Sau các thủ tục transit tại sân bay Doha, đoàn khách du lịch Việt Nam chúng tôi di chuyển qua cửa A6 để đi Amman, thủ đô nước Jordan. Cả Quatar, Jordan, Israel đều chung múi giờ (+3) nên cũng thuận tiện khi lấy lại giờ trên đồng hồ.
Thành phố cổ Petra - 1 trong 7 kỳ quan mới của nhân loại
Bất ngờ trên chuyến bay đi Amman, hành khách đều nhận được một món quà từ hãng bay nhân ngày kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo, đó là 1 túi đồ ăn nhìn rất đẹp, bên trong có 2 bánh nhân mặn, 2 bánh ngọt baklava, một hộp nhỏ có 4 trái chà là - là món ăn thường dùng trong tháng Ramadan.
Đến sân bay Amman gần 7 giờ tối, nhưng mặt trời vẫn còn một ít tia nắng le lói trên vùng đất bán sa mạc của sân bay. Sân bay quốc tế Amman không lớn, có 6 băng chuyền hành lý dạng xoay, nhưng việc chờ hành lý và làm thủ tục nhập cảnh mất gần 1 giờ 30 phút.
Từ sân bay về trung tâm Amman khoảng 35km, đường cao tốc 6 làn xe, mặt đường tốt nên chỉ mất gần 45 phút di chuyển. Amman bừng sáng trong đêm, qua khung cửa xe thấy phố xá trên địa hình lên xuống dốc, nhà cất trên đồi màu nhã khá đẹp. Đường phố chính khá rộng rãi, có nhiều hầm qua các giao lộ chính, mặt đường nhựa có dấu hiệu vừa được sửa chữa.
Các đường ngang hơi hẹp, phần lớn là dốc lên xuống. Khách sạn Mena nơi nghỉ đêm đầu tiên của đoàn, ghi là 3 sao, nhưng không bằng khách sạn cùng cấp ở Việt Nam, ngay cả ăn buffet tối cũng không được cung cấp nước uống, phải mua riêng.
Lên đến phòng nghỉ đã hơn 10 giờ tối, lúc này ở Việt Nam là 2 giờ sáng, do đổi múi giờ nên tôi ngủ ít hơn bình thường, nhưng cố dỗ giấc ngủ để hôm sau có sức đi đường bộ qua Israel. Thời gian và các điểm đến ở Israel trong mấy ngày tiếp theo đã được tôi đề cập trong một bài viết khác.
Sau 2,5 ngày tham quan ở Israel, đoàn chúng tôi nhập cảnh trở lại Jordan và theo cao tốc Amman - Aqaba đi thẳng về phía nam nước này, để rẽ vào thành phố cổ Petra - một viên ngọc quý trong các di sản văn hóa của nhân loại, là 1 trong 7 kỳ quan mới của nhân loại. Petra cách thủ đô Amman hơn 200km về hướng tây - nam, nằm trên sườn núi Hor trong thung lũng Arabah chạy từ biển Chết đến vịnh Aqaba trên biển Đỏ.
Từ khách sạn Petra nơi ở, lúc gần 8 giờ sáng chúng tôi được xe đưa vào trung tâm khu quản lý di sản, mua vé, sau đó đi bộ vào di tích cách đó hơn 3km. Có cả dịch vụ xe điện và cưỡi ngựa (ngựa chỉ đi hơn 1km vào đến cửa hẻm Siq), nhưng mọi người trong đoàn đều chọn đi bộ để trải nghiệm.
Tại cửa vào hẻm Siq có 2 nhân viên đóng giả như lính La Mã mặc giáp đồng, với khiên và giáo đứng giữa lối vào, du khách có thể cùng chụp hình lưu niệm. Siq là một hẻm núi đá dài gần 2km và hơi thấp dần vào phía trong, rộng nhất chỉ 6-7m, hai bên là núi đá sa thạch nâu hồng với vách đá cao 40-80m nên đi trong hẻm rất mát.
Dọc vách đá, người Nabataean xưa đã đục các máng dẫn nước, cao cách mặt đất khoảng 1,2m gom nước vào một chỗ chứa bên trong thành phố cổ. Nhiều chỗ có những động đá được khoét vào vách đá, ngày xưa là nơi ở của các lính gác hoặc nơi thờ thần linh.
Theo giới khảo cổ, thành cổ Petra được người Nabataean xây dựng từ khoảng 300 năm trước Công nguyên với hệ thống dẫn thoát nước rất độc đáo, thời thịnh vượng nhất là đầu Công nguyên với cư dân khoảng 20.000 người. Hẻm Siq dài hẹp, quanh co là một vị trí phòng ngự tốt để chống lại các lực lượng xâm nhập.
Vào thời đó, Petra kiểm soát các tuyến đường thương mại từ vịnh Aqaba phía nam đi Bosra, Damascus phía bắc, từ dải Gaza phía tây băng qua sa mạc đến vịnh Ba Tư phía đông, làm nơi lưu trú, cung cấp nước cho các đoàn thượng khách nên khá sầm uất.
Các thế kỷ sau đó, Petra bị người La Mã, Byzantine, Ottoman xâm chiếm, rồi nhiều công trình bị sụp đổ do các lần động đất mạnh vào thế kỷ thứ IX và VII sau Công nguyên, cộng với thương mại đường biển ngày càng phát triển nên thành phố cổ này dần dần hoang phế và bị quên lãng. Mãi đến năm 1812 mới được nhà thám hiểm người Thụy Sĩ khám phá và công bố, thu hút nhiều đoàn khảo cổ đến làm sáng tỏ các di tích, cuối cùng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại từ năm 1985.
Hẻm Siq, lối vào thành phố cổ Petra. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Biểu tượng của du lịch Jordan
Vào khỏi hẻm Siq, đập vào mắt là công trình kiến trúc đền Al Khazma (tiếng Ả rập là kho báu), cũng là một hầm mộ của vua, được đục khắc sâu vào đá, cao khoảng 35m, cực kỳ tinh tế và hoành tráng. Ngày nay công trình này được xem là một biểu tượng của Petra, thậm chí là biểu tượng của du lịch Jordan.
Trên quảng trường nhỏ trước cửa đền Kho Báu, du khách rất đông đúc, có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, có dịch vụ cưỡi lạc đà, người đi kẻ lại rất nhốn nháo, nhiều người chụp hình ghi lại hình ảnh đền Kho Báu. Có một số cảnh sát trị an và cảnh sát du lịch vừa làm nhiệm vụ nhưng cũng sẵn sàng chụp ảnh với du khách.
Đi sâu về phía tay phải là một tuyến đường hẹp giữa vùng núi đá sa thạch màu nâu hồng, nền đường cát đá ngổn ngang rất nguyên sơ (khác với đường đi qua hẻm Siq được trải xi măng bằng phẳng), dài khoảng 2km dẫn đến khu vực từng là thành cổ Petra. Hai bên có nhiều công trình đục khắc vào đá tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Phía tay trái đi theo 800 bậc thang lên cao đến tu viện Ad Deir khá nguy nga, tôi và một số người muốn leo lên đó nhưng đi hết nổi.
Vào bên trong là khu nhà hang của dân cư cổ đục trong vách đá, gần đó là một nhà hát kiểu La Mã được xây dựng gần 20 thế kỷ trước có các hầm vào cánh gà đến một không gian xung quanh có nhiều bậc đá ngồi theo vòng tròn cao khoảng 20m và một sân khấu có nhiều trụ đá tròn bị đổ gãy, hoang phế. Theo các bản chỉ dẫn thì sâu hơn bên trong là đền thờ, khu lăng mộ hoàng gia… bằng đá, hiện tất cả là những phế tích của một thời hoàng kim xa xưa. Dọc đường, người dân bày bán đồ thủ công mỹ nghệ có tạo hình các công trình ở thành cổ Petra bằng nhiều vật liệu khác nhau, có cả cửa hàng bán đồ uống (một ly nước lựu khoảng 9 USD) kèm đi vệ sinh miễn phí.
Sau hơn 2 giờ tham quan chụp hình ở di sản Petra, chúng tôi theo hẻm Siq quay về trung tâm quản lý di sản, tình cờ lại kịp xem một tiết mục biểu diễn văn hóa địa phương do một nhóm 8-9 người mặc trang phục chiến binh Ả rập (áo bào nâu, quấn khăn rằn trên đầu, đai lưng da có cài đoản đao, tay cầm loan đao) nhảy múa và ca hát theo dàn nhạc cụ Ả rập rất hấp dẫn, nhiều du khách cũng gia nhập nhảy múa sôi nổi.
Ăn trưa tại Petra xong, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm và trải nghiệm tại sa mạc Wadi Rum (tiếng Ả rập còn gọi là Thung lũng Mặt Trăng) - là một di sản thiên nhiên thế giới, được UNESCO công nhận năm 2011. Đây là một khu vực thiên nhiên rất đặc thù khoảng 740km2, ở độ cao 1.600m so với mặt biển, nằm cách cảng Aqaba ở biển Đỏ 50km về phía đông, cách Petra khoảng 60km về phía đông nam.
Với cảnh quan sa mạc cát và núi đá xen nhau, thỉnh thoảng có cơn gió quét qua tung bụi, nhiều ngọn núi đá còn có những điêu khắc hình và chữ (theo giới khảo cổ học có khoảng 25.000 hình khắc và 20.000 chữ khắc) chứng tỏ có sự sinh sống của con người hơn 1 vạn năm trước, trong đó có ngọn núi được gọi là “Bảy trụ cột thông thái” vì có hình dáng như 7 trụ cột.
(Còn nữa)
ĐÀO TẤN LỘC