Ba huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên trong hơn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bà con làng Xí Thoại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) gặp đồng chí Văn Công - Ảnh: KIỀU HƯNG |
Các dân tộc anh em Ba Na, ÊĐê, Chăm cùng với bà con người dân tộc Kinh đoàn kết một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, vượt qua muôn trùng gian khổ hy sinh, khó khăn, ác liệt, kiên quyết chiến đấu cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Ba huyện miền núi còn là tấm lá chắn vững chắc để bảo vệ toàn diện vùng trung du và đồng bằng Phú Yên trong cuộc chiến tranh xâm lược mang tính chất hủy diệt của kẻ thù. Sự hy sinh vô cùng to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở ba huyện miền núi Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là vô cùng to lớn, có thể nói không có sử sách nào ghi chép lại đầy đủ từng sự việc, từng con người, từng tấc đất đã thấm đẫm máu và nước mắt của lớp lớp người chiến đấu và ngã xuống trên vùng đất này.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc viết và xuất bản tập truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của ba huyện miền núi Phú Yên nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên (1611 - 2011), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập Ban biên tập, phân công người chịu trách nhiệm các chuyên đề, triển khai tiếp cận thực tế để viết và xuất bản đúng kế hoạch đã định.
Nằm trong kế hoạch chung đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức một chuyến công tác “Về thăm lại chiến trường xưa” ở ba huyện miền núi để gặp lại các nhân chứng lịch sử, thăm bà con các dân tộc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo ở địa phương, nhằm thu thập thêm và kiểm tra, xác minh một cách toàn diện các tư liệu lịch sử.
Giữa tháng 7/2008, thời tiết rất khắc nghiệt, trời nắng nóng như đổ lửa, đường lên các buôn làng của xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân tuy Nhà nước đã đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn lắm “ổ voi”, “ổ gà”. Các con sông, con suối Đá Chát, Trà Ô đều cạn nước, những bụi rù rì nằm trên bãi cát héo queo.
Chúng tôi đến thôn Xí Thoại. Nghe nói có đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo của tỉnh về công tác, đặc biệt trong đoàn còn có ông Sáu Công (Cao Xuân Thiêm), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã từng đóng khố mang gùi ở đây với bà con, nên họ ùa ra đường đón tiếp, chào hỏi rất niềm nở. Bốn chị em gái ruột: La Lan Thị Hoài (73 tuổi), La Lan Thị Đào (65 tuổi), La Lan Thị Minh (63 tuổi) và La Lan Thị Mai (60 tuổi) đã từng nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ đồng chí Sáu Công trong cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Bây giờ gặp lại, cả bốn chị đều ôm chầm đồng chí Sáu Công cảm động rưng rưng nước mắt. Họ nói thật không ngờ ông Sáu Công đã ngoài 80 tuổi, chân đau, sức yếu mà còn lặn lội lên đây thăm bà con.
Ông La Mô Đức, Trưởng thôn cho biết thôn Xí Thoại trước năm 1975 thuộc về xã Phú Mỡ, năm 1980 chuyển về xã Xuân Lãnh. Chi bộ thôn Xí Thoại có 18 đảng viên, nhiều năm liền đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh. Dân làng đủ ăn. An ninh trật tự tốt. Bà con luôn đoàn kết gắn bó với nhau và chấp hành nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong thôn có 3 gia đình liệt sĩ, 2 gia đình thương binh và rất nhiều gia đình có công với cách mạng, được chính quyền địa phương chăm lo chu đáo. Nhà nước đã giúp đỡ 57 hộ có nhà mới vững chắc. Còn 30 hộ nữa sẽ được tiếp tục giúp đỡ làm nhà mới. Nhiều hộ có tivi, xe máy.
Ông Lê Văn Phúc, dân tộc Ba Na, vợ là Nguyễn Thị Ry nghẹn ngào nắm chặt tay tôi nói:
- Tôi là giáo viên cấp 1 của xã. Vợ chồng tôi có đứa con gái tên là Lê Thị Hoa, sinh năm 1983 đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên tháng 7/2007 (cả xã chỉ có cháu tốt nghiệp đại học đầu tiên) đã nộp hồ sơ về Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh xin nhận công tác, nhưng đến nay vẫn chưa được xét duyệt. Xin nhờ các đồng chí về tỉnh hỏi giùm.
Bà Sô Thị Nghiệp, chồng là La Mai Cử (nguyên Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn) suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều được ở gần đồng chí Sáu Công cho biết, ông La Mai Cử đã mất năm 1993, gia đình con cái đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì nay chẳng được hưởng chế độ, chính sách gì cả. Chắc là họ bỏ sót?
Lòng chúng tôi quặn lại, không hiểu vì lý do gì một gia đình có công với cách mạng như vậy mà các chế độ, chính sách chưa được đến với họ.
Chúng tôi đến thăm Làng Đồng, xã Phú Mỡ. Đây là làng hầu hết bà con người dân tộc Ba Na. Chúng tôi gặp già làng Ma Doãn năm nay gần 80 tuổi. Nhìn đường sá, nhà cửa hai bên đường được nâng cấp và xây dựng khá khang trang, chúng tôi rất mừng. Nhưng tình hình hiện tại thì già làng Ma Doãn cho biết:
- Ruộng lúa nước Làng Đồng vào loại tốt nhất. Hiện nay khoảng 30 hécta lúa vụ hè thu bị khô cạn, chắc không thu hoạch được hột nào. Lúa vụ trước đã hết sạch. Bây giờ bà con chỉ có ăn sắn - Ma Doãn cười hà hà - ăn sắn mà no là được rồi, miễn là còn có sắn mà ăn!
Chúng tôi hỏi về tình hình điện, nước ở Làng Đồng ra sao, Ma Doãn lắc đầu nói:
- Các đồng chí thấy rồi đấy, Nhà nước có trồng cây trụ điện dân rất mừng mà nay vẫn không có điện về làng. Còn nước ăn thì mùa này khan hiếm vô cùng. Các giếng nước trong làng khô cạn, bà con phải đi lấy nước ở suối Gấm, cách đây 4 cây số và phải trèo qua hai cái dốc cao mới đến. Mà nước ở suối Gấm bây giờ cũng bắt đầu khô cạn rồi. Trời còn tiếp tục nắng hạn chắc chúng tôi sẽ chết khát mất.
Chúng tôi hỏi:
- Trời nắng nóng thế này, bà con ra rẫy làm gì?
Già làng Ma Doãn cười thật to và nói:
- Dân làng được Nhà nước mướn đi trồng cây ca cao. Hiện nay cây đã cao 7,8 mét. Dân làng hàng ngày tập trung ra rẫy để phát chồi. Đàn ông một ngày Nhà nước trả tiền công 50.000 đồng, đàn bà 45.000 đồng. Có việc làm, lại có tiền nên ai cũng mừng, cũng vui.
Đường vào hang Võ Trứ làng Phú Đồng, xã Phú Mỡ.- Ảnh: KIỀU HƯNG |
Chúng tôi đến thăm hang Võ Trứ (hay còn gọi là khu căn cứ của Võ Trứ để chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - Phong trào yêu nước tiếp nối cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương và Nguyễn Hào Sự). Trời càng nắng gắt, đường lên hang càng khó. Chiếc xe con hai cầu (loại 7 chỗ ngồi) liên tiếp nhảy cóc, người ngồi trong xe nhiều lần muốn rơi ra ngoài. Núi rừng ở đây thật hùng vĩ. Bên trái hang Võ Trứ là dãy núi Cờ Lon, bên phải là núi Ẫm Thiên và phía sau là núi La Hiên đều đứng sừng sững, xanh thẳm, in trên nền trời cao lồng lộng, bập bềnh những tảng mây trắng đang trôi. Tại đây, năm 1963 đã xảy ra vụ thảm sát dã man bằng chất độc hóa học của Mỹ ngụy, làm chết 95 người dân (nam 40 người, nữ 45 người, trong đó người già 11, trẻ em 23) ở hai thôn nhỏ của buôn Phú Đồng.
Chúng tôi cúi đầu, nghẹn ngào đứng trước hang Võ Trứ, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những đồng bào đã khuất, trong lòng trào lên nỗi uất hận, căm thù quân xâm lược. Tội ác của chúng nó trời không dung, đất không tha. Những thế hệ con, cháu buôn Phú Đồng vẫn thường xuyên đến đây để thắp hương, tưởng nhớ người thân của họ.
Chúng tôi về thăm xã Xuân Quang I (trước đây là xã Đá Mài). Đường vào làng Bà Đậu rộng mở, hai bên rợp bóng cây xanh. Già làng La Mo Tưởng năm nay gần 80 tuổi, dân tộc Chăm vui vẻ và xúc động ôm chặt lấy chúng tôi. Thấy ông Sáu Công chân đi cà nhắc mà vẫn lên tới đây để thăm đồng bào, La Mo Tưởng chảy nước mắt và xúc động nói lập bập: “Thật không ngờ ông Sáu Công đã già và yếu, thế mà vẫn cố gắng lên đây để thăm bà con làng Bà Đậu. Thật vui mừng được gặp lại ông Sáu Công ở đây...”.
Cách mạng Tháng Tám 1945, La Mo Tưởng là người treo cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây đa cao nhất làng Bà Đậu và hô hào bà con dân làng đi khởi nghĩa. Năm 1948 La Mo Tưởng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ông là xã đội trưởng xã Đá Mài. Năm 1960 là Phó Ban an ninh Miền Tây. Năm 1964 là Bí thư Chi bộ xã Đá Mài đến năm 1972. Sau đó là thành viên Ủy ban Mặt trận huyện Đồng Xuân. Năm 1994 nghỉ hưu. Ông cho biết đời sống của bà con dân tộc Chăm làng Bà Đậu cũng như cả xã Xuân Quang I no đủ, không có hộ đói. Nước có, điện có. An ninh trật tự tốt. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Lòng yêu nước của đồng bào trước sau như một.
Đồng chí Sáu Công hỏi thăm những buôn làng: Suối Mây, Suối Trầu, Ma Hiên, Suối Đạp, Mò O, Ma Nốc, Suối Tương, Suối Cau... giáp giới với huyện Cheo Reo (Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trước đây, bây giờ bà con sống và làm ăn ra sao?
- Nhiều bà con bỏ về dưới này rồi!
La Mo Tưởng bấm đốt ngón tay tính đến 18 buôn làng - một vùng đất bề dài trên 30 kilômét, bề ngang trên 10 kilômét - nay nhiều bà con bỏ về miền xuôi. Tôi thấy ông Sáu Công rất buồn. Ông nói vùng đất của các buôn làng giáp giới với tỉnh Gia Lai mà trước đây ông đã từng bám trụ ở đó có vị trí rất quan trọng chẳng những trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà cả trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ông tự hỏi: “Một vùng đất vừa rộng, vừa tốt, tại sao bà con mình không ở trên đó làm ăn mà lại dồn về đồng bằng tất cả, để rồi sống chen chúc với nhau?”. Ông Sáu Công cho rằng chẳng những những người trước đây đã sống và chiến đấu ở vùng đất của 18 buôn làng giáp ranh phía tây hiểu rõ ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của nó, mà tất cả chúng ta đều phải nhận thức đầy đủ vị trí có tầm chiến lược của 18 buôn làng ấy. Có như vậy chúng ta mới làm tốt việc giáo dục, giúp đỡ để bà con ổn định cuộc sống trên vùng đất cũ, tránh tình trạng tiếp tục kéo nhau về đồng bằng sống chen chúc, không đủ đất để tăng gia sản xuất, mà ở trên đó thì quá trống trải. Ông Sáu Công nói, vấn đề này khi về ông sẽ có ý kiến với lãnh đạo huyện Đồng Xuân và với tỉnh để các đồng chí nghiên cứu chỉ đạo.
(Còn nữa)
TÔ PHƯƠNG