Thứ Năm, 03/10/2024 05:37 SA
Nơi lương giáo đoàn kết
Thứ Ba, 02/09/2008 13:30 CH

Nằm bên dòng sông Cái hiền hòa, An Thạch là nơi lưu giữ những dấu tích, những câu chuyện đặc biệt gắn với hai tôn giáo lớn. Và có lẽ, không một nơi nào trên đất Phú Yên có nhiều chùa và nhà thờ như ở đây. Bao năm qua, tín đồ của các tôn giáo sống đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn.

 

dap-080901.jpg
Một góc An Thạch - Ảnh: D.T.XUÂN

 

CHUYỆN CỦA NGƯỜI XƯA

 

Xã An Thạch có khoảng 5.800 dân, trong đó giáo dân chiếm 2/3. Bên cạnh số đông gia đình theo Phật giáo và Công giáo, xã này còn có 17 hộ theo đạo Tin Lành, 7 hộ theo đạo Cao Đài.

Bỏ lại sau lưng những ghềnh thác nơi núi rừng Đồng Xuân, con sông Kỳ Lộ về xuôi trong dáng vẻ hiền hòa và mang một cái tên khác: sông Cái. Dòng sông này chảy qua xã An Thạch (huyện Tuy An), sau đó giữ trong lòng nó những dấu tích thành quách của dinh Trấn Biên vang bóng một thời, trước khi hòa vào biển ở cửa Tiên Châu.

 

An Thạch, một bên là dòng sông rì rầm những câu chuyện thời mở đất. Một bên là núi A Mang, nơi có khoảng 500 ngôi mộ cổ được xây phủ kín bằng đá, niên đại trên dưới 300 năm, đến giờ vẫn lặng im cất giữ bí mật về những người chủ của chúng...

 

Nhà thờ Mằng Lăng, ngôi giáo đường lâu đời nhất ở Phú Yên với tuổi thọ trên 110 năm, sừng sững bên sông. Được xây dựng theo kiến trúc Gô-tích, ngôi nhà thờ này có hai tháp chuông, sáng chiều thả những âm thanh nhẹ nhõm tâm hồn xuống mặt gương xanh thẳm. Cạnh nhà thờ có phòng truyền thống mang tên Anrê Phú Yên, trong đó có sa bàn đắp nổi cả vùng dinh Trấn Biên xưa cùng một số hiện vật của dinh được tìm thấy dưới lòng sông Cái.

 

Anrê Phú Yên là tên của một thầy giảng sinh năm 1625, người đã được giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) rửa tội tại nhà nguyện trong dinh Trấn Biên (nhà nguyện này do vợ quan Trấn thủ, là người Công giáo, lập nên), khi ông đến đây vào cuối tháng 3/1641. Khoảng một năm sau, giáo sĩ này trở lại Phú Yên. Anrê Phú Yên theo ông ra Hội An (Quảng Nam), tham gia nhóm thầy giảng giáo lý, dưới sự dìu dắt của thầy giảng Inhaxiô. Lúc này, Chúa Nguyễn đã cấm “đạo của người Tây Ban Nha”. Khi quan Nghè Bộ ở Quảng Nam tung quân lính tìm bắt Inhaxiô, Anrê Phú Yên đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả. Tháng 7/1644, ở tuổi 19, ông bị xử tử vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo. 356 năm sau, Anrê Phú Yên - “vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam” được  Đức Giáo hoàng John Paul II phong Á thánh.

 

Cùng với Á thánh Anrê Phú Yên của người Công giáo, một nhân vật rất nổi tiếng của Phật giáo cũng từng gắn bó với vùng đất này. Đó là Tổ sư Liễu Quán. Theo sử sách, ông thọ sinh năm 1670 ở làng Bạc Mã (tức thôn Ngân Sơn, trước thuộc xã An Thạch, sau thuộc thị trấn Chí Thạnh). Mẹ mất khi ông mới 6 tuổi. Theo ý nguyện của con trẻ, cha đưa ông đến chùa Hội Tôn thọ giáo Tế Viên hòa thượng. Đi tu từ nhỏ, ông tỏ ra thông minh, khí tiết hơn người. 7 năm sau, Tế Viên hòa thượng tịch, ông ra Huế, vào chùa Hàm Long (chùa Quốc Bảo ngày nay), thụ học với Giáo Phong lão tổ. Đến năm 42 tuổi, ông đắc pháp và được truyền tâm pháp. Theo các nhà nghiên cứu, nếu như  thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật chủ chốt phục hoạt Phật giáo ở Đàng ngoài thì Tổ sư Liễu Quán là nhân vật tiêu biểu cho cuộc phục hưng Phật giáo ở Đàng trong.

 

Không chỉ lưu giữ những dấu tích, những câu chuyện đặc biệt gắn với hai tôn giáo lớn ở Việt Nam, An Thạch còn là nơi có nhiều chùa chiền, nhà thờ. Toàn xã có đến 4 nhà thờ, 3 ngôi chùa lớn cùng một Niệm Phật đường.

 

VÀ CHUYỆN NAY

 

Một đoạn trên trục đường chính đi qua xã An Thạch, bên này, dọc theo sông Cái là nơi sinh sống của người Công giáo, còn bên kia đường, phía núi là nơi ở của những người theo đạo Phật. Thế nhưng, đây chỉ là sự ngẫu nhiên. Bao năm qua, một trong những yếu tố tạo nên nét đẹp trong đời sống của người dân An Thạch chính là sự đoàn kết gắn bó, không phân biệt tôn giáo, có đạo hay không có đạo, xóm giềng giúp nhau lúc tối lửa tắt đèn.

 

Chị Trần Thị Thu Hạ, một tín đồ Thiên Chúa giáo ở Hội Tín, cũng là chi hội trưởng chi hội Phụ nữ của thôn này. Từng sống trong nghèo khó nên chị dễ dàng đồng cảm với những cảnh đời cơ cực, sẵn lòng cho chị em mượn tiền làm vốn buôn bán nhỏ. Khi có người cần dăm ba trăm ngàn để soạn một gánh rau bán kiếm đồng lời đi chợ hoặc bệnh đau mà không có tiền mua thuốc, chị lấy tiền tiết kiệm của gia đình cho mượn. Không những thế, học tập từ chồng - một giáo lý viên của nhà thờ Mằng Lăng, từ năm 2005, chị Hạ triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương” ở chi hội Phụ nữ thôn Hội Tín. Hàng tháng chị em đóng góp gạo để giúp đỡ những trường hợp khó khăn đột xuất. Hay tin một phụ nữ trong thôn sinh con mà không có gạo ăn, chị em đã trút hũ gạo được 15kg, mang đến cho chị ấy. Biết hoàn cảnh thắt ngặt của một người đàn ông bệnh nặng mà không có tiền chữa trị, một thanh niên bị tai biến…, chị em trút “Hũ gạo tình thương” và góp tiền để giúp đỡ, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, người trong thôn hay ngoài thôn… Từ đầu năm 2008 đến nay, “Hũ gạo tình thương” của các chị đã giúp cho 3 trường hợp. Số tiền tuy không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm chia sẻ, “lá lành đùm lá rách” của bà con ở một xã nghèo như An Thạch.

 

“Thấy người ta khó khăn thì mình giúp và vận động những người khác giúp” - chị Phạm Thị Tắc nói vậy. Người phụ nữ 46 tuổi này theo đạo Phật và sống ở thôn Phú Thịnh - nơi đồng bào Công giáo chiếm 1/3. Gia đình làm ruộng và chăm nuôi bò, chị Tắc giúp chị em khó khăn bằng cách cho họ mượn vốn bằng… bò. Chị có con bò nghé giá 2,5 triệu đồng, đưa cho một người nghèo nuôi. Khi bò lớn, người đó bán, trả 2,5 triệu đồng cho chị, số tiền còn lại chia cho người nuôi 7 phần, chủ 3 phần. Chị Tắc đã giúp hai người trong thôn xóm bằng cách ấy. Gặp những trường hợp quá khó khăn, người phụ nữ của phong trào này đi vận động bà con chung tay giúp đỡ.

 

Ông bà ta nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đối với những người lâm vào cảnh túng quẫn, thì vài ba trăm ngàn đồng do bà con xóm giềng ủng hộ là một món quà ân tình rất lớn. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để giúp nhau bằng tiền bạc hay gia súc. Vậy thì giúp bằng công lao động của mình. Ni cô Nguyên Hồng trụ trì chùa Châu Lâm, ngôi chùa khá lâu đời ở thôn Quảng Đức, kể: “Ở đây người ta không phân biệt ai theo Phật giáo, ai theo Công giáo. Xóm giềng sống với nhau bằng cái tình, đau bệnh thì đi thăm; hay tin nhà nào có người mất thì thanh niên trong thôn xúm đến phụ giúp. Nếu hôm đó có “chịu công” (đi làm theo kiểu vần công) cho ai thì họ vẫn nghỉ việc để giúp chuyện tang ma. Quảng Đức có một nghĩa trang chung. Người bên Phật mất, người Công giáo cũng đến phụ đào huyệt, khiêng quan tài… Khi có người bên Công giáo mất, tín đồ Phật tử cũng làm như vậy. Truyền thống giúp nhau trong tang ma đã có mấy chục năm nay”.

 

Linh mục Nguyễn Cấp, chánh xứ Mằng Lăng, nói: Mỗi chủ nhật rước lễ, nhà thờ đều nói về yêu thương, chia sẻ và tha thứ. Yêu thương, nên khi người ta túng thiếu thì tế nhị giúp đỡ. Và khi giúp đỡ thì không bao giờ phân biệt.

Số lương thực thực phẩm, quần áo cũ… đó do các giáo dân đóng góp, đặt ở một nơi cố định. Khi nào thấy hết thì họ lại mang đến, “châm” vào. Họ làm việc này trong thầm lặng, chẳng ai để lại tên tuổi.

 

Ông Nguyễn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch:

 

Nhân dân xã An Thạch có nhận thức tốt, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Ở các khu dân cư, đồng bào lương giáo đoàn kết. Nhà thờ, nhà chùa cũng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện của địa phương như xóa nhà ở tạm, xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai… Các sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở địa phương, giáo dân cũng tích cực tham gia.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bỏ phố về quê để... sáng chế
Thứ Tư, 03/09/2008 16:00 CH
“Cuộc chiến” bên trong song sắt
Thứ Tư, 27/08/2008 15:01 CH
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 3)
Thứ Bảy, 16/08/2008 11:17 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek