Thứ Tư, 02/10/2024 21:17 CH
Mai này còn tiếng cuốc kêu?
Thứ Tư, 24/12/2008 18:30 CH

 

Nhiều người xem bẫy cuốc là một thú vui tiêu khiển giống như chọi gà, gác cu, nhưng cũng có nhiều người bẫy loại chim này để mưu sinh. Điều đáng lo ngại là với kiểu đánh bắt để kinh doanh, chim cuốc ngày càng vơi dần...

 

chung-081224.jpg
Những dụng cụ cần thiết cho chuyến giăng bẫy - Ảnh: Anh Ngọc

 

THÚ CHƠI LẮM CÔNG PHU

 

Hồi nhỏ, ông Năm Hạnh (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thường theo cha và những người trong xóm đi bẫy cuốc; từ đó, ông đam mê loài chim này. Đến nay đã 62 tuổi, nhưng trong nhà ông không bao giờ vắng tiếng kêu của chim cuốc, lúc nào cũng có vài ba con. Ông Năm cho biết: Chim cuốc bẫy được đem về nuôi đa số đều chết, nên muốn có con cuốc mồi để đi bẫy thì phải nuôi nó từ nhỏ hoặc mua lại của người khác đã nuôi sẵn.

 

Ở Phú Yên hiện chưa có nơi nào bán cuốc con giống, muốn mua phải vào Ninh Hòa (Khánh Hòa) hoặc ra Tây Sơn (Bình Định), Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi)… “Cách đây 4 năm, tôi ra Mộ Đức mua một cặp cuốc con sáu tháng tuổi với giá 600.000 đồng đem về nuôi. Sáu tháng sau, tôi dùng chúng làm cuốc mồi để đi bẫy. Vừa rồi có người đến mua một con với giá 1,4 triệu đồng” - ông Hạnh cho biết.

 

Cũng theo ông Năm Hạnh, để nuôi được con cuốc mồi hay không phải chuyện dễ. Khi cuốc còn nhỏ, phải cho ăn thằn lằn, nhái, thịt bò… để “thúc” cho mau lớn, mau thay lông, thường xuyên cho nó tắm giặt bộ lông. Nơi ở của chúng cũng phải cao ráo, thoáng mát. Đặc biệt, phải tập cho cuốc dạn – đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để có con cuốc mồi hay. Một con cuốc mồi hay, ít nhất phải đạt được các tiêu chí, như: dạn, kêu tầm canh (kêu liên hồi, nghỉ, rồi kêu lại), khi cất tiếng kêu, các con cuốc khác nghe sẽ xông vào đá.

 

Ngoài ra, chỉ có dân trong nghề, khi nghe tiếng cuốc kêu mới phân biệt được cuốc hay hoặc cuốc bình thường và cũng từ tiếng kêu này có thể biết được con trống hoặc con mái… Những con cuốc hay như vậy người ta có thể mua với giá trên 3 triệu đồng. Ông Hạnh kể: Cách đây đã lâu, ông nghe người ta bảo ở Phú Sen (xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa) có người nuôi con cuốc rất hay, ông tìm đến hỏi mua nhưng chủ không bán. Ông kiên trì năn nỉ mãi, cuối cùng cũng mua được với giá rất cao, đến hai chỉ rưỡi vàng y. Số vàng trên là ông mượn của người em, khi bán bầy heo con 7 con để trả nợ thì vợ ông mới biết chuyện… Cũng từ đó, vợ ông đã cảm thông, cùng sẻ chia niềm đam mê của chồng. Trong một lần đi bẫy, người con trai của ông không quan sát kỹ, nên đặt bẫy gần tổ ong lỗ. Khi sập bẫy, con cuốc mắc bẫy vùng vẫy rất mạnh, nên bầy ong bay ra đốt chết. Lúc đó, người con buồn một, ông Năm buồn đến mười, vì từ khi mê chim cuốc đến giờ, ông chưa gặp con cuốc nào hay như vậy.  

 

Ngày xưa chim cuốc nhiều, người ta thường dùng bẫy lỗ (còn gọi là bẫy càng) để bẫy cuốc. Chỉ cần một sợi nhợ và quan sát đường đi của chúng ở những bờ tre. Đào một cái lỗ sâu khoảng 5-7cm, đường kính khoảng 7cm ngay trên đường đi của chim cuốc. Một đầu sợi nhợ cột vào nhánh tre gần đó (đọt nhánh tre này khi kéo cung xuống, nó phải nằm ngay trên cái lỗ vừa đào), đầu kia thắt vòng theo kiểu thắt cổ chó và đặt vòng dây này xung quanh cái lỗ vừa đào. Bên trong cái lỗ, dùng một chiếc que xuyên thủng con dế rồi cắm xuống lỗ, đồng thời chiếc que này cột dính vào cái vòng kia. Khi con cuốc mổ con dế ăn, thì chiếc que kia bật lên và chiếc vòng thắt cổ chó sẽ thít cổ con cuốc lại. Bẫy lỗ thường chỉ thít cổ con mồi, nhưng cũng có khi dính chân… Tuy nhiên đi bẫy cuốc bằng bẫy lỗ ít thú vị hơn bẫy lồng.

 

Ông Trương Văn Tốc (ở cùng xã với ông Năm Hạnh) cho biết: Bẫy lồng rất thú vị, nó giống như đi gác cu vậy. Song chiếc lồng dùng để bẫy cuốc nó khác hơn chiếc lồng bẫy cu gáy. Cũng che chắn lá cây hoặc bằng vải bao bọc xung quanh lồng, cũng có màn rập… nhưng chiếc lồng bẫy cuốc có đến hai rập ở hai bên. Ở màn rập của chiếc lồng bẫy cu gáy, người ta dùng một nhánh cây, khi con cu gáy đậu vào thì màn rập sẽ sập xuống. Còn ở chiếc lồng bẫy cuốc, người ta dùng một tấm đan bằng sợi dây thép nhỏ, diện tích của nó nhỏ hơn và nằm trọn trong màn rập, đồng thời bẫy lồng được đặt ở dưới đất, cạnh những lối đi của chúng. Ông Tốc giải thích: Con cu gáy rất nhát, khi áp sát vào cu mồi, nó thường bay lượn xung quanh, tìm những nhánh cây mà đậu. Do đó, trong màn rập, người ta thường dùng nhánh cây. Còn ở chim cuốc thì điều này không quan trọng, bởi khi nghe cuốc mồi kêu, cuốc đồng sẽ áp sát lại và xông vào đá, nên tấm đan có diện tích càng lớn càng tốt… Người đi bẫy mê nhất là lúc đặt bẫy xong, ngồi rình, khích cho cuốc mồi kêu “cu-ốc… cu-ốc”, cuốc đồng nghe, tìm đến, lượn mấy vòng rồi xông vào đá… sập bẫy. Niềm đam mê này khiến nhiều người quên ăn, bỏ ngủ. Theo ông Tốc thì ông mê bẫy cuốc còn hơn xem chọi gà. Thường thường vào độ khoảng 8-9 giờ sáng là ông mang bẫy đi và có khi đến 4 giờ chiều mới về đến nhà, nên bỏ ăn và bỏ luôn cả giấc ngủ trưa.

 

Người ta có thể bẫy cuốc quanh năm,  mùa nào cũng được; song bẫy hiệu quả nhất là mùa hè, thời gian này là mùa sinh sản của chim cuốc hoặc từ mùa đông đến mùa xuân, vì thời điểm này con cuốc ngoài đồng rất sung nên háu đá. Một ngày có thể bẫy được từ 5-10 con. Đa số cuốc bẫy được đem về làm thịt, vì nuôi chúng không sống.

 

LƯỚI CUỐC, CUỐC KÊU... TRỜI!

 

Theo người ta điềm chỉ, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tám (*) ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa để tìm hiểu về công nghệ bẫy cuốc bằng lưới. Anh Tám giới thiệu sơ qua những dụng cụ cần thiết cho một chuyến giăng bẫy: Một tấm lưới dài 30m, cao 4m; ba cọc tre để giăng lưới, mỗi cọc dài khoảng 6m; bốn chiếc chuông tự chế (giống như chuông người ta bán cà rem) dùng để mắc vào lưới, sẽ phát ra tiếng kêu khi cuốc dính lưới; đèn pin, bình ắc quy, máy cassette độ lại bộ phận khuếch đại âm thanh, kèm theo loa công suất lớn và những cuộn băng cassette ghi âm tiếng kêu của chim cuốc… Lưới cuốc thường là cỡ lưới 3 (nắm hai mắt lưới của một lỗ lưới ta căng ra có chiều dài là 6cm), dùng cước 18 để đan lưới, vì loại cước này rất mảnh, dễ dính khi con mồi sa lưới. Hiện nay người ta thường dùng loại lưới bằng sợi nhợ nylon vì khó rách nhưng dễ dính do đó giá thành của nó cũng đắt hơn. Đặc biệt, cuộn băng cassette ghi âm tiếng kêu của chim cuốc phải là tiếng cuốc thật thì mới hiệu quả. Anh Tám kể: “Tôi làm “nghề” này lâu rồi, khi đó giăng lưới xong thì dùng miệng hoặc chiếc còi bằng ống tre thổi giả tiếng cuốc, do không giống nên ít hiệu quả. Sau đó người ta mới nghĩ ra dùng máy ghi âm tiêng cuốc. Khoảng năm 1993, tôi ra Bình Định sang lại cuộn băng ghi âm tiếng kêu chim cuốc với giá gần 200.000 đồng. Tuy giá băng cassette thu giọng cuốc khá đắt, nhưng cánh thợ bẫy cuốc vẫn tìm mua vì tính hiệu quả cao. Hiện nay chỉ cần đến những nơi sang băng, đĩa thì có đầy đủ với giá khoảng 15.000 đồng một cuộn băng”.

 

chung2-081224.jpg
Anh Tám đang gỡ một con cuốc mắc lưới

 

Anh Tám hẹn chiều đến nhà sẽ cho tôi theo. Khoảng 18g xuất phát, đi cùng với chúng tôi còn có anh Thanh (*) - gần nhà anh Tám. Nơi chúng tôi giăng bẫy là khu vực rừng dương phòng hộ ven biển ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Đến nơi khoảng 19g, chọn một khoảng đất trống, chúng tôi bắt đầu giăng bẫy. Vì trời êm gió nên chỉ cần hai cọc tre. Lưới được giăng cách mặt đất khoảng 0,7m và giăng theo kiểu như lưới bóng chuyền. Ngoài hai viền trên, dưới, người ta dùng một sợi cước lớn để làm viền giữa. Khi giăng lưới sẽ tạo hai cái bọc chạy dọc theo chiều dài tấm lưới, đồng thời lưới giăng phải có độ chùng nhất định để khi sa bẫy, lưới sẽ bọc trọn con mồi. Cách bẫy khoảng 10m, dựng tạm cái chòi nhằm đề phòng trời mưa, đồng thời đặt máy cassette ở đây và kéo sợi dây điện ra giữa tấm lưới để mắc loa. Anh Tám giải thích: Tùy theo địa thế, hướng gió, độ dài của lưới và hướng đi của chim mà ta giăng lưới theo đường thẳng hoặc theo hình chữ L. Thường thì giăng vuông góc với hướng gió và hướng đi của chim… Xong công việc, chúng tôi tập trung vào chòi và mở máy. Tiếng kêu “cu-ốc… cu-ốc” từ chiếc loa phát đi rất xa. Theo anh Tám thì bắt đầu vào mùa đông, chim cuốc từ phương Bắc di trú vào Nam để tránh rét. Đồng thời mùa biển động, các loài chim ở ngoài các đảo di trú vào đất liền. Nắm được đặc điểm này mà cánh thợ bẫy chim “hành nghề” đúng vào thời điểm chim di trú.

 

Chúng tôi ngồi trong chòi hút thuốc, trò chuyện, bỗng có tiếng kêu leng keng, anh Thanh vừa chạy vừa nói với lại: “Có chim mắc bẫy…”. Đây là con cuốc dính bẫy đầu tiên, lúc đó tôi nhìn đồng hồ đã hơn 12g đêm. Thỉnh thoảng lại có tiếng kêu leng keng từ những chiếc chuông là biết có chim sa lưới. Vì cuối mùa chim di trú nên đêm nay chúng tôi bắt không được nhiều. Anh Tám kể, cách đây hơn một tháng, nhóm của anh giăng bẫy cũng ở địa điểm này, có đêm gặp luồng chim đi, bắt gần cả trăm con. Đa số là chim cuốc, ngoài ra còn bắt được cả vạc, cò, ấp muỗi, cú mèo… Số chim đánh bắt được mang về làm thịt, nếu số lượng nhiều thì đem ra chợ hoặc đến những quán nhậu bán với giá khoảng 8.000-10.000 đồng một con.

 

Không biết đến ngày nào đó chim cuốc được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam, nhưng với kiểu đánh bắt thế này, sau những mùa chim di trú, số lượng chim cuốc còn lại hẳn sẽ vơi đi nhiều lắm. Trên đường cùng những người giăng lưới cuốc trở về, tôi cứ phân vân mãi. Liệu rồi những người như ông Tốc, ông Hạnh… có còn tìm thấy niềm đam mê từ chim cuốc nữa không?

—————————

(*): Họ tên nhân vật đã được thay đổi.      

    

ANH NGỌC

Chim cuốc

Tên Việt Nam là cuốc ngực trắng; tên khoa học Amaurornis phoenicurus chinensis; họ gà nước Rallidae; bộ sếu Gruiformes; nhóm chim. Chim cuốc thường sống ở những vùng đất ngập nước, trong các lùm cây, bụi rậm, bờ tre… Chúng kiếm ăn ở các bờ ao, bờ sông, ruộng lúa, nơi có đầm nước, hồ sen hay những đám cỏ mọc rậm rạp… Chim cuốc bơi lặn rất giỏi và chạy, lủi rất nhanh nên người ta đặt cho cái từ “nhanh như cuốc lủi”. Lưng và cánh có màu nâu sẫm, phía dưới cổ đến bụng lông trắng, đuôi ngắn lông nâu đen. Chim cuốc trưởng thành, thường thì con trống lớn hơn và có mỏ dài hơn con mái. Trọng lượng chim cuốc nặng khoảng ba, bốn trăm gram. Tiếng kêu “cuốc… cuốc” liên hồi, nhiều khi kêu thất thanh và cũng có khi tiếng kêu rất khắc khoải làm não lòng người. Mùa sinh sản bắt đầu từ tháng tư, khi nghe cuốc kêu là lúc sắp đẻ trứng. Đây là thời điểm mà những cánh đồng lúa vừa mới gặt xong, thức ăn rất dồi dào. Thức ăn chủ yếu là các loại con trùng, cá nhỏ, các loài nhuyễn thể, nhái, cào cào, hạt cỏ, lúa…

                    

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek