Thứ Tư, 27/11/2024 07:35 SA
Chuyện chưa biết về một nữ chánh án
Chủ Nhật, 16/04/2006 16:02 CH

Bà là Huỳnh Thị Kim Bô – là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên giai đoạn 1999 – 2005. Cánh nhà báo chúng tôi và những người từng nhiều lần xem Chánh án Huỳnh Thị Kim Bô xét xử đều có chung nhận xét: đó là một người đàn bà “thép”. Lập luận sắc bén, giọng nói sang sảng, người nữ Chánh án này đã làm cho tất cả bị cáo phải “tâm phục khẩu phục”. Vậy mà đằng sau sự nghiêm khắc ấy, bà có trái tim nhân hậu như bao người phụ nữ Việt Nam.

 

NGHỀ CHỌN NGƯỜI

 

Cho đến trước năm 1980, bà Bô chưa bao giờ nghĩ đời mình lại gắn với ngành tòa án. Thời thanh niên sôi nổi, cô gái Huỳnh Thị Kim Bô dành hết thời gian cho các hoạt động Đoàn và là một Bí thư Huyện đoàn giỏi của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay cả khi được đưa ra Bắc điều trị bệnh và học tập vào năm 1973 bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên. Thế rồi duyên trời run rủi để bà gặp người chồng của mình là bác sĩ Lê Vinh Anh, một người con của xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.

 

060415-chuyen-ve.jpg

Dù đã nghĩ hưu nhưng nguyên Chánh án Huỳnh Thị Kim Bô vẫn nghiên cứu các tập san chuyên môn của ngành - Ảnh: H.Trung

 

Năm 1980, Huỳnh Thị Kim Bô theo chồng về Phú Khánh. Bà được phân công làm thư ký Tòa án tỉnh. Lúc bấy giờ, bà chỉ nghĩ rằng mình có một công việc để được gần chồng và bảo đảm cuộc sống gia đình. Thế nhưng càng làm bà càng thấy say mê. Những vụ án cuốn hút đến nỗi bà quên ăn quên ngủ để nghiên cứu các tình tiết. Vậy mà khi được lãnh đạo Tòa án tỉnh cử đi học nghiệp vụ, bà lại xin sang mảng dân sự. Đơn giản là vì bà sợ sự phức tạp của các vụ án hình sự. Song, đề nghị của bà đã không được chấp thuận và năm 1983, Huỳnh Thị Kim Bô trở thành một trong số ít nữ thẩm phán hình sự của Phú Khánh lúc bấy giờ. Năm 1986, bà trở thành Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Khánh rồi Phó Chánh án và Chánh án TAND tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu.

 

Trong suốt hơn 25 năm gắn bó với ngành tòa án, bà Huỳnh Thị Kim Bô đã xét xử hàng trăm vụ án hình sự. Vụ nào cũng có cái phức tạp riêng nhưng bà luôn tâm niệm: Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Theo bà, đây là điều sơ đẳng trong nhà trường nhưng khi áp dụng vào thực tế thật không đơn giản! Tội phạm thường tìm cách chối tội, nhiều bị cáo ra trước tòa vẫn ngoan cố không chịu khai nhận tội mặc dù trước đó cơ quan công an đã điều tra, thu thập đầy đủ bằng chứng buộc tội. Trong những trường hợp như vậy, khi ngồi chủ tọa phiên tòa, bà Huỳnh Thị Kim Bô phải vận dụng tất cả kinh nghiệm trong nhiều năm làm công tác xét xử để buộc bị cáo phải khai nhận tội. Như vậy, phán quyết của tòa án mới có sức thuyết phục cao. Có một vụ án mà trong suốt quãng đời làm công tác xét xử bà chẳng thể nào quên được. Đó là vụ Phan Tiến Dũng giết bé Bảo Đăng ở TP Tuy Hòa. Dư luận lúc ấy hết sức căm phẫn về hành động mất hết tính người của bị cáo này và với tất cả những gì cơ quan điều tra thu thập được thì Phan Tiến Dũng khó thoát khỏi tội chết. Vậy mà khi phiên tòa mở, Phan Tiến Dũng đã bất ngờ phản cung. Hắn phủ nhận tất cả các lời khai trước cơ quan điều tra và cố chứng minh mình ngoại phạm. Tinh quái hơn, Phan Tiến Dũng còn nhiều lần giả bộ ngất xỉu làm gián đoạn phiên tòa. Trước tình hình đó, Chủ tọa Huỳnh Thị Kim Bô phải cho mời các thành viên của Viện kiểm sát, cảnh sát điều tra và cả nhân viên y tế chờ sẵn trong phòng xét xử để khi bị cáo khai tới đâu thì lập tức xác minh, lập biên bản và công bố cho Phan Tiến Dũng biết sự giả dối của hắn. Cuộc đấu trí kéo dài suốt 3 ngày, cho đến ngày thứ 4 thì Phan Tiến Dũng nhận tội. Sự ngoan cố, quanh co của một bị cáo mất hết nhân tính cuối cùng cũng không thắng nổi công lý và sự sắc bén của chủ tọa Huỳnh Thị Kim Bô. Phan Tiến Dũng đã bị tuyên án tử hình. Sau lần xét xử vụ án đó, bà ngã bệnh cả tuần. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đáng sợ bằng lần xét xử phúc thẩm. Nhiều người nhà của Phan Tiến Dũng đến trụ sở Tòa án tỉnh tìm bà hành hung, may mà có lực lượng công an đến kịp. Đó cũng không phải lần duy nhất nữ Chánh án Huỳnh Thị Kim Bô bị đe dọa, nhưng bà không hề run sợ. Bà nói: Hội đồng xét xử là đại diện của pháp luật, phán quyết của tòa là nhân danh công lý. Do vậy, dù hết sức căng thẳng, bà vẫn bình tĩnh điều khiển phiên tòa và đọc các quyết định cuối cùng của tòa một cách rõ ràng, sang sảng.

 

GÌN GIỮ MỘT CHỮ TÂM

 

Khi được hỏi trong suốt mấy mươi năm làm công tác xét xử, có ray rứt ân hận điều gì, nguyên Chánh án Huỳnh Thị Kim Bô bảo rằng rất thanh thản vì tâm nguyện cả cuộc đời làm nghề của bà là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã được thực hiện trọn vẹn. Theo bà, người làm công tác xét xử mà không có cái tâm thì rất dễ làm cho cán cân công lý bị xô lệch, bản án có thể nặng lên hoặc nhẹ đi. Huỳnh Thị Kim Bô tâm sự: Đằng sau mỗi phán quyết của tòa là số phận của một con người. Những bị cáo đứng trước vành móng ngựa rất cần được giáo dục, cải tạo để trở thành người tốt nhưng làm sao để họ nhận ra lỗi lầm, ăn năn, hối cải và tiến bộ mới là điều khó. Do vậy trước khi xét xử, bà đọc rất kỹ hồ sơ  để tìm ra những tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo. Ngay cả những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Phan Tiến Dũng, dù rất căm giận hành vi dã man của hắn nhưng trước khi tuyên án tử hình, Huỳnh Thị Kim Bô vẫn suy xét thấu đáo mọi tình tiết để có một quyết định đúng đắn. Do vậy trong suốt cuộc đời, Chánh án này đã 5 lần tuyên án tử hình những kẻ phạm tội nhưng chưa lần nào bà cảm thấy ân hận về những phán quyết của tòa. Cũng có những vụ án bà lấy làm băn khoăn về chất lượng công tác điều tra như vụ hiếp dâm ở huyện Tuy An. Chỉ vì một sơ suất nhỏ mà vụ án bị khép lại và người bị hại mãi mãi mang nỗi nhục không bao giờ đòi lại được. Điều mong mỏi lớn nhất của bà là làm sao trong xã hội ngày càng bớt tội phạm để những người làm công tác xét xử ít việc phải làm.

 

Gần 20 năm ngồi ghế quan tòa, dù rất nhiều lần người nhà của bị cáo mua chuộc nhưng bà Huỳnh Thị Kim Bô vẫn giữ được mình trước sự cám dỗ của đồng tiền. Nhờ vậy mà hầu hết các vụ án do bà làm chủ tọa phiên tòa, bảo đảm được sự chính xác. Chữ tâm trong sáng đó, bà cố gắng truyền lại cho thế hệ kế cận. Nghỉ hưu rồi, Huỳnh Thị Kim Bô vẫn mong muốn được tham gia làm Hội thẩm nhân dân để đem những kinh nghiệm của mình phục vụ công tác xét xử, cái nghề mà bà đã gắn bó với nó như duyên tiền định.

 

HOÀI TRUNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người gắn tên với cây, với rừng
Thứ Hai, 10/04/2006 08:32 SA
Săn cá ngừ đại dương
Thứ Năm, 06/04/2006 09:02 SA
“Vô nam, dụng nữ” !
Thứ Tư, 05/04/2006 08:11 SA
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc?
Thứ Hai, 03/04/2006 14:43 CH
Internet về làng
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:02 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek