Thứ Năm, 28/11/2024 05:43 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ
Thứ Năm, 14/08/2008 16:00 CH

Tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ trầm trọng đang xảy ra tại hầu hết các cơ sở y tế công lập ở Phú Yên. Thực trạng đang ảnh hưởng đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 

Bài 1:

Y TẾ CƠ SỞ, TUYẾN HUYỆN VÀ DỰ PHÒNG:

Thiếu bác sĩ trầm trọng

 

Trước đây, tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng ở Phú Yên chỉ ở tuyến xã, thì nay, y tế tuyến huyện; hệ dự phòng cũng trong tình trạng này. Có bệnh viện đa khoa huyện chỉ có 5 bác sĩ tính cả lãnh đạo, quản lý.

 

tiep-xuc-080814.jpg

Trưởng trạm chuyên khoa Lao Hoàng Khắc Linh tư vấn cộng đồng -  Ảnh: THÙY THẢO

 

BỆNH VIỆN 5 BÁC SĨ!

 

Điều hết sức ngạc nhiên khi chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Sông Hinh là ngay cả giám đốc cũng tham gia trực khám chữa bệnh (KCB) cho người dân, mọi công việc hành chính đành giải quyết ngay tại phòng khám. Giám đốc Đỗ Văn Hòa cho biết, có hôm ông đi họp ở huyện, một trường hợp viêm ruột thừa không được mổ tại đơn vị, phải chuyển lên tuyến tỉnh.

 

Ông Hòa phân vân: “Chỉ tiêu là 50 giường bệnh, nhưng bệnh viện hiện chỉ có 5 bác sĩ, trong khi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến KCB, chưa kể trường hợp vào cấp cứu… nên ảnh hưởng đến chất lượng điều trị là không tránh khỏi. Các chuyên khoa Mắt, Tai-Mũi - Họng… không có bác sĩ. Còn khoa lâm sàng như Nội - Nhi, Ngoại - Sản, phòng mổ… thì không đủ lực để triển khai đầy đủ các mặt chuyên môn. Bệnh nhân cắt Amiđan cũng chuyển lên tuyến trên. Một số máy móc, trang thiết bị được đầu tư như siêu âm, X-quang cũng “đắp chiếu”; các khoa, phòng cận lâm sàng cửa đóng, then cài “chờ” bác sĩ. Phòng Kế hoạch - nghiệp vụ cần một bác sĩ để hàng ngày kiểm tra hồ sơ bệnh án về chất lượng điều trị cũng không có”. Vừa làm tổ chức, vừa bình bệnh án, vừa làm chuyên môn và chỉ đạo tuyến xã, nên bác sĩ Hòa luôn chạy đua với thời gian, kể cả làm việc ngoài giờ. Bản thân vị giám đốc này cũng không nghỉ bù sau trực và không nghỉ phép theo chế độ. Cái khó của bệnh viện chỉ 5 bác sĩ, là bác sĩ trực hôm nay được nghỉ bù, hôm sau không có người làm. Chưa nói trường hợp bác sĩ nghỉ phép hoặc đi công tác. Do vậy, bệnh viện muốn đầu tư mở rộng dịch vụ cũng khó thực hiện.

 

Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Sông Hinh chuyển khoảng 30 ca bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, mà lẽ ra đủ nhân lực thì không như vậy.  “Chuyển nhiều bệnh nhân, không chỉ chúng tôi thấy xót mà còn bị nhân dân chê trách. Tình trạng thiếu bác sĩ vừa ảnh hưởng đến tư tưởng công chức, vừa không đảm bảo quyền lợi người dân. Tính theo Thông tư 08 thì bệnh viện này phải có 24 bác sĩ mới đủ để phục vụ cho 41.000 dân địa phương”, bác sĩ Hòa bức xúc nói.

 

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Sông Hinh thiếu bác sĩ mà các bệnh viện huyện khác ở Phú Yên cũng trong tình trạng không đủ bác sĩ phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa Sơn Hòa và 3 phòng khám đa khoa khu vực với tổng số 85 giường bệnh nhưng hiện chỉ có 15 bác sĩ. Trong đó, một số  bác sĩ làm công tác quản lý, hành chính. Theo quy chế thì bệnh viện này thành lập khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng không đủ nhân lực để tách ra. Hiện Khoa Nội – Nhi - Lây chỉ có 4 bác sĩ, các khoa Lâm sàng, Mắt, Tai – Mũi - Họng, Da liễu, X-quang, Xét nghiệm đều  không có bác sĩ.

 

Bệnh viện Đa khoa Tuy An có 20 bác sĩ, vẫn đang thiếu bác sĩ khoa Ngoại - Sản. Điều mà Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn lo lắng, là khoảng 2 năm tới, đơn vị này sẽ được nâng lên thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Tuy An với quy mô ban đầu là 150 giường, tăng 80 giường so với hiện tại, thì ít nhất cũng phải có thêm 20 bác sĩ để thành lập các khoa điều trị.

 

BÁC SĨ XÃ: DỄ ĐI, VỀ KHÓ!

 

5 năm trở lại đây, chỉ riêng huyện Sơn Hòa, đã có 6 bác sĩ chuyển công tác về các bệnh viện trong, ngoài tỉnh và tự bỏ việc ở trạm y tế sang làm BHXH. Ở xã Sơn Hội, bác sĩ bỏ đi, gây khó khăn trong hoạt động KCB ban đầu cũng như triển khai thực hiện các chương trình y tế cộng đồng. Không có bác sĩ, Trạm Y tế xã Sơn Phước chỉ tập trung làm các chương trình y tế quốc gia, còn cấp cứu bệnh rất ít. Kể từ tháng 5/2008, người dân xã bãi ngang An Hòa (Tuy An) thiệt thòi hơn trước khi bác sĩ Phạm Văn Vũ không còn công tác tại trạm y tế xã. Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Nguyễn Đình Thân cho rằng: “Nếu có bác sĩ thì việc KCB cho nhân dân thuận lợi, 500 người nghèo được BHYT đảm bảo quyền lợi nhiều hơn vì trạm được cấp đủ thuốc cấp cứu để thực hiện cấp cứu ban đầu. Thiếu bác sĩ, còn khó trong việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế”.

 

Khi Nhà nước áp dụng chính sách KCB cho người nghèo và KCB miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, sự thiếu và yếu ngày càng đè nặng lên các trạm y tế xã. Nhiều trạm y tế không có bác sĩ nên còn yếu về khả năng phát hiện bệnh sớm. Thiếu nhân lực, hạn chế về chuyên môn của trạm y tế, là một trong những lý do khiến người bệnh vượt tuyến để điều trị. Nhiều  trường hợp con chỉ bị ho nhẹ, bố mẹ cũng tức tốc đưa ngay lên bệnh viện huyện, tỉnh để kiểm tra. Cũng vì quá tải nên nhiều khi bệnh viện tỉnh phải rút ngắn thời gian điều trị của bệnh nhân này để nhận bệnh nhân khác.

 

kiem-tra-bo-gay-080814.jpg
Cán bộ y tế dự phòng kiểm tra bọ gậy tại nhà dân ở phường Phú Đông - Ảnh: T.THỦY

 

LỰC LƯỢNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH MỎNG

 

Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên hiện có 65 cán bộ với 13 bác sĩ.  Theo Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Hùng, 10 năm nay, Trung tâm không tuyển thêm được một cán bộ đại học nào, trong khi đó, một số cán bộ chủ chốt lại bỏ đi nơi khác. Từ giữa năm ngoái đến nay, các bác sĩ chuyên khoa I (CKI) Trần Hoài Dạ Vĩnh, Đỗ Như Chinh, Cao Văn Tuân lần lượt bỏ việc vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ông Hùng phân vân: “Với tình trạng như hiện nay, không biết bao nhiêu bác sĩ nữa sẽ đi vì không có gì ràng buộc họ. Họ nghỉ ngang, khi đã quyết định thì đưa đơn đi luôn chứ không thiết tha chính sách chế độ. Năm ngoái, Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên làm đề án xin bổ sung 18 bác sĩ, nhưng không có bác sĩ nào nộp hồ sơ để tuyển”.

 

Chia tách trung tâm y tế thành 3 đơn vị theo Nghị định 171, 172/CP, lực lượng bác sĩ ở các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố “mỏng”, nên hầu như không triển khai thực hiện hết chức năng nhiệm vụ được giao. Bác sĩ Đinh Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, cho biết: “Khi có dịch bệnh bùng phát, chúng tôi phải điều động 100% cán bộ. Tham gia chống dịch và lấy mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây bệnh, rất cần bác sĩ để tăng cường giám sát, chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật nhưng lực lượng này rất thiếu”. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố có 4 khoa phòng thì chỉ có 1 trưởng khoa, các khoa còn lại phó khoa phải phụ trách vì không có bác sĩ. Y sĩ Lữ Thị Thanh Xuân, Phó phòng Hành chính kiêm phụ trách chương trình phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, cho biết: “Vì sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trong năm, nên tôi đi giám sát cơ sở liên tục, việc hành chính đành phải đem về nhà làm vào buổi tối”.

 

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phú Hòa còn khó khăn hơn khi đơn vị có 31 cán bộ công nhân viên nhưng chỉ có một bác sĩ là phó giám đốc. Bác sĩ Phạm Tấn Lập cho rằng, bác sĩ  ở đây quá “mỏng”, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn, còn lúng túng trong chỉ đạo tuyến dưới khi có dịch. Thiếu là vậy, song để có bác sĩ “đầu quân” về các trung tâm y tế dự phòng là điều trông chờ mòn mỏi khi chế độ lương bổng, thù lao chưa thỏa đáng. Thực tế mới đây, tỉnh phân bổ nhiệm sở cho 12 bác sĩ, nhưng không có biên chế nào về y tế dự phòng.

 

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên Biện Ngọc Tân bức xúc: Theo quy định trung tâm phải có tối thiểu 25 biên chế với cơ cấu 6 khoa, phòng. Song hiện nay, trung tâm chỉ có 11 biên chế và 3 hợp đồng, trung tâm chỉ có 3 bác sĩ, trong đó, 2 bác sĩ là giám đốc và phó giám đốc phụ trách cả phần việc mà lẽ ra không phải làm nếu có đủ bác sĩ. Bác sĩ còn lại Nguyễn Thị Xuân Thanh, vừa giám sát vừa phải điều trị và tham gia tuyên truyền, tư vấn.

 

Trạm chuyên khoa Lao Phú Yên hiện có 4 bác sĩ, còn thiếu 3 bác sĩ so với nhu cầu. Nhiều năm nay, không có bác sĩ nào về. Thiếu bác sĩ, dẫn đến việc nắm bắt hoạt động chuyên ngành, can thiệp chuyên môn không sâu, thiếu khả năng quản lý mạng lưới cơ sở trong việc cung cấp thuốc, điều trị, chữa bệnh tại cơ sở y tế và tại nhà bệnh nhân. Theo Trưởng trạm Hoàng Khắc Linh: “Người ít, việc nhiều nên luôn chồng chéo và trưởng trạm phải “vác tù và hàng tổng”. Hoạt động của trạm gần như một trung tâm, quản lý và điều trị tới 1.000 bệnh nhân. Chúng tôi rất cần  bác sĩ chuyên ngành để nâng cao truyền thông, xét nghiệm, mong đem lại hiệu quả cao trong quản lý và điều trị bệnh, song điều này rất khó thực hiện”.

 

Thực hiện Nghị quyết tỉnh đảng bộ Phú Yên lần thứ XIV phấn đấu đến năm 2010 số xã có bác sĩ đạt 100%, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tuy nhiên hiện nay, chỉ 55,96 % trạm y tế có bác sĩ, chưa đầy 25% trạm y tế đạt chuẩn.

 

Khối dự phòng tuyến tỉnh hiện có 48 bác sĩ, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện có tổng số 27 bác sĩ. Theo định mức biên chế  và cơ cấu chuyên môn của các cơ sở y tế dự phòng theo Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV thì Phú Yên còn thiếu khoảng 70 bác sĩ cho hệ dự phòng các tuyến.

 

DƯƠNG THU THỦY

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ cuối)
Thứ Tư, 13/08/2008 10:30 SA
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ 2)
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA
Nghĩa tình trọn vẹn
Thứ Hai, 11/08/2008 07:30 SA
Săn ong rừng
Chủ Nhật, 10/08/2008 07:00 SA
Chuyện của một phụ nữ trẻ nhiễm HIV
Thứ Tư, 06/08/2008 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek