Thứ Tư, 27/11/2024 21:31 CH
Mùa mưa, đi “săn” lịch
Thứ Tư, 12/11/2008 14:30 CH

Từ bao đời nay, cứ tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm, khi trời mưa liên miên, nước thượng nguồn ào ạt đổ về, nước trong đầm Ô Loan sủi bọt, thì đó là lúc người dân ở xã An Hải (huyện Tuy An) dùng miệng chấn, đáy đóng dọc mặt đầm để bắt lịch. Với họ, mùa mưa bão là mùa kiếm sống chính. Một ngày đầu tháng 11, tôi đã hòa vào dòng người làm nghề đóng đáy, đăng chấn trên đầm Ô Loan để bắt lịch.

 

l1-081112.jpg
Ông Vân đang “khoe” 2 con lịch huyết vừa bắt được - Ảnh: VĂN TÀI

 

ĐÓNG ĐÁY BẮT LỊCH

 

Một chiều mưa, tôi về An Hải, xin theo anh Nguyễn Văn Cường đi đóng đáy bắt lịch. Chúng tôi chuẩn bị miệng đáy, đèn dầu, dầm… cho chuyến đóng đáy kéo dài từ chiều tối đến gần sáng ngày hôm sau. Lúc này, chỉ mới chiều tối, nhưng vùng đầm Ô Loan gần cửa biển An Hải cũng đã ken dày những miệng chấn.

 

Vừa chèo sõng, vừa thả từng miệng đáy, anh Cường giải thích về sự xuất hiện của con lịch trên đầm Ô Loan: “Lịch thường sống ở vùng nước lợ, nơi sông đổ ra biển. Ở Phú Yên, đầm Ô Loan là nơi có nhiều loại lịch nhất. Mỗi khi vào mùa mưa, người dân ven đầm này đua nhau đi đóng chấn, đóng đáy… bắt lịch. Đây cũng là nguồn thu nhập, góp phần giúp cho người dân ở An Hải trong mùa biển động không ra khơi được”.

 

Cũng theo anh Cường, con lịch thuộc họ thân mềm như con lươn, chình được chia làm ba loại. Thứ nhất là lịch sông, có mình cứng, trắng. Lịch đen thân đen. Lịch huyết, màu đỏ như máu tươi, sống dưới lớp bùn ở vùng nước lợ, nơi giao hòa giữa nước sông và nước biển. Lịch có quanh năm, nhưng từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch thì thịt lịch béo nhất. Mùa lịch xuất hiện rộ nhất là trung tuần tháng 10 cho đến tháng 11 âm lịch. Lúc này, mưa nhiều, trên thượng nguồn đổ về, lịch đen, lịch huyết, lịch sông lũ lượt kéo nhau ra khỏi hang, bò lổn ngổn trên tầng đáy đầy bùn, cát. Lúc đó, người dân rủ nhau đi đăng chấn, đóng đáy bắt lịch suốt cả đêm cho tới sáng mới về.

 

Trở lại chuyện đi đóng đáy. Sau khi thả hết 5 miệng lưới xuống đầm thì cũng là lúc chúng tôi nghỉ tay để lót dạ bữa chiều, lấy sức chuẩn bị “thu hoạch”. Chuyền tay dầm cho tôi chèo, anh Cường đưa tay dò miệng đáy, coi thử có con lịch nào dính không. Một miệng, hai miệng… rồi đến miệng đáy thứ năm, chúng tôi cũng có được khoảng 1 kg lịch huyết  và 2 con lịch sông to bằng cổ tay…

Lúc này, trời bắt đầu nổi gió, chiếc sõng nan chòng chành, nghiêng ngả trên mặt đầm khiến tôi cũng bắt đầu chao đảo theo, anh Cường đưa tôi vào bờ và dặn với theo: “Hôm nào rảnh thì ra đây, ở lại với anh vài đêm, nhớ cầm theo chai rượu, sông nước hữu tình, vừa uống vừa hát thì sướng lắm! Chú cũng có khối chuyện để viết đấy!” Dứt lời, anh ca luôn đoạn cải lương “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”. Chiếc sõng nan đã rời xa và mất hút trên mặt đầm, giọng anh vẫn len trong gió...

 

MƯU SINH “TRÊN MIỆNG THỦY THẦN”

 

l2-081112.jpg

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm “săn” lịch Ảnh: V.TÀI

Theo lời ông Trần Ngọc Vân, một người làm nghề đóng đáy ở thôn Xuân Hòa (xã An Hải), hiện nay, lịch sông có giá khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, lịch huyết 55.000 -65.000 đồng/kg. Mỗi đêm, bình quân một người dân đi đóng đáy hoặc đăng chấn trên đầm Ô Loan cũng kiếm được từ 50.000- 70.000 đồng từ lịch và các loại hải sản khác. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người dân ở xã còn nhiều khó khăn này. Dẫu vất vả, cực nhọc và hiểm nguy luôn rình rập vì mưu sinh trong mùa mưa bão, nhưng nhiều người ở đây vẫn theo nghề. “Ai cũng biết nguy hiểm, nhưng vẫn phải làm vì phía sau còn gia đình, con cái đang vào tuổi ăn, tuổi học…” - ông Vân trần tình.

 

Tuy nhiên, họ cũng có thuận lợi là tất cả các loại lịch bắt được trên đầm, đều được các đầu nậu gom mua ngay để chở đi bán tại Bình Định, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... Đồng thời, các đầu nậu mua hải sản còn ứng trước vài trăm ngàn/hộ để người dân mua thêm lưới, đăng, thêm vài miệng chấn, đáy ra đầm. Bà Nguyễn Thị Tầm, một đầu nậu mua thủy sản ở đây cho biết: Trong 3 loại lịch thì chỉ lịch huyết, lịch đen là có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao nhất. Do đó, mấy ngày nay, theo yêu cầu của bạn hàng, tôi cũng chỉ mua chủ yếu hai loại lịch này.

 

Theo kinh nghiệm của những người dân ở An Hải, người đau ốm, gầy yếu, nước da xanh, ăn lịch rất bổ, dùng liên tục sẽ thấy người khỏe dần, đặc biệt là lịch huyết, lịch đen… Có người còn nói rằng ăn lịch huyết có tác dụng bổ dương, cường tráng…

 

Theo thống kê của UBND xã An Hải, hiện có gần 150 hộ dân làm nghề đăng chấn, đóng đáy để bắt lịch, tôm, cá… trên đầm Ô Loan, với khoảng 600 miệng chấn. Việc bắt được một vài kg lịch, đặc biệt là lịch huyết trái vụ mới đây đã góp phần giúp người dân có thêm thu nhập trong những ngày biển động.

 

l-081112.jpg

Anh Cường đang kéo miệng chấn bắt lịch (ảnh lớn), “Chiến lợi phẩm” sau một đêm “săn” lịch (ảnh nhỏ) – Ảnh:  V.TÀI

 

ĐỂ CÒN MÃI NHỮNG “MÙA LỊCH”

 

Theo những cụ cao niên ở xã An Hải, mấy ngày qua việc xuất hiện lịch huyết khi trời chưa mưa nhiều đã cho thấy môi trường ở đầm Ô Loan có nhiều biến động. Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải giải thích thêm: “Lịch chỉ ra khỏi hang khi sóng to, gió lớn, nước đầm đục ngầu. Nhưng hôm nay, chỉ mới đầu mùa mưa mà lịch huyết đã bò ra khỏi hang và nổi lờ đờ trên mặt nước cho thấy tầng đáy đầm bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, cửa biển An Hải bị bồi lấp từ tháng 2 đến nay, cũng góp phần làm cho lượng chất thải của các hồ tôm thẻ chân trắng ven đầm ứ đọng, tích tụ lại”.

 

Còn ông Trần Văn Hiến ở thôn Tân Qui cho biết thêm: “Tôi ở đây từ hồi giải phóng, chưa bao giờ thấy lịch huyết xuất hiện trái vụ nhiều như năm nay. Tui đem chài ra đầm chài thử, đến khi kéo lên, mùi hôi nồng nặc chịu không nổi.  Do vậy, lịch huyết xuất hiện trái vụ lần đầu tiên theo tôi là vui ít lo nhiều. Có thể tầng đáy đầm Ô Loan đã bị ô nhiễm nặng, nếu không có cách khắc phục, chỉ vài năm nữa lịch sẽ không còn xuất hiện trên đầm Ô Loan”. Nói xong, ông Hiến, sợ tôi không tin nên kéo tay tôi ra tận đầm. Ông chụm tay vớt một ngụm nước và đưa lên miệng cho tôi nếm thử. Thấy tôi cười, ông nói: “Nước trong đầm mà ngọt lịm thế này, thì nguy hiểm thật. Lũ chưa qua, mà đầm nước lợ vẫn còn ngọt hơn nước sông thì tôm, cá nào mà sống nổi”. Ông lo lắng: “Nhà tôi có nuôi mấy lồng cá mú, mấy hôm nay, nước đầm ngọt hóa quá, một số cá chết nên tôi phải kéo ra An Ninh Đông gửi hết rồi!”

 

Dẫu biết rằng, lịch không thuộc động vật quý hiếm cần bảo vệ, bởi bao đời nay lịch tự nhiên sinh sản và người dân cũng tự khai thác, nhưng nếu không có những động thái bảo vệ cần thiết thì loại hải sản này có thể bị mất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có một cuộc khảo sát về nguồn nước, tầng đáy trên đầm Ô Loan để có những biện pháp thiết thực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm, giúp người dân khai thác hợp lý, không sợ cạn kiệt. Nhất là bảo vệ đầm Ô Loan tránh bị ô nhiễm khi những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng vô tư xả chất thải, thức ăn công nghiệp xuống đầm…

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cho con “đôi chân” vào đời
Thứ Bảy, 08/11/2008 14:30 CH
Chuyện một phi công anh hùng
Thứ Sáu, 07/11/2008 14:33 CH
Nhật ký viết ở Chungcheongbukdo
Thứ Tư, 29/10/2008 14:30 CH
Đi hái xay rừng
Thứ Tư, 15/10/2008 14:32 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek