Thứ Năm, 28/11/2024 05:31 SA
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ (kỳ 2)
Thứ Sáu, 15/08/2008 14:30 CH

Bài 1: Y TẾ CƠ SỞ, TUYẾN HUYỆN VÀ DỰ PHÒNG: Thiếu bác sĩ trầm trọng

 

Bệnh tật ngày càng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc ngày càng có nhiều người có chuyên môn giỏi. Song, nhiều cán bộ có chuyên môn cao của các cơ sở y tế công lập ở Phú Yên đã xin thôi việc sau một thời gian công tác để tìm nơi làm việc khác có thu nhập cao hơn.        

 

Bài 2: Hụt hẫng người có chuyên môn giỏi     

   

Bệnh tật ngày càng phức tạp và đa dạng, đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ ngành y có chuyên môn giỏi. Song hiện nay, ở Phú Yên hầu hết các bệnh viện đều trong tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao và “trắng” dược sĩ lâm sàng.

 

thieu-nhan-luc-080815.jpg

Thiếu dược sĩ nên Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - thực phẩm - mỹ phẩm Phú Yên phải đảm nhiệm công việc này - Ảnh: THU THỦY

 

BỎ CÔNG LÀM TƯ

 

Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Minh Khoa ra đi từ Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng đến làm việc cho một phòng khám đa khoa tư nhân ở TP Tuy Hòa. Lý do xin thôi việc là “làm tư có nhiều tiền để lo cho gia đình”. Điều đáng nói là sau bác sĩ Khoa, hàng loạt bác sĩ khác trong tỉnh cũng đồng loạt xin thôi việc để chuyển qua một đơn vị khác.

 

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được phân bổ nhiệm sở 3 biên chế qua xét tuyển, nhưng chỉ còn 2 bác sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn đã xin thôi hợp đồng đi vào TP Hồ Chí Minh. Hai bác sĩ Bệnh viện Sông Hinh cũng ra đi, trong đó có 1 phó giám đốc. Theo Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Nguyễn Thanh Trúc, toàn tỉnh có 15 bác sĩ, dược sĩ ở tuyến tỉnh, huyện đầu quân cho các đơn vị có mức thu nhập hấp dẫn hơn. Hiện có hàng chục bác sĩ người Phú Yên làm việc tại Khánh Hòa, Bình Định và một số lượng rất lớn ở TP Hồ Chí Minh. Ngay trên địa bàn tỉnh, giữa các bệnh viện, cơ sở y tế cũng đã và đang có sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút nhân lực.

 

Chính sách xã hội hóa y tế triển khai, hàng loạt bệnh viện tư ra đời. Tiêu chuẩn đầu vào tại bệnh viện tư hầu hết là bác sĩ có thâm niên và có uy tín. Bệnh viện công vẫn có sức thu hút níu chân người vì một số điều kiện không dễ có như cơ hội nâng cao tay nghề, cơ hội để đi học cao học, du học. Thế nhưng, sức hút ấy không đủ mạnh để kéo các bác sĩ có tay nghề cao. Không thể trách các bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm cho bệnh viện tư, bởi xét cho cùng thì làm ở đâu cũng là phục vụ nhân dân.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TỈNH CŨNG... THIẾU BÁC SĨ

 

Khoa Gây mê-Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chỉ có 5 bác sĩ. Đêm trực, các kỹ thuật viên gây mê vừa giúp cho bác sĩ mổ, vừa giúp cho việc hồi sức. Có khi mỗi ngày, họ theo dõi mấy chục ca, đã gây nhiều áp lực trong khi làm việc, dẫn đến sa sút về thể lực cũng như hiệu quả phục vụ. Gần đây, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh nghỉ dưỡng vì sẩy thai và một số bác sĩ nghỉ phép, càng gây áp lực cho số ít người còn lại.

 

Khoa Ngoại chấn thương có 9 bác sĩ, vừa tham gia khám chữa bệnh, vừa mổ theo chương trình, mổ cấp cứu. Một ca mổ từ 1 đến 3 bác sĩ tham gia. Ca nào đơn giản thì 1 giờ, ca khó kéo dài  4-6 giờ. Số lượng bệnh nhân chấn thương nằm điều trị tại khoa luôn quá tải, trung bình mỗi ngày từ 80-100 người. Khoa có 3 bác sĩ phẫu thuật sọ não nhưng vẫn thiếu. Bác sĩ trực phải mổ cấp cứu đêm khuya đã đành, ngoài giờ họ vẫn bị gọi đến khi số lượng bệnh đông.

 

Khoa Ngoại tổng quát có 6 bác sĩ, thực hiện cấp cứu và mổ nhiều chương trình, cả mổ nội soi được coi là tiên tiến. Khoa Sản chỉ có 8 bác sĩ, luôn bị áp lực nặng nề với bệnh nhân luôn trên 100 người. Mới đây, bệnh viện thành lập thêm phòng cấp cứu Nhi, vẫn chưa có bác sĩ bổ sung…

Theo Giám đốc Bệnh viện Phan Vũ Nhân: “Tính ra, đơn vị thiếu khoảng 35 bác sĩ. Năm ngoái, bệnh viện làm đề án xin thêm 20 biên chế là bác sĩ, nhưng mới đây chỉ có 2 bác sĩ về “đầu quân”. Bệnh viện rất cần bác sĩ chuyên môn giỏi, có chí tiến thủ. Bởi, nếu không có kiến thức mới thì chậm rất nhiều so với tiến bộ của y học hiện đại, không đáp ứng với sự đầu tư của máy móc, thiết bị”.

 

noi-soi-bvt-080815.jpg

Phẫu thuật nọi soi tại BV Đa khoa Phú Yên - Ảnh: THU THỦY

 

“TRẮNG” DƯỢC SĨ LÂM SÀNG

 

“Không một bệnh viện nào ở Phú Yên có dược sĩ lâm sàng, kể cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Không có lực lượng này nghĩa là không có người quản lý về dược lâm sàng tại bệnh viện để thực hiện tốt việc kê toa, cấp thuốc”- Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thanh Trúc cho biết

 

Phân tích sâu hơn, dược sĩ Đặng Phúc Liêm, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Có dược sĩ lâm sàng không chỉ giám sát việc kê đơn của bác sĩ mà còn hướng dẫn cho bệnh nhân dùng thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc, theo dõi nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân. Bệnh nhân không chỉ được quan tâm trong thời gian điều trị mà còn được theo dõi để biết sau đó thuốc vào cơ thể nằm ở vị trí nào, tác dụng ra sao. Công tác dược lâm sàng giúp đỡ nhiều cho bác sĩ trong việc lựa chọn kháng sinh phù hợp, tiêm thuốc cho bệnh nhân đúng thời gian và liều lượng hơn. Không có dược sĩ lâm sàng, bệnh nhân phải chịu thiệt thòi do sự “phóng tay” của nhiều bác sĩ khi kê đơn”.

 

Các bệnh viện Đa khoa tuyến huyện như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa không những “trắng” dược sĩ lâm sàng, mà còn “ trắng” cả dược sĩ đại học. Đây là những người chịu trách nhiệm quản lý thuốc độc, gây nghiện, hướng thần. Không có dược sĩ đại học, giám đốc các bệnh viện này đành cử một bác sĩ hoặc dược sĩ trung học để thay thế để ký duyệt thuốc gây nghiện, bằng cách làm văn bản ủy quyền 6 tháng/lần. Tuy vậy, đây không phải là cách giải quyết phù hợp về lâu dài. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chỉ mới có 3 dược sĩ (1 vừa mới bổ sung- PV), trong khi nhu cầu thật sự  của đơn vị này phải là 8 đến 10 dược sĩ. Như vậy, thiếu dược sĩ đại học ảnh hưởng cụ thể đến việc đảm bảo tiến độ thực hiện công việc để đạt chỉ tiêu trong khám chữa bệnh hàng năm của mỗi đơn vị.

 

Ở Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm-Mỹ phẩm-Thực phẩm Phú Yên, năm ngoái, có 2 dược sĩ bỏ đi (trong đó, có 1 người chuyển ra hệ thống tư nhân với mức thu nhập hơn gấp ba lần). Hiện Trung tâm này chỉ còn 1 dược sĩ là Giám đốc trung tâm.

 

Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ có 19 dược sĩ trong hệ thống Nhà nước, nếu tính cả tư nhân và lực lượng về hưu với 25 dược sĩ, thì Phú Yên cũng chỉ đạt tỉ lệ gần 0,5 dược sĩ/vạn dân, một tỉ lệ thấp so với mục tiêu trong “Chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2010” là 1,5 dược sĩ/ vạn dân.

 

DƯƠNG THU THỦY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
No cơm ấm áo nhờ... rác dương
Chủ Nhật, 17/08/2008 14:33 CH
Khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ
Thứ Năm, 14/08/2008 16:00 CH
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ cuối)
Thứ Tư, 13/08/2008 10:30 SA
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ 2)
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA
Nghĩa tình trọn vẹn
Thứ Hai, 11/08/2008 07:30 SA
Săn ong rừng
Chủ Nhật, 10/08/2008 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek