Rừng dương rộng khoảng 380ha dọc theo bờ biển TP Tuy Hòa đã tạo việc làm với thu nhập khá cao cho 30 hộ dân ở phường 9, các xã Bình Kiến, An Phú. Những người cào rác dương cho rằng họ đã có một nghề thực sự để no cơm ấm áo. Còn người quản lý rừng phòng hộ này nói những người cào rác dương đã góp phần bảo vệ cho khu rừng.
Những người dân Bình Kiến kéo cộ rác dương bán cho các lò gạch ở huyện Phú Hòa - Ảnh: TRÍ THANH |
Một ngày mới của vợ chồng anh Nguyễn Mỹ ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9 (TP Tuy Hòa) thường bắt đầu từ 1 giờ sáng. Vào thời điểm đó, anh Mỹ mắc bò vào chiếc cộ đã được chất đầy lá dương khô từ chiều hôm trước và kéo đến đổ cho các lò gạch ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Cả đi cả về mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau khi trở về nhà, anh chị nghỉ ngơi đến 7 giờ sáng thì ra rừng dương, cào gom lá khô và chuẩn bị cho chuyến cộ ngày hôm sau. Trừ mấy tháng mùa mưa, những ngày còn lại, hai vợ chồng người nông dân này gắn bó với rừng dương ven biển hơn là với mấy đám ruộng của mình.
Khi việc dùng củi làm chất đốt ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, các lò gạch ở hai xã Hòa An, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đã dùng rác dương làm chất đốt lò. Lá dương khô dễ cháy và nhiệt lượng cao, cho màu gạch đỏ tươi, giúp các chủ lò bán chạy hơn trước đó. Bình quân mỗi lò gạch trong một lần đốt “ngốn” khoảng 12 cộ rác dương. Ở Hòa An, Hòa Thắng có gần 20 lò gạch, bình quân mỗi lò một tuần đốt một lần, do vậy, nhu cầu về rác dương rất lớn. Có cầu ắt có cung, nghề cào rác dương đã hình thành tại các địa phương vùng ven biển Tuy Hòa như Bình Kiến, phường 9 và An Phú. Đến nay, “đội quân” làm nghề cào rác dương ở những địa phương này đã lên đến gần 60 người với trên 30 chiếc cộ bò, hoạt động liên tục mới đáp ứng đủ rác dương cho nhu cầu chất đốt của các lò gạch.
Theo những người làm nghề cào rác dương, giá bán mỗi cộ rác thấp nhất là khoảng 150.000 đồng và cao nhất có thể lên đến 250.000 đồng tùy theo lượng rác nhiều hay ít và độ gần xa của đoạn đường. Một hộ có hai người làm nghề này bình quân mỗi ngày gom được một cộ rác với giá thấp nhất thì mỗi tháng cũng kiếm được 4,5 triệu đồng. Có những nhà bốn lao động tham gia, mỗi ngày họ gom được hai chuyến thì thu nhập cao gấp đôi. Mỗi năm, những người làm nghề cào rác dương chỉ nghỉ khoảng 2-3 tháng mùa mưa, còn lại đều tuần hoàn với công việc ban ngày cào rác dương, khuya chở bán cho các lò gạch. Nhờ vậy, thu nhập của bà con khá ổn định với mức khá. Nhiều người trong số họ cho biết, có khi các lò gạch nghỉ việc thì họ vẫn làm để có nguồn rác dương dự trữ, khi nào các lò gạch hoạt động lại thì có để bán ngay.
Nhà anh Nguyễn Mỹ làm 3 sào ruộng, nhưng theo anh thì ruộng là dạng “hàng nằm”, làm ruộng giống như để mua gạo rẻ, còn thu nhập là từ nghề cào rác dương hàng ngày. “Từ việc xây dựng nhà cửa cho đến nuôi con học hành và tất tần tật các chi phí trong nhà cũng từ rác. Với tụi tôi, đây đúng là một nghề. Tuy gọi nghề cào rác thì không hay lắm, nhưng vấn đề là nó giúp những nông dân chúng tôi sống được trong thời buổi “gạo châu củi quế” hiện nay”.
Ông Trần Ngọc trước đây làm rất nhiều nghề: làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo, trồng cây cảnh… Song, gần chục năm nay, ông cũng tham gia cào rác dương và cho biết: Nghề này không khổ lắm, cũng không phải đầu tư lớn, truân chuyên nhiều. Chỉ cần chiếc cộ, con bò với cái cào. Cứ túc tắc, chơi chơi nhưng mỗi ngày cũng kiếm được trăm rưởi ngàn mà không phải lo nghĩ gì cả.
TP Tuy Hòa hiện có khoảng 380ha rừng dương dọc bờ biển. Ngoài nhiệm vụ phòng hộ chắn gió, chắn cát thì còn cung cấp nguồn lá khô và tạo việc làm và thu nhập có thể gọi là ổn định cho 30 hộ dân quanh vùng. Với những người làm nghề cào rác dương họ cũng đã góp phần vào công việc bảo vệ rừng dương, phát hiện, ngăn chặn tình trạng chặt trộm cây, đồng thời tham gia vệ sinh, phòng cháy cho rừng dương. Ông Trần Ngọc nói: “Nếu không có rừng dương này thì nhà tôi cũng không biết làm gì để lo cho cuộc sống khi mà nhà đông con mà ruộng trên đầu người thì thấp. Rừng dương này, bà con nông dân chúng tôi nhờ rất nhiều nên vừa thu gom rác chúng tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ”. Ông Nguyễn Đức Thành, cán bộ kỹ thuật phụ trách quản lý, bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa, nhận xét: Những người làm nghề gom rác dương khô dưới gốc cây cũng đã góp phần tích cực vào việc thu dọn thảm thực bì vệ sinh rừng dương và phòng chống cháy rừng. Chúng tôi cũng vận động bà con vừa cào rác vừa tham gia làm công tác quản lý bảo vệ rừng dương và phòng chống cháy rừng.
TRÍ THANH