Thứ Năm, 28/11/2024 05:27 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 3)
Thứ Bảy, 16/08/2008 11:17 SA

Bài 1: Y TẾ CƠ SỞ, TUYẾN HUYỆN VÀ DỰ PHÒNG: Thiếu bác sĩ trầm trọng

 

Bài 2: Hụt hẫng người có chuyên môn giỏi

 

Tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ ngày càng trở nên trầm trọng. Đâu là nguyên nhân?

 

Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

 

CHỦ TRƯƠNG, CƠ CHẾ KHÔNG PHÙ HỢP

 

Từ khi thực hiện Nghị định 172/CP của Chính phủ và Thông tư 11/LB của Liên bộ Nội vụ- Y tế, chia tách Trung tâm Y tế huyện thành 3 bộ phận: Phòng y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa huyện làm cho đội ngũ cán bộ y tế bị phân tán, nhất là lực lượng bác sĩ. Do đó các bác sĩ tăng cường đã phải rút về huyện để phân chia cho 3 đơn vị, nhưng vẫn thiếu. Phú Yên là một trong những tỉnh thực hiện sớm Nghị định 172/CP, nhưng xem ra càng gây khó khăn về nguồn nhân lực ở tuyến xã.

 

benh-vien-song-hinh-1-08081.jpg

Bệnh viện Đa khoa Sông Hinh tự tổ chức nâng cao năng lực vào chiều thứ 6 hàng tuần - Ảnh: THU THỦY

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Hòa Hoàng Kim Châu cho rằng: Bác sĩ được đào tạo chính quy những năm qua không có ai về. Lực lượng chuyên tu từ y sĩ thành bác sĩ  tuyến xã, huyện chiếm trên 80%. Tuy nhiên, lực lượng này giờ cũng không còn để tăng cường cho tuyến cơ sở. Vì từ năm 1997 đến nay, Bộ Y tế bỏ quy định đào tạo y sĩ, nên không có y sĩ đi học chuyên tu. Những y sĩ lớp trước, giờ tuổi đã ngoài 40 nên không ai mặn mà trong việc đi học đại học. Hiện ở Sơn Hoà, bác sĩ  tuổi 45-50 chiếm phần lớn. Họ lo lắng khi về hưu, khó có người kế tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân vì hiện giờ con em địa phương thi vào ngành Y rất hiếm. Ngành Y lấy điểm đầu vào cao, thời gian học lâu, và phải đầu tư học tập tốn kém hơn nhiều ngành khác

 

Bác sĩ Bùi Anh Hòa (Trung tâm Mắt Phú Yên) cho biết khóa học của anh ra trường năm 2003, có đến 100 bác sĩ người Phú Yên. Song chỉ có 5 người về công tác tại địa phương. Lúc ấy, bác sĩ xin việc rất khó khăn. Bản thân anh phải đi làm trình dược viên 2 năm để chờ đợi phân công nhiệm sở. Các bác sĩ khác cũng muốn về lại quê nhà để gần cha mẹ, sẵn sàng về tuyến cơ sở, nhưng ý nguyện không thành. Hồi đó, tới 3 năm, Phú Yên mới  tổ chức thi tuyển công chức ngành Y một lần.

 

Còn Theo Giám đốc Trung tâm Mắt Huỳnh Phúc Nhĩ, việc chờ nhiệm sở qua xét tuyển quá lâu, một số  bác sĩ không yên tâm, nên dễ bị lung lay khi có nơi khác mời mọc.

 

CHẾ ĐỘ QUÁ THẤP

 

Có phải vì miếng cơm manh áo? Câu hỏi này khi đặt ra đã khiến nhiều người bảo “chuyện xưa như trái đất, ai chả biết”. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết mức thu nhập chính theo chế độ Nhà nước của các nhân viên y tế. Một bác sĩ ra trường đã 15 năm, tổng thu nhập (kể cả phúc lợi của bệnh viện) được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Theo qui định số 155 của Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành Y tế, bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ gây mê, gây tê cho một ca mổ đặc biệt được hưởng 70.000 đồng; ca phẫu thuật loại 1 được 35.000 đồng và loại 2 là 25.000 đồng. Đào tạo một kỹ sư ra trường mất 4 năm, nhưng đào tạo một bác sĩ đa khoa thời gian tối thiểu phải 6 năm. Để trở thành một bác sĩ giỏi phải thêm vài năm nữa, rồi thời gian đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II, nội trú, cao học…Thế nhưng khi hành nghề thì thu nhập lại chẳng đủ lo cho gia đình.

 

Bác sĩ Phạm Hà Bắc, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, cho rằng mổ 1 ca nội soi chỉ 35.000 đồng là quá thấp. Bác sĩ Đặng Anh Toàn, Phó khoa Gây mê- Hồi sức bộc bạch: “Bệnh viện phân bổ 1 kíp mổ 5 người, chúng tôi cần 6  người mới đảm bảo, và đành phải chia 6 phần từ chế độ phụ cấp của 5 người. Chúng tôi rất yêu nghề và muốn cống hiến cho bệnh viện, chỉ cần được thực hiện đúng, đủ và kịp thời theo chế độ chính sách. Được biết, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, 1 ca mổ ngoài giờ mức thù lao đến 400 ngàn đồng. Trong khi chúng tôi mổ ngoài giờ cũng chỉ nhận được như chế độ mổ trong giờ hành chính”.

 

Còn bác sĩ  Nguyễn Văn Lương (Bệnh viện Đa khoa Sông Cầu) bức xúc: “Tiền trực, tiền phụ cấp bất hợp lý, từ năm 2.000 đến nay không tăng, trong khi giá cả ngày một leo thang. Mỗi ca phẫu thuật ruột thừa tại bệnh viện chi phí chỉ 360.000 đồng, trong khi đó ở Bình Định là 800.000 đồng. Cần đảm bảo tính công bằng cho bác sĩ kể cả chế độ trực đủ người/giường bệnh và đảm bảo tái sức lao động.

 

Làm việc liên tục và trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao song những ưu đãi mà cán bộ y tế dự phòng được hưởng trong những ngày trực tiếp phòng chống dịch là 60.000 đồng/người/ngày. Còn khi chưa có dịch, họ vẫn đi cơ sở để phòng dịch thì không có thù lao. Thiết nghĩ, với điều kiện làm việc cũng như thu nhập của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng hiện nay thì phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trên địa bàn tỉnh ta sẽ khó thực hiện một cách hiệu quả.

 

Mức lương ban đầu của một trình dược viên khoảng 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó, lương cơ bản của bác sĩ ở cơ sở chỉ hơn 1 triệu, nếu không vì yêu nghề, say nghề, bác sĩ cũng khó trụ lại lâu dài ở địa phương. Trưởng phòng Y tế huyện Phú Hòa Ca Khải Hiệp cho rằng: “Một sinh viên mới ra trường chỉ cần làm công việc văn phòng (học 4 năm), thu nhập cũng có thể ngang bằng với bác sĩ (học 6 năm)”.

 

Bác sĩ Đỗ Anh Quân, quê TP Tuy Hòa, hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh thổ lộ: “Tôi ra trường cách đây 3 năm, ở lại Sài Gòn chỉ đơn giản là không muốn kiến thức 6 năm trời bị mai một, mong sớm thành danh để có một phòng mạch tư được nhiều người biết đến tại thành phố lớn” 

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, từ Phòng khám a khoa Sơn Hội  chuyển lên Đắc Nông, được về phụ trách phòng Điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được cho đi học chuyên khoa I. Đầu năm nay, huyện Sông Cầu cũng có 2 bác sĩ đi ra Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ở đó, họ được ưu đãi như mua đất theo giá sàn qui định không qua đấu thầu, được cấp thêm 40 triệu đồng và nâng lên một bậc lương so với mức lương hiện tại. Những cơ hội đổi đời và nâng cao tay nghề ở các tỉnh khác đã quyến dụ các bác sĩ ở  cơ sở “dứt áo” ra đi.

 

DƯƠNG THU THỦY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 2)
Thứ Sáu, 15/08/2008 14:30 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ
Thứ Năm, 14/08/2008 16:00 CH
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ cuối)
Thứ Tư, 13/08/2008 10:30 SA
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ 2)
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA
Nghĩa tình trọn vẹn
Thứ Hai, 11/08/2008 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek