Nguyễn Đình Vượng khẳng định: “Viên đá có hình dáng bản đồ Việt
Anh Nguyễn Đình Vượng bên đôi bình “Thúy Kiều - Thúy Vân” - Ảnh: K.DUY
ĐÁ VÀ GỖ “ĐỘC”
Nằm ngay trung tâm thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, quán cà phê Thảo Nguyên tạo ấn tượng đặc biệt đối với khách. Không chỉ vì cà phê ngon, mà cách bài trí của quán cà phê này khá độc đáo, khiến người ta vừa thảnh thơi, thư giãn đầu óc, vừa thưởng thức nghệ thuật từ gỗ, đá. Trong khuôn viên quán rộng khoảng 200m2 có đến cả chục bộ bàn ghế đặc biệt bằng gỗ lũa, được chủ nhân đặt cho những cái tên theo tạo dáng, như: bộ khủng long, đại bàng, kim quy, lão tượng… Không chỉ vậy, lan can, tam cấp, sàn quán… cũng bằng gỗ nốt, cũng tạo dáng nghệ thuật và thiên nhiên. Bên cạnh những đồ sử dụng, còn có những đồ chỉ để ngắm, cũng bằng gỗ, không rõ loại gì, nhưng cái đánh pơ-mu bóng lộn, cái lại toàn lõi đen xù xì, đủ hình thù lạ mắt...
Nguyễn Đình Vượng, chủ nhân của Thảo Nguyên và những món “đồ chơi” nói trên, cho biết trong “vườn gỗ lũa” của mình, tác phẩm quý nhất, được đầu tư nhiều nhất là gốc cây hương đá cao hơn 2,5m, tạo thế tam sơn. Điều đặc biệt của tác phẩm này là nó được điêu khắc đúng theo phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ”. Vượng kể: “Một người bạn để lại gốc gỗ hương này cho tôi với giá “hữu nghị”, chỉ 500.000 đồng. Tôi mất ba năm để nghĩ mình nên làm gì với cái gốc cây khổng lồ và xù xì đó.
Cuối cùng thì như anh thấy, nó cũng nên hình nên vóc rồi”. Một tác phẩm khác là “Long phụng hòa minh”, bằng lõi cây lâu năm, tạo dáng hoàn toàn tự nhiên, được Nguyễn Đình Vượng treo như hai bức tranh, khá lạ mắt.
Không chỉ có gỗ “độc”, Nguyễn Đình Vượng còn có đá “độc”. Vừa rồi anh “nổi tiếng” vì viên đá có chiều cao khoảng 75cm, nơi rộng nhất 40cm, có hình dáng bản đồ Việt Nam tương đối hoàn chỉnh. Vượng cho biết anh mua lại viên đá này của những người thị trấn Hai Riêng, săn đá cảnh ở lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ vài tháng trước. Nguyễn Đình Vượng cũng có viên đá trên đó có phần vân nổi rất giống bản đồ châu Phi; đá hình rồng – phượng đang quấn quýt nhau. Lại có viên đá xám mà phần vân màu vàng lại hiện rõ một hình dáng thiếu nữ đang tắm, tên “Kiều tắm”. Vượng vừa khoe vừa đọc: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”...
CHƠI... THEO DÒNG THỜI SỰ
Điều đặc biệt ở Nguyễn Đình Vượng là anh chơi nghệ thuật theo… thời sự. Hưởng ứng Nghị quyết 32 của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông, Nguyễn Đình Vượng kiếm được một gốc sao, tạc hình hai cha con cùng đội mũ bảo hiểm, để trước cửa quán. Anh còn “chua” lên đó mấy câu thơ thế này: “Đội mũ bảo hiểm mọi nơi/ Tai nạn xe cộ không rơi vào mình/ Khách hàng tới quán Thảo Nguyên/ Có mũ bảo hiểm, chớ quên nơi này”. Để vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thế giới, Vượng kiếm được một viên đá cảnh có hình dáng giống bản đồ Việt Nam, nhờ người thực hiện một bức tranh đá trong đó có điểm nhấn là Vịnh Hạ Long. Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Mậu Thân, Vượng tìm gỗ quý làm tác phẩm “Đại bác”, thể hiện quân ta kéo đại bác ra chiến trường diệt địch. Dịp Thế vận hội Bắc Kinh, Nguyễn Đình Vượng lại “nghiên cứu” một tác phẩm gỗ lũa hình ngọn đuốc, đặt trên lưng một chú cá heo vượt đại dương…
Đuốc Olympic Bắc Kinh, đại bác bằng gỗ lũa ở quán cà phê Thảo Nguyên
Nguyễn Đình Vượng thổ lộ, anh đang ấp ủ hai “công trình lớn”. Một tác phẩm “theo dòng thời sự” dự kiến đặt tên là “1.000 năm Thăng Long”. “Tôi quê quán Hà Tây, bây giờ thuộc Hà Nội rồi. Làm con dân thì phải có hành động thiết thực hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chứ. Tôi đã có ý tưởng, đã tìm được “nguyên liệu”, giờ đang triển khai công trình nghệ thuật này” – Anh Vượng thổ lộ. Tác phẩm này gồm một con rồng dài 8m bằng rễ của một cây hương cổ thụ, một tượng vua Lý Công Uẩn được tạc từ cây gáo nước nặng 1 tấn...
“Công trình” thứ hai là một seri bình gỗ có tên “Nhân vật truyện Kiều”. Tùy theo tạo dáng của gỗ mà Nguyễn Đình Vượng nghĩ đến nhân vật nào đó trong Truyện Kiều, rồi đặt tên. Chẳng hạn chiếc bình Từ Hải thì có vẻ vạm vỡ như một lực sĩ, bình Kiều đứng một mình thì nhìn thấy ngay dáng e ấp của một cô gái... “Đến nay, tôi đã có khoảng chục chiếc bình trong seri “Nhân vật Truyện Kiều” rồi. Đó là Nguyễn Tiên Điền, vợ chồng Viên ngoại, đôi bình chị em Kiều – Vân, tứ bình chị em Thúy Kiều du xuân, Hồ Tôn Hiến, quan Tổng đốc... Còn nhiều nhân vật khác tôi đang cố đi tìm gỗ có dáng phù hợp để làm” – Nguyễn Đình Vượng cho biết.
Ông chủ quán cà phê Thảo Nguyên cho hay anh chưa bao giờ có ý định bán bất kỳ món “đồ chơi” nào của mình. Kể cả viên đá có hình bản đồ Việt Nam liên tục được những người chơi đá cảnh ở TP Hồ Chí Minh “đẩy” giá từ 60, lên 100 rồi 150 triệu đồng, Nguyễn Đình Vượng cũng không bán. Anh nói: “Tôi quý lũ “đồ chơi” này như con. Mình tìm kiếm chưa thỏa được niềm đam mê thì làm gì tính đến chuyện bán buôn!”.
QUỐC THANH
Nguyễn Đình Vượng cho biết anh mới bắt đầu chơi đồ gỗ lũa, đá cảnh từ năm 2001. “Hồi đó, tôi lập quán cà phê Thảo Nguyên, thấy… trống huơ trống hoác nên nghĩ đến chuyện tìm cái gì đó “lấp” cho đầy. Thấy nhiều gốc cây có thể tạo dáng được nhưng bị người ta bán làm củi, tôi tiếc nên hỏi mua”. Là một công chức, không có nhiều thời gian rảnh, nên cứ những ngày nghỉ cuối tuần, Nguyễn Đình Vượng lại đi tìm… gốc cây. Nghe bạn bè chỉ chỗ bán gốc cây có thể tạo dáng được là anh đi. Không chỉ những cánh rừng ở Sông Hinh, Vượng còn dong xe máy lên Đắk Lắk. Anh cũng hì hục đi săn đá cảnh ở các con suối Phèn, suối Lạch, sông Krông Hnăng, sông Ba... Nhờ vậy mà có “gia tài” gỗ lũa, đá cảnh của anh bây giờ khá phong phú. Nguyễn Đình Vượng tâm sự: “Thường thì tôi mua gốc cây với giá không cao lắm, có cái chẳng mất tiền. Nhưng tính đến nay thì đổ vốn vào đam mê này không phải nhỏ, tôi đã bán cả chục héc-ta đất rồi đó”.