Thứ Năm, 03/10/2024 03:33 SA
Bảo tàng ở Hàn Quốc
Thứ Ba, 09/09/2008 14:30 CH

Trong chuyến công tác đến xứ sở kim chi, chúng tôi được Liên đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh Cheng Buk tạo điều kiện để tham quan và làm việc với một số bảo tàng ở Hàn Quốc. Hệ thống bảo tàng ở đây thật phong phú! Hàn Quốc đã biết khai thác thế mạnh của văn hóa truyền thống, bề dày, chiều sâu lịch sử dân tộc. Bảo tàng được chia thành nhiều loại: bảo tàng tổng hợp, bảo tàng chuyên đề; bên cạnh những bảo tàng dành cho người lớn có cả bảo tàng dành cho thiếu nhi…

 

baotang-080909.gif

Đoàn cán bộ tỉnh Phú Yên tham quan một bảo tàng ở Hàn Quốc

Bảo tàng đầu tiên mà bạn giới thiệu với chúng tôi là Bảo tàng in cổ. Đất nước Hàn Quốc tự hào về ngành in của mình với lịch sử hàng mấy trăm năm. Bảo tàng in cổ Hàn Quốc đã được tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kiến trúc của bảo tàng này thật độc đáo, dựa lưng vào núi, như một cái nấm khổng lồ, mái được bo tròn thành hai tầng. Không gian bảo tàng thật rộng, khoảng 3-4ha, được thiết kế thật hợp lý. Trước khi đi vào từng gian trưng bày cụ thể, khách tham quan được xem phim màu về lịch sử phát triển của ngành in ấn Hàn Quốc. Du khách say mê với quá trình sáng tạo của người Hàn và quá trình hình thành ngành in, từ thủ công đến hiện đại, từ việc chế tạo ra khuôn in thô sơ với bàn tay lao động khéo léo, cần cù, từ cách pha chế màu mực đến việc tính hợp công nghệ điện tử tiên tiến cho ra sản phẩm in công nghệ cao v.v… Sau đó, ở từng gian trưng bày, chúng tôi được nghe, được xem quá trình phát triển của ngành in ấn Hàn Quốc qua từng giai đoạn lịch sử, từ thô sơ, thủ công đến hiện đại mà bảo tàng in trưng bày.

 

Rời bảo tàng chuyên đề, chúng tôi tham quan, làm việc với lãnh đạo và nhân viên bảo tàng tổng hợp của tỉnh Chung Cheng Buk Do (tỉnh xếp thứ bảy trong các tỉnh, thành phố của đất nước Hàn Quốc sôi động, phát triển), kết nghĩa với Phú Yên trong những năm qua. Bảo tàng tỉnh Chung Buk cách trung tâm thành phố Chung ju (nằm ở miền Trung Hàn Quốc, có khoảng 1,5 triệu dân) thủ phủ của tỉnh, gần 40 phút đi xe hơi. Bảo tàng tọa lạc trên khu đất rộng gần chục hecta, dựa lưng vào núi. Du khách đến đây không chỉ soi mình vào lịch sử mà còn được tận hưởng không khí trong lành, khoáng đãng của cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Lối đi ở đây có rất nhiều hoa cùng các pho tượng đá uy nghi, trầm mặc.

 

Bảo tàng tổng hợp của tỉnh Chung Buk trưng bày hàng trăm ngàn hiện vật, theo tiến trình lịch sử của tỉnh này. Sự sắp xếp hợp lý, khoa học khiến cho người xem luôn luôn bị cuốn hút. Lịch sử được tái hiện qua hiện vật, sơ đồ, mô hình, qua hình ảnh âm thanh, ánh sáng… Trong bảo tàng còn có các quầy lưu niệm. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng của văn hóa dân gian Hàn Quốc trông rất xinh, ngộ nghĩnh, và gắn với hình ảnh của bảo tàng. Ngoài ra, ở đây còn có nơi mời du khách thưởng thức trà đạo của xứ Hàn. Cách pha trà, uống trà của người Hàn có nét giống với trà đạo của xứ mặt trời mọc (Nhật Bản).

 

Bên cạnh bảo tàng tổng hợp của tỉnh Chung Buk là một bảo tàng dành cho thiếu nhi. Bảo tàng này không rộng lắm, song điều đặc biệt là Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc trưng bày, giới thiệu, phục vụ trong bảo tàng. Các em thiếu nhi vào đây không chỉ xem, nghe mà còn tham gia vào các trò chơi mang tính lịch sử, ôn lại truyền thống. Không những thế, các em học sinh còn có thể tra cứu, xem lại các trận đánh lịch sử; các bức tranh, hiện vật cổ được giới thiệu tường tận, dễ nhớ, dễ hiểu. Ở Hàn Quốc, học sinh phổ thông bắt buộc phải có những giờ học lịch sử tại bảo tàng. Nhớ lại lời Bác Hồ dặn “dân ta phải biết sử ta” và nhìn lại kết quả thi môn Lịch sử của học sinh chúng ta trong những năm gần đây, mới giật mình rằng chúng ta quên mất: Bảo tàng còn chính là một trường học lịch sử vô cùng cần thiết, sinh động, lôi cuốn các em học sinh.

 

Ở Hàn Quốc còn có các bảo tàng nhân chủng học, bảo tàng sinh học…, song chúng tôi không có thời gian và điều kiện để thăm thú hết. Ngày cuối cùng ở xứ sở kim chi, chúng tôi được thăm quan Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, trên diện tích rộng chừng 30ha, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc là khối nhà cao chừng 11 tầng, kiến trúc hiện đại, được xây dựng vào năm 2000, kinh phí đầu tư là 30 triệu USD. Một số tiền khổng lồ chi cho việc gìn giữ lịch sử của một quốc qia. Xung quanh bảo tàng toàn là hoa, như một công viên rộng lớn, có hồ nước trong xanh, rất đẹp. Trong bảo tàng có khu vực phục vụ khách tham quan ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách báo, thoải mái vô cùng. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ việc trưng bày, bảo quản; hệ thống hiện vật được sắp xếp hợp lý, có những hiện vật cổ được phục chế nguyên mẫu (ngôi nhà cổ Hàn Quốc). Những cổ vật quý giá, bảo vật quốc gia cũng được lưu giữ tại đây. Theo lời của Phó giám đốc bảo tàng thì trên nóc của tòa nhà đồ sộ này là hệ thống lọc gió, ánh sáng và sử dụng năng lượng mặt trời để tạo điện năng phục vụ bảo tàng. Lịch sử Hàn Quốc được tái hiện theo quá trình phát triển đất nước, từ nghèo nàn sau mấy mươi năm vươn lên giàu có, thịnh vượng (quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới hiện nay). Nếu muốn xem một hiện vật hay một trận đánh lịch sử của đất nước Cao Ly trong quá khứ, bạn chỉ việc ấn nhẹ tay vào màn hình cảm ứng, theo địa chỉ website thì những gì bạn cần tìm sẽ hiện ra ngay, đầy đủ và sinh động. Tầng 5 của bảo tàng có một phòng trưng bày giới thiệu về đất nước con người Việt Nam (dù chưa đầy đủ), lễ hội ở một số vùng miền… Cũng theo Phó giám đốc bảo tàng, mỗi năm, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc giới thiệu về một nước. Năm 2008 là năm giới thiệu về lịch sử, văn hóa, phong tục của Việt Nam.

 

Bảo tàng là nơi lưu giữ lịch sử của một vùng đất, một tỉnh, một quốc gia, một dân tộc. Đây là điều vô cùng cần thiết không chỉ cho hôm nay mà mãi mãi cho mai sau. Các bảo tàng của Hàn Quốc đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai về cách mà người Hàn giữ gìn lịch sử và kể du khách nghe, biết về lịch sử đất nước họ.

HỮU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thăm quê hương Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Thứ Năm, 04/09/2008 14:05 CH
Dân phố núi chơi “xế hộp”
Thứ Năm, 04/09/2008 12:00 CH
Bỏ phố về quê để... sáng chế
Thứ Tư, 03/09/2008 16:00 CH
Nơi lương giáo đoàn kết
Thứ Ba, 02/09/2008 13:30 CH
“Cuộc chiến” bên trong song sắt
Thứ Tư, 27/08/2008 15:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek