: “Theo qui định chung, con em Mặc Hàn phải đi học ở Sơn Hà. Nhưng đường xá đi lại quá cách trở. Học xong mẫu giáo ở thôn, muốn học lên cấp một, tụi nhỏ phải lên buôn Suối Cau. Mà tới Suối Cau thì phải vượt qua một con suối và dốc Đá Đề dài hơn 2 cây số. Nhưng phân trường ở Suối Cau cũng chỉ dạy tới lớp 2. Muốn học tiếp lại phải chuyển tới một phân trường khác nằm ngay trung tâm xã. Đó là chưa nói chuyện lên cấp hai, tụi nhỏ phải lên tuốt thôn Ngân Điền cách đây gần 10 cây số”.

Tôi nhớ trong một cuộc họp của Ủy ban huyện, ông Tô Văn Mười, khi ấy là Chủ tịch huyện Sơn Hoà đã đưa ra ý kiến được mọi người rất đồng tình: Người dân nào của huyện đi qua Mặc Hàn -Hoà Hội thì dừng lại chở dùm các em tới trường. Vì thế, dù vội vã đến mấy, cả ngày nắng lẫn ngày mưa, từ xe ông Bí thư, Chủ tịch huyện cho đến xe khách, xe chở mía, xe máy của người dân đến Mặc Hàn đều dừng lại “thồ” tụi nhỏ tới trường. Anh Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Củng Sơn-người hay “cho” tụi nhỏ “quá giang”, nói: “Thấy mấy đứa nhỏ Mặc Hàn đi học xa cũng tội. Thời nay, không biết chữ cũng kẹt cho tụi nó. Nó như con cháu mình, nên hễ có chuyện gì đi qua đoạn đường đó, tui đều dừng lại chở dùm đến trường”. 7 năm nay, trên 150 học trò Mặc Hàn đã đến trường trên những chuyến xe tình nguyện như vậy.

ƯỚC VỌNG NGÀY MAI

 

Đập vào mắt tôi là một ngôi nhà nhỏ, trông có vẻ hơi cũ. Trong nhà không có vật dụng nào đáng giá. Ông Đặng Diên Hồng, cha của Diễm cười thân tình: “Ở đây, hầu như nhà nào cũng vậy. Trồng được cây mía, cây sắn, có được đồng nào đều ky cóp cho con ăn học. Thành thử  nhà cửa cứ cũ hoài, không được sáng sủa như người ta”. Với ông, phần thưởng quý nhất là tờ giấy khen các con mình mang về sau khi kết thúc năm học. Lúc đấy, ông vui, vì thấy giọt mồ hôi đổ xuống không hề uổng phí.Tiền bạc lo cho con ăn học cũng chật vật, nhưng vợ chồng ông quyết tâm: Con học đến đâu là “theo” đến đấy!

 

Mặc Hàn thành lập từ năm1990, vốn  là khu di dân tự do. Mà di dân tự do thì ít được hưởng chính sách ưu đãi. Hiện thôn có 61 hộ dân với 223 nhân khẩu, nhưng trẻ con ở đây không đủ “quân” để có thể mở trường cấp một. Vì thế, mới có chuyện đi học “ké”. Ông Hồng cảm động khi nghe tôi nhắc đến “những chuyến xe tình nguyện”: “Dân lao động tụi tui suốt ngày ở ngoài đồng. May mà mấy đứa nhỏ được người ta chở dùm. Ơn này, tui vẫn hay nhắc, để tụi nhỏ ráng học”.

 

Hiệu phó Trường tiểu học Hoà Hội, Nguyễn Văn Bảo nói: “Biết các em ở Mặc Hàn đi lại khó khăn, nên nhà trường thông cảm, không quở phạt các em khi đi học trễ. Riêng những em gia đình khó khăn, trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho các em tiếp tục học tập. Hầu hết các em học rất chăm. Có em còn đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc”. Thầy Lê Tấn Bình, Chủ nhiệm lớp 5A phấn khởi: “Học kì vừa rồi, em Thuý Diễm và Thu Huyền còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện đấy!”. Tôi nhớ Diễm, cô bé có gương mặt thông minh và nụ cười xinh xắn. Trông Diễm bé xíu như viên kẹo, nhưng vừa về đến nhà, rời cặp sách là cô bé lập tức đi chăn bò, cắt cỏ phụ giúp ba mẹ. Diễm nói: “Em sẽ cố học giỏi, để ba mẹ vui lòng, để không phụ công mấy bác, mấy chú chở dùm em đi học”.

 

Chia tay Mặc Hàn, tôi nhớ đến lời ông Hồng: Thế hệ chúng tôi đã lỡ cuộc, bây giờ đặt hết hy vọng vào con cái. Dù cực mấy, chúng tôi cũng chịu, chỉ mong tụi nhỏ học cái chữ cho có tương lai!.

Và, tương lai đã, đang mở ra cho những đứa trẻ nghèo từ những bài học đầu đời về sự hi sinh của cha mẹ, về lòng tốt và sự sẻ chia của cộng đồng. Đó là câu chuyện về hành trình tìm đến con chữ ở Mặc Hàn. Những con chữ được viết lên bằng những nghĩa tình.

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek