Thứ Năm, 28/11/2024 03:42 SA
Về Păc Bó - Cội nguồn của cách mạng Việt Nam
Thứ Hai, 01/09/2008 08:30 SA

Hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ ở năm 1941, khi từ Trung Quốc về nước - theo tiếng địa phương, Cốc là đầu nguồn và Bó là suối, có thể hiểu là đầu nguồn nước. Điều đó thật trùng hợp, khi nơi này được xem là cội nguồn của cách mạng Việt Nam.

 

pb-080901.jpg

Đường lên hang Cốc Bó trong khu lưu niệm  - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

Chúng tôi về Păc Bó vào một sáng cuối tháng tư năm nay, trên chặng hành trình dọc miền biên viễn từ Hà Giang đến Quảng Ninh. Không biết cái tên Cao Bằng có liên quan gì đến địa hình không, mà qua bao đèo núi quanh co hiểm trở, về đây, mới thấy đất bằng. Giữa núi rừng Việt Bắc, lại bất ngờ hiện ra một cánh đồng xanh mát, chạy dài trên suốt con đường về xã Trường Hà (huyện Quảng Hà), nơi có Khu di tích Păc Bó.

 

Khu di tích nằm sâu trong chân núi, giữa cảnh non xanh nước biếc. Nơi đây, mùa xuân năm 1941, tại mốc 108 biên giới Việt –Trung, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về đặt chân lên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.

 

Theo tài liệu còn lưu tại Khu di tích: Cùng về nước với Bác có các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp, Thế An. Ngày đầu tiên đồng chí Lê Quảng Ba đưa  Bác Hồ về nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng dân tộc Nùng, ở dưới chân núi. Nhà ông Lý có hai gian cũ, đã làm thêm một gian mới để đón khách, khách và chủ cùng quây quần bên mâm cơm ngày Tết của gia đình họ Lý. Sau bữa cơm chủ nhà đã thu xếp chỗ ăn ở và làm việc cho đoàn cán bộ, nhưng Bác Hồ bảo ở lại nhà ông Lý làm phiền chủ nhà, nên đã yêu cầu các đồng chí cùng đi bố trí cho Bác vào ở hang Cốc Bó.

 

Đến thăm khu di tích, mới thấy hết thế đắc địa nơi Bác chọn làm “mật khu” ban đầu. Đây là nơi thiên nhiên hiểm trở, gần sát biên giới Việt Trung, đảm bảo bí mật nhưng lại gần dân; khung cảnh kỳ vĩ mà thanh thoát. Có ngọn núi đá cao, đứng bên dòng suối trong xanh có thể nhìn thấy rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Theo người dân địa phương, trước kia, núi ấy có tên là Na Tảng, còn suối được gọi là suối Giàng. Khi về ở Păc Bó, Bác đặt tên núi là núi Các Mác, đặt tên dòng suối là suối Lê- Nin. Người đã có thơ rằng:

 

“Non xa xa nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê- Nin kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà”

 

Vào hang nơi năm xưa Bác ở, còn thấy một cột thạch nhũ Bác tạc thành tượng Các Mác. Trên vách hang, còn nét chữ  ghi: Ngày 8 tháng 2 năm 1941. Đấy là ngày đầu tiên Bác vào ở hang Cốc Bó.

 

Bên ngoài hang, dọc hai bên bờ suối nghe tiếng nước chảy róc rách suốt ngày đêm, là các di tích: nơi Bác ngồi câu cá, nơi Bác ngồi làm thơ và đặt biệt hơn cả là chiếc bàn đá nơi Bác ngồi dịch Lịch sử đảng Cộng sản Liên Xô. Tất cả đều toát lên vẻ mộc mạc và cao đẹp của tâm hồn của một bậc vĩ nhân từng sống ở nơi đây. Trong hoàn cảnh vô cùng  hiểm nguy vì kẻ thù có thể truy lùng bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh gian khó thiếu thốn đủ mọi bề, Bác vẫn ung dung tự tại và lạc quan:

 

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”

 

Kể về những ngày Bác ở Pắc Bó, người dân nơi đây còn mãi lưu giữ nhiều câu chuyện đẹp về một cụ già mà bà con gọi thân thiện là ông Ké. Ông Ké sống như một tiên ông giữa núi rừng Păc Bó. Hình ảnh  một ông Ké mặc bộ quần áo chàm, quần xắn cao, tay cầm gậy, dáng đi nhanh nhẹn nhưng ung dung, vui vẻ đi thăm bà con, vẫn còn sống mãi trong lòng dân Cao Bằng.

 

Đến đây, mọi người rất dễ nhớ lại, để nghe vọng vang âm điệu bài hát quen thuộc” Tiếng hát giữa rừng Păc Bó” của Nguyễn Tài Tuệ:

 

“Nương đồi bát ngát, gió ngàn vờn mây nắng chiều về đây

Lắng nghe sáo ai bay dập dìu trên đèo

Kể rằng Người còn đây

Người cao hơn núi tưởng chừng trông theo bóng dáng

Người còn in trên đèo.

Ơ  Pác Bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người

Sắn vươn đồi xưa ,lúa ngập vàng đôi bờ

Người về chỉ lối,theo người ngày mai tươi sáng…”

 

Những câu chuyện ở Pắc Bó nói với chúng ta rất nhiều về lãnh tụ Hồ Chí Minh, một người luôn sống giản dị mộc mạc, luôn hòa mình với thiên nhiên, luôn vượt lên hoàn cảnh gian truân với một phong thái ung dung, lạc quan và vững tin vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.

 

Păc Bó là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, bởi chính đây diễn ra nhiều sự kiện quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng. Đây  là nơi Bác đã mở nhiều lớp đào tạo huấn luyện cán bộ, gắn hoạt động cách mạng với thực tiễn tại cơ sở, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh, các Hội cứu quốc các giới do 43 cán bộ đã được huấn luyện làm chủ chốt, mở rộng tổ chức ra các xã, châu: Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình hoạt động rất có kết quả. Từ kết quả này, đồng chí Vũ Anh triệu tập hội nghị tổng kết thí điểm tại Coọc Mu (Hà Quảng) vào tháng 4/1941 đó là những thực tế sinh động cho nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 8.

 

Ở hang Păc Bó hơn một tháng, Bác cho cán bộ chuyển cơ quan sang lán Khuổi Nặm (suối nước), địa điểm này tiện lợi đi lại không phải lội qua suối, nếu có động dễ thoát nhanh chóng. Tại đây Bác lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Hội nghị khai mạc sáng 10/05/1941, đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là Hội nghị có tầm quan trọng lịch sử, quyết định đường lối chính sách của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn dân, đề ra chủ trương tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Sau Hội nghị Bác tự tay thảo ra bức thư “Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào, toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đây phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ dân tộc ta liên tiếp giành được thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Păc Bó là Khu di tích lịch sử quốc gia, nơi đây lưu giữ địa vật quan trọng gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng trên con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam, gắn liền với cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1975 Khu di tích đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

 

Các đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng cho chúng tôi biết: Khu di tích Păc Bó mỗi năm thu hút thêm nhiều du khách, nhất là sau khi Quốc lộ số 3 đã được nâng cấp. Đặc biệt, khi dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành, Păc Bó  sẽ là điểm khởi đầu của con đường mang tên vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, xuyên suốt theo chiều dài đất nước. Hy vọng khi đó, sẽ có thêm nhiều du khách đến với Păc Bó - nơi cội nguồn của Cách mạng Việt Nam.

 

HIẾU NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Cuộc chiến” bên trong song sắt
Thứ Tư, 27/08/2008 15:01 CH
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 3)
Thứ Bảy, 16/08/2008 11:17 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 2)
Thứ Sáu, 15/08/2008 14:30 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ
Thứ Năm, 14/08/2008 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek