Đầu tháng 1 năm 1975, trước Tết Ất Mão hơn một tháng, hoa đào Hà Nội đã bắt đầu nở, chín anh em phóng viên chúng tôi được mời lên gặp Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân. Đồng chí Nguyễn Đình Ước, Tổng biên tập và hai đồng chí Phó Tổng biên tập Trần Công Mân, Trần Minh Bắc có mặt đầy đủ. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình gia đình từng người, với giọng trầm trầm và thân ái, đồng chí tổng biên tập nói:
Nữ tướng Nguyễn Thị Định về thăm nơi xuất phát tàu vận chuyển vũ khí về Nam cuối năm 1946 tại cửa sông Đà Rằng (phường 6, thị xã Tuy Hòa) năm 1982. |
- Việc cử phóng viên đi chiến trường, Ban biên tập đã thông báo cho các đồng chí biết để làm công tác chuẩn bị đã mấy tháng nay. Chấp hành chỉ thị của Tổng cục chính trị, để chuẩn bị cho năm nay – năm 1975 – toàn miền
Đồng chí Nguyễn Đình Ước dừng lại trìu mến nhìn khắp lượt chín anh em phóng viên chúng tôi rồi nói tiếp:
- Ban biên tập nhất trí phân công cụ thể như sau: Tổ phóng viên đi chiến trường Quân khu 9 là Tô Phương, Cao Tiến Lê và Trọng Lượng, do đồng chí Tô Phương làm Tổ trưởng. Tổ phóng viên đi chiến trường Quân khu 8 là Tô Vân, Thiều Quang Biên và Vũ Đạt, do đồng chí Tô Vân làm Tổ trưởng. Tổ phóng viên đi chiến trường Quân Khu 6 là Trần Hữu Tòng, Hà Đình Cẩn và Anh Ngọc, do đồng chí Trần Hữu Tòng làm Tổ trưởng.
Ngày hôm sau chúng tôi lên đường vào chiến trường. Là phóng viên Báo Quân đội ra mặt trận làm nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng chưa có lần nào lại oai như lần này – đi bằng xe ô tô ngay từ Hà Nội.
Xe chạy mải miết. Ở những đoạn đường phía bắc còn tốt, xe chúng tôi vượt binh trạm, ai cũng muốn xe chạy thật nhanh, đến chiến trường sớm để kịp tham dự trọn vẹn chiến dịch.
Qua Dốc Miếu, vượt cầu Đông Hà, chúng tôi tạm dừng lại cạnh con sông Cam Lộ, nước mùa này trong xanh chảy vòng quanh theo các triền núi để nhường đường cho các binh đoàn bộ đội chủ lực hành quân vào chiến trường phía nam. Từng đoàn xe tăng, xe bọc thép chở các loại đặc chủng, xe kéo pháo cao xạ, pháo binh mặt đất xen kẽ giữa đội hình của những đoàn xe chở bộ binh hối hả vượt lên.
Vào đến binh trạm 12 ở Mường Nòn, quân đi vào và quân đi ra gặp nhau đông như ngày hội, lán trại không đủ chỗ, chúng tôi mắc võng ni-lông ngoài trảng rừng. Hôm sau, sương núi còn đóng băng dày đặc trên những tán cây, đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Tạm biệt ngã ba Đông Dương. Tạm biệt cao nguyên Pô-lê-ven và rừng khoọp, rừng săng lẻ của Hạ Lào để đi về các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.
Máy bay UV10 vẫn ve ve trên bầu trời. Đơn vị pháo cao xạ, 37 ly phục kích ở sông Xê Ru đã nổ súng bắn máy bay địch ném bom xuống ngầm Xê Ru, một chiếc trúng đạn bốc cháy, rơi lả tả từng mảnh, rồi đâm đầu xuống bên kia sườn núi Yên Ngựa. Xa xa những tràng bom tọa độ của máy bay B52 nổ rung chuyển cả núi rừng.
Chúng tôi đang ăn cơm trưa dưới tán rừng khoọp thì được tin đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đến thăm. Mọi người rất xúc động không ăn được nữa, chạy ra cổng trạm đón đồng chí Phó tư lệnh. Cô Ba Định tươi cười rất đôn hậu, nắm chặt tay từng người và ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người. Cô Ba Định nói:
- Tôi cũng như các đồng chí, chúng ta đang đi ra mặt trận. Mùa xuân này nhất định chúng ta sẽ đánh to, thắng lớn. Các đồng chí đang đi vào chiến trường, xem lại có còn thiếu thốn gì nữa không? Tôi sẽ ra lệnh cho binh trạm này cấp phát đầy đủ mọi thứ yêu cầu cho các đồng chí. Tôi đã kiểm tra tất cả các binh trạm trên đường Trường Sơn, nói chung, anh em đã làm việc hết sức mình, không ngại hy sinh, gian khổ vì một mục tiêu là chiến thắng. Các đồng chí là nhà báo, chắc các đồng chí đã ghi nhận được điều đó. Chúc các đồng chí mạnh khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tôi thay mặt chín anh em trong đoàn phóng viên Báo Quân đội nhân dân xúc động nói:
- Kính thưa cô Ba Định, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền
Trước lúc chia tay, cô Ba Định gặp riêng tôi thân mật hỏi:
- Tôi nghe đồng chí nói giọng ở miền
- Thưa Phó tư lệnh, quê tôi ở tỉnh Phú Yên!
Tôi thấy ánh mắt cô Ba Định nhìn tôi bỗng sáng lên. Cô Ba Định nói với giọng rất mừng:
- A! Đồng chí tên gì, là người quê ở tỉnh Phú Yên ư?
- Dạ thưa Phó tư lệnh! Tôi tên là Tô Phương, quê ở xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên!
Cô Ba Định nắm chặt tay tôi hồi lâu và xúc động nói:
- Năm 1946, tôi đã ở tỉnh Phú Yên khá lâu ngày để lo việc tiếp nhận vũ khí của cấp trên và chuẩn bị bến bãi, tàu thuyền để đưa vũ khí vào Nam Bộ bằng đường biển. Mấy lần tôi đã đi xe ngựa từ thị xã Tuy Hòa ra huyện Đồng Xuân quê hương của đồng chí. Tôi nhớ rõ, sau Tết Nguyên đán bà con nông dân dựng rất nhiều che ép mía để nấu đường cát trắng. Khắp các nẻo làng đều thơm mùi đường ngọt lịm. Tôi về vùng biển Tiên Châu xã An Ninh, huyện Tuy An. Bà con ở đây làm nghề đánh bắt hải sản và làm nghề ép nước mắm bằng cá cơm. Hồi đó nước mắm nhỉ ở Tiên Châu đã nổi tiếng khắp tỉnh rồi. Đợt công tác ở thôn Tiên Châu khá dài. Hội mẹ chiến sĩ ở đó nuôi nấng và bảo vệ tôi. Tôi bị ốm nặng, các mẹ phân công nhau chăm sóc tận tình, chu đáo. Thấy tôi thiếu áo quần để thay đổi cho thoải mái, các mẹ góp tiền may cho tôi hai bộ đồ bà ba một lúc và còn mua cho tôi một cái áo ấm phòng khi trái gió trở trời. Tấm lòng của bà con cô bác Phú Yên thật là trời cao, biển rộng, tôi luôn luôn ghi lòng tạc dạ. Tôi thầm nghĩ sau ngày hòa bình thống nhất nước nhà, nếu còn sống đến đó, tôi sẽ trở lại Phú Yên để thăm lại vùng đất trung kiên và bất khuất, để cám ơn cán bộ và nhân dân Phú Yên đã nuôi nấng, đùm bọc, che chở tôi trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi tôi mới ngoài hai mươi tuổi.
Những lời tâm sự của cô Ba Định làm tôi không cầm được nước mắt.
* * *
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 trong một gia đình nông dân tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi (1936) trong phong trào Đông Dương. Đại hội tháng 10/1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, bà bị địch bắt đày lên Bà Rá. Trong những năm tháng bị lưu đày ở vùng Bà Rá ma thiêng nước độc, bà Định có nhiều giai thoại đấu tranh rất lý thú đã từng được nhà văn Nguyên Hùng ghi lại trong tập sách “Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng” (1).
Đoàn phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân đi chiến trường miền Nam gặp Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đường Trường Sơn dịp Tết Ất Mão đầu tháng 1/1975. Từ trái sang phải: Cao Tiến Lê, Trần Hữu Tòng, Nguyễn Trọng Lượng, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Hà Đình Cẩn, Tô Vân, Tô Phương, Anh Ngọc, Thiều Quang Biên. |
Chuyện kể rằng, chúa ngục Bà Rá - đại úy D’Ersnt (anh chị em tù gọi là thằng Đẹt) là một tên ác ôn khát máu. Đẹt nuôi một con chó berger đặt tên là Nam Kỳ chuyên uống máu tươi của những người tù vượt ngục không may bị bắt lại. Tên Đẹt hành hình công khai tù vượt ngục bằng cách cho chó săn giết tù và uống máu tù nhằm trấn áp tinh thần những người tù bất khuất tìm cách vượt ngục. Thấy ánh mắt căm thù của chị em tù chính trị, tên Đẹt nắn gân bằng cách bắt người nữ tù cứng đầu cứng cổ Nguyễn Thị Định cầm chai rượu đưa lên cao khỏi đầu cho nó tập bắn. Rất nhiều người tù xanh mặt vì trò đùa chết người của tên chúa ngục bởi chỉ nhích bàn tay một chút là đi đứt một mạng người.
Bà Định bình thản nói thẳng vào mặt tên Đẹt: “Theo đúng luật, ông không có quyền bắt tù chính trị làm trò chơi nguy hiểm này. Nhưng để chứng tỏ là chúng tôi không sợ chết, tôi vui lòng cầm chai cho ông bắn, nhưng chỉ một lần này thôi” và ung dung cầm chai bước tới vạch ghi sẵn, bình tĩnh đưa cao chai lên khỏi đầu cho tên chúa ngục bắn. Hành động quả cảm này làm cho tên Đẹt trọng nể nhóm nữ tù chính trị bị lưu đày ở ngục Bà Rá. Trong trại nữ tù chính trị, có các chị Nguyễn Thị Lựu (tức Tựu), Xuân Hồng (vợ anh Nguyễn Công Trung, đầu năm 1941 đã vượt ngục Tà Lài trong nhóm tám người do giáo sư Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đứng đầu), chị Ri (vợ nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn bị đày Côn Đảo)... chứng kiến tấm gương đấu tranh kiên cường bất khuất của bà Định, chị em nữ tù càng củng cố niềm tin lý tưởng, trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng ở Nam bộ.
Năm 1943, Nguyễn Thị Định ra tù, tiếp tục hoạt động tại địa phương Bến Tre. Năm 1944, bà tham gia vận động quần chúng theo chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh. Năm 1945, Nguyễn Thị Định tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh Bến Tre và được bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc tỉnh. Năm 1946, bà được tổ chức cử ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Bà được gặp Chính phủ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi yêu cầu của bà đều được Bác Hồ và Trung ương giải quyết. Trung ương hình thành đường dây vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam Bộ do bà Nguyễn Thị Định đề xuất và phụ trách tổ chức thực hiện, lấy vùng tự do Khu 5 làm trung chuyển.
Từ Hà Nội bà lặn lội vào Quảng Ngãi làm việc với Khu ủy V và vào Phú Yên tổ chức bến bãi vận chuyển. Tại Quảng Ngãi và Phú Yên, bà gặp gỡ giác ngộ đồng chí Phạm Ngọc Thảo tham gia Việt Minh, trở thành trung đoàn phó và sau này là cán bộ tình báo xuất sắc của ta trong kháng chiến chống Mỹ (Phạm Ngọc Thảo là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết và bộ phim nhiều tập “Ván bài lật ngửa” của nhà văn Trần Bạch Đằng) (2).
Từ Quảng Ngãi, bà nhận vũ khí rồi vận chuyển bằng tàu lửa vào ga Tuy Hòa, Phú Yên. Tại Phú Yên, dựa vào sự giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân địa phương, bà dành thời gian khảo sát các bến bãi từ vùng biển Gành Đỏ đến Tiên Châu và sau cùng chọn bến xuất phát ở bến cá Phú Câu cửa biển Đà Diễn (phường 6, thị xã Tuy Hòa).
Trong thời gian chờ mùa gió bấc để xuất bến, bà Định tham gia công tác vận động quần chúng ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên cùng dân quân du kích luyện tập quân sự và tập bơi lội, bơi thúng chai, bơi xuồng trên sông Đà Rằng. Bà Định được bố trí ở nhà bà Châu Thị Nghĩa và bà Phan Thị Nhì - Hội trưởng và Hội phó Hội Phụ nữ và Hội mẹ, chị chiến sĩ phường 6 (nay là số nhà 285 và 248 đường Nguyễn Công Trứ, TP Tuy Hòa). Bà Định đã nhiều lần bơi thuyền thúng vượt sông Đà Rằng ở đoạn cửa sông để quen dần với sóng gió. Với sự giúp đỡ của quân dân Tuy Hòa, bà Định chỉ huy việc đóng tàu có thể chở được 12 tấn vũ khí và chọn người giúp sức vận chuyển vũ khí về Bến Tre. Vận chuyển vũ khí vào
Các chuyến tiếp tế vũ khí ấy giúp bộ đội ta trang bị tốt hơn và đủ sức giáng cho địch những đòn trừng phạt nặng nề. Với thành tích này, năm 1947 bà Định được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre.
Đoàn cán bộ, phóng viên Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên thăm khu di tích lịch sử về nữ tướng Nguyễn Thị Định tại tỉnh Bến Tre – Ảnh: P.V |
Phú Yên - quê hương tôi - có Vũng Rô được cả nước và cả kẻ thù biết đến là một trong những bến tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển. Sự kiện Vũng Rô đầu năm 1965 làm cho kẻ thù sửng sốt, choáng váng về sự chi viện vũ khí bằng đường biển của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Ít ai biết được rằng tại Phú Yên trong mùa đông năm 1946 - nữ tướng Nguyễn Thị Định được Trung ương và Bác Hồ giao sứ mệnh vận chuyển vũ khí vào Nam bằng những thuyền buồm giữa mùa biển động. Đó là chiến công đầu đời nhuốm màu huyền thoại của vị nữ tướng duy nhất của quân đội ta trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thế kỷ XX.
Chiến công đầu đời vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Nam bộ bằng đường biển của bà Định được nhân rộng cách làm bằng các con tàu vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam bộ do lão đồng chí Dương Quang Đông phụ trách trong kháng chiến chống Pháp và mở đường 759 (đường mòn Hồ Chí Minh trên biển) trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau Hiệp định Giơ ne vơ, bà được phân công ở lại hoạt động ở Bến Tre, được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy bí mật. Bà là vị lãnh đạo chủ chốt của phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Khu ủy viên Khu 8 và năm 1965 được cử làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam phụ trách phong trào chiến tranh du kích.
Vị nữ tướng duy nhất của quân đội ta có vô vàn những huyền thoại trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động và phong phú. Chuyện kể rằng, thực hiện Nghị quyết 15, Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo phong trào Đồng khởi nổ ra ngày 17/1/1960 tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày - Bến Tre. Mười ngày sau, ngày 26/1/1960, Mỹ - Diệm hốt hoảng đưa 12.000 quân về Bến Tre đàn áp dập tắt phong trào. Bà Định chỉ đạo bà con dùng 200 xuồng thồ 5000 chị em tản cư ngược vô thị trấn Mỏ Cày đòi quận trưởng rút quân. Cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài diễn biến gay go giằng co trong 12 ngày. Ngày 10/3/1960, tên đại tá Nguyễn Văn Y - từng là Tổng giám đốc công an - chỉ huy cuộc đàn áp giở trò lưu manh ra lệnh cho lính ngụy cởi quần để làm nhục chị em đang xuống đường. Chị em ta cũng không vừa, đáp trả tương tự và đồng thanh hô to: “Cho tụi bay coi mặt Ngô Tổng thống nè”. Bọn lính bị quê, tháo lui. Tên đại tá Y mắc cỡ vọt lên trực thăng và ra lệnh rút quân.
Sau thắng lợi ở Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức đồng khởi ở huyện Giồng Trôm và sau đó Xứ ủy Nam bộ quyết định Đồng khởi toàn Nam Bộ (3). Khí thế đồng khởi Nam Bộ khởi đầu từ Bến Tre lan ra miền Trung và cuộc Đồng khởi ở xã Hòa Thịnh (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) ngày 20/12/1960 mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở đồng bằng Khu V.
Đồng khởi Bến Tre đã mở ra hình thức đấu tranh “ba mũi giáp công” xuất phát từ thực tế chống càn ở huyện Mỏ Cày. Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá rất cao “đội quân tóc dài” sử dụng hiệu quả phương thức tản cư ngược” tràn ngập thị trấn Mỏ Cày với khí thế đấu tranh ngất trời, giữa tiếng súng là tiếng hô khẩu hiệu chính trị và lời kêu gọi binh sĩ địch. Thực tiễn sáng tạo ấy đi vào lịch sử. Sau Đồng khởi Bến Tre, ta áp dụng đại trà chiến thuật ba mũi giáp công, cùng lúc đánh địch cả về chính trị, quân sự và binh vận. Sáng tạo ấy có công rất lớn của tài năng quân sự Nguyễn Thị Định. Sau Đồng khởi Bến Tre, bà được tín nhiệm bầu vào cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Khu ủy viên Khu 8 (5/1961) phụ trách dân vận. Năm 1965, bà được bầu giữ chức Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam phụ trách phong trào chiến tranh du kích.
Nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng trong bài viết “Chị Ba Định - cảm ơn chị” ngày 12/9/1992 đã đánh giá rất cao rằng với việc hình thành phương thức đấu tranh mới “đồng khởi”, “ba mũi giáp công”, nữ tướng Nguyễn Thị Định với tài năng bẩm sinh đã đóng góp khá lớn vào quá trình hình thành và hoàn chỉnh lý luận cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bà là vị nữ tướng duy nhất của dân tộc ở thời đại Hồ Chí Minh. Một vị tướng từ lòng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và sống mãi trong lòng dân.
Sau ngày giải phóng, nữ tướng Nguyễn Thị Định nhiều lần về thăm Phú Yên, thực hiện ước vọng mà Phó tư lệnh đã suy nghĩ lâu nay cũng như lời cô Ba Định nói với tôi ở đường Trường Sơn mùa xuân năm 1975. Trở lại cửa biển Đà Diễn thăm đồng đội và nhân dân một thời giúp bà lập nên chiến công đầu đời vận chuyển vũ khí vào
Tháng 7/1992, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Định về Quảng Ngãi và Phú Yên kiểm tra bầu cử Quốc hội khóa VII nhưng mục đích chủ yếu của chuyến thăm là gặp gỡ đồng đội và bà con thân thuộc đã sát cánh với mình trong quá khứ hào hùng. Về Phú Yên, nữ tướng Nguyễn Thị Định luôn nói rằng: “Phú Yên như quê hương thứ hai, không về chuyến này tôi ân hận lắm” (4). Trong chuyến về thăm Phú Yên lần này, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã thăm đập Đồng Cam, thắp hương tưởng niệm những người bị nạn trong quá trình xây dựng con đập, trồng cây lưu niệm và đánh giá cao mạch nước Đồng Cam tưới mát ruộng đồng, trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ sông Ba, làm nên vựa lúa Tuy Hòa, dạ dày kháng chiến của Phú Yên, của Khu V trong hai cuộc chiến tranh. Bà đã dành thời gian thăm bà con dân tộc ở buôn Hố Hầm (Lỗ Rong - Hòa Hội - huyện Phú Hòa) - nơi bà đã cùng quân dân Phú Yên đốn cây làm thuyền để vận chuyển vũ khí cuối năm 1946. Bà đã về thăm thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan và cửa biển Tiên Châu (Tuy An - Phú Yên) nơi bà tham gia phát động quần chúng và khảo sát tìm bến bãi tập kết vũ khí.
Trong bữa cơm thân mật với lãnh đạo và bà con địa phương tại Xí nghiệp chế biến hải sản, bà yêu cầu một món thôi: sò huyết Đầm Ô Loan.
Bà thưởng thức sò huyết vừa dân dã và điệu nghệ như những ngư dân thực thụ và nhận xét: “Các cậu mới vớt sò huyết tối hôm qua”. Đồng chí Huỳnh Trúc - Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Ngô Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Tuy An ồ lên thích thú: “Sao chị Ba biết?”. Bà vui vẻ trả lời: “Ngâm nhả bùn còn ít nên sò huyết chưa nhả hết cát. Tôi đã thưởng thức sò huyết Đầm Ô Loan mấy tháng liền hồi năm 1946 và hương vị đặc biệt của nó có thể nói là ngon nhất nước”. Trong câu chuyện ân tình, bà kể nhiều kỷ niệm về những ngày tháng hoạt động ở Tuy An, về lòng dân, tình dân và sức dân vĩ đại trong hai cuộc chiến tranh.
Như một linh tính trước lúc đi xa, chỉ hơn một tháng sau, ngày 26/8/1992, vị nữ tướng duy nhất thời đại Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng và vị tướng huyền thoại ấy bất tử trong lòng nhân dân.
(1)
(2) Trần Bạch Đằng, Kẻ sĩ Gia Định, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2005, trang 330.
(3) Nguyên Hùng, sách đã dẫn, trang 200
(4) Báo Phú Yên, thương tiếc cô Ba Định, ngày 30/8/1992
Truyện ký của TÔ PHƯƠNG