Thứ Tư, 27/11/2024 05:19 SA
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA

 “Có gì đâu, tôi chỉ chia sẻ một phần nhỏ nỗi đau của người ta chớ đâu có cách nào cất đi nỗi thống khổ đó” - Bà Trang thường nói vậy mỗi khi tôi gặp và muốn viết về bà. Hơn 10 năm nay, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai cần đến mình là bà có mặt ngay. Niềm vui của bà là giúp người nghèo vượt qua bệnh tật, bước qua ranh giới mong manh để tìm lại cuộc sống. Một mình không đủ sức, bà đã vận động được nhiều người cùng nhường cơm sẻ áo để cứu bệnh nhân nghèo.

 

THAO THỨC TRƯỚC NHỮNG CẢNH ĐỜI KHỐN KHÓ

 

Một ngày nọ, đến bệnh viện thăm người thân, bà Võ Thị Minh Trang (ở phường 3, TP Tuy Hoà) đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng. Nhiều người đưa thân nhân vào viện rồi đứng trước phòng thu viện phí, lặng lẽ khóc vì không có tiền! Nước mắt của họ làm lòng bà Trang đau. “Chỉ vì thiếu mấy trăm ngàn mà phải mất đi một mạng sống thì thật xót xa. Một mình mình chẳng làm được gì, nhưng nhiều người cùng tiết kiệm chi tiêu để góp lại thì sẽ giúp người bệnh vượt qua cảnh ngặt nghèo”. Nghĩ là làm, bà Trang vận động một số chị em thân quen đóng góp mỗi người một ít. Không lâu sau đó, nhóm từ thiện ra đời, dần dà “kết nạp” gần 20 thành viên, mỗi người một công việc khác nhau nhưng có chung lòng trắc ẩn. Nhóm trở thành “chiếc phao” của những người túng quẫn khi vào viện. Có ca nào cần máu, cần thuốc mà gia đình không còn khả năng, bệnh viện liền gọi điện, họ có mặt ngay. Nhưng rồi bà Trang nhận ra: Có quá nhiều người cần giúp đỡ, số tiền mà nhóm đóng góp như “muối bỏ bể”. Bên cạnh đó, nhiều người cũng có tấm lòng nhưng không thể đóng góp vật chất, vì họ còn vất vả mưu sinh. Bà nảy ra sáng kiến: Nhận làm bánh đám cưới, đám giỗ, sinh nhật… Đến rằm và đầu tháng, chị em rủ nhau đến chùa Bửu Tịnh xin làm bánh cúng, bán lấy tiền lời góp vào quỹ. Ngôi nhà số 06 Nguyễn Thái Học (TP Tuy Hoà) của bà Trang trở thành quán cơm, cháo, phở chay vào các ngày rằm và đầu tháng, cũng với mục đích gây quỹ từ thiện.

 

060501-batrang.jpg
Bà Trang thăm hỏi một bệnh nhân tại bếp ăn từ thiện - Ảnh: Minh Nguyệt

 

Những người buôn bán thường tính toán chi li khi sử dụng đồng tiền. Cũng là người buôn bán, song bà Trang đã đặt nỗi đau, cảnh khổ của người khác lên trên tiền bạc. Trái tim cảm thông không cho phép bà toan tính. Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này tâm sự: “Không cần phải giàu mới làm từ thiện được mà chỉ cần có tấm lòng”. Bà ưu tư mỗi khi nhắc đến các cháu ở Trung tâm Vòng Tay Ấm: “Các cháu gặp nhiều thiệt thòi, bất hạnh nên rất cần được bảo bọc, giúp đỡ”.  Trước đây, nhóm bà Trang vẫn nấu bữa ăn chiều cho các cháu nhưng vì lịch học và sinh hoạt hơi “dày” nên bây giờ, họ chỉ hỗ trợ tiền.

 

“KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ CHO AI ĐÓ THÌ UỔNG PHÍ LẮM”

 

Bác sĩ Lê Thị Bích Liên – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên: “Các chị ở bếp ăn từ thiện, đặc biệt là chị Trang làm việc rất nhiệt tình, tâm huyết. Nhiều cá nhân, tổ chức xã hội thấy việc làm nhân đạo ấy nên tình nguyện đóng góp. 4 năm nay, bếp ăn từ thiện phục vụ cho người nghèo hàng trăm triệu đồng. Hiện bếp ăn đã gửi tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng để gối đầu những lúc khó khăn”.

Sau trận bão lụt lịch sử năm 1993, bà Trang liên hệ với các nhóm từ thiện ở TP HCM và cùng đi  khắp các vùng trong tỉnh để cứu trợ, động viên bà con vượt qua khó khăn. Suốt 3 tháng, cứ  6 giờ sáng đi, tối mịt bà mới về nhà. Đến các xã vùng sâu, vùng xa, bà càng xót xa trước cảnh thiếu thốn của bà con nơi đây. Không chỉ đến với đồng bào trong tỉnh, bước chân của bà Trang đã in dấu trên những con đường gập nghềnh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hoá… Bà cùng hàng trăm tấm lòng nhân ái khác đã phần nào sưởi ấm lòng những người gặp thiên tai hoạn nạn. Bà ngậm ngùi: “Cùng một kiếp người mà họ rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như thế, thật là đáng thương. Mình chia sẻ bớt một phần thì cũng không nghèo đi nhưng lại giúp họ có được bữa cơm no, chiếc áo lành lặn để mặc. Vậy thì sao mình lại không làm?”

 

Ở tuổi 60, bà Trang chiêm nghiệm: “Cuộc đời không có bao nhiêu, mình không làm được gì cho ai đó thì uổng phí lắm”.

 

Lúc nhỏ, bà phải nghỉ học sớm để lo cho các em, cho gia đình.  Dường như có trải qua khó khăn, con người càng dễ cảm thông, chia sẻ. Ở bà Trang, ý thức san sẻ, giúp đỡ người khác đã hình thành từ rất sớm. Rồi những khi chuyện làm ăn khó khăn chao đảo, bà Trang càng hiểu rằng không phải đồng tiền mà tấm lòng, tình người mới tồn tại lâu dài… Nay có con dâu quán xuyến chuyện mua bán, bà Trang càng hết mình  lo cho công việc từ thiện.

 

ĐIỂM TỰA ẤM ÁP

 

Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà kể: “Tôi bị áp xe gan, gia đình quá khó khăn túng thiếu nên không thể đưa đi chữa trị. Nghe chuyện, cô Trang tìm đến nhà, động viên: “Bệnh này chữa được, cháu cứ tới bệnh viện, mọi việc có các cô lo” và cô đưa cho tôi một ít tiền. Sau đó tôi đau nặng, người nhà đưa vô bệnh viện rồi tìm đến nhờ cô Trang giúp đỡ. Chữa trị hết một triệu đồng, tôi bình phục. Nếu không có cô, đời tôi chắc đã kết thúc chớ làm sao chạy ra chừng đó tiền mà chữa bệnh!”.

Mười bốn năm trước, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết dạ dày nặng, bà Trang đến đưa 600.000 đồng để truyền 2 bịch máu. Chồng bệnh nhân nhận và nói với cha mình: “Ba ơi, cô này đã cho vợ con 2 bịch máu”. Cụ già rối rít cảm ơn. Bà Trang hỏi: “Cụ đã ăn gì chưa?” “Có gì để ăn đâu cô, tôi ăn củ mì đây này. Đi chữa bệnh cho con mà trong túi tôi chỉ có 20.000 đồng …”. Hình ảnh ấy đọng mãi trong tâm trí và cô trăn trở: “Giá mình nấu được bữa ăn cho cụ già cũng như những bệnh nhân và những người nuôi bệnh khác”. Mong muốn đến cháy lòng mà bà Trang vẫn chưa biết phải làm như thế nào. Năm 2002, Công ty Cổ phần Hoa Sen Trắng có ý mở bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên. Nhiều người biết được tâm nguyện của bà nên giới thiệu đến. Bà mừng khôn xiết: “Đây là duyên may, là mơ ước của tôi từ bấy lâu. Nay có công ty tài trợ, chúng tôi được đứng ra thực hiện, hạnh phúc nào bằng!”. Mỗi năm công ty chuyển về cho bếp 60 triệu đồng. Chỉ sau một tháng ra mắt, bếp ăn phục vụ mỗi ngày 80 - 100 suất và hiện nay là 150 - 200 suất.

 

Hàng ngày, bà Trang túc trực ở bếp ăn. Bà bảo: “Phải nấu làm sao để kích thích bệnh nhân ăn được”. Bệnh nhân nào không ăn được thì báo nhà bếp nấu cháo, nếu không ăn cháo được nữa thì đưa vào máy xay sinh tố để xông vào dạ dày. Nghĩ rằng những người nhận bữa ăn từ thiện  không tránh khỏi cảm giác tủi thân, bà Trang luôn động viên chị em: “Mình phải làm sao để người ta nhận bữa ăn mà vẫn thấy ấm lòng”.

 

Trong vô số người nương nhờ bếp ăn từ thiện có vợ chồng anh Bùi Thiện Thái quê tận Hà Tĩnh, làm công nhân ở Thủ Đức (TP HCM). Trên đường về quê, vợ anh chuyển dạ và sanh non tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đúng vào thời điểm Phú Yên hứng chịu trận bão lụt lớn hiếm thấy. Nước rút, vợ chồng anh cũng cạn tiền nhưng sản phụ và em bé lại cần sự chăm sóc đặc biệt. Gia đình ở xa, cha mẹ già yếu, anh chị chỉ còn biết trông cậy vào bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Gần một tháng sau, bếp ăn lo tiền xe cho vợ chồng và con anh Thái về quê. Cả làng anh Thái biết chuyện, xúc động vô cùng. Họ bảo: “Nỏ biết Phú Yên ở nơi mô nhưng người Phú Yên đã cưu mang, cứu sống  được con cháu chúng tôi, thật biết ơn quá chừng”. Từ đấy, gia đình anh Thái gọi điện vào thăm hỏi bà Trang luôn.

 

CẦU NỐI CỦA NHỮNG TẤM LÒNG

 

Các chị ở bếp ăn từ thiện vẫn còn nhớ chuyện về ông Nguyễn Lập ở Xuân Quang 2, Đồng Xuân. Túng quá làm liều, ông cưa đạn. Đạn nổ. Gia đình quá nghèo khó, dân làng đã xúm lại góp tiền để đưa ông vào viện và bếp ăn từ thiện đã lo cơm thuốc chu đáo cho ông. Ra viện, ông Lập về quê và cho bà con xóm giềng biết chuyện, ai nấy đều cảm động. Vậy là, mỗi người góp một ít gạo gửi cho bếp ăn từ thiện. Qua nhiều đợt, xóm ông Lập đã gửi vào hơn 400kg gạo.

 

Mỗi tháng bếp ăn chi 12 - 13 triệu đồng nhưng lúc nào cũng dư tiền nhờ có nhiều người đóng góp. Từ lúc thành lập đến nay, bếp ăn không hề tốn tiền mua mắm, đường, bột ngọt, dầu ăn vì được nhiều người mang đến. Tấm lòng tiếp nối những tấm lòng, bếp ăn nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức. Riêng Công ty Vật tư  tổng hợp Phú Yên ủng hộ ban đầu mỗi tháng 2 triệu đồng và hai năm nay (2005 - 2006) tăng lên 5 triệu đồng.

 

Bà Trang thường xuyên vắng nhà. Ông Hoàng Tấn Tài, chồng cô cười hiền: “Lâu rồi gia đình cũng quen. Cha con tôi thường ăn mì tôm vì không ai lo cơm nước. Bả còn bận đi giúp người ta…”

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek