Thứ Năm, 03/10/2024 05:32 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ cuối)
Thứ Hai, 18/08/2008 14:31 CH

 

Bài 1: Y TẾ CƠ SỞ, TUYẾN HUYỆN VÀ DỰ PHÒNG: Thiếu bác sĩ trầm trọng

Bài 2: Hụt hẫng người có chuyên môn giỏi  

Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

 

Bài cuối:  Đâu là giải pháp

 

Xã hội hóa y tế trong nhiều năm qua cứ “chúi mũi” vào mở rộng thêm bệnh viện nhưng quên mở rộng nguồn đào tạo. Để giải quyết được các khó khăn, rất cần có một cơ chế chính sách đặc biệt dành riêng cho ngành y.

 

HOI-CHAN-1-080818.jpg

Bác sĩ Bệnh viện chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao công nghệ về gây mê hồi sức cho các bác sĩ tỉnh Phú Yên - Ảnh: THU THỦY

 

QUẢN LÝ KHÔNG CHỈ BẰNG ĐỘNG VIÊN

 

Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, thổ lộ: “Tôi lo lắng đến việc sẽ khó giữ chân những bác sĩ giỏi ở lại với mình. Mức lương của bệnh viện chưa thể là yếu tố tốt để họ có thể gắn bó lâu dài. Mà không lo sao được khi tại các thành phố lớn cũng thiếu bác sĩ, họ sẽ đi vào đó hoặc làm y tế tư nhân. Bác sĩ giỏi tìm đến các nơi này cũng là điều dễ hiểu”.

 

“Thương hiệu” của một bệnh viện hay cơ sở y tế được thiết lập bằng nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người được coi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo giám đốc một bệnh viện, để có những chuyên gia giỏi không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực, kinh nghiệm cũng như ý thức tự rèn luyện, học hỏi của từng bác sĩ. Để các bệnh viện đào tạo được một chuyên gia giỏi nhiều khi không tính được về mặt thời gian. Thế nhưng, có khi trong một tích tắc lại để mất đi người giỏi, người thực sự có tài.

 

Phải coi rằng, “chảy máu chất xám” là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường. Vì thế, không thể giữ người giỏi chỉ bằng những lời động viên.

 

CẦN CÓ CƠ CHẾ MỚI

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sông Hinh Đỗ Văn Hòa cho rằng: Quan trọng hơn hết là có cơ chế thoáng để các đơn vị y tế phát triển, thu hút nguồn nhân lực về tuyến cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo nhân lực y tế, ban hành chế độ ưu đãi cán bộ y tế phù hợp kết hợp với các biện pháp kiểm soát y đức. Cần có chính sách thu hút như tạo điều kiện về nhà ở và tiền lương cao hơn đối với những bác sĩ, dược sĩ có nguyện vọng làm lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa.

 

Dược sĩ Đặng Luôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Hòa thì đắn đo: “Cho nhân viên đi học cao hơn để đảm bảo trình độ chuyên môn nhưng không có cơ chế, chính sách để bệnh viện có đủ điều kiện thanh toán cho cán bộ. Các ngành học lâm sàng thực tế rất cần cho bệnh viện, nên đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II là việc cần chú trọng. Chế độ cho đào tạo và đào tạo lại cần xem xét bổ sung”.

 

Những năm qua, Phú Yên chưa có chính sách thật sự đủ mạnh để thu hút được nhiều bác sĩ, dược sĩ  giỏi. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng bác sĩ còn quá ít so với nhu cầu. Lực lượng cán bộ chuyên môn y tế như hiện nay sẽ không đảm bảo một cách toàn diện khi triển khai các mặt hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới. Trong điều kiện nhân lực “khát”ù như hiện nay, Y tế Phú Yên vẫn đang loay hoay gỡ rối.

 

Theo bác sĩ Lê Trương, tỉnh cần mạnh dạn đầu tư để giải quyết tình thế quá thiếu nhân lực ngành y tế. Ngay cả vấn đề đào tạo nhân lực, không thể chờ đợi Trung ương mà tỉnh phải mạnh dạn có cơ chế cho cán bộ đi học trong nước và  nước ngoài. Còn nếu cứ “bình bình” như hiện nay thì việc đáp ứng của các cơ sở y tế đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn chưa ăn thua gì. Những gì mà tỉnh phê duyệt và quy hoạch phát triển ngành y tế từ cách đây 5 năm đã không còn phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới và cần phải xem xét để điều chỉnh lại.

 

CẦN CÓ ƯU ĐÃI ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI

 

Hãy nhìn ra các tỉnh thành khác. Năm 2007, ngành y tế Đồng Nai đã thu hút tới 140 bác sĩ về “đầu quân”. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là đơn vị đi đầu trong việc thu hút nguồn nhân lực. Nếu năm 2006, bệnh viện có 86 bác sĩ, thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 145. Bên cạnh việc chủ động đến tận các cơ sở đào tạo trong nước để “chiêu hiền, đãi sĩ”, “đặt hàng”, thì việc tạo ra một cơ chế thoáng để bác sĩ về công tác cảm thấy yên tâm đã được bệnh viện hết sức chú trọng. Không thể lấy việc tăng thu nhập để thu hút nhân lực, bù lại bệnh viện đã tạo điều kiện tối đa cho bác sĩ mới về được đi học nâng cao tay nghề theo nhu cầu của bệnh viện và khả năng của mỗi người.

 

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất của tỉnh này thì có cách làm khác. Lãnh đạo bệnh viện tự đi maketing. Họ tìm đến các cơ sở đào tạo để tiếp thị hình ảnh bệnh viện. Đối với những trường hợp có nhu cầu về làm việc, lịch trình tuyển dụng như sau: thử việc được hưởng trợ cấp: 1 triệu đồng/tháng, sau 2 tháng nếu đáp ứng yêu cầu sẽ được tuyển dụng với mức lương cơ bản trên 3 triệu đồng/tháng.

 

Còn Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tự “cởi trói” bằng cách tạo điều kiện đãi ngộ cho những bác sĩ mới về công tác thông qua việc hỗ trợ tiền thuê nhà (300.000 đồng/tháng), tăng tiền lương (từ 1,2-1,5 lần lương cơ bản), cấp chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề. Chỉ trong 2007, bệnh viện đã có thêm 17 bác sĩ và 1 dược sĩ về công tác. Bệnh viện này còn đặt ra mục tiêu, trong năm 2008 sẽ thu hút thêm khoảng 20 bác sĩ để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô giường bệnh.

 

Ngay cả tỉnh gần nhất Phú Yên là Bình Định cũng đã làm được như vậy. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Bình Định thu hút được 30 bác sĩ mới ra trường và từ các tỉnh lân cận nhờ có chính sách ưu đãi đặc biệt.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ KIM ANH: CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO BÁC SĨ THEO ĐỊA CHỈ

 

lekimanh-080818.jpgTrên thực tế mỗi năm không quá 10 thí sinh ở Phú Yên được vào các trường đại học y, dược. Vì vậy, phương án liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo y, dược cần được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, tỉnh làm việc với những bộ, ngành có liên quan cho phép gởi đi đào tạo những thí sinh là con, em Phú Yên dự thi tại các trường đại học y, dược trong cả nước không đủ điểm đậu vào trường đó nhưng có mức điểm trên điểm sàn. Những đối tượng này sẽ được đào tạo theo địa chỉ và có cam kết trở về phục vụ quê hương. Từ 2009-2015, cố gắng sao để Phú Yên có 100 thí sinh được đào tạo tại các trường đại học y, dược TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Huế. Nguồn dự thi là đối tượng học sinh do các địa phương khuyến khích, động viên và hướng các em tham gia ngành học này.

 

bac-ty-080818.jpgGIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ PHÚ YÊN TRẦNVĂN TÝ: NGÀNH Y TẾ ĐANG CHẠY NƯỚC RÚT

 

Ngành sẽ tập trung phát triển đồng bộ nguồn nhân lực. Cụ thể, tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa đầu ngành mà tỉnh đang thiếu như: Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, mổ chấn thương sọ não, mổ nội soi và các chuyên khoa như Mắt, Tai- Mũi-Họng, Chẩn đoán hình ảnh. Lựa chọn cán bộ đang công tác trong ngành tiếp tục đưa đi đào tạo để đạt trình độ đại học và trên đại học, trong đó chú trọng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Khắc phục trước mắt là ngành cho đào tạo một số dược sĩ trung học chuyên tu lên đại học, đào tạo y sĩ chuyên tu lên bác sĩ.

 

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 3)
Thứ Bảy, 16/08/2008 11:17 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 2)
Thứ Sáu, 15/08/2008 14:30 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ
Thứ Năm, 14/08/2008 16:00 CH
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ cuối)
Thứ Tư, 13/08/2008 10:30 SA
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ 2)
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek