Aswan là một thành phố có từ lâu đời trên bờ đông sông Nile ở vùng thượng Ai Cập, tên gọi cổ là Swenett lấy theo tên của nữ thần bảo hộ sinh nở và Swenett cũng có nghĩa là giao thương, phù hợp với vị trí trên con đường giao thông từ Sudan đi Địa Trung Hải.
Tác giả đứng bên đền Kom Ombo thờ thần Horus và thần Sobek ở Aswan. Ảnh: CTV |
Aswan - Thành phố dưới chân con đập khổng lồ
Aswan cách Cairo hơn 700km về phía nam, du khách từ Cairo có thể đi Aswan bằng đường không, đường sắt hoặc đường bộ, nếu đi đường bộ thì mất 880km. Aswan là đô thị có 27 vạn dân, ngoài việc có hàng chục di tích văn hóa cổ đại tầm cỡ như đền Abu Simbel nổi tiếng nằm gần biên giới với Sudan, đền Philae thờ nữ thần Iris linh thiêng, đền Kom Ombo, đền Edfu… thì còn nổi tiếng nhờ con đập Aswan trên sông Nile ở phía thượng lưu thành phố.
Đập cũ Aswan được người Anh xây dựng từ năm 1898, sau chính quyền Ai Cập xây dựng lại một đập mới từ 1960-1970 mới hoàn thành, cách đập cũ 4km về phía thượng lưu. Đây là một đập thủy điện lớn chặn ngang dòng sông Nile, mặt đập dài hơn 3,8km, cao 110m tạo ra hồ Nasser có diện tích mặt nước 5.250km2, dung tích 132km3 (tức hơn 132 tỉ khối nước), độ sâu tối đa 180m, được xem là một hồ lớn trên thế giới. Hồ có tác dụng chính là giữ nước mùa khô, hạn chế lũ trong mùa lũ và kèm theo là một nhà máy thủy điện lớn công suất 2.100Mw, hàng năm phát hơn 10 tỉ kWh điện.
Chúng tôi đi chuyến bay từ Cairo đến Aswan mất hơn một giờ mới đáp xuống sân bay quốc tế Aswan được xây dựng trên một vùng bán sa mạc bờ tây sông Nile. Đường từ sân bay về trung tâm TP Aswan mất gần 30 phút, đi ngang qua đập Aswan cũ. Tại Aswan, chúng tôi được bố trí ở trên du thuyền Jamila thuộc công ty du lịch Sabena, được ghi là du thuyền 5 sao nhưng các tiện nghi phục vụ chỉ đạt tầm 4 sao. Trên bến sông có khoảng 40-50 du thuyền đang đậu, mỗi du thuyền là một khách sạn nổi, có trên dưới 100 phòng ở chia thành 3 tầng, có phòng ăn ở tầng hầm, bể tắm và bar trên boong tàu. Do chuyến bay đến muộn nên chúng tôi phải ăn trưa muộn, nhưng nhân viên phòng ăn vẫn chờ phục vụ với thái độ vui vẻ. Thức ăn tương đối hợp khẩu vị, nước uống và hoa quả đầy đủ, riêng chà là tươi và chuối ngon. Trên du thuyền muốn dùng wifi phải đăng ký và trả phí riêng.
Đến 17 giờ, chúng tôi trải nghiệm đi thuyền buồm felucca để ngắm hoàng hôn trên sông Nile. Thuyền felucca một buồm do 3 người điều khiển rời bến chạy ra giữa sông, đi ven một số đảo trên sông, là một vùng quê có trồng chuối, chà là xanh tốt. Xa xa trên vách núi đá bờ tây thấp thoáng một số di tích cổ của người Nubian từ thời kỳ còn cai trị Ai Cập nhìn về phía thành phố. Hoàng hôn xuống dần, gió mát buồm căng, sóng nước sông Nile mơn man bên mạn thuyền, mấy nhân viên người Ai Cập vỗ trống hát múa lôi cuốn du khách tham gia… thật là kỷ niệm đáng nhớ. Đến khi đèn điện trên thành phố và bến thuyền bật sáng, thuyền mới quay về bến, lên bờ đã hơn 19 giờ. Một số người đi chợ đêm để trải nghiệm, riêng tôi đi bộ về du thuyền sớm để nghỉ ngơi, trên đường còn chụp hình chung với một số thiếu niên địa phương đến nói chuyện giao lưu.
Thăm làng của người Nubia
Sáng hôm sau, chúng tôi đi ca nô ngược dòng sông Nile đến thăm làng của người Nubia ở ngay chân bờ tây đập Aswan cũ. Nhà ở của người Nubia thường thấp, vách xây, mái thường đắp đất hoặc làm bằng phên lau sậy do vùng này quanh năm hầu như không mưa nên cư dân không sợ mưa trút vào nhà. Cả làng đều làm dịch vụ: cho khách vào nhà tham quan, nghỉ trọ, ăn uống, bán đồ thủ công mỹ nghệ, lái ca nô hay lái xe chở du khách, vẽ chúc phúc cho khách có nhu cầu. Họ dùng tiếng Ả Rập để giao tiếp bên ngoài nhưng có ngôn ngữ Nubian riêng.
Chúng tôi vào thăm một gia đình người Nubia, nhà xây đơn giản, mái phên lau sậy, tường có màu sắc rực rỡ vẽ cảnh người Nubia đan đệm cói tròn hay đánh cá trên sông. Trong nhà có những băng ghế dài lót thảm cho khách ngồi, dưới sàn cũng trải thảm xanh đỏ, giữa nhà có xây một hồ nhỏ mỗi cạnh khoảng 1m, cao hơn nửa mét, trong đó có nuôi hai con cá sấu nhỏ như nuôi thú cưng theo phong tục.
Cá sấu hàng ngày được cho ăn cá, người nhà có thể bắt ra cột mõm để khách xem chụp hình. Nhà có mấy người con thì sẽ nuôi mấy con cá sấu, khi cá sấu lớn 19-20 tuổi sẽ thả lên thượng nguồn đập Aswan, nếu chẳng may cá sấu chết thì nuôi lại bù vào. Đây là một dạng nghi thức thờ cúng thần Sobek - thần đầu cá sấu bảo hộ người Ai Cập cổ đại sinh sống dọc sông Nile.
Trong nhà này còn có một phụ nữ làm dịch vụ vẽ chúc phúc, dùng một loại mực đen vẽ lên mu bàn tay của khách theo những hình vẽ được khách chọn trong một tập sách nhằm đáp ứng một mong ước nào đó, mực có thể giữ 3 ngày không phai dù du khách tắm rửa hàng ngày. Giá mỗi lần vẽ khoảng 5 USD. Ở làng có trường tiểu học và lớp mẫu giáo dạy chữ Ả Rập và chữ Nubian cho trẻ, sau khi học hết tiểu học lên bậc trung học thì phải vào thành phố để học. Bến thuyền của làng có xây bậc cấp xi măng lên xuống, trang trí màu sắc sặc sỡ, có thể đậu đồng thời vài chục ca nô chở khách thăm. Tôi có chọn mua một dao găm ngắn lưỡi cong có bao da làm vật lưu niệm cho chuyến thăm ở một cửa hàng nhỏ trên bến.
Xuôi về hạ lưu sông Nile
Trở lại du thuyền Jamila đã quá trưa kịp giờ ăn. Đến 2 giờ chiều, du thuyền rời bến tàu Aswan xuôi về hạ lưu sông Nile hướng về Luxor. Nhìn đoàn du thuyền vài mươi chiếc nối đuôi nhau chạy trên sông Nile thật là hoành tráng. Hai bên đường lau lác mọc cao, nhiều làng xóm dân cư đông đúc, các cơ sở du lịch ven sông, những vườn cây xanh ngút ngàn phát triển dựa vào nguồn nước sông Nile. Sau gần 3 giờ di chuyển trên sông, đoàn du thuyền dừng ở chân núi Kom Ombo (núi Vàng) để thăm đền Kom Ombo trên bờ đông sông Nile. Ngôi đền được xây bằng đá khối rất hùng vĩ, thờ thần Horus (chim ưng) và thần Sobek (cá sấu), từ khởi công đến hoàn thành trải qua 400 năm từ thời Hy Lạp (năm 332 TCN) đến thời La Mã (thế kỷ I SCN). Thực ra có thể xem đây là hai ngôi đền ghép cạnh nhau, có chung lối vào nhưng thờ hai thần riêng biệt, mỗi bên đều có nét độc đáo riêng.
Theo tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, thần Sobek chịu trách nhiệm về sự màu mỡ của sông Nile và bảo hộ những người sống dọc sông Nile. Thần Horus là vị thần quan trọng trong tâm linh của người Ai Cập - thần chiến thắng, được gắn với quyền lực của các pharaoh. Có giai đoạn dưới thời La Mã cai trị, ngôi đền này được dùng làm một mỏ đá và sau đó bị sụp đổ do động đất. Di tích còn lại là một cổng đền vĩ đại, hành lang vào bên trong có nhiều cột đá lớn kiểu La Mã, nhưng hình và chữ được chạm khắc trên cột và trên tường đều liên quan các sự tích về thần Horus và thần Sobek của Ai Cập cổ đại. Đáng lưu ý là có bức phù điêu chạm khắc chìm theo kiểu Hy Lạp, có bức lại được chạm nổi theo kiểu La Mã.
Ngôi đền này cũng là một trung tâm chữa bệnh quan trọng thời cổ, nhiều dụng cụ y tế được phát hiện chạm khắc trên các bức tường phía sau điện thờ, trong đó có dao mổ, kẹp gắp, dụng cụ nạo… tương tự dụng cụ y tế hiện đại. Trong đền còn có một căn phòng đặc biệt gọi là “sảnh cúng dường”, nơi những người bị bệnh, bị thương có thể đến đó nhờ các thầy tu chữa trị. Tôi thấy trên một bảng đá còn có khắc lịch thời tiết cổ đại gồm 3 mùa: lũ lụt, gieo trồng và thu hoạch. Bên ngoài sân đền phía tây bắc có một giếng cổ đường kính gần 3m, được cho là thông với mực nước sông Nile gần đó (mà giới khảo cổ còn gọi là Nilometer) dùng để đo mực nước sông Nile, qua đó ước tính sản lượng thu hoạch của mùa màng.
Chúng tôi có đến thăm Bảo tàng Cá sấu bên cạnh đền, thấy nhiều cá sấu được người cổ đại ướp xác giữ được nguyên vẹn qua hàng nghìn năm, có con rất lớn dài hơn 1,5m nhưng cũng có những con rất nhỏ chỉ như ngón tay cái. Hình như đây là một kiểu tế lễ với thần Sobek.
(Còn nữa)
ĐÀO TẤN LỘC