Thứ Năm, 28/11/2024 21:54 CH
Miền di sản bên sông Nile hùng vĩ (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 21/07/2023 10:21 SA

Trở lại du thuyền ăn tối và nghỉ qua đêm, các du thuyền tiếp tục xuôi dòng về phía hạ lưu, trong đêm dừng lại tại bến tàu của TP Edfu ở bờ tây sông Nile.

 

Tác giả trên đại lộ Nhân sư trong khu vực đền Luxor. Ảnh: CTV

 

Đền Edfu thờ thần Horus nổi tiếng

 

Edfu nằm phía bắc TP Aswan và cách hơn 100km, cũng là một thành phố thuộc tỉnh Aswan, có khoảng 5 vạn dân, nơi đây có đền Edfu thờ thần Horus rất nổi tiếng.

 

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, mới khoảng 5 giờ 30 đã rời tàu lên bến, kịp các chuyến xe ngựa (cứ 3 người lên 1 xe) rầm rập chạy xuyên thành phố đến đền Edfu. Đền này được xây dựng trong gần 350 năm, từ năm 297 TCN (thuộc thời Hy Lạp) đến khoảng năm 50 SCN (thời La Mã), đến nay được xem là ngôi đền còn nguyên vẹn nhất nhờ bão cát sa mạc phủ lấp gần tới đỉnh, mãi đến đầu thế kỷ XX mới được một nhà khảo cổ người Ý tìm ra và hút cát để khôi phục. Lối cổng vào là một tường đá rất đồ sộ gọi là Pylon, có những phù điêu hai bên khắc những hình ảnh ca ngợi thần Horus. Vào khỏi cổng đền là sân trước với 32 cột đá cao được trang trí hình hoa và lá cọ, những bức tường đá màu vàng xung quanh có phù điêu liên quan sự tích của thần Horus và thần Hathor (nữ thần của bầu trời, con thần Ra và là vợ thần Horus).

 

Trong khắp ngôi đền đều có các phù điêu liên quan đến cúng dường của các Pharaoh với thần Horus và các thần khác. Sâu trong đền là thánh địa - nơi từng có bức tượng bằng vàng của thần Horus đứng trên một kiệu thuyền do người khiêng đặt trên một bệ thờ bằng đá granit. Hiện nay, tượng và kiệu thuyền đã dời về bảo tàng, nên chỉ có mô hình một kiệu thuyền nhỏ. Theo các hành lang chung quanh, hình tượng của thần Horus được chạm khắc ở nhiều nơi, có cảnh tượng thần đang chiến đấu, có cảnh tượng thần đang nhận sự cúng dường của các Pharaoh… Theo cầu thang ngầm từ phía đông của đường hầm bên trong sẽ dẫn đến ngôi đền có giếng thông với mực nước sông Nile (một Nilometer như giếng ở đền Kom Ombo), ngày nay tuy không còn thông với sông Nile nhưng độ sâu của giếng có thể chứng thực điều này.

 

 

Sau gần 3 giờ tham quan đền Edfu, mọi người ra ngoài tìm lại cỗ xe ngựa lúc đi để quay trở về du thuyền ăn sáng và tiếp tục hành trình. Xuôi theo dòng sông Nile về hạ lưu đến giữa trưa thì tàu đến đập Esna chặn ngang sông Nile. Tại đây có một đập cũ xây từ thời Anh quốc cai trị hiện không sử dụng nữa, đập mới được xây ở hạ lưu cách đập cũ hơn 1km, nghe nói là do Rumani hỗ trợ về kỹ thuật, có âu tàu 2 ngăn phía tây đập. Du thuyền chúng tôi xếp hàng chờ hơn 1 giờ mới vào âu tàu, lúc trong âu tàu thấy mực nước hạ 6-7m.

 

Phải đến gần 5 giờ 30 chiều, tàu mới đến Luxor.

 

Đền Luxor thờ thần Amun Ra, với trụ obelisk và 2 tượng Pharaoh Ramses 2 tại cửa đền. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Luxor - Kinh đô cổ đại ngàn năm

 

Luxor là một thành phố khá lớn nằm hai bên sông Nile, dáng dấp hiện đại với hơn 50 vạn dân, cách Aswan gần 250km về phía hạ lưu. Nơi đây từng là kinh đô của nhiều triều đại Ai Cập cổ đại, tên cũ là Thebes, Amun (thần Mặt trời), có thể nói 1/3 số cổ vật của Ai Cập được tìm thấy ở đây. Luxor ngày nay là một thành phố du lịch nổi tiếng với nhiều di tích đặc biệt của văn hóa Ai Cập cổ đại: Đền Luxor, đền Karnak, Thung lũng của các vì vua, Thung lũng của các hoàng hậu… tập trung với mật độ rất dày.

 

Đền Luxor nằm ở ngay trung tâm thành phố, cạnh bờ đông sông Nile, là đền thờ thần Amun Ra (thần Mặt trời, vua của các vị thần Ai Cập cổ đại), bắt đầu xây dựng khoảng năm 1500 TCN, qua nhiều thời kỳ bổ sung nhiều công trình. Nhiều vị Pharaoh bổ sung tượng của mình vào ngôi đền, đặc biệt Pharaoh Ramses II cho đặt ở đây nhiều tượng của ông bằng đá hoa cương rất lớn. Ngay trước mặt đền là cột đá obelisk bằng đá hoa cương nguyên khối rất hoành tráng, là một lăng trụ tứ giác thon dần lên cao và có đầu nhọn, diện tích đáy khoảng 1,5mx1,5m, cao 25m, nặng hàng trăm tấn, xưa kia có mạ vàng trên đỉnh nhọn để phát sáng khi có ánh sáng mặt trời (hay mặt trăng). Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, các trụ obelisk đều có sự liên hệ với thần Mặt trời.

 

Qua nghiên cứu của giới khảo cổ, các obelisk đều xuất phát từ Ai Cập cổ đại, thống kê có 29 cái, hiện chỉ còn 9 cái ở Ai Cập, còn lại do người Anh (sau này còn có cả giới chức Ai Cập) đưa tặng các nơi trên thế giới dưới danh nghĩa do chính quyền Ai Cập tặng. Các trụ obelisk ở London, New York, Paris (quảng trường La Concorde)… đều là di sản văn hóa của Ai Cập. Đài tưởng niệm Tổng thống G.Washington (Mỹ) là một obelisk dùng vật liệu hiện đại tạo thành cao 169m, nặng hơn 81.000 tấn, là công trình obelisk lớn nhất thế giới dựa theo ý tưởng của người Ai Cập cổ đại. Trên trụ obelisk ở đền Luxor, mặt đá được mài nhẵn, có chạm khắc hình và chữ Ai Cập cổ đại từ chân lên đỉnh. Tôi thực sự kinh ngạc khi biết trụ đá khổng lồ này được lấy từ mỏ đá ở Aswan cách đây 250km, không biết người xưa đã dùng công nghệ gì để cắt thành một trụ đá hình khối lăng trụ tứ giác thẳng và nhỏ dần lên đỉnh, cả việc mài mặt đá rất láng để chạm khắc, việc di chuyển và dựng trụ… trong điều kiện không có máy móc.

 

Hai bên lối vào đền là hai pho tượng Pharaoh Ramses II bằng đá hoa cương rất lớn, thể tích cũng gấp 10 lần người thường - Ramses II là một vị Pharaoh nổi tiếng trong thời kỳ thịnh trị của Ai Cập cổ đại. Ngoài 2 pho tượng Ramses II, còn có 2 pho tượng khác tương tự ở hai bên. Dọc hành lang vào và bên trong đền là những trụ đá tròn khổng lồ cao 18-20m. Trên các trụ và vách đền là những hình khắc đá về sự tích của thần Amun Ra và nhiều vị thần khác, cũng như hình ảnh các Pharaoh và một số vua chúa (có cả Alexander đại đế) gắn với sự tích liên quan các thần. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử nên các kiến trúc và điêu khắc mang dấu ấn Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, La Mã, Byzantine xen lẫn nhau, thậm chí có cả một thánh đường Hồi giáo xây chồng lấn lên một phần kiến trúc phía đông bắc của ngôi đền - dấu ấn của thời kỳ bị Ottoman cai trị. Nhưng chủ đạo trên các bích họa và điêu khắc vẫn là hình tượng của thần Amun Ra, nằm sâu trên các bức tường phía cuối đền.

 

Phía bắc của đền - đối diện lối vào - là đại lộ Nhân sư, dài khoảng 3,5km, nguyên thủy có hơn 1.200 nhân sư bằng đá ở hai bên con đường lát đá rộng khoảng 20m, hiện nay chỉ còn hơn 60 tượng nhân sư. Trên đại lộ Nhân sư có đặt một kiệu thuyền của thần Amun Ra. Toàn bộ ngôi đền nói chung được làm từ những tảng đá lớn (kể cả trụ obelisk và các tượng), nặng hàng trăm tấn vận chuyển từ xa đến đây chế tác và dựng lên, đó quả là một kỳ tích! Giới khảo cổ cho rằng người Ai Cập cổ đại đã biết dùng các loại thuyền bè liên kết nhau, tận dụng mực nước sông Nile qua các mùa để kéo dọc theo sông, khi đến nơi dùng hệ thống ròng rọc và con lăn để di chuyển đưa lên công trình xây dựng.

 

Ra khỏi đền là đến ngay một đường phố chính ở Luxor, chúng tôi đi tham quan chợ truyền thống Luxor ở cạnh đền, các quầy hàng rất phong phú, sản vật địa phương đa dạng với các loại hoa quả, thảo dược, vải thủ công, đồ mỹ nghệ lưu niệm…

 

(Còn nữa)

 

ĐÀO TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sáng tác ở xứ sở ngàn mây
Chủ Nhật, 16/07/2023 11:00 SA
Một thoáng Jordan (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 12/07/2023 10:00 SA
Một thoáng Jordan
Thứ Ba, 11/07/2023 13:21 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek