Thứ Ba, 01/10/2024 08:33 SA
Cận kề hiểm họa
Thứ Ba, 18/04/2006 09:05 SA

Sau khi Thủy điện Sông Ba Hạ được khởi công xây dựng, hàng loạt quán xá ồn ào mọc lên ở thôn Thống Nhất, xã Suối Trai. Bấy giờ, không biết từ đâu, các cô gái “môi đỏ mắt xanh” nhanh chóng tụ hội về. Thấp thoáng trong những ngôi quán tuềnh toàng tạm bợ, các cô cứ đong đưa ánh mắt và nói cười rúc rích, không hề biết rằng những người làm công tác phòng chống AIDS ở huyện miền núi Sơn Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung đang… đau đầu.

 

 “ĐOẠN ĐƯỜNG THƯ GIÃN”

 

Ngay tại cửa ngỏ dẫn vào công trình thủy điện Sông Ba Hạ là một “đoạn đường thư giãn”. Ở đây, giữa cảnh núi rừng thăm thẳm, bạn muốn ăn uống bù khú, cắt tóc ngoáy tai, thậm chí hát hò có chữ… tất thảy đều có!

“Dã chiến”, tuềnh toàng, quán nối tiếp quán mọc lên. Những cái tên hoa mỹ được viết nghệch ngoạc trên những tấm biển xộc xệch. Chốc chốc, xe công trình hối hả vụt qua, cày những đám bụi đỏ chờn vờn trước dãy quán vắng hoe.

 

060418-quyhoach.jpg
Những dãy hàng quán tạm bợ đua nhau mọc lên gần khu vực thi công công trình thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: Thu Thủy

 

“Tới tối mới rôm rả”- chủ quán N. giải thích, sau khi nghe chúng tôi thắc mắc về sự vắng vẻ này. Ông ta có gương mặt xương xương, không tỏ ra thân thiện nhưng cũng không quá lạnh lùng, và rất khó đoán tuổi. Sau khi bảo, công nhân thủy điện là “thượng đế” của “đoạn đường thư giãn”, ông làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi cho biết: quán nhộn nhịp từ 10 giờ đêm đến… 3 giờ sáng.

 

Cái sự vui tới bến của họ khiến chúng tôi tò mò:

 

- Khách khứa có thường gây gổ đánh nhau?

 

- Không có chuyện đó đâu - Chủ quán hất hàm - Đồn công an trước kia kìa!

 

- Chắc ông cũng có bí quyết?

 

Ông ta nói dứt khoát:

 

- Quán của tôi không có chuyện “tụi nó” ngồi uống với khách.

 

- Còn sau đó?

 

Câu hỏi này coi bộ khó trả lời, cho nên ông chủ quán “bỏ qua”.

 

Nếu ai đó chân ướt chân ráo đến Suối Trai, kinh ngạc trước số lượng quán giải khát, karaoke, hớt tóc “mọc lên như nấm sau mưa” liền “dị nghị” thì e rằng hơi… oan ức. Chủ tịch xã Ma Giáo cho biết: Trong khoảng 70 quán hoạt động nhộn nhịp tại thôn Thống Nhất có chừng 10 quán “tệ nạn”, còn chủ yếu là người ta bán đồ ăn thức uống cho công nhân. 

 

HIỂM HỌA!

 

Trước khi thủy điện Sông Ba Hạ - một trong những thủy điện lớn nhất miền Trung -  khởi công, Suối Trai heo hút với khoảng 1800 dân, chủ yếu là người Êđê, không phải là điểm nóng về AIDS. Cũng chẳng ai dại gì khăn gói lên đây mở quán hớt tóc hát hò, khi mà thu nhập bình quân của một người quanh năm bám rẫy bám nương chỉ 120.000 - 150.000 đồng/tháng. Song mọi chuyện đã thay đổi sau tháng 4 - 2004. Hàng ngàn công nhân ở các tỉnh phía Bắc tập trung về đây xây dựng thủy điện. Người ở các huyện, thành phố lập tức kéo đến mở quán. Và ngay sau đó là cuộc “đổ bộ” của những bóng hồng.

 

Ngay tại thôn Thống Nhất có cả một “đội quân” buôn phấn bán hương. Gọi là “đội quân” có lẽ cũng không ngoa, bởi theo lời anh Nguyễn Văn Ta, cán bộ chuyên trách phòng chống AIDS huyện Sơn Hòa, chí ít cũng có 60 gái mại dâm đang hoạt động tại địa bàn này. Quán nào ít  nhất thì 1-2 “tiếp viên”, quán đông có tới 12 - 13 người. Họ mua bán nhộn nhịp phải biết!

 

Trong những câu chuyện bên lề thủy điện Sông Ba Hạ, người ta vẫn chưa quên vụ án ma túy đã bị triệt phá hơn một năm trước, với hơn chục đối tượng phải tra tay vào còng. Điều đáng lo là ở đây, chúng ta không thể nào phát hiện và càng không thể giám sát những người từng tiêm ma túy để biết họ nhiễm HIV chưa, trong khi nguy cơ lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm đang đứng đầu. Thêm nữa, ma túy thường đi đôi với mại dâm. Chỉ cần một người nhiễm quan hệ với gái mại dâm, trong khi cô ta không biết cách bảo vệ mình, thì HIV sẽ lây lan theo cấp số nhân! Đáng lo hơn, trong “đội quân” buôn phấn bán hương có người từng “hành nghề” ở Cam-pu-chia, đơn cử như đối tượng tên M. vừa sa lưới pháp luật về tội buôn bán phụ nữ. Và ở nước bạn, HIV lây lan khủng khiếp qua con đường quan hệ tình dục. M. có một người em ruột cũng là “đồng nghiệp”, trở về từ Cam-pu-chia và đã chết vì AIDS.

 

Hiểm họa đang treo lơ lửng, còn những người làm công tác phòng chống AIDS thì đau đầu vì  không thể triển khai rộng công tác giám sát tại cộng đồng. Chung quy là bởi test chỉ đủ để sàng lọc máu và kiểm tra các trường hợp nghi vấn. Bên cạnh đó, theo anh Nguyễn Văn Ta, các ban ngành chưa phối hợp chặt chẽ; công tác phòng chống AIDS chưa được xã hội hóa sâu rộng, ngoài sự tích cực tuyên truyền của Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

 

Trước khi Suối Trai trở thành điểm nóng, huyện miền núi Sơn Hòa phát hiện 3 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 2 ca đã tử vong. Đến nay, lũy tích người nhiễm ở Sơn Hòa vẫn không thay đổi, đơn giản vì chúng ta không thể giám sát được. Hiểm họa AIDS vẫn như tảng băng trôi.

 

GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG: LỰC BẤT TÒNG TÂM

 

Phải thừa nhận chính quyền xã Suối Trai đã làm nhiều việc để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch như phối hợp với công an nắm tình hình, đến từng quán nói chuyện, phát tờ rơi, bao cao su, tuyên truyền trên loa phát thanh… Song bấy nhiêu đó dường như vẫn chưa đủ để các đối tượng cơ nguy có cao thay đổi nhận thức và hành vi. Việc tuyên truyền cho gái mại dâm sẽ hiệu quả hơn, nếu do chính những người trong cuộc thực hiện. Anh Ta trăn trở: Xuống tỉnh họp giao ban, chúng tôi đã xin tổ chức tại Suối Trai một nhóm Giáo dục đồng đẳng nhưng… chưa có kinh phí.

 

Bác sĩ  Biện Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm phòng chống AIDS Phú Yên cũng biết là Suối Trai rất cần có mô hình can thiệp giảm tác hại này. Song tất cả vấn đề nằm gọn trong 2 chữ: kinh phí. Mà kinh phí thì hoàn toàn phụ thuộc vào Chương trình phòng chống AIDS quốc gia. Ngay cả nhóm Giáo dục đồng đẳng ở TP Tuy Hòa cũng phải tạm ngưng hoạt động cho đến hết quý I - 2006 vì thiếu kinh phí nữa là!

 

Biết là khó, song điểm nóng về HIV/AIDS rất cần có mô hình can thiệp giảm tác hại. Bác sĩ Biện Ngọc Tân vẫn tỏ ra quyết tâm: Trung tâm sẽ cố gắng để trong năm 2007, Suối Trai có nhóm Giáo dục đồng đẳng.

 

*    *

*

Từ nay đến khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, Suối Trai còn nhiều việc phải làm để các “quán tệ nạn” không tác động tới thuần phong mỹ tục của đồng bào Êđê nơi đây. Sơn Hòa cũng còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn bước chân HIV/AIDS, tất nhiên là với sự trợ sức của Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh Phú Yên.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn cá ngừ đại dương
Thứ Năm, 06/04/2006 09:02 SA
“Vô nam, dụng nữ” !
Thứ Tư, 05/04/2006 08:11 SA
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc?
Thứ Hai, 03/04/2006 14:43 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek