Bác sĩ Lê Kính sinh ngày 1/1/1938 tại phường Bình An, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông xuất thân từ một gia đình trí thức, giàu lòng yêu nước ở mảnh đất miền Trung gian khổ, đầy gió cát nhưng cũng chính là vùng đất cách mạng sục sôi, nơi ông đã từng là dân công hỏa tuyến thuộc liên khu V trong kháng chiến chống Pháp.
Vợ chồng bác sĩ Lê Kính trong nhà từ đường ở phường 4, TP Tuy Hòa – Ảnh: C.T.V |
Từ nhỏ, Lê Kính là cậu bé hiếu học ở Trường trung học Lương Văn Chánh quê nhà rồi Trường Chu Văn An ở Sài Gòn. Ông đã trải qua nhiều công việc lao động chân tay nặng nhọc trước khi theo đuổi nghiệp đèn sách. Lớn lên từ quê hương nghèo khó, cái gì cũng thiếu nên ông theo rất nhiều ngành từ khoa học tự nhiên, sư phạm, dược… để rồi gắn bó với ngành y.
Trở thành sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1961, ông chăm học với đức tính chân chất, chịu thương chịu khó mang đậm dấu ấn của nông thôn miền Trung. Nhờ vậy, ông được sự thương yêu, dạy dỗ của các bậc thầy lớn của ngành ngoại khoa như hai giáo sư Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy. Ít người có được cơ duyên như ông là làm người học trò “ruột” của hai giáo sư đứng đầu ngành chỉnh trực thời bấy giờ là thầy Trần Ngọc Ninh, thầy Hoàng Tiến Bảo và học cả ngành phẫu thuật “bổ hình tái tạo” ở trung tâm Barsky, rồi giải phẫu bệnh các bệnh lý cơ – xương – khớp. Ông đam mê đọc và nghiền ngẫm các kiến thức từ sách vở. Cũng nhờ nhân cách trong sáng, lối sống giản dị mà sau ngày đất nước thống nhất, ông được giáo sư Nguyễn Quang Long, chủ nhiệm bộ môn, cũng như các bạn bè thương yêu, kính trọng. Tuy không nổi danh như vài đồng nghiệp khác, nhưng rất hiếm người được như ông là có thể điều trị, thực hiện được mọi phẫu thuật về chấn thương chỉnh hình từ gãy xương tứ chi, cột sống cho đến thay khớp, các bướu xương và phần mềm… Làm việc không so đo tính toán, ông luôn nhận phần khó về mình và lao vào các vấn đề hóc búa của ngành nghề một cách bền bỉ và thầm lặng. Đề tài luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1972 về “Bướu đại bào xương” thuộc lĩnh vực ung bướu đầy khó khăn, thách thức. Ông không ngừng học tập vươn lên, là tấm gương sáng về đức độ và tài năng.
Bác sĩ Lê Kính là một thầy giáo chuẩn mực. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành Trưởng phòng Bệnh lý, Giảng nghiệm trưởng bộ môn Chỉnh trực và Phẫu nhi thuộc Y khoa Đại học đường Sài Gòn, rồi giảng viên bộ môn chấn thương chỉnh hình (CTCH) Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, dù đã về hưu, ông luôn giảng dạy học viên, sinh viên với lòng nhiệt tình và với lượng kiến thức dồi dào cũng như bằng những câu chuyện kể về y khoa, về tấm gương của các thầy đi trước. Có thể nói, ông là cuốn tự điển sống về lịch sử Y khoa Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh.
Với vai trò giảng viên chính, là Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên và bác sĩ chuyên khoa một cách không mệt mỏi. Ngoài ra, ông đã tham gia giảng dạy tại các khoa y Trường Đại học Cần Thơ, Tây Nguyên, dạy chuyên khoa I chấn thương chỉnh hình tại các địa phương Đồng Tháp, Hậu Giang, Phú Khánh (cũ)… và cho ngành điều dưỡng, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu. Đối tượng giảng dạy vì vậy cũng rất khác nhau, từ sinh viên y khoa, bác sĩ chuyên khoa cho đến điều dưỡng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng… Năm tháng qua đi nhưng những bài giảng, tài liệu của ông về các lĩnh vực chấn thương, bướu xương và phần mềm, cột sống, kỹ thuật bột, phục hồi chức năng vẫn còn nguyên giá trị. Ông đã chủ biên cuốn sách “Gãy xương chi trên”, “Phục hồi chức năng” từ những năm 1980, giúp cho sinh viên, bác sĩ chẩn đoán tốt. Ông là người đam mê nghiên cứu khoa học, báo cáo hơn 50 đề tài tại các hội nghị.
Ông là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực của ngành chấn thương chỉnh hình. Cùng với bác sĩ Lê Chí Dũng, ông nghiên cứu và điều trị các bướu xương và phần mềm, đặt nền tảng cho sự phát triển của chuyên ngành “Bướu xương – Bướu phần mềm” sau này. Ông đã góp phần xây dựng chuyên ngành cột sống bên cạnh TS Vũ Tam Tỉnh, PGS Võ Văn Thành. Có thể nói, ông đã giữ gìn và phát huy hai di sản của thầy Hoàng Tiến Bảo một cách tích cực và thầm lặng.
Còn nhớ vào năm 1983, trong khi nhiều đồng nghiệp e ngại không đồng tình thì tuy bản thân là cán bộ nhà trường (!) nhưng ông đã dũng cảm nhận lệnh điều động của giám đốc Sở Y tế đi tiên phong “tiền trạm” qua bệnh viện Trần Hưng Đạo để chuẩn bị cho việc hình thành trung tâm Chấn thương chỉnh hình tại cơ sở điều trị này. Cũng chính ông đã không ngại đụng chạm để xây dựng khoa phẫu thuật chỉnh hình Nhi từ một khoa Nội Nhi và cùng với PGS Võ Thành Phụng sang “cắm chốt” ở Bệnh viện Nhi Đồng I để xây dựng khoa Chỉnh hình Nhi ở đây. Đó cũng là cách để ông đền đáp công ơn thầy Trần Ngọc Ninh đã dạy dỗ mình. Ông đã tham gia trường hợp đầu tiên mổ “Tách rời đôi song sinh dính nhau ở xương cùng” cùng với thầy Trần Ngọc Ninh vào năm 1975, cũng như ca mổ lịch sử “Tách rời đôi song sinh dính nhau Việt – Đức” năm 1984, với tư cách là chuyên gia chấn thương chỉnh hình, chỉnh hình nhi và phục hồi chức năng. Đó là những công việc vô cùng khó khăn, nhưng ông đều thực hiện với tính cách lăn xả và khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì ông thầm lặng trao vinh quang cho người khác.
Bác sĩ Lê Kính là người bền bỉ hoạt động phong trào. Ông tham gia tích cực vào nhiều hội chuyên ngành trong và ngoài nước. Với cương vị ủy viên Ban chấp hành Hội Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, ông đã góp phần phát triển ngành trong tinh thần đoàn kết, tin cậy lẫn nhau.
Bác sĩ LÊ KÍNH được tập thể Hội Chấn thương Chỉnh hình quý trọng, tin yêu bầu chọn là NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH 2008.
PGS - TS - BS LÊ CHÍ DŨNG
Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh