Thứ Ba, 01/10/2024 08:46 SA
Người kể chuyện lịch sử bằng gỗ
Chủ Nhật, 23/04/2006 10:04 SA

Bên dòng sông Ba hiền hoà có một người mải mê kể những câu chuyện lịch sử bằng gỗ. Từ những thớ gỗ im lìm tự ngàn đời, qua đôi tay tài hoa của ông, những trang sử hào hùng của dân tộc như cựa mình thức dậy. Ông tên là Phan Văn Lành, 55 tuổi, ở thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hoà.

 

NHƯ MỘT SỰ TRI ÂN

 

060424-khac-go.jpg

Vợ chồng ông Lành bên những tác phẩm của mình - ẢNh: Ngọc Dung

Sinh ra và lớn lên ở làng Hướng Lại (xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng hơn 15 năm nay, gia đình ông Lành chọn vùng quê Bình Ngọc, TP Tuy Hoà làm quê hương thứ hai. Ông lí giải cho sự bôn ba: “Tôi đi để tìm đất sống cho nghề. Dòng sông, con người và mảnh đất nơi đây đã giữ chân gia đình tôi”.

 

Ông kể về niềm đam mê: “Tôi lớn lên trong tiếng búa, đục gõ của cha, rồi mê cái nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ lúc nào không hay. Mê đến mức tôi mang theo cưa, đục đến trường học. Những ngày thứ bảy, thay vì làm vệ sinh với các bạn, tôi được thầy cô “đặc cách” ở lại để sửa bàn ghế hỏng trong lớp”. Lành theo cha học nghề năm 12 tuổi. Có năng khiếu, lòng say mê cộng với sự cần cù nên 4 năm sau, Lành đã thành thợ mộc giỏi với những đường nét chạm trổ tinh xảo nổi tiếng trong làng.

 

Ông nói: “Tôi đến với đề tài lịch sử như một sự tri ân với những anh hùng đã khuất. Mỗi người dân Việt đều tự hào về lịch sử dân tộc mình. Nhưng cuộc sống hôm nay với nhiều bộn bề lo toan khiến không  ít người, nhất là lớp trẻ dễ lãng quên quá khứ”. Ông Lành lặng chìm trong hồi ức: “Thế hệ của cha tôi, tuổi trẻ của anh chị tôi trôi qua trong mưa bom lửa đạn. Gia đình tôi có bốn người tham gia kháng chiến, người anh cả mãi mãi nằm lại chiến trường”. Ôâng hiểu để có được cuộc sống yên bình hôm nay, cả dân tộc đã đánh đổi biết bao xương máu! Ông từng chứng kiến bao nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Lòng ông lại nhói đau khi bắt gặp những giọt nước mắt ràn rụa trên gương mặt của mẹ già mỗi khi nhớ đến người anh trai đã hi sinh. Và có điều gì đó như réo gọi, thôi thúc bàn tay ông chạm trổ lên từng thớ gỗ “gương mặt”, “hình hài” những tháng năm lịch sử oanh liệt. Ông bộc bạch: “Những trang sử hào hùng của dân tộc không thể khuất lấp theo thời gian. Không nói được gì với thế hệ trẻ về những trang sử ấy là có lỗi với người đã khuất. Những gì tôi làm, chỉ mong góp một phần nhỏ, để khơi gợi lên niềm tự hào ấy”.

 

ĐỪNG LÃNG QUÊN QUÁ KHỨ!

 

Giọng nói trầm ấm chậm rãi, phong thái điềm đạm, có điều gì đó trong ông gợi cho người ta cảm giác thật bình yên. Ông Lành có thể kể hàng giờ những câu chuyện về Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệä… Ông bảo, cái khó trong nghề mình là không có tài liệu để nghiên cứu khi thực hiện những đề tài cần nhiều cứ liệu lịch sử. Ông không biết tìm đâu tài liệu để phụ vụ cho công việc của mình từ những thước phim tài liệu trên ti vi, từ những tờ báo, trang sách đã ố vàng. Thật ngạc nhiên là ông thuộc khá nhiều thơ Tố Hữu!

 

Với ông Lành, những năm tháng oanh liệt, hào hùng của dân tộc là cảm hứng, là mạch nguồn sáng tác. Trong tác phẩm điêu khắc gỗ của ông, người ta nhìn thấy một Tô Vĩnh Diện trong tư thế chèn pháo, một Bế Văn Đàn “thân chôn làm giá súng”, một Phan Đình Giót “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” và như nghe thấy hàng ngàn tiếng reo hò xung trận của những anh bộ đội Cụ Hồ  trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào.

 

Tôi dừng lại thật lâu bên tác phẩm khắc gỗ “Quang cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”. Dưới những đường nét chạm khắc tài hoa, những ánh mắt, nụ cười rạng ngời hạnh phúc của hàng triệu người hiện lên, và người xem có cảm giác như được sống trong thời khắc thiêng liêng của một ngày mùa thu lịch sử năm 1945. Nhìn ngắm những tác phẩm của ông, người ta thấy những vụn vặt đời thường bỗng tan biến trước những điều lớn lao.

 

***

 

Nhà ông Lành thật rộng và khang trang. Phía trước phòng khách bày biện nhiều bộ bàn ghế khảm trai, xà cừ trông thật ấn tượng. Nghề này giúp gia đình ông sống được. Ông nở một nụ cười hài lòng : “Tôi nghiệm  thấy cuộc đời thật công bằng với  những ai theo đuổi tận cùng đam mê nghề nghiệp. Bây giờ tôi thấy vui, vì lúc nào cũng nhận được sự chia sẻ niềm đam mê nghề nghiệp từ vợ và các con”. Hiện nay, ba người con trai của ông là Văn Tiến, Văn Rôn và Huy Công đang theo nghề mộc do cha truyền lại. Tất cả họ đều được thừa hưởng “gien” tài hoa, chịu khó, tỉ mỉ của bố. 15 năm nay, tiếng cưa đục lúc nào cũng vang trong căn nhà này. Ông luôn dặn các con: “Con người ta sẽ không thể tiến xa, một khi lãng quên quá khứ dân tộc”. Và, ông có ý định hướng các con mình tạo nên những tác phẩm điêu khắc gỗ về đề tài lịch sử Việt Nam. “Nhưng để làm được điều ấy đòi hỏi rất nhiều thời gian”-ông trăn trở. Chia tay tôi, mắt ông ánh lên niềm vui khi nói về dự định trong thời gian tới: Sẽ hoàn thành một tác phẩm điêu khắc gỗ từ thời các Vua Hùng đến ngày Quốc khánh 2-9. Hy vọng tác phẩm này sẽ được mọi người đón nhận.

 

NGỌC DUNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA
Chuyện chưa biết về một nữ chánh án
Chủ Nhật, 16/04/2006 16:02 CH
Người gắn tên với cây, với rừng
Thứ Hai, 10/04/2006 08:32 SA
Săn cá ngừ đại dương
Thứ Năm, 06/04/2006 09:02 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek