Tôi biết đến Ai Cập, đất nước có bề dày lịch sử lập quốc hơn 5.000 năm với nền văn minh cổ đại rực rỡ; đất nước có những kim tự tháp đồ sộ và nhiều đền đài, hầm mộ huyền bí; đất nước có sông Nile chảy qua hàng ngàn cây số để vào Địa Trung Hải. Con sông Nile hùng vĩ, dài hơn 6.800km phủ lên 11 quốc gia ở Đông Bắc Phi, mạch nước và nguồn phù sa nuôi dưỡng cả trăm triệu cư dân châu Phi hai bên bờ.
Tác giả bên Bảo tàng quốc gia Ai Cập. Ảnh: CTV |
10 năm trước, trong một dịp đi dự Hội nghị Liên nghị viện thế giới tại Uganda, tôi được đưa đến một nhánh sông nhỏ chảy ra từ hồ Victoria, ở đó có tấm bia ghi là đầu nguồn sông Nile. Mãi sau này, tôi mới biết sông Nile có nhiều nhánh đầu nguồn như thế.
Đến đất nước đông dân nhất vùng Bắc Phi - Trung Đông
Ai Cập có khoảng 110 triệu dân, đông dân nhất vùng Bắc Phi - Trung Đông, với diện tích hơn 1 triệu km2, nhưng phần lớn là sa mạc; nơi con người sinh sống chỉ chiếm khoảng 5% diện tích, và tập trung chủ yếu hai bên bờ sông Nile. Vùng châu thổ tam giác do sông Nile tạo nên ở phía bắc thủ đô Cairo trên bờ Địa Trung Hải là vựa lương thực quan trọng của cả vùng Đông Bắc Phi - Trung Cận Đông.
Cư dân Ai Cập biết tận dụng nước sông Nile để làm nông nghiệp từ mấy ngàn năm trước, biết dùng thuyền bè để vận chuyển vật liệu và giao thương nam - bắc từ thời cổ đại, qua đó hình thành các đô thị lớn dọc sông. Điển hình như: Aswan (tên cổ là Swenett), Luxor (tên cổ là Thebes), Cairo (tên cổ là Memphis) và cả TP Alexandria (tên cổ là Rhakotis) cũng nằm phía tây vùng châu thổ của sông Nile.
Người Ai Cập cổ đại biết cách làm giấy rất sớm (hơn 5.000 năm trước) từ cây papyrus (một loại cỏ lác thân hình tam giác, thường mọc dày ở hai bên bờ nước sông Nile). Họ xem hoa cây papyrus là quốc hoa đặc trưng cho vùng Thượng Ai Cập và hoa sen là quốc hoa đại diện cho Hạ Ai Cập.
Chuyến bay của hãng Egypt Air đưa chúng tôi từ Amman đi Cairo mất khoảng 1 giờ đồng hồ, do lộ trình vòng tránh không phận của Israel. Sân bay Cairo là một sân bay lớn nằm trên vùng đất bán sa mạc với độ cao 130m ở phía đông bắc vùng thủ đô Cairo, cách trung tâm thủ đô 15km. Diện tích dành cho sân bay rộng 37km2, có 3 đường băng, 5 terminal, hạ tầng sân bay khá tốt, xung quanh có đường rộng, nhiều cầu vượt, hàng năm đón từ 17-18 triệu lượt khách. Tuyến đường từ sân bay về trung tâm Cairo có 8 làn xe, có chỗ 12-14 làn xe, hai bên có nhiều khu chung cư 5-6 tầng, màu hơi tối do bụi cát sa mạc.
Cairo, tiếng gốc chữ Ả Rập là Al Qahirad (có nghĩa là thắng lợi, khải hoàn), nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Nile, có ba mặt đông, nam, tây đều là sa mạc. Nếu chỉ tính riêng thủ đô Cairo thì diện tích là 453km2, dân số hơn 10 triệu người, nằm trên bờ đông sông Nile, được xây dựng từ thế kỷ VII với tên cổ là Memphis, mãi đến năm 973 mới đổi tên là Cairo.
Từ giữa thế kỷ XIV, Cairo mới bắt đầu phát triển nhanh chóng thành một thành phố lớn nhất Tây Á và châu Phi. Tính cả vùng đô thị Cairo, nghĩa là bao gồm thêm 3 thành phố phụ cận: Giza, đô thị lớn thứ ba Ai Cập, nằm bờ tây sông Nile, sát liền phía tây nam thủ đô và cách trung tâm Cairo 20km; Shubra El Kheima, đô thị lớn thứ tư Ai Cập, nằm ở phía bắc Cairo và Helwan, đô thị nằm phía nam Cairo, rộng hơn 1.600km2 với dân số hơn 20 triệu người.
Cairo có nhiều bảo tàng, trường đại học, có hơn 400 di tích lịch sử, hơn 1.000 tháp từ các thánh đường Hồi giáo và nhiều nhà thờ chính thống giáo dòng Coptic (độc lập với Tòa thánh La Mã). Ở Giza, đô thị phụ cận Cairo, có nhóm kim tự tháp Giza và tượng Đại nhân sư, một số lăng mộ Pharaoh, niên đại khoảng 2.500 năm trước Công nguyên (TCN), cách trung tâm chỉ hơn 30 phút đi ô tô.
Tượng Đại nhân sư và kim tự tháp ở Giza. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Thăm Bảo tàng quốc gia Ai Cập
Rời sân bay, sau khi ăn trưa, chúng tôi đi thăm Bảo tàng quốc gia Ai Cập. Đây là bảo tàng lớn, hai tầng, hàng ngày rất đông khách đến tham quan, chủ yếu là du khách quốc tế. Di vật văn hóa rất nhiều, cổ xưa, hầu hết được giới khảo cổ thế giới đến Ai Cập khai quật từ hầm mộ của các Pharaoh (tên gọi của vua Ai Cập cổ đại) và giới quý tộc từ thế kỷ X TCN đến thế kỷ XX TCN (tức cách đây 3.000-4.000 năm). Nhiều nhất là các tượng đá, xác ướp, quan quách và đồ dùng tùy táng của các bậc vua chúa với các chất liệu chính là đá hoa cương, sa thạch, vàng, đồng.
Qua nhiều thời kỳ Ai Cập bị đô hộ, nhiều hiện vật quý ở các hầm mộ bị các thế lực xâm lược và bọn trộm mộ đào lấy trộm, nên chỉ còn di vật từ hầm mộ Pharaoh Tutakhamon (thuộc vương triều 18, thế kỷ XIV TCN) mất lúc 19 tuổi và hầm mộ của Yutha, Thutha (ông bà nội của Tutakhamon) là còn khá nguyên vẹn: từ xác ướp, mặt nạ đến quan quách, đồ tùy táng.
Tôi được giới thiệu các tượng đá của nhiều vị Pharaoh, chạm khắc sinh động đến từng chi tiết, có tượng chỉ lớn hơn nắm tay, nhưng có tượng gấp 3-4 lần so với người thật. Đặc biệt là pho tượng đầu nữ hoàng Hatshepsut vào thế kỷ XV TCN là người sinh thời thích giả nam, thể tích đầu lớn gấp 4-5 lần đầu bình thường được điêu khắc trên đá hoa cương hồng nhạt, tuy có bị tổn hại qua 35 thế kỷ nhưng vẫn thấy được nét sắc sảo và sinh động.
Nhiều phòng trong bảo tàng không đủ chỗ trưng bày di vật, phải xếp trên các kệ chồng nhiều lớp. Nhà nước Ai Cập cũng đã nhận ra vấn đề này, nên gần đây cho xây dựng một bảo tàng hiện đại hơn ở bên ngoài trung tâm thủ đô, gọi là Bảo tàng quốc gia Văn minh Ai Cập, để chuyển bớt một số di vật văn hóa qua đó. Tôi thấy nếu muốn tham quan đầy đủ các di vật trưng bày, du khách chắc phải dành đến 2-3 ngày.
Về chiều, rời Bảo tàng quốc gia Ai Cập, chúng tôi di chuyển đến khách sạn tại TP Giza, bên bờ tây sông Nile. Ở Giza, đường phố không sạch đẹp bằng ở trung tâm Cairo, tuy có nhiều công trình cao tầng nhưng chất lượng xây dựng kém, đầy vẻ bụi bặm.
Trên một số đường phố có cả các loại xe như xe lam, xe ngựa. Khách sạn nơi chúng tôi ở có tên Azal Pyramids Hotel, là tổ hợp cao ốc 9 tầng, hơn 200 phòng ở, có hồ bơi, phòng ăn ở tầng hầm. Tuy tự nhận là khách sạn 4 sao, nhưng phòng ngủ tiện nghi chỉ cỡ 3 sao ở Việt Nam, đồ ăn ít hợp khẩu vị, phòng ăn không cấp nước uống, phải mua riêng.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm cụm kim tự tháp Giza, chỉ cách chỗ ở 20 phút đi xe. Đây là cụm kim tự tháp hoành tráng nhất Ai Cập, trong đó lớn nhất là Đại kim tự tháp - lăng mộ của Pharaoh Khufu thuộc vương triều thứ tư, xây dựng vào đầu thế kỷ XXVI TCN (còn gọi là Kheops theo tiếng Hy Lạp), được xem là công trình cổ còn lại duy nhất của 7 kỳ quan cổ đại của nhân loại.
Kim tự tháp Kheops vốn cao 146,5m nhưng do bị mất một số phiến đá trên đỉnh tháp nên chỉ còn cao 138,75m, đáy là một hình vuông cạnh dài 231m. Xung quanh Kheops có 3 kim tự tháp nhỏ là lăng mộ các bà vợ của Khufu. Về phía tây nam cách Kheops hơn 1km là kim tự tháp - lăng mộ của Pharaoh Khafra (con của Khufu), vốn chiều cao thấp hơn Kheops, nhưng do xây trên nền đất cao hơn nên thoạt nhìn thì cao hơn Kheops. Xa hơn chút là kim tự tháp - lăng mộ Pharaoh Menkaure (cháu nội của Khufu), chỉ cao hơn 60m.
(Còn nữa)
ĐÀO TẤN LỘC