Nằm cách biệt với những xóm làng ở xã miền núi Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), Trại giam A20 là nơi giam giữ cả ngàn phạm nhân mang trọng án. Bên cạnh nhiệm vụ khơi dậy thiên lương trong những con người từng gây tội lỗi, nơi đây còn diễn ra một “cuộc chiến” thầm lặng và đầy cam go...
Phạm nhân ở Trại giam A20 học nghề may dân dụng - Ảnh: P.T.H.TOÀN |
AIDS TRONG SONG SẮT
Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên: Ở một đơn vị quản lý nhiều phạm nhân như Trại giam A20, công tác y tế nói chung, phòng chống HIV/AIDS nói riêng được thực hiện chặt chẽ. Bệnh nhân AIDS thường mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị rất vất vả. Cán bộ y tế ở đây đã chăm sóc tốt bệnh nhân mắc các nhiễm trùng cơ hội, trong đó có bệnh lao. Mô hình tổ Văn hóa với hoạt động phát thanh hàng tuần rất hay, ngoài việc giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.
Trong các địa phương, đơn vị ở Phú Yên, Trại giam A20 dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS. Trong khoảng gần 1.500 phạm nhân đang bị giam giữ tại đây có hơn 50 trường hợp nhiễm HIV, gần 10 trường hợp chuyển sang AIDS.
Theo trung tá - bác sĩ Dương Văn Côi, người phụ trách công tác y tế của trại giam từ năm 1982 đến nay, chỉ khoảng 30% số phạm nhân biết mình mang mầm bệnh thế kỷ. Cũng như ở các trại giam khác, họ thường được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính sau khi cởi bỏ chiếc áo tù. Đây là một cách để phạm nhân chú tâm vào việc cải tạo, không bi quan và có những hành vi thách thức bạn tù, đe dọa quản giáo…
N.V.P ở Khánh Hòa, người bị kết án 10 năm tù về tội mua bán ma túy, nằm trong số 30% đó. Thụ án được hơn 6 năm, gần đây P bị tiêu chảy kéo dài, lên cơn sốt nhiều lần trong ngày, cơ thể nổi hạch. Chắp nối câu chuyện mà người đàn ông xanh xao này kể tiếng được tiếng mất, mới biết P từng cùng người thân tiêm ma túy để… thử hàng. Người thân đã chết vì AIDS, nên P nghiệm ra rằng, bằng những mũi kim tiêm chung, mình đã đưa HIV vào cơ thể!
Một phạm nhân khác tên T.T.K (ở Thừa Thiên - Huế) biết mình nhiễm HIV từ năm 2001. “Thời gian đầu, tôi suy sụp và lo sợ vợ con cũng bị lây nhiễm” - K kể - “Khi vợ đến thăm, tôi thú thật với cô ấy. Sau đó, rất may là kết quả xét nghiệm cho thấy vợ con tôi không bị nhiễm. Còn tôi, hai, ba năm sau mới “gượng dậy” được”.
Sau một thời gian đọc đến mòn các trang sách báo, tài liệu về HIV/AIDS do gia đình gởi vào, K đã có thể đương đầu với bệnh tật. “Mình phải sống chung với nó, đừng bi quan để xảy ra những “biến cố”; đừng cho vi trùng cơ hội tấn công mình và hãy xem AIDS là một loại bệnh. Ở đây mọi người không kỳ thị, thì tôi phải cố gắng không bỏ rơi mình”. Đó là tâm sự của một bệnh nhân AIDS - người vừa được điều trị khỏi những cơn sốt và chứng tiêu chảy, cũng là phạm nhân lãnh án 20 năm tù về tội buôn cái chết trắng.
ĐIỂM TỰA TỪ NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN
Không bị kỳ thị, xa lánh - điều đó tiếp thêm sức mạnh để K chiến đấu với bệnh tật. Nói thì đơn giản, nhưng làm được điều này thật không dễ chút nào! L.V.T (ở TP Tuy Hòa), một trong những phạm nhân “kỳ cựu” ở Trại giam A20, thổ lộ: “Trước đây tôi cũng rất sợ. Sau khi nắm vững kiến thức, biết được 3 đường lây nhiễm, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân AIDS, tôi thấy bình thường. Mình phải bắt tay, động viên họ, nếu không tư tưởng của họ bị “chao” liền, rất dễ lây bệnh cho người khác”.
Tù nhân bắt tay tù nhân, chuyện đó bình thường. Nhưng một người không có HIV bắt tay bệnh nhân AIDS, đó lại là việc khác! Mà L.V.T cũng không phải là tù nhân bình thường. Người đàn ông 46 tuổi này lãnh án 20 năm tù vì một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, vào Trại giam A20 từ tháng 10/1998 và trở thành một trong những phạm nhân nổi tiếng. L.V.T đã trải qua không biết bao nhiêu đêm “nước mắt tuôn xuống miệng mặn chát rồi thấm ngược vào trong, mỗi khi nghĩ đến điều mình đã làm”. Có trình độ và cải tạo tốt, 8 năm qua L.V.T giữ “chức” Trưởng ban Thi đua kiêm Trưởng ban Văn hóa của Hội đồng tự quản phạm nhân. Anh nói: Bệnh nhân AIDS ở giai đoạn cuối thường bị lao. Khi tiếp xúc, chúng tôi phòng ngừa bằng cách mang khẩu trang. Nhờ được học và nhờ gương cán bộ, nếu không thì sẽ chẳng ai dám…”
Bác sĩ Dương Văn Côi, người mà L.V.T gọi bằng thầy, nói: Mình làm ở đây, tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS hằng ngày, quen rồi. Nhưng gia đình phạm nhân thì khác. Cách đây 4 năm, có một phạm nhân hơn 20 tuổi nhiễm HIV. Gia đình cậu ta ở miền
Gần 18 năm sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt
PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TRÊN “ĐÀI PHÁT THANH”
Điều đáng ghi nhận là tại Trại giam A20 chưa bao giờ xảy ra sự cố liên quan đến phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Trung tá Dương Văn Côi cho biết: “Cũng có đối tượng dựa vào căn bệnh của mình để hù dọa, thách thức phạm nhân khác. Chúng tôi gọi lên giáo dục, chứ chưa phải áp dụng các biện pháp mạnh. Chúng tôi không để xảy ra sự cố, vì như thế nó sẽ thành vết dầu loang…”. Kết quả đó, ngoài nhờ kỷ luật của trại giam, còn có sự góp sức của công tác tuyên truyền, không chỉ trong 2 đợt chiến dịch hàng năm.
Cần nói rõ thêm một chút. Trại giam A20 có 2 cơ sở. Mỗi cơ sở đều thành lập tổ Văn hóa từ 7-10 phạm nhân, được lựa chọn dựa vào trình độ học vấn, chuyên trách về văn hóa, thi đua, trật tự, dưới sự điều hành của một quản giáo. Các phạm nhân đó đảm nhận từ việc làm khẩu hiệu, băng rôn, trang trí đến theo dõi thi đua và đặc biệt là viết tin bài, làm “phát thanh viên” trong “chương trình phát thanh” chiều chủ nhật hàng tuần. Nội dung chương trình gồm biểu dương thành tích của các đội, phê bình những đội, cá nhân thực hiện chưa tốt, thông báo kế hoạch tuần tới… Bên cạnh đó, người ta lồng ghép tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV.
Phụ trách hoạt động này cũng là L.V.T. Anh khoe rằng đầu năm 2008, đã tham mưu cho cán bộ phát động cuộc thi viết về HIV/AIDS trong phạm nhân, thu được 825 bài. Về “Đài phát thanh trại giam”, L.V.T cho biết: “Vào chiều thứ bảy hàng tuần, các tổ đội trong các tiểu ban (đời sống, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, lao động sản xuất, trật tự….) nộp báo cáo. Tôi tổng hợp, viết bài. Sáng chủ nhật, tôi trình bài viết cho cán bộ duyệt; chiều, phát vào lúc 18g30, trong khoảng 30 phút”. Những thông tin về HIV/AIDS, cách phòng tránh lây nhiễm cũng thường được phát trong chương trình. Nhờ đó mà phạm nhân có thêm kiến thức, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời biết cách tự bảo vệ. Điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng xăm mình, vốn rất phổ biến trong trại giam giai đoạn 1980 - 1990, giờ không còn nữa.
NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC
Như những quản giáo đã gắn bó với Trại giam A20 trên 20 năm, trung tá - bác sĩ Dương Văn Côi đã trải qua những năm tháng khó khăn đến mức ám ảnh. Vào thập niên 80 - 90, A20 có đến 5 khu giam giữ; số lượng phạm nhân có khi lên tới 9.000, toàn những người mang trọng án từ các tỉnh đưa về. Khu giam giữ đầu tiên cách khu cuối cùng đến 15km. Núi rừng vây bọc, sốt rét thường xuyên, mà đường đi lối lại thì khó khăn cách trở. Mùa mưa, có phân trại trở thành ốc đảo. Lần nọ, một phạm nhân bị sốt rét ác tính, cần đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đi từ 9 giờ sáng, quản giáo huy động một số phạm nhân chặt cây chuối kết thành bè, vật lộn với con sông Trà Bương đã trở nên dữ dằn do nước lũ. 2 giờ chiều, họ mới đến đập Đá (thị trấn La Hai). Xe cứu thương của bệnh viện chờ sẵn, nhưng người bệnh đã không cầm cự nổi.
Không chỉ có phạm nhân mà một quản giáo mắc sốt rét ác tính cũng đã trút hơi thở cuối cùng trên hành trình gian nan đến bệnh viện, trong mùa mưa lũ.
Bây giờ thì khác. Đường sá đã thông thoáng khang trang, phương tiện đi lại dễ dàng… Công trình thủy lợi cũng đã làm cho dòng Trà Bương không còn hung dữ trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, Trại giam A20 không còn ca sốt rét nào. Và từ năm 2007, thực hiện chủ trương phạm nhân ở đâu giam giữ ở đó, A20 không còn là nơi đến của riêng các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Khó khăn gian khổ của ngày trước không còn, nhưng lại nảy sinh thách thức mới. Đó là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lây chéo HIV trong phạm nhân.
Trong cuộc chiến âm thầm bên trong song sắt ấy, may mà có những người như ông Dương Văn Côi, một bác sĩ tâm huyết với nghề. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sự kỳ thị, xa lánh đã không tồn tại bên trong những bức tường xi măng cao quá tầm với. Và vào chiều chủ nhật, trên loa của “Đài phát thanh trại giam”, bên cạnh bản tin về tình hình thi đua lao động sản xuất, những thông tin phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục đến với tù nhân. Phó giáo sư - tiến sĩ Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đã nói: “Điều quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ thông tin, để họ biết cách tự bảo vệ mình”. Bên cạnh đó, những câu chuyện của bệnh nhân AIDS, như T.T.K, với những trải nghiệm lầm lỗi và đau đớn, sẽ giúp các phạm nhân khác không đi vào “vết xe đổ”. Người buôn cái chết trắng để rồi phải trả giá bằng 20 năm tù và còn hơn thế nữa, đã nói như thế này: “Tuổi trẻ bồng bột tôi đã đi qua. Chỉ mong các bạn - những người đến với ma túy, hãy dừng lại. Vì kết cục sẽ như tôi bây giờ, thậm chí còn tồi tệ hơn, sẽ luôn bị dằn vặt với câu hỏi: Ngày trước tại sao mình lại làm như vậy?... Hãy dừng lại, vì thời gian không quay trở lại để chúng ta sửa chữa lỗi lầm!”
Người ta thường nói: Hối hận thì đã muộn. Trong nhiều trường hợp, sự hối hận của một người có thể là quá muộn với chính họ, nhưng sẽ giúp ích cho những người khác.
Cuộc sống vẫn luôn vận động, ngay cả bên trong song sắt nhà giam. Và “cuộc chiến” với căn bệnh thế kỷ ở đây cũng chưa bao giờ hết gian nan. Nhưng tin rằng với nỗ lực của bác sĩ Dương Văn Côi và các quản giáo, sau đằng đẵng tháng năm đối diện với chính mình cùng biết bao ân hận, dằn vặt, các phạm nhân sẽ tìm thấy thiên lương trong con người mình.
Và một ngày nào đó, họ sẽ trở về…
Lũy tích nhiễm HIV/AIDS ở Trại giam A20/lũy tích ở Phú Yên: Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện: 148/392 Tổng số ca chuyển sang AIDS: 37/160 Tổng số ca tử vong do AIDS: 30/120 Hàng năm, Trại giam A20 phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên tổ chức 2 đợt xét nghiệm giám sát HIV cho các phạm nhân.
PHƯƠNG TRÀ