Gần 20 năm tình nguyện làm công tác nhân đạo, ông Nguyễn Thế Mười, 70 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 5 (TP Tuy Hòa) chỉ mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với xã hội để chung tay chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Ông Mười không chỉ giúp đỡ người nghèo, mà còn sẵn lòng cứu giúp những người đi đường bị tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Thế Mười đang lên danh sách những hộ nghèo trong phường cần được giúp đỡ trong thời gian đến - Ảnh: PV
20 NĂM TÌNH NGUYỆN VÌ NGƯỜI NGHÈO
Ông Mười là một trong những người đầu tiên tham gia công tác khi Hội Chữ thập đỏ mới bắt đầu thành lập ở phường 5, với tư cách là Ủy viên thường trực. Mặc dù lúc đó, làm việc ở Hội không có nguồn hỗ trợ kinh phí nào, nhưng ông luôn nhiệt tình đi giúp đỡ bà con nghèo trong phường. Ông cười: “Tôi chỉ góp một phần nhỏ để chung sức cùng địa phương chăm lo cho những người gặp hoàn cảnh không may vượt qua khốn khó. Việc tôi làm đâu có gì to tát”.
Ấy là ông bảo vậy, chứ nhìn những gì mà ông đã làm cho bà con nghèo ở phường thì không hề nhỏ tí nào. Đặc biệt, năm 2007, ông vận động quỹ Hội được 15 triệu đồng, cứu giúp những gia đình nghèo, khuyết tật, già cả neo đơn, nạn nhân chất độc da cam hết 13,5 triệu đồng, vận động được 30 người tham gia hiến máu tình nguyện, hướng dẫn cho 100 lượt người dùng thuốc nam để chữa bệnh. Trong 9 tháng qua, Hội Chữ thập đỏ phường 5 đã cứu trợ cho 155 gia đình đặc biệt khó khăn 1.030 kg gạo, với tổng trị giá trên 8 triệu đồng, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, mua 100 thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện… Thế mới thấy, vai trò “đầu tàu” của ông Mười là rất quan trọng.
Ở khu phố Lương Văn Chánh không ai là không biết đến hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải. Vợ anh mắc bệnh ngặt nghèo, con trai bị u não. Nhà nghèo, công việc làm thuê vét giếng, phụ hồ của anh bữa có bữa không, không thể kiếm đâu ra tiền để chữa bệnh cho vợ con. Anh Hải ứa nước mắt: “Tất cả các khoản tiền để lo chữa bệnh cho vợ con tôi ở Sài Gòn, rồi đến cả việc ma chay cho vợ con cũng đều nhờ chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ phường và bà con giúp đỡ. Nếu không có chính quyền địa phương, không có những người như chú Mười, tôi không biết phải xoay xở ra sao”.
20 năm tình nguyện làm công tác Chữ thập đỏ, hễ gia đình nào trong phường gặp cảnh khốn khó là ông lại đến gõ cửa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm “xin” tiền. Ông cười: “Để làm được việc này thì cái mặt phải thật “dày”. Ban đầu, một số người không hiểu, tỏ vẻ không thích, nhưng rồi họ cũng hiểu công việc của mình nên nhiệt tình ủng hộ”.
Thấy ông Mười đã 70 tuổi mà còn lặn lội đi xin tiền để giúp người nghèo, nên bà con trong phường ai nấy cũng đều thấy mình phải có trách nhiệm chung sức. Người có điều kiện thì góp nhiều, có ít thì góp ít, mỗi người chung tay góp gió thành bão. Những ký gạo, thùng mì tôm, cái áo cũ… là niềm động viên an ủi giúp bà con nghèo vươn lên trong cuộc sống.
MỞ ĐIỂM SƠ CỨU NGƯỜI BỊ NẠN TẠI NHÀ
Nhiều năm nay, ông Mười vẫn lặng lẽ làm cái việc mà ít người có thể tự nguyện theo đuổi: Sơ cứu ban đầu cho những người bị tai nạn giao thông. Anh Trần Ngọc Hùng, cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP Tuy Hòa (nguyên Chủ tịch UBND phường 5) cho biết: “Ông Mười là một người làm công tác nhân đạo đúng với tinh thần nhiệt tình, tự nguyện của Hội Chữ thập đỏ. Ông là cán bộ Hội duy nhất mở điểm sơ cứu người bị nạn tại nhà. Việc làm của ông rất được hoan nghênh”.
Nhiều người sống dọc hai bên đường Nguyễn Huệ ở khu phố Ngô Quyền quen với việc mỗi khi có người đi đường bị tai nạn giao thông là ông Mười “chữ thập đỏ” lại xách túi cứu thương đến sơ cấp cứu. Những trường hợp nhẹ thì ông cùng bà con trong khu phố đưa người bị nạn đến trạm y tế phường, còn nặng thì đến bệnh viện tỉnh. Từ lâu, căn nhà số 52 Nguyễn Huệ của ông cũng là điểm sơ cấp cứu những người đi đường bị tai nạn giao thông. Ông nói: “Ngày trước ở phường có đến 3 điểm sơ cấp cứu. Nhưng rồi làm việc này không có sự hỗ trợ nào, lâu ngày người ta cũng “mỏi”, rồi nghỉ hết. Bây giờ, chỉ còn mình tui làm. Hơn nữa, công việc này cũng không tốn thời gian, công sức, tiền bạc bao nhiêu, mình giúp được người ta đến đâu thì hay đến đó. Bây giờ, xe cộ chạy ngoài đường ầm ầm thế kia, ai mà biết trước được chuyện gì xảy ra…”.
Theo các bác sĩ thì sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân có vai trò rất quan trọng, có những trường hợp bị tai nạn rất nhỏ nhưng do đã không sơ cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Thực tế, có nhiều người sẵn sàng giúp người bị nạn, nhưng hầu hết chưa được trang bị cách thức sơ cứu ban đầu, và nếu sơ cứu không đúng cách cũng rất nguy hiểm cho nạn nhân. Biết được điều này, nên hằng năm, ngoài việc tham gia những lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ TP Tuy Hòa mở, ông Mười còn tìm hiểu thêm qua sách báo phương pháp sơ cứu người bị nạn. Trong năm 2007, ông đã sơ cấp cứu được 30 trường hợp bị tai nạn giao thông, khi thì xe máy tông xe đạp, khi thì xe máy tông xe máy…
Tôi hỏi: “Bác có nhớ ai trong số những người đã từng cứu giúp không?”. Ông cười bảo không thể nhớ được: “Bởi mình chỉ gặp họ thoáng qua thôi. Hơn nữa, việc tôi làm cũng đâu có gì to tát…”.
Từ năm 2000 đến nay, ông Mười luôn nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp, Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông mong ngày càng có nhiều người nghèo có cuộc sống tốt hơn, ngày càng có nhiều người tham gia công tác từ thiện...
NGỌC DUNG