Thứ Năm, 28/11/2024 05:38 SA
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ cuối)
Thứ Tư, 13/08/2008 10:30 SA

Kỳ I

Kỳ 2

 

Sông Hinh là huyện miền núi cuối cùng đoàn chúng tôi đến công tác trong chuyến đi này. Chúng tôi về xã EaBá. Các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy rất chu đáo cử đồng chí Hoàng Đức Kiên, cán bộ của Ban cùng đi theo để giúp đỡ chúng tôi. Con đường từ huyện lên xã EaBá và EaLâm mới vừa làm mà đã bắt đầu xuống cấp. Anh Kiên nói là do lượng xe tải chạy nhiều quá.

 

tp-080813.jpg
Tác giả tại công trình thủy điện Sông Ba Hạ (Sơn Hòa) -Ảnh: KIỀU HƯNG

 

Sông Hinh cũng là huyện miền núi kiên cường, bất khuất trong chiến đấu. Các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh cho biết: “Suốt nửa đầu năm 1969, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân liên tiếp đánh vào vùng tranh chấp giữa ta và địch, dùng chất độc hóa học, dùng B52 ném bom, chà đi xát lại cố tạo ra vùng trắng dân. Trong các tháng cuối năm 1969, địch đã tổ chức nhiều trận càn quét lớn, có trận kéo dài đến 10 ngày.

 

Trước tình hình đó, Huyện ủy đã đề ra chủ trương: Không để cho địch lấn chiếm đất, dồn dân; phải khẩn trương xây dựng thực lực, kiên quyết tấn công liên tục vào sào huyệt của địch, nhằm đánh bại âm mưu “phi Mỹ hóa chiến tranh” và “bình định cấp tốc”, để đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới. Thực hiện chủ trương này, cán bộ, đảng viên trên các địa bàn đã bám dân, bám buôn làng, tổ chức vận động đồng bào trong và ngoài ấp đấu tranh chính trị với địch. Hàng trăm cơ sở cách mạng mới được xây dựng. Thế trận giằng co này ngày càng tạo ra những thuận lợi cho lực lượng cách mạng. Đồng thời các xã Hà Roi, EaBá kéo đến các ấp Mả Voi, Chí Thán đấu tranh đòi thả bà con trong ấp chiến lược về lại làng cũ. Đồng bào Chí Thán, Tuy Bình kéo thành từng đoàn qua quận lỵ. Củng Sơn cùng nhân dân Sơn Hòa đấu tranh đòi tên quận trưởng phải cho nhau đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa; đòi “không đi ngủ tập trung”, “không đi vào ấp”, “tự do đi lại”, “tự do sản xuất”. Thực chất đây là hình thức đấu tranh tạo điều kiện để nhân dân liên hệ với các cơ sở cách mạng, trao đổi tình hình, thông tin, thông báo tin tức lẫn nhau.

 

Đầu năm 1970, vùng giải phóng trong tỉnh đã được mở rộng, liên hoàn hơn. Các xã Sông Hinh, EaBá, EaBia, EaTrol là địa bàn đứng chân chắc chắn cho bộ đội các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc. Ngày 15/7/1970, Liên khu ủy 5 ra Nghị quyết thành lập huyện Tây Nam thuộc tỉnh Phú Yên, bao gồm các xã: Sông Hinh, Đức Bình (Phú Đức, Chí Thán, Dinh Điền, Tuy Bình, buôn Mả Vôi) và 3 xã: EaTrol, EaBia, EaBá (tỉnh Đắc Lắc giao lại). Dân số huyện Tây Nam lúc bấy giờ có khoảng 3.500 người, gồm: đồng bào Kinh, Êđê, Bana, Chăm. Ban cán sự huyện có 5 đồng chí, do đồng chí Hoàng Sơn làm Bí thư Huyện ủy; các ban ngành đoàn thể của huyện được thành lập. Cơ quan Huyện ủy đứng chân ở Ea Kmé. Tháng 6/1971, huyện đội được thành lập, đứng chân tại EaNgao.

 

Huyện Tây Nam thành lập trong tình hình địch thường xuyên càn quét dồn dân và tung bọn biệt kích hoạt động phá hoại với mục đích tạo thành vành đai trắng ngăn chặn sự liên lạc giữa cách mạng với nhân dân. Trước tình hình đó, cơ quan Huyện ủy Tây Nam phải dời về EaNgao (xã Sông Hinh). Ban cán sự huyện Tây Nam chủ trương đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích; tăng gia sản xuất, trồng nhiều sắn, bắp, lúa nương; phát động phong trào vót chông tre, đàn ông mỗi người 100 cây, phụ nữ 50 cây, thanh thiếu niên 12 cây; chỉ đạo củng cố các tuyến bố phòng bằng chông, mìn; củng cố các đội công tác vũ trang, đồng thời tổ chức chống càn, vây ép địch trên tuyến 21 bis. Lực lượng vũ trang huyện ra sức sản xuất tự túc lương thực với khẩu hiệu: “Sắn là chính, lúa là nòng cốt, ngô là quan trọng”. Đồng thời tổ chức tốt các trận chiến đấu có hiệu quả làm cho kẻ địch kinh hoàng.

 

Trong những năm từ 1969 đến 1972, các đội công tác vũ trang và Đội vũ trang Chí Thán do đồng chí Phạm Minh phụ trách, đã phối hợp với Đội du kích xã EaBá thường xuyên bám dân tiếp tục xây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức chống càn, đồng thời đánh địch ở tận sào huyệt của chúng như khu tập trung Mả Vôi, dinh điền Tuy Bình, Chí Thán.

 

Đặc biệt là trận đột nhập vào ấp Mả Vôi của Đội du kích xã EaBá do Ma Rương chỉ huy vào đầu năm 1970 đã tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống nhiều lính ngụy, đưa toàn bộ đồng bào đang bị chúng tập trung về nơi làng cũ.

 

Năm 1972 ta đã đánh 24 trận lớn nhỏ ở Tuy Bình, Chí Thán... tiêu diệt 147 tên địch, thu nhiều vũ khí.

 

Xã EaBá nằm sát bờ sông Ba, khu vực này địch thường xuyên càn quét, lùng sục, nhưng suốt từ năm 1970 đến ngày giải phóng, du kích và nhân dân xã EaBá dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng ở đây đã kiên quyết bám trụ. Địch càn quét thì du kích chặn đánh, nhân dân lánh cư; địch hết càn thì bà con về làng tăng cường bố phòng, tăng gia sản xuất, làm nghĩa vụ lương thực, khai thác lâm đặc sản (mật ong, gạc nai) cung cấp cho mậu dịch huyện phục vụ cách mạng. Hoạt động y tế, giáo dục... phát triển toàn diện. Xã EaBá là tấm bình phong che chắn địch từ phía Tây Bắc, bảo vệ đường hành lang hướng Tây - con đường hành lang liên tỉnh luôn thông suốt và an toàn”.

 

Về xã EaBá, chúng tôi đến thăm ông AMaThông, dân tộc Ê Đê, năm nay 72 tuổi, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Ông cùng vợ mang ra một ché rượu cần mời chúng tôi uống. Vừa uống rượu cần vừa nói chuyện trên gian nhà sàn vừa mới xây dựng thật ấm cúng. Ông kể về những năm đầu tham gia cách mạng cho đến năm 1960 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã cùng với Đảng bộ xã EaBá lãnh đạo bà con dân tộc Ê Đê: “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm bám trụ buôn làng, xây dựng làng, xã chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Lịch sử và truyền thống của xã EaBá là một lịch sử hừng hực khí thế cách mạng và tinh thần chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bà con dân tộc Ê Đê ở đây coi ông là một trong những cánh chim đầu đàn của truyền thống lịch sử ấy. Từng bước trưởng thành trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ và quyết liệt, năm 1985 ông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện và năm 1990 là Phó Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Ông còn minh mẫn và trí nhớ khá tốt nên đã giúp cho Ban Tuyên giáo của tỉnh và của huyện ghi chép được nhiều tài liệu quý. Chúng tôi nghĩ nếu không tiến hành gặp gỡ, tìm hiểu và khai thác đầy đủ những sử liệu quý như thế này, thì khoảng mười, mười lăm năm nữa, các cụ ở độ tuổi ngoài 70 sẽ không còn nữa. Và đó sẽ là một khoảng trống không có gì có thể bù đắp được.

 

Với tinh thần đó, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi liên tục đi công tác ở ba huyện trong một tuần lễ rất vất vả, nhưng vẫn cố gắng đến xã Sông Hinh (của huyện Sông Hinh) thăm cụ Y Nộ, 82 tuổi, người dân tộc Bana - nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Tây Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trước khi nghỉ hưu (năm 1982) là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận huyện Sơn Hòa. Đây là xã xa nhất huyện, giáp giới với huyện Ma Đờ Rắc của tỉnh Đắk Lắk. Con đường 649 từ huyện lên xã đang thi công cầu và cống nên rất khó đi. Công nhân làm đường xây dựng lán trại ngay trên vệ đường để làm nơi ăn, ở tại chỗ mà thi công. Chúng tôi hiểu mùa mưa lũ của miền Trung sắp đến nơi rồi, họ phải khẩn trương hoàn thành hệ thống cầu, cống trước mùa lũ lụt. Con đường này mà hoàn thành thì một vùng rộng lớn của bà con dân tộc Bana ở phía tây huyện Sông Hinh sẽ phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Nhìn hai bên đường đi, chúng tôi rất vui mừng vì thấy ngoài sắn, mía, bắp, khoai lang đang xanh tốt còn có rất nhiều vườn cà phê và cây hồ tiêu đang trong vụ mùa thu hoạch.

 

Mặc cho trời nắng như đổ lửa, nhiều thanh niên nam nữ đang thu hoạch sắn và làm cỏ mía.

 

Tôi gặp một thanh niên dân tộc Bana, anh tâm sự với tôi: “Mình vừa mới cưới vợ. Vợ mình là người dân tộc Êđê. Nó đẹp và làm việc giỏi giang lắm. Bây giờ con trai Bana có thể cưới vợ Êđê, cưới vợ Chăm; con gái Rắc Lay có thể lấy chồng Hà-Roi, hay người dân tộc nào khác cũng được. Chuyện đó ngày xưa hiếm lắm, làng nó phạt vạ chết thôi. Ngày xưa bọn giặc Pháp giặc Mỹ nó làm cho các dân tộc mình không biết đoàn kết. Ngày nay nghe theo lời Đảng và Bác Hồ, tất cả các dân tộc anh em sống trên đất nước này đều là người Việt Nam, là anh em một nhà, phải yêu thương nhau và đoàn kết chặt chẽ không được phân biệt, chia rẽ”.

 

Cũng như ông AMaThông ở xã EaBá, cụ Y Nộ ở xã Sông Hinh cũng là “một nhà sử liệu” của địa phương. Cụ nhớ lại năm 1946 mở mặt trận Hờ Roi, xã Sông Hinh là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp ngăn cản địch từ Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) xuống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà con dân tộc Bana ở xã Sông Hinh không ngại hy sinh, gian khổ đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Lớp lớp thanh niên thoát ly ra căn cứ theo cách mạng. Ở nhà, người già, phụ nữ và trẻ em tích cực trồng sắn, trồng bắp, tìm cách chuyển ra rừng để nuôi cán bộ cách mạng. Địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất.

 

Cụ YNộ phấn khởi cho biết: Đời sống của đồng bào trong xã hiện nay đủ ăn, không có hộ nào đói. Làm theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ bà con tích cực tăng gia sản xuất để xóa đói, giảm nghèo. Bây giờ mọi người đang tích cực trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Rừng bạch đàn bát ngát từ đầu xã đến cuối xã đang đến thời kỳ khai thác. Hiện giờ bà con đang bắt đầu trồng cây cao su và cây cacao. Đất này phù hợp với hai loại cây đó. Đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xã Sông Hinh đoàn kết tốt, làm việc có hiệu quả, được nhân dân tin yêu, mến phục. Cụ tâm sự: “Mình già rồi, nhưng nhìn thấy đội ngũ cán bộ đảng viên là con cháu hiện nay của xã có đạo đức, có trình độ, có nhiệt tình công tác, được bà con tín nhiệm, nên tôi rất yên tâm. Đó là nhờ sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của họ...”.

 

Kết thúc chuyến công tác ở ba huyện miền núi lòng chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và cảm động. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, bà con các dân tộc Bana, Êđê, Chăm tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường bất khuất của quê hương, nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn, đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và an ninh. Các cuộc vận động lớn như: Cải cách hành chính, Quy chế dân chủ cơ sở, Xây dựng chỉnh đốn Đảng, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, có tác động sâu sắc trong mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp cho mọi người nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Nhắc nhở họ hãy luôn luôn cảnh giác với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của bọn thù địch, xây dựng một vùng rừng núi phía tây của tỉnh vẫn là một “lá chắn” vững chắc như thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghĩa tình trọn vẹn (kỳ 2)
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA
Nghĩa tình trọn vẹn
Thứ Hai, 11/08/2008 07:30 SA
Săn ong rừng
Chủ Nhật, 10/08/2008 07:00 SA
Chuyện của một phụ nữ trẻ nhiễm HIV
Thứ Tư, 06/08/2008 17:00 CH
Ma Dốt làm lúa nước
Thứ Ba, 05/08/2008 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek