“Bà lão đi dọc phố cao
Tiếng rao không chạm tới cõi người
Gánh hàng rong oằn nỗi niềm nhân thế…”
(Nguyễn Bính Hồng Cầu)
Đêm nay cũng như nhiều đêm khác, bà gánh trên vai gánh trứng vịt lộn đi dọc con phố Nguyễn Huệ, cất tiếng rao: “Ai vịt lộn hôn…”. Gánh hàng chỉ có khoảng 50 trứng vịt lộn với bấc đèn dầu, mớ rau răm và muối tiêu cứ tưởng nhẹ tênh, nhưng lại oằn đôi vai tuổi già vào mỗi đêm - gánh nặng lo cơm áo gạo tiền, gánh nặng lo cho con học đại học, gánh nặng cho bát thuốc lúc ốm đau…
Bà Nguyễn Thị Mảnh đi bán trứng vịt lộn trong đêm ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.LƯU |
Gần 20 năm nay, đêm đêm bà đếm bước chân mình đi bán từng trứng vịt lộn để nuôi 7 đứa con ăn học. Bà sung sướng đến nỗi… bật khóc, khi kể cho tôi nghe rằng: mỗi đêm bà bán trứng vịt lộn, thu lãi 15.000 – 20.000 đồng. Những đồng tiền cóp nhặt ấy đã nuôi được đứa con trai vừa tốt nghiệp một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thành, chồng bà, ngày trước làm nghề thợ hồ, bây giờ đã ngoại thất thập, sức yếu nên chẳng làm được gì. Những người con lớn của ông bà, ngày trước do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đã bỏ học. Bây giờ họ đều lập gia đình, nhưng kinh tế cũng chẳng khá giả gì nên hiếm khi phụ giúp cha mẹ già. Vậy là, bà vẫn “tự thân vận động” dù đã lớn tuổi...
Đêm nay cũng như nhiều đêm khác, bà chầm chậm đi qua từng con phố nhỏ, chăm chỉ cất cao tiếng rao “Ai vịt lộn hôn…”. Khoảng 22 giờ, bán xong trứng, sương đêm đã ướt đẫm bờ vai gầy, bà mới trở về nhà. Bà tâm sự với tôi: “Bây giờ, tuổi cao phải gồng gánh vất vả lắm, nhưng biết làm sao khi nghề đi bán trứng dạo từng đêm là cái cần câu cơm của gia đình tôi hiện nay”. Rồi bà lại như mất hút vào trong đêm mưa gió đầu mùa đông.
Bà tên Nguyễn Thị Mảnh, 65 tuổi, ở hẻm phố số 4 Lê Lợi, TP Tuy Hòa.
* *
*
Mỗi sáng tinh sương, khi mở toang cánh cửa nhà ở lô phố, tôi thường nghe tiếng rao quen thuộc: “Ai mua rau tươi không?”. Đó là tiếng rao của bà Cao Thị Ý, 60 tuổi, quê ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (Phú Hòa) gánh trên vai hai thúng rau xuất hiện. Ròng rã suốt 21 năm qua, bà Ý làm nghề gánh các loại rau muống, mồng tơi, đọt rau lang… đi bán dạo trên khắp các hè phố. Rau của bà Ý bán rất tươi, xanh non, nên ai cũng thích mua và trở thành “bạn hàng” thân quen của bà. “Không ai giàu có lại đi buôn gánh bán bưng! Cuộc sống của tôi cơ cực vì chồng mất, con bị tai nạn tật nguyền. Bởi vậy, mấy năm nay phải kĩu kịt với những thứ rau này mới có tiền lo trang trải gia đình” - Bà Ý bộc bạch.
Chị Cao Thị Hạnh, 30 tuổi, con của bà Ý, cũng theo mẹ làm nghề bán rau dạo trên phố. Cũng bất hạnh như mẹ, chị Hạnh lập gia đình, sinh được một đứa con thì chồng chị bị bệnh chết. Cuộc sống bỗng chốc lâm vào hoàn cảnh khó khăn, một mình chị bươn chải lo kinh tế, lo nuôi dạy con nhỏ. Chị Hạnh bảo: “Tôi lớn lên ở nông thôn chỉ biết cuốc cỏ, cấy lúa, chứ không có nghề nghiệp. Nhưng bây giờ làm ruộng cực nhọc mà vẫn không đủ ăn, đành gánh rau ra phố, kiếm được khá hơn. Mỗi buổi sáng bán rau thu lãi 15.000 – 20.000 đồng, tạm đủ chi phí cho hai mẹ con sống qua ngày”.
Hai mẹ con bà Ý, hai người phụ nữ nghèo, góa chồng, gánh nặng trên vai hai “gánh hàng rong oằn bao nỗi niềm nhân thế!”
Bất kể trời mưa xuân lất phất, ngày hè nắng chang chang hay đêm đông giá lạnh, khi lang thang trên đường phố Tuy Hòa, bất cứ ai cũng thường thấy những người phụ nữ gồng gánh đủ thứ trái cây, rau củ, trứng, các loại bánh, chè, thịt, cá, than củi… đi bán trên vỉa hè hay góc phố. Đa số những người gánh hàng đi bán rong đều ở độ tuổi trung niên hoặc tuổi cao sức yếu. Khoảng 9 giờ sáng, tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị A ở khu phố Bà Triệu (phường 7), năm nay đã 72 tuổi, nhưng vẫn gánh hai cái mẹt đựng đầy những bì chè đỗ, khoai lang chín, bánh bò, bánh cam… đi bán dạo. Khi đôi chân mỏi rã rời, bà ngồi bán ở góc vỉa hè đường Trường Chinh. Giống như hoàn cảnh gia đình bà Mảnh, bà A dù tuổi già hay bệnh tật vẫn ngày ngày buôn gánh bán bưng để nuôi sống bản thân và chồng. Mấy hôm nay, không thấy bà A đi bán nữa, tôi hỏi thăm những người ở khu phố Bà Triệu thì được biết bà bị bệnh, chân phù nề, khó có thể đi lại bán hàng rong…
Những phụ nữ bán hàng rong trên đường phố Tuy Hòa - Ảnh: N.LƯU |
Buổi sáng trên quốc lộ 1A, những người phụ nữ lam lũ, quần áo dính bẩn than đen đang gồng gánh hoặc hì hục đẩy chiếc xe đạp chở đầy than củi đi bán. Chị Lê Thị Tuy, quê ở Hòa Trị tâm sự: “Nhà nước cấm buôn bán than củi, nhưng tôi cùng nhiều người khác cũng lén lút đi bán than dạo vì miếng cơm manh áo của cả gia đình ở vùng quê nghèo khó”. Nói đi bán than dạo, nhưng chỉ trong chốc lát từ nhà đến phố rồi các chị hẹn nhau tập kết than để bán ở ngay góc chùa Bảo Tịnh, nằm trên vỉa hè đường Phan Đình Phùng, phường 1. Và khi đến nơi bán than ở góc chùa Bảo Tịnh, tôi đã nhận ra chị Tuy, cùng các chị Lê Thị Nhiên, Võ Thị Loan… bày bán từng mớ than. Chị Nhiên, 47 tuổi, quê ở Hòa Xuân Tây (Đông Hòa), chồng mất đã 13 năm, một mình chị vừa làm 2 sào ruộng, vừa đi bán than nuôi 3 đứa ăn học. Mỗi buổi sáng, các chị bán 1-2 bao than, lãi 20.000-30.000 đồng. Nhưng cũng có khi than bán ế ẩm, nhất là vào mùa nắng, các chị lại phải bỏ công sức hì hục chở về nhà.
* *
*
Không ai thống kê được có bao nhiêu người kiếm sống bằng nghề bán hàng rong ở TP Tuy Hòa. Họ có thể là người ở phố, nhưng phần lớn là người ở những vùng quê lân cận đổ về, bởi thành phố là nơi tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất, kiếm lời nhiều hơn. Hầu như đầu mỗi con hẻm, góc phố nào cũng có vài người buôn gánh bán bưng vì kế sinh nhai. Họ mỗi người, mỗi vẻ, mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng đều có điểm chung là… nghèo, lưng vốn chẳng có là bao và không có tay nghề. Họ chọn cách đi bán hàng rong, chỉ mong kiếm thêm mỗi ngày vài chục nghìn đồng nuôi sống gia đình... Xã hội trân trọng những người vợ, người mẹ tảo tần như thế.
NGUYÊN LƯU