Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trung đoàn Không quân 910 anh hùng (3/11/1958 - 3/11/2008) hôm ấy, nhiều người chú ý đến một ông già nhỏ nhắn mặc quân phục với hàng huân chương lấp lánh trên ngực. Ở cái tuổi gần 80 nhưng ông vẫn rất quắc thước, minh mẫn và trò chuyện sôi nổi với đồng chí, đồng đội về những vui buồn của một thời trận mạc bi hùng chưa xa. Đó là đại tá phi công Lâm Văn Lích, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910...
Đại tá anh hùng Lâm Văn Lích đang chỉ vào chân dung thời trẻ của mình trưng bày tại Phòng Truyền thống Trung đoàn không quân 910 - Ảnh: D.T.XUÂN
Đại tá Lâm Văn Lích sinh năm 1932 tại xã Định Thành, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Tắc Vân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Khi mới 13 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trinh sát cho đội du kích xã. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được tuyển chọn học lái máy bay ở Liêu Ninh, Trung Quốc, là khóa phi công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt
Trong cuộc đời hơn 30 năm tham gia bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc, đại tá Lâm Văn Lích nhớ mãi kỷ niệm chiến đấu đêm 3/2/1966. Đêm ấy, khi các đồng đội trong Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 vào hội trường kỷ niệm 36 năm ngày sinh nhật Đảng và 2 năm ngày thành lập đơn vị, phi công Lâm Văn Lích nhận nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Khi Sở chỉ huy báo tin có máy bay địch xuất hiện, nhận được lệnh xuất kích, ông đã cất cánh chiếc MIG 17 lao vào bầu trời. Trong cuộc chiến sinh tử diễn ra quyết liệt giữa màn đêm, bằng sự mưu trí, dũng cảm và táo bạo, ông đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ khi chúng xâm hại không phận tỉnh Hòa Bình. Ông trở thành phi công đầu tiên dùng máy bay tiêm kích bắn rơi máy bay địch vào ban đêm. Ông cùng đồng đội còn sáng tạo ra nhiều kiểu đánh độc đáo mà rất hiệu quả khác. Với nhiều chiến công tiêu biểu, ngày 1/1/1967, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc lứa anh hùng quân đội đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đại tá Lâm Văn Lích không giấu được sự xúc động: Ngày 9/11/1964, Bác đến thăm Trung đoàn chúng tôi tại sân bay Nội Bài. Khi nghe tôi giới thiệu: “Thưa Bác, cháu là Lâm Văn Lích, quê ở Cà Mau”, Bác đã ân cần hỏi chuyện và mong tôi xứng đáng với truyền thống bất khuất, kiên cường của miền Nam thành đồng Tổ quốc. Rồi ông nói tiếp: Suốt cả cuộc đời, từ khi mới tham gia cách mạng, rồi trở thành phi công trực tiếp chiến đấu chống quân thù, rồi nhận nhiệm vụ công tác chỉ huy, quản lý đào tạo - huấn luyện theo phân công của Quân chủng, cũng như sau khi chuyển ngành sang mặt trận mới để làm kinh tế, tôi luôn luôn khắc ghi và cố gắng phấn đấu thực hiện thật tốt lời dạy của Bác. Cho đến bây giờ, nhìn lại, tôi thấy mình không có gì ân hận khi luôn xứng đáng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ…
Về thăm thế hệ cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của Trung đoàn Không quân 910 hôm nay, Đại tá Lâm Văn Lích rất phấn khởi khi nghe Thượng tá Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý báo cáo thời gian qua, Trung đoàn vẫn liên tục phấn đấu và giữ vững truyền thống anh hùng vẻ vang mà nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng. Đại tá Lâm Văn Lích vui mừng trước sự trưởng thành nhiều mặt và chúc cho Trung đoàn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã được phong tặng vào ngày 12/12/2000, ngày càng đào tạo nhiều phi công chiến đấu giỏi, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Khi chia tay, tôi nhớ mãi câu nói giản dị pha chút hóm hỉnh của cựu chiến binh đại tá phi công Lâm Văn Lích: Ngày trước, một thân một mình đối diện với phản lực Mỹ trên trời xanh cao thẳm, bác không sợ gì hết. Còn bây giờ, mỗi bước đi dưới đất cũng phải cẩn thận, nhỏ nhẹ từng chút vì đã “gần đất xa trời” mà. Nhưng cao tuổi mà luôn sống vui, cố gắng làm được điều gì đó dù nhỏ và có ích cho xã hội cũng là tốt lắm đó, cháu à…
THẠCH BÍCH