Thứ Năm, 03/10/2024 03:32 SA
Nỗi đau mang tên HIV
Thứ Tư, 24/09/2008 14:00 CH

Ngày nọ, người vợ biết mình nhiễm HIV từ chính chồng mình. Và đứa con của họ cũng mang mầm bệnh. Thật không dễ dàng chấp nhận sự thật này và càng không dễ vượt qua nỗi đau này.

 

Liệu có thể ngăn chặn để những bi kịch như thế không còn xảy ra?

 

aids-080924.jpg

Chẩn đoán và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) Nguồn: aids-cd.hiv.com

 

CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI VỢ

 

Trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), chị Kim đang từng ngày chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Không oán trách và cũng không bi quan, từ lâu người phụ nữ này đã chấp nhận sống chung với HIV/AIDS. Điều mà chị mong muốn lại không dành cho bản thân chị: Làm sao góp phần ngăn chặn bước chân của đại dịch, làm sao để những phụ nữ khác đừng rơi vào tình cảnh như chị. Suy nghĩ đó đưa chị Kim đến với nhóm Giáo dục đồng đẳng (GDĐĐ). Cùng anh chị em trong nhóm, chị thường đến các khách sạn, nhà nghỉ, các “điểm nóng” ở TP Tuy Hòa tuyên truyền, cung cấp bao cao su…

 

Nếu không kết hôn với một người đàn ông có tiền sử nghiện chích ma túy, cuộc đời chị Kim đã đi về hướng khác. Nhưng chị đã găïp và yêu anh. Và anh trở thành người chồng tốt, người cha tốt. Cho đến khi HIV/AIDS làm đảo lộn mọi thứ.

 

Bây giờ nghĩ lại, chị Kim không nhớ mình đã đi qua những ngày tháng đó như thế nào. Những ngày tháng tuyệt vọng khi biết chồng nhiễm HIV, mình và đứa con đầu lòng cũng bị lây nhiễm. Nếu không có sự động viên của gia đình, nếu không được tư vấn kịp thời, có lẽ chị đã tìm đến cái chết.

 

Lần lượt chồng và con chị Kim bị AIDS cướp đi. Khi tấn bi kịch gần như lên đến đỉnh điểm, chị Kim phát hiện mình đang mang một sự sống trong người. Nghĩ rằng đứa trẻ sinh ra rất có thể nhiễm HIV, năm ba bận chị muốn bỏ nó đi, nhưng rồi không nỡ. Đứa trẻ chào đời. Đây quả thật là quà tặng tuyệt vời dành cho người phụ nữ chịu quá nhiều đau đớn. Cháu bé không nhiễm HIV.

Ngày qua ngày, người mẹ tựa vào đứa con bé bỏng để chiến đấu với bệnh tật, để tiếp tục công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của một đồng đẳng viên: góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

 

37 tuổi, chị Trúc ở huyện Đông Hòa mới mặc áo cưới. Chồng chị là anh thợ hồ có duyên, em trai một người sống cùng xóm với chị. Hạnh phúc muộn màng và cũng chẳng tồn tại được lâu. Sau một thời gian ngã bệnh, chồng chị nhập viện. Lúc này, người ta mới phát hiện anh mắc bệnh AIDS. Tháng 5/2008, sau khi cưới chưa đầy một năm, chồng chị qua đời.

 

Đến giờ, chị Trúc vẫn không hiểu vì sao tai họa ập xuống gia đình mình. Một thợ may quanh quẩn dưới lũy tre làng như chị bỗng dưng nhiễm HIV, mà đau hơn cả là nhiễm từ người đàn ông đầu gối tay ấp. Hẳn chị đã rất oán hận anh. Nhưng khi anh nằm trên giường bệnh, cầm tay chị một lúc lâu rồi nghẹn ngào: “Thương vợ nhưng mà không biết phải làm sao…”, thì chị không còn giận anh nữa. Bây giờ, anh đã xanh cỏ. Chị nghĩ: Âu cũng là cái số của mình.

 

Trong số 392 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Phú Yên, chưa thể thống kê có bao nhiêu phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng. Tuy nhiên, ngày càng có thêm những người vợ mắc phải căn bệnh thế kỷ từ chính bạn đời của họ. Có những người đã tử vong ít lâu sau khi chồng họ qua đời, có người đang chống chọi với bệnh tật, có người vừa biết mình nhiễm HIV và chưa thể vượt qua khủng hoảng. Cũng có người bình tĩnh chấp nhận sự thật và cố gắng sống lạc quan để AIDS không có cơ hội tấn công. Đó là chị Hoài ở huyện Đông Hòa, một phụ nữ góa chồng khi mới ngoài 20 tuổi, cũng do AIDS. Điều đáng khâm phục là Hoài chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Chị nói: May mà phát hiện nhiễm HIV sớm, khi sức khỏe chưa suy sụp. Như vậy, tôi có cơ hội giữ gìn sức khỏe cho mình và có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

 

CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐỨA TRẺ

 

Trong nhiều trường hợp, mãi đến khi vào bệnh viện sinh con, những bà mẹ mới được phát hiện nhiễm HIV. Và trong nhiều trường hợp, đứa trẻ sinh ra cũng mang mầm bệnh.

 

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh phát hiện 6 đứa trẻ nhiễm HIV, trong đó 4 em đã tử vong. Cá biệt có gia đình có 2 đứa trẻ nhiễm HIV; một em đã theo cha mẹ vào thế giới khác, đứa trẻ nhiễm HIV còn lại được đưa đến một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở miền Nam.

 

Những đứa trẻ nhiễm HIV hầu như không có tuổi thơ, vì chúng lớn lên trong nước mắt của cha mẹ. Có em thậm chí không được vui chơi với bạn bè trong xóm, chỉ vì người lớn sợ em lây bệnh qua những tiếp xúc thông thường!

 

Một vài đứa trẻ may mắn hơn vì không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Tuy nhiên các em cũng chịu nhiều thiệt thòi, khi mà sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn. Và nếu như cha mẹ lần lượt qua đời, cuộc sống của bọn trẻ càng trở nên bấp bênh. Chính vì thế, khi biết con mình không mang mầm bệnh thế kỷ, chưa hết vui mừng thì chị Hoài nuốt nước mắt gởi con về sống với ông bà nội. Còn chị Kim cắn răng đưa núm ruột của mình vào trung tâm bảo trợ xã hội để rồi nhớ con quay quắt.

 

Không mang nặng đẻ đau nhưng chị Trúc thương đứa con nuôi như con ruột, bởi đã ẵm bồng thằng bé từ khi nó chào đời được mấy ngày và bị mẹ ruột bỏ rơi. Giờ thằng bé đã gần một tuổi, lanh lẹ dễ thương. Không biết bao nhiêu lần, chị Trúc ôm nó vào lòng. Và nước mắt chảy dài khi chị nghĩ đến tương lai của nó - tương lai một đứa trẻ có mẹ nhiễm HIV, bà ngoại thì già yếu. Chị quyết định trao thằng bé cho đôi vợ chồng hiếm muộn.

 

Thằng bé đi rồi, chị Trúc cảm thấy cuộc sống của mình chẳng còn ý nghĩa. Với gói thuốc chuột, chị tìm đến cái chết. May mà gia đình phát hiện kịp thời.

 

ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG ĐỂ THAY ĐỔI HÀNH VI

 

Từ các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, HIV lây lan ra cộng đồng, chủ yếu do quan hệ tình dục. Thực trạng đáng lo ngại đó đòi hỏi phải đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi.

 

Những năm qua, ở Phú Yên, song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông trực tiếp của nhóm GDĐĐ đã góp phần không nhỏ giúp các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, cũng là những người ít có điều kiện tiếp cận thông tin, biết về HIV/AIDS và cách phòng tránh lây nhiễm. Ông Lê Văn Dũng, cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên, người phụ trách nhóm GDĐĐ cho biết: “Nhóm có 10 người, gồm thợ cắt uốn tóc, lái xe thồ, gái mại dâm đã bỏ nghề và người nhiễm HIV/AIDS. Họ sâu sát và truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao rất hiệu quả. Bên cạnh đó, họ còn có thể tâm sự, chia sẻ với các đối tượng bằng những trải nghiệm của chính mình. Không như kiểu tuyên truyền một chiều, truyền thông trực tiếp còn nhận được sự phản hồi để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”.

 

Tuy nhiên đến nay, Phú Yên chỉ có một nhóm GDĐĐ hoạt động ở TP Tuy Hòa, trong khi toàn tỉnh hiện có đến 60 xã phường trọng điểm và một số “điểm nóng” đang rất cần sự góp mặt của các đồng đẳng viên. Nguyên nhân là không có kinh phí. Cũng vì không có kinh phí mà nhóm GDĐĐ ở TP Tuy Hòa ngừng hoạt động trong cả năm 2007. Đến tháng 4/2008, hoạt động của nhóm mới được “xốc” lại, song chế độ dành cho đồng đẳng viên vẫn vô cùng ít ỏi, chỉ 340.000 đồng/người/tháng, từ kinh phí của chương trình mục tiêu phòng chống HIV/AIDS.

 

Để ngăn chặn sự lây lan HIV, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chuyên trách, hoạt động tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể, thì sự góp sức của nhóm GDĐĐ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bằng cách phát tờ rơi, bao cao su, bằng những câu chuyện sống động và chân thực, họ sẽ giúp các đối tượng có nguy cơ cao thay đổi hành vi, biết cách tự bảo vệ mình và hạn chế nguy cơ lây lan HIV ra cộng đồng. Nói cách khác, để không còn những người vợ bị lây nhiễm HIV từ chồng, những đứa trẻ mang mầm bệnh từ cha mẹ, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ thấp để họ không chủ quan, một trong những việc cần làm là mở rộng và đẩy mạnh hoạt động của các nhóm GDĐĐ!

 

---------------------

*  Tên của những người nhiễm HIV đã được thay đổi.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau nơi cửa biển
Thứ Tư, 17/09/2008 07:14 SA
“Làng đốt than”
Thứ Tư, 10/09/2008 14:32 CH
Bảo tàng ở Hàn Quốc
Thứ Ba, 09/09/2008 14:30 CH
Thăm quê hương Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Thứ Năm, 04/09/2008 14:05 CH
Dân phố núi chơi “xế hộp”
Thứ Năm, 04/09/2008 12:00 CH
Bỏ phố về quê để... sáng chế
Thứ Tư, 03/09/2008 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek