Làng kinh tế mới Nhiễu Giang (nay gọi là thôn Phước Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) thành lập cách đây 29 năm. Và cũng ngần ấy thời gian đa số người dân làng này sinh sống bằng “nghề” đốt than, phá rừng làm rẫy. Bí thư xã Sơn Giang Lê Ngọc Thiện chua xót nói: “Không gì buồn hơn khi trong xã tồn tại một “làng đốt than”! Chính quyền địa phương quan tâm thực hiện các chương trình xóa nhà tạm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, vận động dân ký cam kết không phá rừng đốt than...nhưng người dân vẫn cứ lén lút làm”.
Lực lượng chức năng thu giữ than ở nhà bà Nguyễn Thị Chín - Ảnh: NGUYÊN LƯU |
NGHÈO ĐI ĐỐT THAN
Tôi đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành xã Sơn Giang truy quét than củi trái phép trong các nhà dân ở thôn Phước Giang. Mới đến đầu làng, đoàn kiểm tra phát hiện than chất từng đống ở ngay phía sau nhà của nhiều hộ dân. Nhà bà Nguyễn Thị Chín có gần 60 bao than, nhà bà Nguyễn Thị Thu Hà gần 10 bao... Khi đoàn kiểm tra lập biên bản các hộ dân trữ than trái phép, bà Hà than vãn: “Người dân sinh sống ở đây nghèo đói nên mới đi đốt than đem về bán. Giờ bị tịch thu thì chúng tôi biết lấy gì trang trải cuộc sống?…”
- Sao bà con đi phá rừng đốt than trái phép mà không làm nghề khác để cải thiện kinh tế gia đình? – Tôi hỏi bà Hà.
- Đốt than bán nhanh, nhiều tiền, chứ đi làm thuê, làm mướn bấp bênh lắm, vả lại tiền công quá ít không đủ chi tiêu trong gia đình.
- Vậy sao gia đình chị không chủ động sản xuất nông nghiệp để ổn định thu nhập?
- Hộ tôi và nhiều hộ dân khác không có đất sản xuất, nên không thể bỏ nghề đốt than…
Ở gần nhà bà Chín, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn và chị Lê Thị Mỹ Lệ cũng chuyên làm nghề đốt than. Hai vợ chồng sống trong ngôi nhà nhỏ, mái tole, vách đất xiêu vẹo. “Cha mẹ tôi nghèo, đông con. Khi lập gia đình ở riêng, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, muốn tìm kế sinh nhai bằng nghề nông, nhưng ngặt nỗi không đất sản xuất. Vậy nên chỉ biết làm thuê và vào rừng đốt than củi bán sống qua ngày” - Anh Đoàn bộc bạch.
Lạ thay, đất đai miền núi rộng mênh mông, lẽ nào nhiều hộ dân ở thôn Phước Giang không có một tấc đất để sản xuất nông nghiệp? Trưởng thôn Phước Giang Nguyễn Sinh giải thích: “Chính quyền địa phương thực hiện cấp đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP từ 5 sào đến 2ha trở lên/hộ, nhưng nhiều hộ đã lần lượt bán đất cho dân nơi khác rồi đi làm thuê hoặc đốt than. Bây giờ ở thôn Phước Giang có 7 hộ (trong đó có một số hộ mới lập gia đình ở riêng) không có đất sản xuất nông nghiệp và chuyên làm nghề đốt than. Số hộ nghèo chiếm đến 51,4% trong tổng số 51 hộ dân trong thôn Phước Giang…
KHÁ GIẢ CŨNG ĐỐT THAN!
Phá rừng đốt than trở thành nghề chuyên nghiệp đối với đa số hộ dân nghèo khó, không có đất sản xuất ở thôn Phước Giang trong suốt 29 năm qua. Song, điều đáng nói là trong những năm gần đây, nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả cũng đi đốt than! Theo Trưởng thôn Phước Giang Nguyễn Sinh, nhiều hộ dân có đất trồng lúa, trồng sắn với thu nhập kinh tế ổn định, nhưng họ vẫn kéo nhau vào rừng chặt phá cây cối rồi đốt than, san bằng đất rừng làm rẫy trái phép. Ví dụ như các hộ ông Lương Đền, Vũ Đình Hoàng, Nguyễn Văn Ý, Nguyễn Thị Chín… trồng sắn có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/ha/vụ, vẫn đi làm nghề đốt than trái phép. “Ông Nguyễn Văn Ý đã từng tuyên bố rằng: Nhà nước có bắt ông vì tội đốt than trái phép, thì đời con ông cũng duy trì nghề đi đốt than để sinh sống!” – Trưởng thôn Phước Giang Nguyễn Sinh nói.
Theo phản ánh của nhiều người dân, từ lâu, một cán bộ thôn có đời sống kinh tế tương đối khá giả cũng tham gia đốt than. Do vậy, người dân trong thôn cũng “làm theo cán bộ” đốt than tràn lan ở khu vực rừng Suối Phèn, phía sau đồn điền Hà Giang cách làng Phước Giang khoảng 2,5km. Ông Phạm Quốc Thông, Quyền Chủ tịch xã Sơn Giang, thừa nhận, ông Trần Xuân Quế, phó thôn Phước Giang đã lén lút đốt than, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, làm mất tư cách, đạo đức cán bộ, mất uy tín đối với nhân dân. UBND xã nhận trách nhiệm về thiếu sót trong quản lý, kiểm tra cán bộ thôn Phước Giang; đồng thời đã ban hành quyết định cách chức phó thôn đối với ông Quế.
BAO GIỜ XÓA ĐƯỢC “LÀNG ĐỐT THAN”?
Thôn Phước Giang có 51 hộ thì có 28 hộ chuyên làm nghề đi phá rừng làm rẫy, đốt than và mua bán than. Theo ông Phạm Quốc Thông, tính bình quân mỗi ngày một hộ đốt được 1 bao than 30kg, thì mỗi tháng thôn Phước Giang đốt than trái phép lên đến 25,2 tấn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã Sơn Giang đã phát hiện 42 vụ đốt than, phá rừng làm rẫy với diện tích 27,92ha, trong đó thôn Phước Giang khai phá hơn 8ha rừng và đào đắp hơn 60 lò hầm than ở khắp các khu rừng trên địa bàn xã Sơn Giang...
Quyền Chủ tịch xã Sơn Giang Phạm Quốc Thông cho biết, UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thường xuyên kiểm tra, truy quét, xử lý kiên quyết vi phạm. Để ngăn chặn nghề đốt than và răn đe người khác, UBND xã đã áp dụng mức phạt nặng đối với các trường hợp phá rừng đốt than với diện tích lớn, như phạt hộ ông Nguyễn Duy Hùng 15 triệu đồng, Trần Xuân Quế 11 triệu đồng, Mai Viết Thuyền 5 triệu đồng… Phước Giang là thôn nghèo nhất trong các thôn ở xã Sơn Giang, do vậy, ngoài tuyên truyền, vận động dân bảo vệ rừng, ký cam kết không phá rừng đốt than, UBND xã còn huy động kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho 8 hộ dân, hỗ trợ vốn cho dân đầu tư sản xuất nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo…
Song, có một thực tế khó khăn là, đa số người dân ở kinh tế mới Phước Giang vốn quê gốc ở Nha Trang (Khánh Hòa) trình độ sản xuất nông nghiệp thấp, thu nhập không ổn định, nên họ bán đất cho người khác. Đặc biệt, họ quá quen với nghề đốt than, bởi dễ làm, nhanh có tiền, riêng các trường hợp vi phạm không những chây ỳ không nộp tiền xử phạt mà còn tiếp tục phá rừng đốt than. Thêm vào đó, địa bàn miền núi phức tạp và rộng trải dài đến hơn 10km, trong khi đó xã chỉ có một cán bộ kiểm lâm với mức lương 300.000 đồng/tháng thì khó có thể bảo vệ rừng, ngăn chặn bà con Phước Giang phá rừng đốt than, làm rẫy…
Vậy bao giờ mới xóa triệt để được “làng đốt than” Phước Giang? “Đây là bài toán khó đang làm đau đầu lãnh đạo xã. Xã Sơn Giang đang rất cần các ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ vốn và hướng dẫn sản xuất để người dân bỏ nghề đốt than” - Ông Phạm Quốc Thông, Quyền Chủ tịch xã Sơn Giang, bộc bạch.
NGUYÊN LƯU