Thứ Tư, 27/11/2024 22:52 CH
Những người đào tạo phi công chiến đấu
Thứ Hai, 03/11/2008 07:00 SA

Trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu phải trải qua không biết bao nhiêu đợt sàng lọc khắc nghiệt, tỉ lệ đào thải rất cao. Nhưng những người thầy đào tạo ra phi công còn phải vượt qua nhiều “chướng ngại vật” hơn thế. Họ không chỉ đổ mồ hôi, mà thậm chí đôi khi phải đổ máu, ngay giữa thời bình...

 

thaytro-081103.jpg

Thượng tá Dương Văn Sáng (phải) đang rút kinh nghiệm bay cho học viên phi công Lê Vũ Huy - Ảnh: HẢI HẠ

 

KHÓA HUẤN LUYỆN VƯỢT CẢ MONG ĐỢI

 

Chúng tôi đến Đoàn C10 khi khóa huấn luyện bay năm 2008 dành cho 10 học viên phi công khóa 33 vừa kết thúc. Những chú “én bạc” L39 đã được kéo vào các nhà vòm nghỉ ngơi sau một mùa bay liên tục dưới nắng gió Tuy Hòa. Thượng tá Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý, một người cao ráo, gương mặt cương nghị và rắn rỏi, phấn khởi thông tin: “Khóa huấn luyện bay vừa rồi đạt kết quả rất mỹ mãn. Toàn bộ 10 học viên đã tốt nghiệp khóa huấn luyện với kết quả khá, giỏi, hoàn thành đề cương huấn luyện trước cả tháng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây, Đoàn C10 đạt được kết quả tốt như vậy”.

 

Sự hồ hởi của người chỉ huy cao nhất ở Đoàn C10 - một phi công có hơn 20 năm làm công tác huấn luyện, đào tạo với 1.600 giờ bay an toàn – là có nguyên nhân. Kết quả mỹ mãn của công tác huấn luyện năm 2008 là thành tích tuyệt vời để Đoàn C10 anh hùng báo công nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (3/11/1958-3/11/2008).

 

Nhưng toàn bộ chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, kỹ thuật viên… của Đoàn C10 còn phấn khởi vì một lý do khác. Đoàn C10 chuyển từ Nha Trang đến Tuy Hòa vào cuối năm 2003, bắt tay vào huấn luyện năm 2004. Cứ tưởng rằng hai sân bay ở hai vùng đất anh em sẽ giống nhau, không ngờ điều kiện khí tượng ở Tuy Hòa khác hẳn. Suốt mấy năm liền, Đoàn C10 không đạt được kế hoạch đào tạo, huấn luyện đề ra. Khó khăn đến mức trung đoàn phải cơ động một nửa lực lượng từ chỉ huy, phi công giáo viên đến khí tài, máy bay… vào huấn luyện tại Nha Trang, Phan Rang. Thậm chí có lúc vấn đề có huấn luyện bay ở Tuy Hòa được hay không cũng đã đặt ra. Thượng tá Vũ Đức Quý cho biết: “Hồi còn huấn luyện ở Nha Trang, cứ 4g mỗi sáng là chuẩn bị, 5g bắt đầu bay. Nhưng “tập quán” này không áp dụng được xuyên suốt ở đây bởi điều kiện khí tượng ở Tuy Hòa rất khác, khiến trung đoàn buổi ban đầu phải hủy nhiều ban bay. Sau 4 năm nghiên cứu, bây giờ chúng tôi đã “hóa giải” được bài toán này. Từ tháng 3 đến tháng 5, trời Tuy Hòa thường mù nhiều vào buổi sáng, nên trung đoàn tổ chức bay vào lúc 9-10g, ăn cơm trưa ngay tại sân bay, bay đến 14-15g chiều mới nghỉ. Còn từ tháng 5 đến tháng 10, trời Tuy Hòa ít mây, nhiều nắng, thì bay từ 5g sáng đến 11g trưa, nhưng đổi hướng hạ cánh từ phía đông vào vì lúc này gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh”. Khẳng định được vấn đề: Sân bay Tuy Hòa hoàn toàn có thể huấn luyện bay cho phi công lái phản lực cơ chiến đấu được – đó là một thành công có ý nghĩa rất lớn đối với Đoàn C10.

 

VINH QUANG VÀ NGHIỆT NGÃ

 

Trở thành phi công là mơ ước của rất nhiều thanh niên, nhưng ước mơ đó chỉ trở thành hiện thực với một số rất rất ít người.   

 

Theo thượng tá Vũ Đức Quý, hàng năm, đoàn tuyển chọn của Quân chủng Phòng không – Không quân đi khắp cả nước để tuyển người đào tạo phi công quân đội. Hàng triệu thanh niên đăng ký, được khám để tuyển chọn sơ bộ. Đó là những người cao tối thiểu 1,65m, nặng tối thiểu 55kg, độ tuổi 18-22, trình độ học vấn thấp nhất phải tốt nghiệp THPT, sức khỏe tốt. Chỉ khoảng 100-150 trong hàng triệu thanh niên đó được lựa chọn sau vòng một, để thi tuyển vào Trường Sĩ quan không quân Việt Nam. Và chỉ khoảng 30-40 người trong số đó được tuyển vào ngôi trường đào tạo phi công duy nhất ở khu vực Đông Dương, có trụ sở chính đặt tại Nha Trang. Hai năm đầu, các học viên phi công được học lý thuyết cơ sở chuyên ngành. Năm thứ ba, họ sẽ lần đầu tiên cầm cần lái máy bay, tập bay bằng loại máy bay sơ cấp cánh quạt YAK-52, tại Đoàn không quân C20. Tích lũy ít nhất 80 giờ bay bằng loại máy bay này, đến năm học thứ tư, những học viên xuất sắc nhất sẽ được chọn lọc và đến với Đoàn C10, bay huấn luyện với loại phản lực chiến đấu L-39. “Chỉ khi nào tốt nghiệp xong khóa huấn luyện với L-39, thì khi đó học viên mới có thể trở thành sĩ quan phi công. Bay xong với L-39 ở C10, phi công mới về với các đơn vị chiến đấu” - Thượng tá Trung đoàn trưởng C10 Vũ Đức Quý cho biết. Kể vậy thấy dài dòng, nhưng thực tế là quá ngắn gọn đối với quá trình vô cùng phức tạp và tốn kém trong việc đào tạo một phi công chiến đấu. Thiếu tá Lại Công Hoan, Phó tham mưu trưởng trung đoàn, một trong những giáo viên phi công có trên 10 năm ngồi cùng máy bay hướng dẫn cho học viên, cho biết: Học viên phi công đến với Đoàn C10 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 mỗi năm. Họ có khoảng 1-1,5 tháng học lý thuyết mặt đất và 7-8 tháng còn lại là thực hành bay. Đầu tiên, họ được hướng dẫn kỹ thuật bay cơ bản với loại phản lực L-39 - vốn có số lượng thiết bị phức tạp gấp 3 lần so với YAK-52, tiếp đó mới học các khoa mục chính trong huấn luyện. Đó là: Vòng kín - cất hạ cánh, Khu vực (bổ nhào, lên gấp, lộn xuống, lộn lên, khoan ngang…), Biên đội - đội hình (bay đôi), Công kích (bắn mục tiêu trên không và mặt đất, Bay đường dài, Bay xuyên mây…

  

dtpc-081103.jpg

Trung đoàn Không quân 910 trong ngày ra quân huấn luyện -  Ảnh: XUÂN HIẾU

 

“Đối với học viên phi công, khoa mục huấn luyện khó nhất là Vòng kín - cất hạ cánh, trong đó “khó nuốt” nhất vẫn là kỹ thuật hạ cánh. Phải hoàn thành khoa mục này thì học viên phi công mới có thể học tiếp những khoa mục tiếp theo. Khoảng 100 chuyến bay đầu tiên, kéo dài đến 3 tháng, các giáo viên phải kèm cặp học viên liên tục. Sau khi kiểm tra 4 vòng cất hạ cánh liên tục trong vòng 24 phút, học viên nào hoàn thành mới được thả bay đơn – không có thầy ngồi phía sau hướng dẫn nữa” - thiếu tá Lại Công Hoan nói. Các giáo viên phi công ở Đoàn C10 tâm sự rằng, có nhiều học viên phi công bay tốt, nhưng khi hạ cánh họ lúng túng, có người sợ hãi thực hiện không chuẩn kỹ thuật, động tác, thế là “xoạc chân ra cỏ” (càng máy bay chệch khỏi đường băng). Thậm chí có học viên đã trải qua gần hết mọi đợt sát hạch của công tác đào tạo, đến đợt huấn luyện cuối cùng này không thành công với khoa mục Vòng kín - cất hạ cánh, đành phải rớt nước mắt từ giã giấc mơ bay cao với trời xanh.

 

“SƯ PHỤ” CỦA HỌC VIÊN PHI CÔNG

 

Thượng tá Vũ Đức Quý thổ lộ: “Bầu trời có một sức hấp dẫn đặc biệt, ai đã từng cầm cần lái máy bay vọt lên trời xanh rồi, khi chia tay buồn không sao tả xiết. Nhưng bầu trời cũng không phải sân chơi cho những người nhút nhát. Máy bay phản lực chiến đấu luôn ở tốc độ 300 đến 1.000 km/h, chỉ cần một giây sơ sẩy là hậu quả khôn lường. Trong hơn 20 năm làm giáo viên dạy phi công, tôi đã không ít lần rớt nước mắt cùng các em, các cháu bị cắt bay. Nhưng đó là sự khắc nghiệt cần thiết đối với công tác đào tạo phi công quân đội”.

 

Với 20 giáo viên phi công, còn thiếu 16 giáo viên nữa, nhưng những năm qua, Đoàn C10 đã nỗ lực để đào tạo hàng trăm phi công chiến đấu cho Tổ quốc. Vào mùa huấn luyện, tất cả các giáo viên đều phải lên máy bay cùng với học viên.

 

Thượng úy Nguyễn Văn Thụ, một giáo viên phi công mới 30 tuổi đời, cho hay: “Điều khó khăn nhất trong công tác huấn luyện, đào tạo phi công là tìm cho được nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm của họ. Khi máy bay đã lao lên bầu trời với tốc độ cực lớn, giáo viên chỉ hướng dẫn, huấn luyện cho học viên bằng những khẩu lệnh ngắn gọn vì không có thời gian nói dài, giảng giải kỹ lưỡng như ở mặt đất. Vừa thực hành vừa rút kinh nghiệm ngay trên buồng lái, các học viên nhớ lâu, thao tác tốt dần lên”.

 

Các thầy giáo phi công kể rằng, họ phải hiểu rõ tâm tư tình cảm, tính tình học viên để hướng dẫn: với người này thì nhắc nhở nhẹ nhàng, nhưng với người kia phải nghiêm khắc và cứng rắn. Mỗi khi thấy học viên có tâm trạng, người thầy phải tìm hiểu, động viên, sẻ chia. Phải bằng mọi cách để khi họ khoác lên người bộ đồ phi công, leo lên máy bay, tăng tốc, nhả phanh, vọt lên bầu trời bằng tất cả sự tập trung cao độ, lòng kiêu hãnh và tinh thần vì Tổ quốc. Nói như thượng tá Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý: “Chúng tôi không chỉ dạy nghề, mà còn phải dạy người”.

 

Bởi vậy, gọi các anh là “sư phụ” của học viên phi công chắc không sai.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG 

 

BI HÙNG

 

Để đào tạo được những phi công chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đoàn C10 cũng đã trải qua những thời khắc bi hùng.

 

Ngày 29/4/2005, trong chuyến bay huấn luyện chiến đấu cùng biên đội, thực hiện nhiệm vụ ở độ cao thấp, máy bay của thượng tá Dương Văn Thanh, Phó trung đoàn trưởng và trung úy Đào Việt Hưng, giáo viên bay đã đột ngột chết máy ngay phía trên của khu du lịch Hòn Ngọc Việt (Nha Trang, Khánh Hòa). Sau khi xin ý kiến chỉ huy, thượng tá Thanh đã lệnh cho trung úy Hưng nhảy dù thoát hiểm trước. Còn anh đã cố điều khiển máy bay ra khỏi khu vực gây nguy hiểm cho nhiều người. Khi đó, máy bay hết độ cao, không còn tốc độ nên rơi xuống biển. Thượng tá Dương Văn Thanh hy sinh khi tay vẫn nắm chặt cần lái chiếc L-39. Năm 2006, anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Ngày 5/6/2007, thượng tá Trần Văn Deo, Chủ nhiệm bay của Đoàn C10 và trung úy Lê Lâm Phương, giáo viên phi công, điều khiển máy bay huấn luyện tại Phan Rang. Khi hai anh đã xong nhiệm vụ, đang giảm độ cao để hạ cánh, đến khoảng 2.000m thì bất ngờ máy bay va vào một con ó biển, làm vỡ kính buồng lái. Tai nạn khiến cả hai sĩ quan phi công cùng máy bay hy sinh.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhật ký viết ở Chungcheongbukdo
Thứ Tư, 29/10/2008 14:30 CH
Đi hái xay rừng
Thứ Tư, 15/10/2008 14:32 CH
Những phụ nữ bán hàng rong trong phố
Thứ Tư, 08/10/2008 14:30 CH
Chợ trái cây đêm
Chủ Nhật, 05/10/2008 14:29 CH
Ông Mười “vì người nghèo”
Thứ Tư, 01/10/2008 14:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek