Thứ Tư, 27/11/2024 05:31 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA

Bó chổi là nghề truyền thống của làng Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. 5 năm trở lại đây, nông dân làng này đã biến nghề bó chổi thành nghề “hái” ra tiền. Chổi đót, chổi dừa của Mỹ Thành có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều hộ đã giàu lên nhanh chóng. Chưa dừng lại đó, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ (gọi tắt HTX) Hòa Thắng 2  Nguyễn Văn Chín còn có ý định… xuất khẩu chổi đót.

 

NGƯỜI DÂN BƯƠN CHẢI TÌM THỊ TRƯỜNG

 

060425-bo-choi-2.jpgChị Cao Thị Nàng còn nhớ hồi mới về làm dâu ở làng nghề Mỹ Thành (lúc đó là năm 1989), nghề bó chổi ở đây chỉ mang tính tự cung tự cấp, có chăng cũng chỉ bỏ cho một vài mối bán lẻ ở chợ thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) để kiếm thêm chút thu nhập. Chị Nàng cho biết: “Mẹ chồng tôi là một trong những người bó chổi rất giỏi lúc bấy giờ. Mỗi ngày, bà cụ bó trên trăm cây nhưng chẳng biết bán ở đâu. Thỉnh thoảng, bà cụ mang xuống chợ Tuy Hòa bán kiếm thêm vài đồng”. Có nghề trong tay, nhưng người dân ở Mỹ Thành chưa thể phát triển nó thành một nghề có thu nhập ổn định, bởi đầu ra chưa có. Từ những trăn trở đó, cách đây 5 năm, một số bà con đã đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để tìm mối tiêu thụ, trong đó có anh Đào Tấn Thành (chồng chị Nàng). Anh đã cất công đi đến các chợ lớn ở các tỉnh như Gia Lai, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Khách Hòa… dò tìm mối tiêu thụ chổi đốt, chổi dừa. Cũng từ những chuyến đi này, anh Thành đã thiết lập cho mình những mối bán lẻ ở các tỉnh. Anh Thành cho biết: “Tôi đón xe đò đi khắp các chợ chỉ để tìm hiểu nhu cầu của người dân về chổi đót. Lúc đầu, tôi rất ngại tiếp xúc nhưng riết cũng mạnh dạn. Khi đã quen biết, tôi đem vài chục cây chổi của gia đình làm đến đó để họ bán thử. Một thời gian sau, chổi đót, chổi dừa Mỹ Thành tiêu thụ rất mạnh ở những tỉnh này. Những mối mà tôi bỏ thử đã trở thành “bạn hàng”. Sau này, họ chỉ cần điện thoại là tôi chở hàng đến tận nhà”.

 

Khác với cách làm của vợ chồng anh Thành, anh Nguyễn Cường đứng ra gom sản phẩm từ một số hộ dân sản xuất nhỏ lẻ để đem đi tiêu thụ. Anh Cường thổ lộ: “Tôi nghĩ chổi làm ra mà không có nơi tiêu thụ thì thật uổng công. Thế là tôi âm thầm đi khắp các chợ lớn nhỏ ở các tỉnh tìm đầu mối tiêu thụ. Bắt được mối, tôi về gom hàng và chở đến giao tận nơi. Khi đã tin cậy lẫn nhau, họ chỉ cần điện thoại ra là tôi đưa hàng đến, mỗi chuyến tôi kiếm lời được vài triệu đồng và đã tiêu thụ một lượng hàng lớn, tạm giải quyết đầu ra cho những hộ này”.

 

GIÀU LÊN NHỜ… BÓ CHỔI

 

Mặc dù trước đó, tôi được ông Nguyễn Văn Chín – Chủ nhiệm HTX Hòa Thắng 2 giới thiệu sơ lược về những hộ giàu lên nhờ bó chổi, nhưng vẫn ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi nhà đúc đang xây của ông Nguyễn Mượn ở đội 9. Ngôi nhà có mặt tiền rộng đến chục mét. Trong nhà ông chẳng thiếu thứ gì, nào là tủ lạnh, ti vi… và cả “chiếc” Yamaha mới toanh. Ông Mượn cho biết: “Cách đây chừng 5 năm, người dân Mỹ Thành còn nghèo lắm, chổi làm ra chỉ bán được trong tỉnh. Người làm chổi bán kiếm vài đồng đắp đổi qua ngày. Còn bây giờ, nhiều hộ rất khá giả, trong nhà chẳng thiếu thứ gì”.

 

Một số hộ của làng nghề Mỹ Thành giàu lên là nhờ đã tìm ra đầu mối tiêu thụ cho chổi đót, chổi dừa. Khi có đầu ra, nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất. “Tôi đã đi khắp các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai…, thấy nhà nào cũng  dùng chổi đót để quét nhà. Khi trở về, tôi đã quyết định dùng hết vốn liếng tích góp của gia đình để mở cơ sở bó chổi đót, chổi dừa. Tôi thuê nhân công ngay trong thôn và sau đó khoán sản phẩm để họ đem về nhà làm. Người dân có việc làm, có thu nhập, còn tôi có lãi” – ông Mượn nói thế. Hiện nay, giá mỗi cây chổi trên thị trường dao động từ 4.000 – 8.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Mượn kiếm lời từ 1.000 – 2.000 đồng. Cơ sở của ông Mượn có khoảng 15 nhân công, bình quân mỗi ngày sản xuất khoảng 1.200 cây chổi, tính ra ông lời gần 1.200.000 đồng/ngày. Ông Mượn cho biết, tiền công của những người làm thuê ở đây từ 400 – 800 ngàn đồng/tháng. Thu nhập trên trong những ngày nông nhàn ở nông thôn quả là không nhỏ. Trong khi nhiều nông dân bỏ làng lên thành phố kiếm sống, trở về vẫn trắng tay thì nông dân Mỹ Thành “ly nông bất ly hương” và có thêm thu nhập.

 

060425-bo-choi-1.jpg
Nhân công đang bện đót - Ảnh: Đức Thông

 

Ngoài ông Mượn, chị Cao Thị Nàng, anh Nguyễn Kim cũng là những chủ cơ sở bó chổi đót, mỗi năm thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng. Chị Nàng vừa mới đầu tư hơn 100 triệu đồng mở cơ sở thứ hai. Tôi đến cơ sở bó chổi của chị vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân, nhưng ở đây vẫn có 10 lao động đang tất bật bó chổi. Người thì tách đót, người thì bện chổi, người thì chăm chú bó những bện đót thành cây chổi. Công việc của họ cũng tương đối giản đơn, không có gì khó nhọc. Một người làm thuê ở đây cho biết: “Không mất nhiều thời gian để học, một người bình thường chỉ cần nhìn qua thì làm được ngay. Các em nhỏ học lớp 5 cũng làm được huống chi là người lớn”. Chị Nàng bảo: “Do vụ mùa nên bà con tranh thủ gặt lúa, những lao động có mặt ở đây đã thu hoạch lúa xong. Với hơn 15 lao động, mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất khoảng 40 tấn chổi đót và 20 tấn chổi dừa. Cơ sở hiện tại quá chật hẹp nên đã quyết định xây thêm một cơ sở nữa nhưng vẫn chưa đủ. Vì lượng nguyên liệu nhập về hàng chục tấn, rất cần kho trữ hàng lớn để đủ nguyên liệu sản xuất trong một năm”.

 

XUẤT KHẨU CHỔI ĐÓT?

 

Cuộc sống của người dân làng nghề Mỹ Thành giờ đây đổi thay rất nhiều. Cái ăn, cái mặc không còn là việc đáng lo nữa, họ đang suy nghĩ cách làm giàu. Chủ nhiệm HTX Hòa Thắng 2 Nguyễn Văn Chín tiết lộ: “Chúng tôi vừa được một công ty cổ phần xuất nhập khẩu ở TP. Hồ Chí Minh liên hệ đặt vấn đề sản xuất và xuất khẩu chổi đót. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, mỗi năm có khoảng 30.000 – 50.000 cây chổi đót của Mỹ Thành xuất khẩu. Đời sống của người dân sẽ khá hơn”.

 

Hiện nay, làng nghề Mỹ Thành có khoảng 10 cơ sở sản xuất tập trung với hơn 300 lao động chuyên sản xuất chổi đót, chổi dừa. Đó là một lực lượng nhân công đáng kể để sản xuất chổi đót xuất khẩu. “Bình quân một ngày, mỗi lao động sản xuất 100 cây chổi. Việc làm chổi cũng rất đơn giản và có thể huy động được nhiều lao động khác nhau từ cháu bé đến cụ già. Vì vậy, chúng tôi không lo về lao động. Còn nguyên liệu, lâu nay người dân mua nguyên liệu từ các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Huế… Nguồn nguyên liệu này tương đối ổn định. Vấn đề chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là đối tác. Vì làm ăn với đối tác nước ngoài thì phải cẩn thận, tìm hiểu kỹ…” – ông Chín dè dặt nói. Ông dè dặt là phải bởi gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thua kiện trong các vụ làm ăn do họ thiếu cẩn trọng khi ký hợp đồng với đối tác. Hơn nữa, các doanh nghiệp này vẫn chưa tìm hiểu tập quán thương mại quốc tế. Đó là bài học cho những doanh nghiệp đi sau.

 

Khó khăn là thế, nhưng ông Chín vẫn quyết tâm đưa chổi đót xuất ngoại. Ông Chín tự tin nói: “Khi gặp trực tiếp đối tác, chúng tôi sẽ bàn bạc rất kỹ về các điều kiện hợp đồng. Nếu cảm thấy phù hợp, chúng tôi sẽ triển khai xuống nông dân và HTX là đầu mối chính. Chúng tôi sẽ dành khu đất 3000 m2 để xây dựng kho chứa hàng. Xuất khẩu chổi đót sẽ tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước và tạo thu nhập cao cho nông dân”.

 

Tương khai không xa, cây chổi đót, chổi dừa của Mỹ Thành sẽ có “thương hiệu” và xuất khẩu, sau các sản phẩm mây tre, bẹ chuối… của Phú Yên.

 

Phóng sự của ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA
Chuyện chưa biết về một nữ chánh án
Chủ Nhật, 16/04/2006 16:02 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek