Thứ Ba, 01/10/2024 08:49 SA
Nước sạch về buôn - đã thông dòng chảy?
Thứ Hai, 24/04/2006 14:32 CH

Trước đây bà con các dân tộc thiểu số ngỡ ngàng đón ánh điện bừng sáng núi rừng, hôm nay họ lại thêm niềm vui có nước sạch đến chân nhà sàn. Chuyện đó giờ đã trở thành bình thường ở EaBia nhưng vẫn còn là ước mơ của nhiều buôn làng.

 

“CHUYỆN LẠ” EA BIA

 

Chị em nhà Hơ Rin chừng như quen lắm với vòi nước máy nhà mình. Cô chị vừa đưa tay mở van một cách thành thạo, thì cô em đưa chiếc sô vào đón lấy nước. Thi thoảng cô em còn đùa nghịch, đưa tay cản dòng nước làm tung toé vào người chị. Người dân tộc thiểu số vốn điềm đạm, ít biểu lộ tình cảm trước khách lạ, nhưng bắt gặp hình ảnh trên, chúng tôi biết họ vui, “ưng cái bụng” lắm. Cái vui của chị em Hơ Rin cũng như tất cả phụ nữ của buôn Dành A xã Ea Bia này là từ nay không còn bận tâm chuyện “nước non” mà bao đời nay luôn đè nặng trên đôi vai của họ. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng lần đầu tiên già làng Ma Đoan mới thấy có “cái nước” chảy vào tận chân nhà sàn, mà lúc nào cũng có nữa chớ. Cụ bảo: “Chuyện này lạ lắm đó, chẳng khác gì “cái điện” thay cho đèn dầu ngày trước. Tụi con gái không còn cực nhọc nữa rồi. Chúng không phải lo đi gùi nước hàng ngày nữa đâu.”

 

060424-nuoc-suoi.jpg

Người dân nhiều buôn làng vẫn dùng nước sông suối để sinh hoạt  - Ảnh: N.T

 

“Chuyện lạ” mà già làng Ma Đoan nói không phải không có lý. Một buôn làng hẻo lánh ở miền núi, nơi hầu hết là người dân tộc thiểu số sinh sống lại được dùng nước sạch- nước sạch đúng nghĩa- do Nhà máy nước công nghiệp Hai Riêng cung cấp, được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của Bộ Y tế quy định. Ngay cả ở TP Tuy Hoà, vẫn có một bộ phận người dân chưa được sử dụng nước sạch như thế này. Câu “chuyện lạ” này xuất phát từ các dự án giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số của Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh. Trong năm 2003, huyện lắp đặt hệ thống cấp nước đưa nước của Nhà máy nước thị trấn đến buôn Hai Riêng (TT Hai Riêng) và buôn Hai Krông (Ea Bia). Đường ống được kéo đến từng hộ dân. Từng nhà có một hệ thống lấy nước được xây dựng trên một ô vuông cạnh chừng 1m láng xi măng, trên đó lắp đặt một vòi nước kèm theo đồng hồ đo nước. Cũng cách làm đó, năm 2004, Sông Hinh lại tiếp tục kéo dài đường ống nước đến buôn Hai Klốc và Ma Sung (Ea Bia). Và năm vừa qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 134, Phòng Dân tộc huyện lại mở rộng mạng cấp nước đến buôn Dành A, Dành B, có nơi cách Nhà máy nước gần 6 km. Bằng cách làm đó, “chuyện lạ” đã có mặt ở tất cả 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 5 trong số 7 buôn của xã đặc biệt khó khăn Ea Bia.

 

Còn chuyện trả tiền nước? “Bà con dùng nước chủ yếu ăn uống nên không nhiều, mỗi hộ chừng 5- 7 khối/ tháng nên trả cũng chẳng bao nhiêu.” - Anh Sỹ (Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh) trả lời chúng tôi và kể lại câu chuyện khi vận động bà con dùng nước máy.

 

Một lần gặp đám thanh niên đang nhậu, hỏi:

 

- Một khối nước bao nhiêu mà phải tốn 2.000 đồng?

 

- Bằng 5 thùng phuy đấy! Tôi chỉ vào chiếc thùng phuy bên cạnh và giải thích: “Vợ anh đi gùi mỗi ngày một lần thì cả tháng chưa chắc đã đầy 5 thùng phuy đó đâu!”. Và tôi tấn công luôn: “ Chỉ cần anh bớt 2 xị rượu là đủ trả tiền khối nước đó!”

 

Chủ tịch UBND huyện, Ma Thông thêm vào: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, buôn làng định cư bao giờ cũng nằm bên dòng suối, triền sông. Mọi sinh hoạt của dân làng hầu như gắn liền với dòng suối, con sông đó. Giặt giũ, tắm rửa ngay tại đó. Mùa nắng nóng, những dòng suối nhỏ thường cạn kiệt trơ cát lẫn đá cuội. Các mí phải đi xa hàng cây số để gùi nước, nhưng đâu phải lúc nào cũng có được nước mát trong lành như mong muốn. Do vậy công trình cấp nước sạch này rất thiết thực, giải quyết một cách vững chắc tình trạng thiếu nước sinh hoạt từ ngàn đời nay. Nhiều hộ còn tận dụng nguồn nước thừa trồng rau xanh cải thiện đời sống và điều quan trọng hơn, nguồn nước cung cấp bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đã hạn chế được dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

 

BUÔN LÀNG VẪN CÒN KHÁT…

 

Nước sinh hoạt là một trong 6 công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản (điện, đường, trường học, trạm y tế, cấp nước và chợ) để đánh giá điều kiện thoát nghèo của xã đặc biệt khó khăn. Nhu cầu về nước có tính sống còn trong đời sống của mọi người đã được Nhà nước ta cụ thể hoá thành Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT). Đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết nước sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong những chương trình định canh định cư, chương trình 135, dự án cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cọâng đồng. Đặc biệt, chương trình 134, một lần nữa ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt đã cho thấy sự bức thiết của nhu cầu cấp nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những chương trình quốc gia đó, trên địa bàn nông thôn miền núi tỉnh ta đã có không dưới 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng cùng hàng nghìn giếng đào, đạt 5- 6 giếng/hộ. Theo số liệu của Trung tâm NSH&VSMTNT, trong 7 năm (1999- 2005), có thêm khoảng 76.230 người dân khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh được giải quyết nước sinh hoạt từ các công trình trên. Thế nhưng trên thực tế, vào mùa khô hàng năm, việc thiếu nước luôn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phải chăng những công trình cấp nước đó chưa phát huy tác dụng? “Khoảng 60% giếng đào trên địa bàn huyện Sông Hinh không còn đủ nước vào mùa khô” Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Ma Thông thừa nhận. Giếng đào như thế, còn những hệ cấp nước tập trung thì sao?

 

Mùa này năm trước về xã Đa Lộc, chúng tôi được biết tại đây, hệ cấp nước tự chảy đã không còn tác dụng. Công trình do Trung tâm NSH&VSMTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT Phú Yên) đầu tư xây dựng trị giá hơn 350 triệu đồng và bàn giao cho địa phương thai thác vào năm 2002 nhưng chỉ một năm sau đó đã ngừng hoạt động vì đường ống bị phá vỡ, còn nước đầu nguồn lúc có lúc không. Đến nay, huyện, xã và Trung tâm nước cũng chưa ngồi lại với nhau để xử lý tình trạng lãng phí của hệ cấp nước này. Còn nhớ mùa khô năm trước, huyện Sông Hinh phải chở nước “cứu khát” khẩn cấp cho dân xã Ea Lâm, mặc dù tại xã có một hệ cấp nước tập trung. Rõ ràng công trình cấp nước ở đây đã không phát huy hiệu quả. Chuyện “trục trặc kỹ thuật” ở nhiều hệ cấp nước khác dường như là “chuyện thường ngày”. 2 dự án cấp nước tập trung mới xây dựng ở xã Krông Pa (Sơn Hoà) thuộc chương trình 135 và 134 để phục vụ cho 370 hộ trong xã đã hoàn thành từ 3 tháng nay nhưng vẫn đứng giữa trời kiểu “cha chung” vì chưa tìm ra cơ chế quản lý, vận hành hợp lý. Giải thích những bất cập đó, Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT, Nguyễn Hữu Thứ cho rằng: Cái “vướng” của các hệ cấp nước tập trung là sau khi giao lại cho địa phương quản lý là việc vận hành còn lúng túng do thiếu kinh phí hoạt động. Kinh phí sửa chữa tuỳ thuộc vào tiền thu từ người sử dụng nước, nếu thu thấp thì không đủ chi phí sửa chữa, hoạt động, còn thu cao thì người dân không tham gia. “Tồn tại sau đầu tư đó chỉ có thể giải quyết với điều kiện người quản lý phải được đào tạo chuyên môn, có phương tiện quản lý và phải có vốn hỗ trợ như Nhà nước bù lỗ cho công ty cấp thoát nước của tỉnh vậy”. Ông Thứ khẳng định như vậy.

 

CẦN TIẾP TỤC KHAI THÔNG DÒNG CHẢY

 

Cũng theo Trung tâm NSH&VSMTNT, tỷ lệ dân cư nông thôn Phú Yên được sử dụng nước sạch còn ở mức khiêm tốn, mới đạt 48%, kém hơn mức bình quân chung của cả nước là 12%. Ông Thứ cho rằng, mục tiêu quốc gia đến năm 2010 là đảm bảo 85% dân cư nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với tiêu chuẩn 60 lít/ngày, là một thách thức lớn đối với Phú Yên, nếu không nói khó trở thành hiện thực.

 

Tuy nhiên, điều đáng mừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước quan tâm, đang có cơ hội thuận lợi khơi thông dòng nước sạch về buôn làng. Chương trình 134 của Chính phủ triển khai thực hiện trong năm vừa qua đã xây dựng cho các huyện miền núi 7 hệ cấp nước tập trung, đào 30 giếng nước tập trung và hỗ trợ cho 148 hộ (300.000 đồng/hộ) tự đào giếng giải quyết nước sinh hoạt cho 1.162 hộ. Như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh chỉ còn khoảng 3.300 hộ (chiếm 34,4%) chưa tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Việc xây dựng hệ cấp nước tập trung ở thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết, nhưng phải lưu  ý đến nguyên tắc phát triển bền vững “làm tới đâu, chắc tới đó” vừa bảo đảm lượng nước và an toàn về vệ sinh môi trường, sử dụng mô hình công nghệ phù hợp với trình độ quản lý của dân làng, đồng thời phải giải quyết những vấn đề “hậu đầu tư”. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo người quản lý vận hành công trình, trang bị phương tiện cần thiết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá nước sinh hoạt như trợ cước trợ giá đối với nông sản vì “nước là loại hàng hoá kinh tế xã hội” có tính xã hội rộng lớn. Đây là điều kiện “cần và đủ” để những hệ thống cấp nước nhỏ lẻ sử dụng có hiệu quả lâu dài. Điều đó cũng đồng nghĩa người phụ nữ miền núi được giảm bớt thời gian và sức lực vì không phải tiêu tốn vào việc đi lấy từng gùi nước để chống chọi với cái nắng oi bức của vùng cao khi mùa khô đến.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek