Thứ Năm, 03/10/2024 01:22 SA
Nhật ký viết ở Chungcheongbukdo
Thứ Tư, 29/10/2008 14:30 CH

NGÀY THỨ NHẤT: 15/10

 

Chiếc máy bay của hãng hàng không Asiana chở đoàn chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon – Hàn Quốc vào lúc 8g sáng (giờ địa phương). Ra đón chúng tôi tại sân bay là ban đại diện của Hội Liên hiệp Nghệ thuật dân gian Hàn Quốc tại ChungBuk với tấm băng rôn căng ngang in đậm dòng chữ “Chào mừng các nghệ sĩ của tỉnh Phú Yên – Việt Nam đã vượt qua chặng đường rất xa xôi” và những dòng chữ Hàn dưới dòng chữ Việt, có lẽ là dịch nguyên văn của câu chào trên. Nụ cười hết cỡ của ông trưởng ban đại diện (gọi như vậy vì tình thật tôi cũng chẳng biết tên gọi và chức tước của ông là gì) làm chúng tôi quên đi phần nào nỗi mệt nhọc sau chuyến bay (chính xác hơn là mệt do làm thủ tục xuất nhập cảnh).

 

Sao-Bien-1-081029.jpg

Đoàn Sao Biển biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Chungcheongbukdo - Ảnh: THANH HẢI

 

Hầu hết là quen mặt trong những lần gặp trước nên chúng tôi ùa đến ôm chầm lấy nhau với tình cảm của những người bạn xa cách lâu ngày, trên khóe mắt của một vài cô gái cả Việt lẫn Hàn đã thấy ngân ngấn nước. Sau giây phút tay bắt mặt mừng và chụp ảnh lưu niệm tại sân bay, chúng tôi lên xe buýt về Cheongju – thủ phủ của tỉnh Chungcheongbukdo. Từ Incheon về Cheongju mất gần 3 giờ ngồi xe buýt. Đập vào mắt chúng tôi là con đường cao tốc sạch bong với 10 làn xe qua lại vun vút cùng tiếng động cơ ầm ì mà tuyệt nhiên không thấy có tiếng còi xe. Đường nào xe nấy răm rắp, không giành đường, không lấn làn, trật tự đến lạ.

 

Mặc dù gần 9g sáng, nhưng có lẽ đã vào cuối thu nên sương mù vẫn còn bao phủ những dãy núi trùng điệp chung quanh, tạo nên cảnh quan kỳ vĩ (Hàn Quốc có 70% diện tích là đồi núi). Xe lại vun vút lao qua những cánh đồng vừa xong mùa gặt. Không biết các công đoạn gieo, cấy, gặt, hái ở đây như thế nào mà những thửa ruộng sau thu hoạch còn chừa lại những gốc rạ đều tăm tắp, trông thật thích mắt. Những bó rơm được cuốn lại thành từng cuộn lớn, bọc bên ngoài bằng một lớp nhựa màu trắng gọn gàng, chắc là để tránh vương vãi khi vận chuyển.

 

Có lẽ hình ảnh của một đất nước phát triển là nhà cao tầng. Mặc dù chưa vào thành phố, nhưng hai bên đường cơ man nào là nhà cao tầng, như hàng trăm chiếc hộp đồ sộ được một người khổng lồ nào đấy xếp đặt cạnh nhau. Thật ấn tượng.

 

Dù sao thì đó cũng chỉ là những hình ảnh lướt qua ô cửa xe. Những ấn tượng đầu tiên phần nào rút ngắn độ dài của quãng đường từ Incheon về Cheongju. Điều đọng lại sâu đậm trong chúng tôi là tấm lòng của con người Hàn Quốc, ít nhất là ở những con người mà chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc. Tấm lòng ở đây được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Từ cách đặt vấn đề mời đoàn (cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch và anh em nghệ sĩ), lập kế hoạch cho cả chuyến đi (chi tiết đến từng phút), đón tiếp đưa rước một cách trọng thị nhưng cũng rất gần gũi và rất... văn nghệ.

 

Đây là lần thứ hai Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển tháp tùng cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phú Yên sang giao lưu văn hóa nghệ thuật tại tỉnh Chungcheongbukdo – Hàn Quốc (lần trước là vào tháng 9/2006). Điều đặc biệt trong chuyến đi lần này là chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật diễn ra trong thời điểm TP Cheongju kỷ niệm 100 năm thành lập và tổ chức Tháng Văn hóa năm 2008. Bên cạnh việc biểu diễn giao lưu giữa đoàn nghệ thuật của Phú Yên với các đoàn nghệ thuật dân gian thuộc Hội Liên hiệp Nghệ thuật dân gian Hàn Quốc tại ChungBuk, còn có chương trình hội thảo về phương hướng phát triển giao lưu văn hóa Việt – Hàn trong thời gian đến.

 

Trở lại với chuyện tấm lòng của người Hàn. Không hề có một chút biểu hiện gì của sự phân biệt giàu nghèo, giữa một nước đã phát triển với nước đang phát triển, mà thậm chí ngược lại. Qua cô phiên dịch, qua tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được sự ngưỡng mộ của người Hàn Quốc đối với công cuộc giải phóng, thống nhất và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế phát triển, mức sống trung bình của người dân xếp vào loại cao của thế giới, tuy nhiên họ vẫn thấy mặc cảm về sự chia cắt hai miền tổ quốc, sự phụ thuộc vào các nước lớn... Có lẽ đó là tình cảm, là động lực thúc đẩy họ – những người bạn Hàn Quốc – đến với chúng ta.

 

Buổi gặp mặt đầu tiên diễn ra đơn giản nhưng ấm cúng. Hầu hết các thành viên của Hội Liên hiệp Nghệ thuật dân gian Hàn Quốc tại ChungBuk đều có mặt. Khách mời là những nhà tài trợ, những Mạnh Thường Quân của Hội và đặc biệt có các em học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học ChungBuk. Sau tiết mục văn nghệ chào mừng do phía bạn biểu diễn là bài phát biểu của đại diện hai bên, giới thiệu thành phần tham gia buổi gặp mặt và rồi... cùng nhau uống rượu Sư-chu, một thứ rượu truyền thống của Hàn Quốc. Những câu thăm hỏi ngọng líu tiếng Hàn chen tiếng Việt, những cuộc chuyện trò bị ngắt quãng vì hết vốn từ. Vui vui là.

 

NGÀY THỨ HAI: 16/10

 

Theo lịch trình sinh hoạt và làm việc trong ngày, đúng 9g cả đoàn đi ăn sáng. Chưa đến 8g đã thấy anh Kim Miêng Chông (người theo sát đoàn trong cả chuyến đi) đứng đợi ở bên ngoài khách sạn, người co ro vì rét. Nhìn thấy tôi, anh Kim đưa tay vò vò cái đầu trọc tếu, cười và nói: “Xin cảm ơn”. Chắc không phải anh cảm ơn tôi vì đã dậy sớm hơn mọi người.

 

Bữa ăn sáng đậm đặc hương vị xứ Hàn với đặc sản là món kim chi. Một bữa ăn của người Hàn Quốc phải có đến trên dưới 10 món kim chi cùng hàng chục món khác bày ra chật ních cả bàn ăn. Phần đông anh em trong đoàn Phú Yên không hợp khẩu vị với thức ăn ở xứ Hàn vì làn lạt, ngòn ngọt và rất cay. Đang dở bữa ăn thì mọi người phải đứng lên chào đón sự viếng thăm bất ngờ của ông Nô Hoa Uk, Phó tỉnh trưởng Chungcheongbukdo. Một sự quan tâm khá đặc biệt. Bên ngoài trời lạnh, bên trong phòng ăn có lò sưởi, ngoại cảnh hữu tình, con người gần gũi nên cuộc trò chuyện ấm cúng hẳn.

 

Ăn sáng xong, đoàn lên đường đi Boun, một huyện lỵ thuộc tỉnh Chungcheongbukdo, cách Cheongju khoảng hơn trăm cây số, để chuẩn bị cho đêm diễn đầu tiên. Thật bất ngờ, đêm biểu diễn với rất đông người xem là các cô gái Việt lấy chồng Hàn. Không có nhiều cơ hội để gặp nhau, nay được dịp, các cô ríu rít chuyện trò, bỏ quên mấy anh chồng Hàn đứng bồng con đến tội nghiệp. Hỏi han nhau chán, các cô nhảy luôn lên sân khấu vui vẻ nói cười với anh em nghệ sĩ của đoàn cứ như quen nhau từ lâu lắm rồi. Giữa xứ Hàn nghe líu lo tiếng các cô gái Việt, vui buồn xen lẫn trong đêm hội ngộ nơi đất khách quê người!

 

NGÀY THỨ BA: 17/10

 

Đoàn biểu diễn tại Cheongju tham dự Chương trình đêm khai mạc Tháng Văn hóa Hàn Quốc 2008. Đây được xem là buổi biểu diễn quan trọng nhất trong chuyến đi lần này. Cùng diễn với đoàn Sao Biển còn có một số đoàn nghệ thuật tầm cỡ quốc gia của Hàn Quốc. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh KBS, một kênh truyền hình nổi tiếng của nước này.

 

Một buổi biểu diễn xuất thần của các nghệ sĩ Sao Biển. Ai nấy như quên hết ngoại cảnh chung quanh, thăng hoa với những phút giây trên sân khấu. Còn khán giả Hàn Quốc thì bất ngờ với 30 phút biểu diễn của đoàn Phú Yên – Việt Nam. Những tràng pháo tay tán thưởng, những tiếng xuýt xoa trầm trồ khi sân khấu xuất hiện các chàng trai cô gái Việt Nam trong trang phục áo dài khăn đóng. Múa Chăm, múa Thôn nữ, hòa tấu nhạc cụ Tây Nguyên và đặc biệt là tiếng đàn đá đã thực sự chinh phục người xem. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được một cách sâu sắc về hồn dân tộc trong âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến thế.

 

Đây cũng là ngày tổ chức hội thảo về phương hướng phát triển giao lưu văn hóa nghệ thuật Hàn – Việt. Trong khuôn khổ bài viết này không thể diễn đạt hết nội dung buổi hội thảo. Diễn ra trong không khí ấm áp, gần gũi, thân thiện, buổi hội thảo xuất phát từ lòng yêu chuộng hòa bình, với mục đích để các văn nghệ sĩ của hai tỉnh Phú Yên và Chungcheongbukdo xích lại gần nhau hơn, hàn gắn vết thương chiến tranh, bắc một chiếc cầu nối giữa hai tỉnh và sâu rộng hơn là hai quốc gia, hai dân tộc cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Cảm động nhất là trong chương trình hội thảo, mọi người được nghe một cô gái Việt, người đã từng đoạt giải nhất toàn Hàn Quốc “Cuộc thi người lớn kể chuyện cổ tích cho trẻ em nghe”, kể chuyện cổ tích Tấm Cám bằng tiếng Hàn. Nụ cười chan nước mắt!

 

NGÀY THỨ TƯ: 18/10

 

Đoàn biểu diễn tại Trường trung học Hankyere thuộc khu vực Kyeonggi do Anseengsi, cách tỉnh lỵ Chungcheongbukdo gần 2 giờ xe buýt. Điều khá đặc biệt là rất đông học sinh theo học ở đây có sinh quán tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Vì không có thời gian nên chúng tôi không tìm hiểu kỹ, chỉ biết rằng các em học ở đây đều ở tập trung và được miễn tất cả các khoản phí, còn điều kiện học tập thì theo chúng tôi là quá chuẩn. Dù thời gian biểu diễn vào 11g trưa, các em vẫn say mê theo dõi và cổ vũ hết mình. Biểu diễn xong, chúng tôi cùng ăn trưa luôn với các em tại bếp ăn tập thể của trường, một bếp ăn ngăn nắp và sạch sẽ không chê vào đâu được. Lúc chia tay, tất cả thầy trò tập trung trước bậc tam cấp vẫy tay chào tạm biệt đoàn. Một số em đột ngột tách khỏi “đội hình” chạy theo xe để... chào lần nữa.

 

Chiều hôm đó chúng tôi đến Jecheon để xem một buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật dân gian ChungBuk. Trong hầu hết các chương trình biểu diễn của đoàn bạn trước kia mà chúng tôi đã xem, ngoài những tiết mục biểu diễn bộ gõ truyền thống Hàn Quốc, còn lại là những màn kịch múa xoay quanh chủ đề yêu chuộng hòa bình, lên án chiến tranh, thể hiện khát vọng thống nhất hai miền Nam - Bắc. Lần này cũng vậy, chúng tôi không cầm được nước mắt khi xem các bạn diễn. Sự đồng điệu trong nghệ thuật, sự cảm thông chia sẻ của một dân tộc đã từng trải qua nỗi đau chiến tranh đã khiến chúng tôi gần nhau hơn.

 

NGÀY THỨ NĂM: 19/10

 

Đoàn diễn tại TP Chungju, một trong ba thành phố thuộc Chungcheongbukdo. Bất ngờ gặp lại những cô gái lấy chồng Hàn ở Boun hôm trước.   

       

Biết đây là buổi biểu diễn cuối của đoàn tại Chungcheongbukdo, các cô gái đã không ngại quãng đường gần 200km, đón xe buýt đến tận nơi để chia tay đoàn trước khi về Việt Nam. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được phần nào cuộc sống của các cô gái Việt lấy chồng Hàn. Chungcheongbukdo là tỉnh có tỉ lệ người Việt Nam lấy chồng Hàn cao nhất xứ sở kim chi. Phần đông các cô gái có cuộc sống bình thường với chồng và gia đình phía chồng. Một vài cô may mắn gặp được gia đình khá giả thì cũng xủng xoẻng tiền bạc gửi về Việt Nam để phụ giúp gia đình. Một vài trường hợp bị chồng hoặc gia đình chồng hành hạ, bóc lột sức lao động thì.... đành chịu. Một cô tên Loan, quê ở Hải Phòng nói: “Cũng giống như ở Việt Nam thôi. Nếu may mắn gặp phải người chồng hiền lành, biết chí thú làm ăn thì chúng em nhờ. Nếu xui xẻo gặp cái thằng nát rượu, hay đánh đập vợ con thì chúng em cũng phải cam chịu. Phụ nữ chúng em là vậy mà”. Nghe Loan nói mà chúng tôi nao lòng.

 

Quay trở lại chuyện biểu diễn. Đây là đêm diễn cuối cùng, Đoàn Sao Biển diễn chung với Đoàn ChungBuk. Đặc biệt, ông thị trưởng đã không tiếc lời ngợi khen chương trình biểu diễn của đoàn Phú Yên và mong muốn được đón tiếp đoàn một lần nữa. Ông muốn những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Hàn (ở TP Chungju cũng có nhiều cô gái Việt lấy chồng Hàn) phải được xem và hiểu biết nhiều hơn về văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Cũng cần nói thêm là tất cả những nơi đoàn đến biểu diễn đều tổ chức triển lãm tranh truyện cổ tích Việt Nam như truyện Cây khế, Sự tích con muỗi, Tấm Cám... Đó là một việc làm đáng trân trọng.

 

NGÀY THỨ SÁU: 20/10

 

Ngày mua sắm quà lưu niệm. Đi nước ngoài, mua sắm đồ đạc, quà cáp tưởng cũng là việc bình thường. Tuy nhiên giá cả thì... trên trời. Hầu hết các mặt hàng đều có giá gấp đôi, gấp ba ở Việt Nam. Thôi thì cũng chọn lựa vài thứ gọi là.

 

Đêm, chúng tôi dự tiệc. Bữa tiệc chia tay của những người bạn. Không lễ nghi, không khách sáo. Tất cả ngồi... bệt xuống sàn (kiểu ngồi truyền thống của người Hàn), quây quần bên nhau, tiếng hô “hai, ba... dô” được cả Việt lẫn Hàn tận dụng tối đa. Đó là cụm từ duy nhất có thể phá bỏ rào cản về ngôn ngữ, ít nhất là trong bàn tiệc.

 

NGÀY THỨ BẢY: 21/10

 

Ngày chia tay. Bịn rịn. Lưu luyến. Một tuần trôi qua thật nhanh. Ai cũng cảm thấy có điều gì đó chưa làm được, chưa thỏa mãn. Đoàn bạn đứng thành hàng trước cửa xe buýt để bắt tay từng người, những cái bắt tay không muốn rời. Tạm biệt Cheongju.

 

Trước khi đến sân bay Incheon, bạn (một số anh em người Hàn đi theo hộ tống đoàn đến tận sân bay) đưa ta dạo một vòng quanh Seoul để... nhìn ngắm. Với những người Việt Nam không thường xuyên đi nước ngoài như chúng tôi thì Seoul quả thật là ngoài sức tưởng tượng. Nhưng có lẽ điều thú vị nhất là trên các con phố của Thủ đô Seoul, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một cái biển biệu bằng tiếng Việt không dấu như pho Hoa (phở Hòa), Cua Viet (Cửa Việt)...

 

Đến giờ tới sân bay để làm thủ tục lên máy bay. Lại những cái bắt tay bịn rịn. Lại có những đôi mắt ngân ngấn nước. Sự lưu luyến chỉ chấm dứt khi chúng tôi đi qua cửa soát vé để rồi cuốn vào cái vòng quay của các loại thủ tục xuất nhập cảnh. 20g, máy bay lăn bánh vào đường băng. 20g15 máy bay cất cánh…

 

                       

HUỲNH TẤN PHÁT

Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi hái xay rừng
Thứ Tư, 15/10/2008 14:32 CH
Những phụ nữ bán hàng rong trong phố
Thứ Tư, 08/10/2008 14:30 CH
Chợ trái cây đêm
Chủ Nhật, 05/10/2008 14:29 CH
Ông Mười “vì người nghèo”
Thứ Tư, 01/10/2008 14:01 CH
Nỗi đau mang tên HIV
Thứ Tư, 24/09/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek