22 giờ 10, nhận tin báo: ”Có một ca chấn thương sọ não”, anh bật dậy khỏi giường, chạy cấp tốc xuống bệnh viện. Vừa mổ xong, lại có một ca khác. Rời phòng mổ lúc 5 giờ 30, anh về nhà trong trạng thái vừa mệt lả, vừa buồn ngủ. 8 giờ, đang chở cô con gái nhỏ lên khu du lịch sinh thái Thuận Thảo như lời hứa, chuông điện thoại của anh lại reo. Bé Mí chép miệng: “Mổ nữa, sọ não nữa rồi!”. Anh mỉm cười, thơm vào trán con ngỏ ý xin lỗi rồi quay đầu xe lại. Hôm ấy là ngày anh được nghỉ bù sau ca trực.
CHẠY ĐUA VỚI “THỜI GIAN VÀNG”
Ngày không bình thường như vậy lại thường xảy ra với bác sĩ Nguyến Thanh Huy. Có hôm, anh phải mổ liên tục 4 ca sọ não, cả thời gian thẩm định chấn thương và phẫu thuật hơn 14 tiếng đồng hồ (từ 2 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau). Tôi thử làm phép so sánh. Những người viết báo ngồi vài giờ trên máy để thực hiện một tác phẩm, đã thấy mệt mỏi cho những trăn trở, suy nghĩ. Song, từ nào sai, câu nào dở đều có thể sửa lại theo ý muốn. Còn anh, giam mình trong phòng mổ với mọi căng thẳng và không cho phép sai sót, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Vậy mà anh vẫn vượt qua.
Bác sĩ Huy (đứng thứ hai từ trái sang) trong một ca phẫu thuật - Ảnh: T.THỦY
Bệnh nhân nằm mê man không biết gì, nhưng chỉ sau phẫu thuật một ngày, thấy họ tỉnh táo thì có gì vui bằng. Nhờ niềm vui đó mà bên trong phòng mổ, dù thời gian kéo dài bao lâu, anh vẫn luôn tỉnh táo, sáng suốt để thực hiện các thao tác. Đến khi xong việc, anh mới biết sức mình có hạn. Toàn thân mệt mỏi.
Tai nạn giao thông vẫn cứ tăng. Tai nạn thương tích do con người gây ra không giảm. Nhất là trong dịp Tết và các ngày lễ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên tiếp nhận nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não. Các trường hợp nguy kịch phải ưu tiên số một, cấp cứu càng sớm càng tốt. Bác sĩ Huy cho rằng, đó là thời gian vàng, không thể xử lý chậm trễ.
Hôm nào trong ca trực, anh cấp cứu bệnh nhân đã đành. Nhưng khi được nghỉ bù, anh cũng không được yên. Phẫu thuật viên sọ não chính ở bệnh viện chỉ có mình anh. Áp lực thời gian rất lớn. Bao nhiêu ca chấn thương nặng, anh đều có mặt để kịp thời giải quyết. Với anh, không có thời gian chủ động cho bản thân và gia đình. Chuyện “ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên” là chuyện thường ngày! Cảm giác mất tự do luôn thường trực. Anh kể: “Hôm nọ, nhân ngày nghỉ, vợ nấu lẩu để cả nhà cùng thưởng thức. Vừa cầm đũa, tôi phải đứng lên vì nhận tin: “Có trường hợp cấp cứu”. Ở nhà, vợ con thông cảm cho tôi về giờ giấc bất thường. Song, bạn bè không hiểu thường hay trách.
Hôm trước, giữa khuya, anh bật dậy khỏi giường theo phản xạ tự nhiên. “Lạ thật, không có chuông điện thoại gọi, sao mình chẳng ngủ được. Hay là đồng hồ sinh học bị rối loạn?”- nghĩ miên man một hồi, anh tự kết luân: “Bệnh nghề nghiệp đây mà!”
“BÁC SĨ HUY ĐÃ SINH RA TÔI LẦN THỨ HAI”
Bác sĩ Phan Vũ Nhân, quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên: Bác sĩ Huy là người hết lòng vì bệnh nhân, đam mê công việc và sống chân thành với đồng nghiệp. Tuy chỉ một mình Huy đảm nhận chính phẫu thuật sọ não nhưng không có nghĩa là Huy tỏ ra tự cao. Trong điều kiện phẫu thuật viên còn hạn chế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có được một bác sĩ như Huy là sự yên tâm lớn.
Tỉnh lại sau lần mổ vá sọ ngày 9-4-2006, cô gái 22 tuổi Nguyễn Thị Thanh Mai (Xuân Thọ 2- Sông Cầu) đưa ánh mắt yếu ớt tìm người đã cứu mạng mình. Mai khe khẽ kể: “Bác sĩ Huy đã sinh ra em lần thứ hai đó, chị à”. Vậy là Mai đã vượt qua nỗi lo lắng vì sợ thần kinh mình bất ổn. Xúc động, Mai nói tiếp: “Những lời động viên trước khi mổ vá sọ cũng như những gì anh ấy làm, em rất yên tâm. Anh ấy còn bảo “Sau này sức khỏe ổn định, Mai lấy chồng nhớ báo tin nghen!”. Bác sĩ tốt và vui tính như vậy, hiếm thấy lắm!”
Trường hợp của Mai khá đặc biệt trong những ca chấn thương sọ não mà bác sĩ Huy tham gia phẫu thuật. Ngày
Tôi gặp lại cụ bà Nguyễn Thị Soát (phường 3, TP Tuy Hòa). Sau phẫu thuật lấy máu tụ trong não hơn 4 tháng trước, bà cụ trông khỏe trở lại và hàng ngày cần mẫn bán cơm rượu kiếm kế sinh nhai. Tuy tuổi đã 72, nhưng bà rất quí mạng sống. Bà còn phải sống để nuôi người con gái tàn tật và đứa cháu ngoại mồ côi cha. Bởi vậy, lòng bà luôn cảm ơn bệnh viện mà trực tiếp bác sĩ Huy, ân nhân cứu mạng. Bà nói: “Người nghèo như tôi mà được chú chữa bệnh chu đáo, thăm hỏi từng ngày. Bây giờ ra đường mà gặp lại chú Huy là tôi nhận ra liền. Tôi biết ơn bác sĩ nhiều!”
GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ
Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau khi mổ – Ảnh: T.THỦY
Anh hiền, ít nói, lại hay cười. Nụ cười đôn hậu và rất duyên. Những gì tôi cảm nhận ở người thanh niên 37 tuổi này khi lần đầu tiếp xúc giống như lời kể của bà Đặng Thị Hoàng- người sinh thành ra anh. Bà còn bảo: “Trong số 4 đứa con, Huy là đứa siêng năng, cần cù, và thông minh từ bé. Tôi quí Huy ở lòng thương người và sự nhẫn nại. Điểm này rất phù hợp với nghề y”.
Những năm học cấp hai, cấp ba ở các trường chuyên, hành trang trong Huy mỗi khi đến lớp có cả lời hứa: “Con sẽ trở thành bác sĩ giúp người như mẹ”. Huy đỗ thủ khoa vào Trường đại học Y Huế, bà Hoàng mừng lắm, mừng đến chảy nước mắt.
Nghĩ đến mẹ không quản ngại sớm khuya làm “bà đỡ”, lại luôn tất bật chuyện mưu sinh lo cho đàn con ăn học, Huy càng thấy thương nhiều. Lời hứa trở thành bác sĩ, anh đã hoàn thành. Song, quan trọng là làm bác sĩ như thế nào cho xứng với lòng tin của mẹ, sự mong mỏi của bệnh nhân.
“Lấy kinh nghiệm của người khác làm kinh nghiệm bản thân mình”. Đó là phương châm sống của anh. Bởi vậy, lúc học chuyên khoa sọ não sơ bộ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh ở nội trú để luôn có mặt trong mọi ca phẫu thuật. Đêm, anh chỉ cần chiếc gường xếp ngả lưng. Khi có bất cứ trường hợp chấn thương sọ não nào, anh có mặt kịp thời. Chỉ 3 tháng đầu theo học, các bác sĩ ở đây khẳng định, Huy có thể mổ độc lập.
Năm 1997, sau khi được nâng cao tay nghề, anh vẫn mổ mò. Kiến thức và kỹ thuật đã được trang bị mà vẫn phải cho bệnh nhân chuyển viện, anh xót lắm. Đi xa vừa tốn kém, vừa không đảm bảo thời gian cứu sống bệnh nhân. Lúc bấy giờ, mọi trường hợp bị tai nạn ảnh hưởng đến sọ não chỉ được chẩn đoán qua lâm sàng, làm mạch não đồ (CAG) nên phẫu thuật viên không mấy tự tin. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ giữ lại bệnh nhân kể từ khi có CT (tháng 7-2005).
13 năm công tác tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, tay nghề anh ngày càng vững vàng. Thế nhưng anh chưa chịu dừng ở đây. Tâm nguyện của anh là học tiếp chuyên khoa II để có được chuyên môn cao nhất trong nghề, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Trong khi không ít thầy thuốc chạy theo đồng tiền mà quên đi chữ “Tâm”, thì những người như anh, sẵn sàng hy sinh cả nhu cầu bản thân cho cuộc chiến chống lại cái chết, thật đáng quí!
THU THỦY