Thứ Ba, 01/10/2024 08:33 SA
Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp:
Tư thương vẫn chi phối thị trường
Thứ Năm, 20/04/2006 08:08 SA

Phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ … là những thứ mà nông dân luôn cần đến trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, giá cả mặt hàng này đang bị những nhà buôn thao túng dưới hình thức bán nợ và tính lãi. Dù một số HTX mở ra dịch vụ bán hàng với giá phải chăng và cũng cho nợ nhưng vẫn khó cạnh tranh được với tư thương, bởi việc quản lý thuế lỏng lẻo, đại lý phân bón còn là điểm “tín dụng đen” …

 

BÁN NỢ TÍNH LÃI CAO

 

Với bà con nông dân, từ tiền mua giống, phân thuốc đến tiền công, tiền cày đều phải đợi đến mùa thu hoạch  mới trả được. Vậy là, những người làm dịch vụ này mở ra hình thức: cho nợ! Tuy nhiên, đằng sau “ân huệ” đó, người mua phải méo mặt khi trả lãi. Lãi bán phân bón ở đây được tính từ 2- 3%. Giả sử một bao phân Urê có giá 230.000đồng, nếu mua nợ thì đến mùa (3 tháng sau), người mua sẽ phải trả số tiền là 290.000đồng. Còn nếu không trả nợ bằng tiền thì quy ra lúa mà thực chất là bán lúa non. Ví như giá lúa hiện thời 1.400 – 1.500đ/kg nhưng quy tiền phân ra lúa thì giá chỉ 1.000đ/kg. Đã bao mùa giá lúa tăng trên 2.000đ/kg nhưng con nợ đành “ngậm bồ hòn” đong lúa trả nợ theo giá cực thấp ban đầu. Anh Ngô Văn Luyện ở thôn Quy Hậu, xã Hoà Trị (huyện Phú Hoà) than thở: “Nếu có tiền đầu tư phân thuốc cho lúa thì làm ruộng kể như lấy công làm lời. Còn nếu mua nợ các thứ thì đến khi thu hoạch còn lỗ cả công”. Anh nhẩm tính: “Mỗi vụ, tiền đầu tư phân thuốc cho 10 sào lúa nhà tôi khoảng 1.200.000 đồng. Nếu mua nợ thì đến mùa sẽ phải trả đến 1.560.000 đồng”. Các cửa hàng tư nhân được thể ép giá khi bán nợ hàng. Bà Lương Thị Hoà, chủ cửa hàng bán phân bón, thuốc trừ sâu ở đây nói chắc nịch: “Tui đâu có ép ai, cứ thấy chỗ nào cho nợ “chay” thì mua”. Xét ra, họ vẫn bán đúng giá chứ không hề tăng (nếu mua tiền mặt) nhưng hầu như các cửa hàng đều liên kết nhau để tính lãi cắt cổ như thế. Bà con túng tiền thì đành chịu chứ không lẽ để lúa phát triển một cách èo uột. Không riêng gì Hoà Trị, nhiều địa phương khác cũng cùng “cảnh ngộ” như thế.

 

060420-nongnghiep.jpg
Tư thương vẫn chi phối thị trường phân bón - Ảnh: Minh Nguyệt

 

Tôi thắc mắc: “Cớ sao HTX mở dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp bấy lâu nay mà bà con mình không mua lại phải mua bên ngoài ?” Anh Luyện cười như mếu: “Có phải chỉ mua phân không đâu, lúc cần vài trăm ngàn, mọi người cũng đến các điểm bán phân để vay. Nếu không mua phân của họ, lần sau ai cho mình vay tiền?” Chính vì sự dích dắt  từ “nợ chắp đuôi cày” như thế mà bà con nông dân (nhất là những hộ thiếu vốn) vẫn cứ bám lấy các điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp bên ngoài, khó biết khi nào dứt ra được. Do vậy, tư thương tha hồ thao túng về giá cả, cho vay nóng tính lãi cũng dưới hình thức bán lúa non. Anh Luyện còn cho biết: “Nhiều  khi lúa thu hoạch xong, được bao nhiêu đều bị các đại lý phân cân hết, trông xót lắm”.

 

CUỘC ĐUA KHÔNG CÂN SỨC

 

Ông Phạm Nhường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ (NN KD DV) Hoà Trị I cho biết: “Kinh doanh vật tư nông nghiệp cái chính là hỗ trợ bà con chứ lãi chẳng có bao nhiêu. HTX còn đưa phân đến tận nhà cho bà con nhưng lượng phân bán ra chỉ chiếm ½ nhu cầu của bà con xã viên. Tổ dịch vụ của  HTX thường xuyên đến tận hộ gia đình vận động và phổ biến trong các cuộc họp để bà con mua phân của HTX với giá phải chăng nhưng xem ra rất khó vì sự tiện lợi “khi cần là có” của các vựa phân về khoản cho vay nóng”. Ông Nhường còn cho biết: “Những năm mới chuyển đổi sang hình thức kinh doanh theo dịch vụ tổng hợp (năm 1997), HTX làm dịch vụ này khá mạnh. Tuy nhiên, càng ngày tư thương mọc lên càng nhiều và chiếm khách hàng bằng cách kết hợp cho vay nóng. Người dân thiếu vốn ngày càng thiếu triền miên trong khi các nhà buôn ngày một khấm khá. HTX khó mà can thiệp được”. Còn ông Cao Tấn Kha, chủ nhiệm HTX NN  KD DV Hoà Bình I (huyện Tây Hoà) cho rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần cân nhắc nhưng thấy việc cung ứng vật tư nông nghiệp chắc chắn không cạnh tranh nổi với tư thương. Bởi lẽ, việc quản lý thuế vẫn chưa chặt chẽ nên tư thương không phải chịu thuế khi kinh doanh mặt hàng này và giá cả vẫn còn linh động được. Trong khi đó, HTX kinh doanh phải đóng thuế thu nhập 28% cộng với tiền lương nhân viên bán hàng và nan giải nhất là việc thu nợ. Đặc biệt, vốn là yếu tố cần thiết nhất. Chúng tôi hiện thiếu vốn nên vẫn còn đang rất ngại, chưa dám nhảy vô lĩnh vực này”. Oâng Nguyễn Phước, chủ nhiệm HTX NN KD DV Hoà Thành Tây nói: “Tư thương mua đi bán lại nên giá thành phân bón chênh lệch chừng 5.000đ/bao nhưng được cái tiện lợi, cần khi nào có khi đó. Hơn nữa, Hoà Thành gần thành phố nên việc mua vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các đại lý cấp I cũng thuận lợi. Nếu HTX mở ra dịch vụ này làm sao cạnh tranh nổi với tư thương ?”

 

MÔ HÌNH ĐIỂM, TẠI SAO CHƯA ?

 

Phú Yên hiện có 108 HTX NN KD DV nhưng chỉ có gần 40 HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên (chiếm 30%). Trong đó Hoà Phong và Hoà Quang Nam là các địa phương có thị phần gần 100%”.

Mỗi khi cần mua các loại vật tư nông nghiệp, bà con xã Hoà Phong, huyện Phú Hoà nghĩ ngay đến các đại lý của HTX. Ôâng Lương Công Hạnh ở thôn Mỹ Thạnh Đông cho biết: “Bà con chúng tôi được phép mua nợ phân bón ở HTX trong vòng 3 – 4 tháng. HTX chỉ tính lãi từ tháng thứ 5 với lãi suất 1%. Điều mà chúng tôi tin tưởng nhất là chất lượng đảm bảo”. Oâng Lê Ngọc Cửu, chủ nhiệm HTX NN KD DV Hoà Phong cho biết: “HTX hiện hợp đồng với  25 đại lý rải đều khắp các thôn. Các đại lý này nhận phân của HTX bán và chịu trách nhiệm thu nợ để thanh toán lại. HTX trả tiền công cho các đại lý. Mỗi năm HTX ký bán ra 150 – 200 tấn phân bón”.

 

Hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng phục vụ bà con xã viên được HTX NN KD DV Hoà Phong tổ chức có hiệu quả. Điều đó đã hạn chế được việc tư thương ép giá, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, số địa phương làm được điều này còn quá ít.

 

Ông Huỳnh Duy Hiếu, chủ tịch Liên minh các HTX Phú Yên cho biết: “Cung ứng vật tư nông nghiệp là một trong những dịch vụ bắt buộc của mô hình HTX. Ngoài việc kiềm chế giá, đảm bảo hàng chất lượng, đây còn là hình thức gắn kết kinh tế hộ với nhau. Do vậy, các HTX cần phải hướng tới dịch vụ này. Liên minh các HTX luôn tạo đầu vào bằng cách liên hệ các đầu mối để HTX tiếp cận mua hàng với giá rẻ nhất. Ngoài ra, đơn vị còn hướng dẫn nghiệp vụ mua bán, bảo quản hàng hoá… Cái khó hiện nay là các HTX đang đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của tư thương, song Liên minh các HTX luôn khuyến khích và xu hướng sắp tới sẽ đưa tất cả các HTX tham gia dịch vụ này. Tất nhiên, chúng tôi cần có sự giúp đỡ của các ngành chức năng như thuế, ngân hàng”.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA
Chuyện chưa biết về một nữ chánh án
Chủ Nhật, 16/04/2006 16:02 CH
Người gắn tên với cây, với rừng
Thứ Hai, 10/04/2006 08:32 SA
Săn cá ngừ đại dương
Thứ Năm, 06/04/2006 09:02 SA
“Vô nam, dụng nữ” !
Thứ Tư, 05/04/2006 08:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek