Thứ Tư, 02/10/2024 21:25 CH
Mười ngày ở Kanatawa
Thứ Tư, 03/12/2008 19:00 CH

LTS: Chương trình giao lưu thanh thiếu niên Đông Á thế kỷ XXI (JENESYS) nhằm mục đích tạo cơ hội cho các học sinh Việt Nam và các nước lưu vực sông Mêkông là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan được tham quan, giao lưu với học sinh, nhân dân Nhật Bản và các nước tham gia chương trình. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa thanh thiếu niên – người chủ tương lai của các nước thuộc khu vực Đông Á. Với thành tích giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, Phan Vũ Uyên Trang, học sinh lớp 12 Anh Trường THPT Lương Văn Chánh, là học sinh duy nhất của tỉnh Phú Yên tham gia chương trình này năm học 2008-2009. Trở về Phú Yên, Uyên Trang đã viết cho Báo Phú Yên.

 

trang1-081203.jpg

Uyên Trang (giữa) trong trang phục kimono của người Nhật.

 

Nhận được lời mời của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, tôi đã thực hiện một chuyến tham quan 10 ngày đến xứ sở mặt trời mọc theo chương trình JENESYS, được thăm và giao lưu với học sinh, nhân dân Nhật Bản…

 

Đến TP Kanatawa của tỉnh  Ishikawa nằm ở miền Trung Nhật Bản, tôi  được làm quen và tham gia vào các lớp học với các bạn Nhật ở trường Trung học Tatsumigaoka. Trước ngày đoàn học sinh 5 nước lưu vực sông Mêkông (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar) đến trường, các bạn đã vẽ lên bảng dòng chữ Welcome to Tatsumi (Chào mừng đến với Tatsumi) và kèm theo đó là 5 lá cờ của 5 nước vẽ bằng phấn rất công phu. Trường không chỉ có đầy đủ phòng học mà còn có phòng tập thể dục thể thao (cầu lông, bóng rổ, kiếm đạo…), phòng luyện tập cho các buổi hòa nhạc (với rất nhiều nhạc cụ), sân bóng đá…, đặc biệt còn có cả vườn táo trĩu quả - điều này có lẽ rất hiếm thấy ở các trường THPT của Việt Nam. Tôi và các bạn trong đoàn hái mỗi người hai quả và thấy rằng táo rất ngọt…

 

Môi trường học tập của lớp học rất thân thiện và năng động. Giáo viên luôn khuyến khích và cảm thấy vui khi có học sinh đặt câu hỏi về bài giảng của mình. Trò có thể trao đổi với thầy dễ dàng. Lớp học rất chú trọng thao tác làm việc theo nhóm “vì khi đó các thành viên phải hợp tác, tôn trọng, chia sẻ ý kiến của nhau và như vậy sẽ tạo tình đoàn kết” – Sichima, một học sinh, cho biết. Qua tiếp xúc và được học chung, không khó để tôi nhận thấy rằng học sinh Nhật Bản là những người chịu khó, hòa đồng và tích cực, có đầy đủ điều kiện để phát triển thành những con người toàn diện sau này. 

 

trang-2-081203.jpg

Uyên Trang (bìa phải) và gia đình ông bà Seiichi Jimbo.(Ảnh do tác giả cung cấp)

 

Một kỷ niệm mà tôi sẽ không thể nào quên là chuyến homestay hơn 2 ngày ở nhà một gia đình người Nhật - ông bà Seiichi Jimbo - để trải nghiệm cuộc sống và hiểu biết thêm về văn hóa của họ. Đây là một gia đình tương đối khá giả. Ông Seiichi, 49 tuổi, giám đốc một văn phòng thuế địa phượng; còn người vợ 47 tuổi, là bác sĩ ở bệnh viện. Họ có 2 con gái. Điều dễ nhận thấy là trong nhà luôn có sự bình đẳng, không khí vui vẻ và đầm ấm, cha mẹ tuyệt đối không áp đặt con cái. Bố mẹ dù đi làm cả ngày nhưng vẫn cố gắng dành thời gian cho con, chị em chơi với nhau rất thân thiết. Bữa cơm chính là lúc các thành viên trong gia đình sum họp. Trước khi ăn, người trong nhà nói “Itadakimasu”, có nghĩa là “Tôi xin nhận bữa cơm” để bày tỏ lòng biết ơn người nấu. Sau khi ăn xong, cả gia đình lại nói “Gochisosama”, có nghĩa là “Bữa cơm ngon lắm”. Đây là một nét đặc trưng trong văn hóa của người Nhật.

 

Điều mà tôi mong chờ nhất trước khi sang Nhật đó chính là được một lần khoác lên bộ kimono và đã được ông bà Seiichi Jimbo đáp ứng. Dù chỉ mặc chưa đầy nửa tiếng, nhưng cùng với nghi lễ trà đạo, tôi có cảm giác mình đang “làm”… người Nhật! Nhật Bản hiện nay là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu, mở rộng giao lưu với nhiều nước trên thế giới. Nhưng bản thân người Nhật vẫn luôn có ý thức giữ gìn những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, “hòa nhập nhưng không hòa tan” mà nghi thức uống trà, mặc kimono là một biểu hiện sinh động.

 

Ở TP Kanatawa, đường phố hầu như không có bụi. Chính vì vậy, mọi người có thể thoải mái ra đường chứ không phải trùm kín mặt giống các “Ninja” như người Việt Nam mình ở các thành phố lớn. Xung quanh nhà của người Nhật thường trồng rất nhiều cây xanh và đặt nhiều chậu hoa. Bạn Izuki, học sinh trường Tatsumigakao, cho biết: Đó là cách đơn giản nhất để góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi được khuyến khích sử dụng túi giấy thay cho túi nilon. Vì nilon rất khó phân hủy và dù cho có phân hủy được thì chất độc hại trong bao nilon cũng gây tác hại xấu cho đất. Theo Izuki, chính phủ Nhật cũng đề ra phương án hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng xe riêng; phương tiện công cộng được cho là hiệu quả nhất.

 

Vì như vậy sẽ giảm thiểu lượng khí thải độc ra ngoài môi trường, không khí sẽ trong lành hơn. Một điều nữa, người dân được khuyên nên phân loại rác trước khi thải ra ngoài môi trường. Điều này tạo thuận lợi cho việc tái chế. Trong những ngày ở Ishikawa, tôi đã có dịp đến nhà máy chuyên xử lý rác thải và tận mắt chứng kiến quy trình ấy. Nhà máy này được đặt xa trung tâm thành phố. Máy móc cũng như công nghệ của họ rất hiện đại để  đảm bảo cho nguồn nước vào mỗi hộ gia đình là sạch và an toàn nhất. 

 

Người Nhật luôn luôn bận rộn. Trên đường phố Kanatawa, nhiều người  đi bộ rất nhanh như thể để bắt kịp với nhịp sống hối hả đang diễn ra hằng ngày. Một người dân Nhật tình cờ gặp trên đường cho tôi biết: Đi bộ vừa là để tập thể dục, vừa là bảo vệ môi trường… Phụ nữ đi làm thường mang giày cao gót, nhưng lại đi rất nhanh. Tôi mang giày thể thao mà đi theo không kịp. Rõ ràng, người Nhật ngày nay biết kết hợp khéo léo sự năng động, tự tin với phẩm chất cần cù, chịu khó vốn có từ ngàn xưa.

 

Tạm biệt Kanatawa, tôi nhớ lại câu nói của cha ông xưa: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.  Đi Nhật về không phải để rồi dè bỉu, chê bai nước mình. Nhật Bản có cái hay của họ, Việt Nam mình cũng có những nét đẹp riêng. Những cái hay, cái đẹp, mình nên học tập để từ đó trau dồi bản thân ngày càng tiến bộ, để làm thế nào sau này góp phần xây dựng quê hương phồn vinh, hiện đại hơn. Đó chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ vậy…

 

PHAN VŨ UYÊN TRANG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek