Hấp dẫn khi cưỡi lạc đà
Ngoài việc đi quanh chụp hình các kim tự tháp, mấy cha con tôi còn mua vé riêng để được vào tham quan hầm đặt quan tài trong lòng kim tự tháp Khafra. Đoạn hầm chui dài khoảng 80m, vừa xuống vừa lên, rất hẹp, chiều rộng khoảng 1m, cao độ 1,2m nên vừa chui vừa lom khom, lại vừa phải nép tránh khách ngược chiều. Vào trong gian hầm mộ chỉ thấy còn lại một quan tài đá nơi mà trước kia quan quách bằng vàng, để tùy táng và xác ướp của Pharaoh được đặt vào đó, nay các đồ vật và xác ướp đã bị trộm cắp một phần, còn lại thì giới khảo cổ đưa vào bảo tàng nên không còn gì khác.
Cửa vào hầm mộ Pharaoh Merenptah tại Thung lũng các vị vua, ở Luxor. Ảnh: CTV |
Xe đưa chúng tôi lên một đồi cát cao cách đó khoảng 3km để check-in tổng thể khu kim tự tháp. Tại đây, du khách có thể trả phí để trải nghiệm cưỡi lạc đà thành một đoàn dài và chụp hình trên lạc đà với các kim tự tháp ở sau lưng. Tuy chỉ đi một quãng đường chừng 500m khứ hồi, nhưng cảm giác cưỡi lạc đà vừa hấp dẫn vừa lo sợ, thật đáng nhớ!
Chúng tôi tiếp tục đến tham quan tượng Đại nhân sư ở gần bờ sông Nile. Đây là tượng sư tử đầu người - một sinh vật trong truyền thuyết của người Ai Cập cổ đại. Tượng tạc trên một khối đá vôi nguyên khối dài 73m, cao hơn 20m, là một trong những tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất được thực hiện dưới thời Pharaoh Khafra (năm 2558-2532 TCN).
Chiếc mũi và bộ râu của Đại nhân sư đã bị hủy hoại, được cho là do người Hồi giáo phá hoại vào thế kỷ XIV. Một nhà sử học Ai Cập miêu tả Đại nhân sư là “tấm bùa của sông Nile”, có ý nghĩa tác động quyết định của chu kỳ lũ lụt. Chụp hình trước tượng Đại nhân sư với sau lưng là 3 kim tự tháp lớn, chúng ta thấy được cảm giác mình rất nhỏ bé trước những công trình kỳ vĩ này.
Du khách có thể theo một hành lang được xây bằng những tảng đá hoa cương lớn 30-50 tấn để lên một đài cao ngắm nhìn tượng Đại nhân sư gần hơn. Ban đêm ở khu vực này có show ánh sáng giới thiệu về văn minh Ai Cập.
Rời khu vực tháp Giza và tượng Đại nhân sư, chúng tôi đến một cơ sở bảo tàng tranh trên giấy papyrus, xem một số nghệ nhân làm giấy bằng nguyên liệu từ thân cây papyrus - một loài cỏ lác lớn có thân tam giác mọc hai bên bờ sông Nile vùng thượng Ai Cập. Giấy thủ công papyrus dùng để vẽ tranh, viết chữ qua nhiều thời kỳ Ai Cập cổ đại, lưu giữ màu tốt và tồn trữ được rất lâu.
Nhiều bức tranh tôn giáo và thần thoại được vẽ chồng lên bằng một thứ mực ẩn màu, lúc trời tối sẽ phát quang, xuất hiện lên một bức tranh khác hẳn, rất kỳ diệu. Hầu hết du khách đều mua một vài bức tranh loại này làm kỷ niệm.
Buổi chiều, chúng tôi tham quan Bảo tàng quốc gia Văn minh Ai Cập mới được xây dựng khá hiện đại trên một khu đất rộng ngoài trung tâm Cairo. Ở đây các hiện vật được trưng bày hệ thống hơn, có sự trợ giúp của công nghệ âm thanh và ánh sáng. Bảo tàng này xây dựng chủ yếu bằng vật liệu hiện đại, có hai tầng trưng bày và nhiều khu phục vụ khác. Tầng dưới bắt đầu bằng một phòng rộng có một vòng tròn công nghệ ánh sáng giới thiệu tóm tắt về văn minh Ai Cập các thời kỳ.
Di chuyển theo chiều các mũi tên sáng dưới chân, khách tham quan sẽ đến các phòng trưng bày xác ướp, quan quách, di vật của nhiều Pharaoh với các bảng chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập, có niên đại từ năm 3000-330 TCN (khu vực này không cho phép chụp hình). Tầng trên trưng bày các hiện vật giới thiệu tổng quan về văn minh Ai Cập từ thời tiền sử (năm 6000 TCN), thời tiền triều đại (năm 6000-3150 TCN), đến thời các triều đại Pharaoh từ Pharaoh Menes đến Pharaoh Nectanebo 2 (năm 3150-332 TCN) với 30 triều đại. Rồi đến thời kỳ Ai Cập bị Alexander đại đế chinh phục và phải lệ thuộc vào Hy Lạp (năm 332 TCN-30 SCN), thời kỳ lệ thuộc La Mã sau cái chết của nữ hoàng Cleopatra 7 (năm 30 SCN) đến năm 641, rồi thời kỳ đế quốc Ottoman và các vương quốc, các dòng tộc xung quanh đến đế quốc Pháp, Anh xâm chiếm…
Mãi đến cách mạng năm 1952 lật đổ chế độ vua Farouk, đến năm 1954 khi Nasser lên nắm quyền thì mới xem là người Ai Cập giành lại được quyền cai trị đất nước mình. Bên cạnh các hiện vật lịch sử, nhiều hiện vật văn hóa nghệ thuật, tôn giáo, kinh tế gắn với từng thời kỳ cũng được trưng bày để giới thiệu về nền văn minh Ai Cập. Trong khu vực bảo tàng có nhiều khu trưng bày chuyên đề về vải, giấy, đồ trang sức để du khách tìm hiểu sâu thêm các nội dung này. Bên ngoài khu trưng bày còn có khu vực phục vụ du khách giải khát, bán hàng lưu niệm.
Hôm đó có sự kiện đáng lưu ý là đúng 12 giờ đêm 27/4, toàn Ai Cập được chuyển từ múi giờ 2 sang múi giờ 3 (tức là tăng thêm một giờ trên đồng hồ) theo quy định giờ làm việc mùa hè của Chính phủ từ 28/4 hàng năm.
Du khách trải nghiệm cưỡi lạc đà tại cụm kim tự tháp Giza. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Khám phá trung tâm Cairo
Ngày cuối cùng ở Cairo, chúng tôi được đi một vòng quanh thành phố này. Cairo sở dĩ có thể gọi là thủ đô nghìn tháp là vì có hàng trăm thánh đường Hồi giáo cổ ở khu vực trung tâm và cả nghìn thánh đường Hồi giáo khác nằm khắp vùng thủ đô với những ngọn tháp cao, trên đỉnh gắn biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao. Điều bất ngờ là ở Cairo cũng có một giáo hội Kitô giáo rất đặc sắc, độc lập với Tòa thánh La Mã và có giáo hoàng riêng, đó là giáo hội chính thống giáo dòng Coptic.
Chúng tôi đến thăm một nhà thờ dòng này được xây dựng trên một pháo đài La Mã cổ xưa, không có nền móng riêng, nên gọi là Nhà thờ Treo. Khuôn viên nhà thờ khá hẹp, đơn giản nhưng thanh thoát, trang nghiêm. Các bức tường xung quanh có các tranh thánh màu sắc rực rỡ, đặc biệt là hình ảnh Thánh sứ Markos - người đã lập ra dòng Coptic vào năm 42 SCN. Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất Ai Cập xây dựng từ thế kỷ III ngay trên cổng nhà của pháo đài Babylon. Nhà thờ cao 6m so mặt đất, từ dưới lên chính tòa có 29 bậc thang, nên còn có tên là Nhà thờ Cầu thang.
Rời Nhà thờ Treo, chúng tôi đến thăm Nhà thờ Hang ở gần đó. Ngày xưa đây là một nơi trú ẩn của gia đình Chúa Jesus khi trốn sang Ai Cập để tránh sự truy sát của người Do Thái cổ. Lúc đó nơi này còn là một hang đá, sau mới xây dựng lên một nhà thờ ngay bên trên nên mới có tên là Nhà thờ Hang. Trong nhà thờ có một giếng cổ được cho là có từ thời kỳ Chúa Jesus ở đây, cạnh đó là những bậc đá lên xuống một hang đá còn giữ nguyên nét cổ xưa - đó là nơi Chúa Jesus lúc nhỏ và gia đình từng ở. Mọi người đều thành kính im lặng tham quan, các tín đồ Kitô giáo lầm rầm cầu kinh, cuối cùng qua một lối thoát hẹp ra khỏi nhà thờ.
Sau đó, chúng tôi đến thánh đường Hồi giáo lớn nhất Cairo, tại thành Salah Al-Din (mang tên một Sultan của Ai Cập và Syria, sáng lập ra triều đại Ayyub vào thế kỷ XII SCN). Thánh đường Hồi giáo Cairo làm theo mẫu của một thánh đường cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, có cả nhà thờ và pháo đài, nằm trên một đồi cao, có tầm nhìn bao quát Cairo, thấp thoáng xa xa thấy dáng 3 kim tự tháp Giza ở hướng tây nam. Thánh đường cao khoảng 25m, xây dựng bằng đá trắng, có mái vòm lớn và các tháp xung quanh. Du khách vào trong phải cởi giày xách tay, khuôn viên bên trong lớn, sảnh vòm nơi tín đồ cầu nguyện bên trên có những chùm bóng đèn thủy tinh rực rỡ. Qua bên kia sảnh cầu nguyện ra ngoài du khách có thể nhìn toàn cảnh Cairo. Nhìn từ trên cao thấy Cairo rộng lớn, phố xá nhà cửa chen chúc, trừ vùng trung tâm thương mại và khu cơ quan, trường đại học rất khang trang, còn lại phần lớn là màu tối, ít cây xanh.
Chúng tôi có buổi ăn trưa tại một nhà hàng trên bờ sông Nile. Hai bên sông đều có kè cứng, vườn hoa dọc sông, các cơ sở ăn uống, bến ca nô đưa khách trên sông. Cairo buổi trưa nóng, nhưng bên bờ sông Nile không khí dịu mát hơn nhờ những cơn gió nhẹ dọc sông. Ăn trưa xong cả đoàn đi tham quan chợ cổ Cairo, một khu chợ truyền thống rất nhộn nhịp nhưng ngăn nắp. Ba ngày ở Cairo thật quá ngắn để khám phá thành phố lớn nhất vùng Trung Cận Đông - Bắc Phi này.
(Còn nữa)
ĐÀO TẤN LỘC