Thứ Tư, 02/10/2024 21:22 CH
Lên rừng săn dơi
Chủ Nhật, 11/01/2009 14:00 CH

Những con dơi rừng hình thù có phần dị thường, nhưng đối với người dân buôn Ma Liu (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa), đây là một món ăn khoái khẩu. Việc đi săn những con dơi rừng lắm gian nan nhưng cũng rất thú vị.

 

sandoi1-090107.jpg
Chuẩn bị vào gộp dơi ở núi Trạm Xá - Ảnh: N.HUY

 

Ông Ma Xanh ở buôn Ma Liu (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) được nhiều người dân địa phương biết vì có biệt tài săn dơi rừng. Từ ngày biết cầm cái cuốc, cây rìu để chăm lo cho cuộc sống gia đình đến nay, Ma Xanh đã in dấu chân mình trên những ngọn núi cao và đầy hiểm trở xung quanh buôn Ma Liu như Hòn Bà, Hòn Nguồn… Ở đây, ông là người có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng săn dơi nhất. Người bình thường không dễ để tìm ra gộp (hang) dơi trong những cánh rừng bạt ngàn, nhưng Ma Xanh làm được điều đó. Hơn nữa, ông luôn biết cách tóm những chú dơi rừng vốn nhút nhát và nhạy cảm với tiếng người. Y Phục, một người ở buôn Ma Liu, cho biết: “Người trong làng không ai bắt được nhiều dơi bằng Ma Xanh. Ông dám đi vào rừng sâu, đến nơi có gộp dơi mà không sợ bị lạc đường và thú dữ”.

 

Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng tôi cũng được Ma Xanh chấp nhận cho tham gia một chuyến săn dơi. Điểm đến được “trưởng đoàn” Ma Xanh xác định là gộp dơi trên ngọn núi mà đồng bào Chăm H’roi ở buôn Ma Liu thường gọi là núi Trạm xá. Mất gần một giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua vài con suối lớn nhỏ gần buôn Ma Liu, chúng tôi đến chân núi Trạm xá. Như thấy được sự mệt mỏi bắt đầu hiện lên khuôn mặt tôi, Y Thành, một thành viên trong đoàn, khích lệ: “Cố gắng lên ông bạn, sẽ có nhiều điều thú vị khi anh lên đến đỉnh núi!”

 

Theo bước chân Ma Xanh, chúng tôi đi sâu vào những cánh rừng già của ngọn núi Trạm Xá. Và điều mà các thành viên trong đoàn lo lắng nhất cho một người dưới xuôi lên như tôi đã xuất hiện. Trước mặt chúng tôi là những tảng đá cao đến gần 10m. Với kinh nghiệm của mình, Ma Xanh căn dặn mọi người hết sức cẩn thận và nên dừng lại để nghỉ ngơi lấy sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

 

sandoi-090107.jpg
Một tay “săn” dơi buôn Ma Liu với “thành quả” là một chú dơi rừng – Ảnh: N.HUY

 

Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi hiểu vì sao người buôn Ma Liu gọi ngọn núi này là núi Trạm Xá. Qua lời kể của Ma Xanh và những vết tích còn lại trên vách đá, hang động như các vật dụng để chữa bệnh, cái bàn ăn được tận dụng từ những viên đá hay chiếc cầu thang phục vụ cho việc leo trèo qua những vách đá… đây từng là khu căn cứ cách mạng. Do không có nhiều người đến đây nên các vết tích vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây quả là điều bất ngờ thú vị đối với một người trẻ tuổi như tôi, vốn chỉ biết sự khắc nghiệt của chiến tranh qua sách báo và lời kể của những người đi trước.

 

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình để chinh phục đỉnh của ngọn núi Trạm Xá, nơi mà Ma Xanh cho rằng có rất nhiều dơi đang cư ngụ. Đèn pin và những cành cây chà rang thẳng đuột dùng để “hạ” những chú dơi to khỏe là vật dụng không thể thiếu cho cuộc “đột kích” vào hang dơi. Chỉ mất vài phút, Ma Xanh và những người trong đoàn - với những bước chân thoăn thoắt trên các tảng đá to và gồ ghề - đã vào đến gộp dơi tối tăm, ẩm ướt. Sự nhanh nhẹn của họ khiến cho lũ dơi đang ngủ ngày bất ngờ. Vừa phát hiệu lệnh cho những thành viên còn lại trong đoàn, Ma Xanh ngay lập tức vung tay trong sự hoảng loạn của những chú dơi bất chợt bị đánh thức. Khi sự yên tĩnh trở lại thì chúng tôi bắt đầu “thu hoạch” những chú dơi bị trọng thương nằm la liệt ở các khe, vách đá.

 

Cuộc đi săn kết thúc, chúng tôi được thưởng thức một bữa thịt dơi nướng thơm ngon giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng.

 

NHẬT HUY

 

Bắt gặp nỗi đau của rừng

 

pharung-090107.jpg
Những gốc cây bị đốn hạ không thương tiếc - Ảnh N. Huy
Có một điều đáng buồn mà trên hành trình săn dơi, chúng tôi liên tục bắt gặp, đó là sự xuất hiện của nhiều người từ dưới xuôi lên. Họ ăn dầm nằm dề trong những cánh rừng già dưới chân núi Trạm Xá với một mục đích duy nhất là khai thác thật nhiều loại gỗ quý và tìm cách đưa về xuôi. Những cánh rừng ngày càng nham nhở khi lần lượt các loại cây đại thụ như hương, trắc… cùng nhiều loại cây gỗ quý hiếm khác bị đốn hạ, nằm ngổn ngang trên hành trình của chúng tôi. Ma Xanh cho biết: “Mấy năm gần đây, mỗi lần đi săn dơi tôi đều bắt gặp những người Kinh cùng với tiếng cưa máy vang khắp khu rừng”. Già làng Y Còn thì nói: “Nhìn những chiếc xe công nông và cộ bò vận chuyển những khúc gỗ quý hiếm đi ngang qua buôn Ma Liu, đồng bào Chăm H’roi ở đây đau xót lắm. Nhưng cán bộ kiểm lâm họ còn không sợ thì chúng tôi sao có thể ngăn cản họ được?”.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mai này còn tiếng cuốc kêu?
Thứ Tư, 24/12/2008 18:30 CH
Ra biển ngày gió mùa
Thứ Tư, 10/12/2008 07:30 SA
Xé gió, vượt sóng cứu nạn trong đêm
Thứ Sáu, 05/12/2008 19:00 CH
Mười ngày ở Kanatawa
Thứ Tư, 03/12/2008 19:00 CH
Người yêu “đồ chơi” như... con
Thứ Tư, 26/11/2008 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek