Thứ Năm, 28/11/2024 21:52 CH
Miền di sản bên sông Nile hùng vĩ (Tiếp theo và hết)
Thứ Bảy, 22/07/2023 10:00 SA

Sau đêm cuối cùng ngủ trên du thuyền Jamila, chúng tôi mang theo hành lý tiếp tục đi tham quan, để du thuyền kịp đón khách đi ngược lại Aswan.

 

Du khách đang chụp hình các tranh chạm khắc đầy màu sắc trong hầm mộ Pharaoh Merenptah. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

 

Thung lũng các vị vua

 

Từ thời cổ đại, người Ai Cập có tục chôn người ở phía tây, điển hình là tại Luxor này. Chúng tôi qua cầu vượt sông Nile đi về phía tây để tham quan Thung lũng các vị vua, cách trung tâm Luxor vài chục kilomet. Đây là thung lũng trong một dãy núi đá màu nâu xám, không có một cành cây ngọn cỏ nào, thuộc trung tâm của nền núi Thebal. Nơi này có các hầm mộ an táng các Pharaoh và một số đại quý tộc từ triều đại thứ 8-20 thời kỳ vương quốc mới của Ai Cập cổ đại, hiện được biết có 63 hầm mộ và chưa khai quật xong.

 

Hiện tại chỉ cho phép du khách tham quan 14 hầm mộ, nhưng mỗi người chỉ được chọn 3/14 hầm mộ này, mỗi lần vào cửa đều có người kiểm soát bấm lỗ trên vé. Trời nắng chang chang, núi đá lóa mắt và nóng hầm hập, du khách đông nườm nượp, ai cũng mũ nón, kính đen và mang theo nước uống.

 

 

Một sạp hàng trong chợ truyền thống ở Cairo. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

 

Trong thời kỳ gần 2.000 năm Ai Cập bị đô hộ, nhiều hiện vật có giá trị, thậm chí cả xác ướp trong hầm mộ hầu hết bị các thế lực cai trị và bọn đạo tặc đánh cắp, chỉ có hầm mộ Pharaoh Tutakhamon và một ít quý tộc còn nguyên vẹn, sau này các loại hiện vật được đưa về lưu giữ ở bảo tàng. Hiện nay, các hầm mộ cho du khách thăm đều được gia cố cửa vào, làm hệ thống bảo vệ, lắp đặt chiếu sáng, làm bậc thang gỗ lên xuống khu đặt quan tài đá để bảo vệ di tích và giữ an toàn cho khách.

 

Chúng tôi chọn tham quan 3 hầm mộ các Pharaoh: Merentptah, Ramses III và Ramses IX. Hầm mộ Merentptah nằm ở độ cao khoảng 30m so với khu vực xung quanh, lối vào dài khoảng 80m khá dốc dẫn đến tận nơi đặt quan tài đá. Người gác ở đây vui vẻ chụp hình cho chúng tôi nên tôi biếu ông 50 bảng Ai Cập làm quà. Hai hầm mộ còn lại, lối vào không dốc nhưng chỉ vào được khoảng 50m, chưa đến sát nơi đặt quan tài đá, chỉ đứng nhìn xa xa. Hai bên tường lối vào các hầm mộ có chạm khắc, vẽ các sự tích cổ đại có thần, người, thú, đồ vật, hoa lá… chủ yếu liên quan đến Pharaoh đó. Điều kỳ lạ là màu sắc trên các họa tiết vẫn còn rõ sau hơn 2.500-3.000 năm. Từ Thung lũng các vị vua về lại Luxor ngang qua nhiều khu đang tiến hành khảo cổ dang dở, nhiều loại vật liệu từ công trình cổ ngổn ngang, không thấy người canh giữ.

 

Trụ obelisk và một số kiến trúc trong đền Karnak. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Đền Karnak - Di sản ngoài trời lớn nhất Ai Cập

 

Đến chiều, chúng tôi đi tham quan đền Karnak. Đây là một đền thờ lớn bậc nhất của Ai Cập nằm ở bờ đông sông Nile, được xem như một bảo tàng ngoài trời trên một khu vực rộng 26ha. Đền được xây dựng từ năm 1580 TCN, hiện còn một số nền đá chứng tích thờ thần Amun Ra (thần Mặt trời), một số thần khác và nhiều Pharaoh. Do số người tham quan rất đông, nên chỗ bán vé vào cổng thường chen chúc, xếp thành hàng dài. Vào bên trong khu vực di tích, ở cửa vào đền và sân phía trong là hai hàng sphinx đầu cừu. Đây là linh vật hóa thân của thần Amun Ra.

 

Quần thể đền Karnak được xây dựng qua 420 năm từ năm 1580-1160 TCN với khoảng 30 Pharaoh nối tiếp nhau, mỗi Pharaoh đều tìm cách tạo dấu ấn riêng bằng tượng đá, cột đá, trụ obelisk, phù điêu, các họa tiết, hoa văn trên tường rất độc đáo. Do đó, ngoài ý nghĩa ban đầu là thờ cúng thần Amun Ra, đây còn được xem là nơi thờ cúng chính các Pharaoh trong vòng 2.000 năm. Dọc hành lang và bên trong các sảnh là các cột đá thành hàng thẳng tắp, đường kính khoảng 1m, cao 15-20m, nhiều thanh đá lớn chạm trổ nặng cả trăm tấn gác ngang trên các cột. Chung quanh các sân lớn trong đền là tượng các Pharaoh, hoàng hậu qua nhiều thời kỳ, lớn gấp 8-10 người thường. Tôi thấy có 3 obelisk cao trên 20m ở các hành lang phía sân trong đền, và ở sân sau đền còn có 1 obelisk chỉ cao 9-10m, hỏi ra mới biết do bị gãy và thất lạc đoạn dưới. Trong khu vực sau đền còn có 1 trụ đá cao khoảng 2,5m, bên trên có đặt 1 tượng côn trùng dài khoảng 0,4-0,5m bằng đá (giống như một con rùa), mà theo truyền thuyết đó là thần may mắn đối với những ai đi quanh nó 3 vòng, 5 vòng, 9 vòng.

 

Tiếp tục tham quan xung quanh đền Karnak, tôi thấy có nhiều bức họa, bức chạm khắc trên tường đá, trụ đá về sự tích của thần Amun Ra, nữ thần Mut (vợ thần Ra), thần chiến tranh Monthu và nhiều Pharaoh với nét chạm khắc tinh tế, màu sắc nhiều bức họa rực rỡ không phai qua hơn 3.000 năm. Ở đây còn đặt nhiều tượng đá lớn tạc bằng đá hoa cương hoặc sa thạch, khuôn mặt nhiều bức tượng giống hệt một số tượng đá Pharaoh Tutakhamon, Ramses II, Hatshepsut… đang đặt trong Bảo tàng quốc gia Ai Cập. Hỏi ra mới biết là do người Ai Cập cổ đại tin rằng sau khi chết linh hồn còn có thể tái sinh trở về với thân xác cũ, cho nên việc ướp xác để giữ nguyên thân xác lâu dài hoặc tạc tượng giống như người thật lúc còn sống là những cách để linh hồn có thể trở lại nhập vào thân xác tái sinh sau một thời gian nào đó.

 

Đền Karnak là điểm tham quan cuối cùng của chúng tôi ở Luxor trước khi ra sân bay Luxor về lại Cairo để chuẩn bị lên đường về nước.

 

*

 

Hành trình 7 ngày khám phá Ai Cập - miền đất đầy di sản huyền bí hai bên bờ sông Nile - tạo ấn tượng sâu đậm trong tôi. Ở đây, thời gian dường như đọng lại, đơn vị được tính là ngàn năm. Ngay các triều đại Ai Cập cổ thời của các Pharaoh đã là gần 3.000 năm từ Pharaoh Menes (năm 3150 TCN) đến Pharaoh Nectanebo II (năm 332 TCN), trải qua 30 triều đại, trong đó có nhiều triều đại rất thịnh trị với nền văn minh rực rỡ.

 

 

Tôi chợt liên tưởng đến lịch sử cổ đại nước ta có 18 đời Hùng Vương với 2.000 năm lịch sử TCN, kết thúc vào thời An Dương Vương Thục Phán. Nhiều người lâu nay cho rằng chỉ với 18 đời Vua Hùng thì không thể có đến 2.000 năm, nên muốn suy ra lịch sử dân tộc ta ngắn hơn. Nhưng qua tìm hiểu lịch sử Ai Cập cổ đại đã cho tôi một gợi ý mới: có thể thời cổ đại nước ta đã có 18 triều đại Hùng Vương, mỗi triều đại có thể nhiều đời vua. Tên gọi Hùng Vương có thể chăng như tên gọi Pharaoh ở Ai Cập cổ đại? Có triều đại Pharaoh ở Ai Cập có nhiều vị vua niên hiệu: Ramses II, Ramses III, Ramses VIII, IX… thì một triều đại Hùng Vương ở ta (ví như Hùng Duệ Vương) có thể 5-7 vị mang niên hiệu Duệ Vương từ 1-7 chẳng hạn. Tiếc rằng lịch sử Ai Cập để lại những vật chứng bằng đá khắc chữ viết cổ của họ nên chứng cứ rõ ràng, còn lịch sử cổ đại nước ta các công trình phần lớn bằng gỗ và một ít bằng đồng nhưng thiếu chữ viết cổ ghi lại (hay do các thế lực xâm lược hủy hoại?) nên hầu hết chứng cứ đã mai một với thời gian.

 

Tôi cũng có trăn trở với một Ai Cập cổ đại hùng mạnh và văn minh như thế, nhưng sau đó từ thế kỷ III TCN bị các thế lực khác đô hộ liên tục hơn 2.000 năm, phải chăng là do các bậc vua chúa đã cho xây dựng quá nhiều đền đài, hầm mộ bằng đá rất nguy nga nên làm kiệt sức nước, sức dân dẫn đến dân tộc lụn bại hàng ngàn năm? Biết đâu đây cũng là một gợi ý để các nhà cầm quyền trên thế giới suy nghĩ, cân nhắc mà có giải pháp khoan thứ sức dân để giữ cho đất nước phát triển bền vững, lâu dài.

 

ĐÀO TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek