Đường lên xã Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ) thật vô cùng khó khăn. Nhưng lòng chúng tôi vẫn lâng lâng phấn khởi vì nhìn thấy hai bên đường sắn, mía đang trải một màu xanh bát ngát, báo hiệu sự no đủ của bà con. Chúng tôi hiểu truyền thống yêu nước của đồng bào dân tộc Bana ở Thồ Lồ kiên cường bất khuất, hơn 80 năm kiên quyết chống thực dân Pháp. Khi có chính quyền cách mạng của Đảng, bà con một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Chúng tôi đến thăm già làng Ma Ngoe năm nay đã 104 tuổi ở buôn Ma Quân (nay là buôn Phú Lợi). Cụ đang ngồi ở chiếc võng vải bạt trên nhà sàn, tuy tai hơi điếc, mắt đã mờ, nhưng nghe con cháu báo tin có đoàn cán bộ công tác của tỉnh đến thăm và có ông Sáu Công nữa, cụ liền chệnh choạng đứng dậy niềm nở chào hỏi mọi người. Cụ nắm chặt tay ông Sáu Công nói: “Thật không ngờ già này đã trên 100 tuổi rồi mà lại còn được gặp lại người cán bộ cách mạng Sáu Công tại đây. Vui mừng quá!”.
Hồ chứa nước Cây Đa (xã Sơn Hội) công suất tưới trên 10 ha – Ảnh: T.L |
Ông Ma Ngoe là cơ sở cách mạng từ năm 1952. Năm 1957, ông diệt hai tên ác ôn ở Vân Canh lên đây để phá hoại cơ sở cách mạng ở xã Thồ Lồ. Sau đó ông cùng ông Ma Quân, chủ làng phát động phong trào vũ trang toàn dân, xây dựng buôn làng chiến đấu đánh địch, vận động nhân dân vào rừng để bất hợp tác với địch. Năm 1959 - 1960 ông đã từng vận động nhân dân cả xã góp gạo, sắn nuôi một đại đội bộ đội chủ lực do anh Sơn làm Đại đội trưởng, anh Hoàng làm đại đội phó. Và ông cũng là người được giao nhiệm vụ bảo vệ đường dây liên lạc giữa tỉnh với Khu ủy 5. Năm 1957, ông làm Phó Bí thư Chi bộ xã Thồ Lồ, ông Sáu Công làm Bí thư. Thời gian này ông Sáu Công với cái tên là Ma Pốp, đóng khố như người dân tộc, nói tiếng dân tộc ở trong nhà Ma Ngoe để hoạt động cách mạng. Cả nhà Ma Ngoe đều hết lòng ủng hộ cách mạng. Nhớ lại kỳ họp Đại hội Đảng của tỉnh lần đầu tiên trong chống Mỹ ở tại buôn Ma Hàm sát sông Cái, chỉ cách địch khoảng một cây số đường chim bay. Với cái tài chỉ huy và vận động của Ma Ngoe, bà con cả xã Thồ Lồ vừa giữ bí mật, vừa huy động vật chất để phục vụ cho hơn 100 đại biểu họp Đại hội Đảng trong 7 ngày thành công tốt đẹp. Có một kỷ niệm sâu sắc nhất mà ông Văn Công không bao giờ quên.
Đó là vào một đêm tối trời của năm 1957, trong lúc ông Văn Công đang nằm ngủ trong nhà Ma Ngoe thì được tin cơ sở báo có một đại đội lính bảo an đang lùng sục vào nhà. Bất ngờ quá. Chúng nó đã bao vây khắp trước sân và khu vườn nhà; tiếng giày đinh chạy lộp bộp, ánh đèn pin quét qua quét lại sáng lóa, tiếng la hét inh ỏi của tên chỉ huy. Ma Ngoe bảo Ma Pốp: “Bọn địch đến trước sân rồi, hãy vào nằm chung với con Hờ Ngoe, giả vờ như vợ chồng đang ngủ, nhanh lên!”. Ma Pốp thực hiện đúng như lời Ma Ngoe bảo. Bọn địch bước lên cầu thang nhà sàn, rọi đèn pin khắp các ngõ ngách trông thấy từng cặp, từng cặp vợ chồng đang ngủ. Ma Ngoe nói đó là vợ chồng, con cháu trong nhà, nên chúng nó rút quân. Sau đó Ma Ngoe và Ma Pốp liền chạy ra sau núi đề phòng bọn địch quay trở lại. Sau hơn 50 năm nay trở lại đây, gian nhà sàn còn đấy, cụ Ma Ngoe già yếu ngồi đây. Ông Sáu Công, người cán bộ cách mạng lúc đó mới ngoài 20 tuổi đã sống ở đây như người dân Thồ Lồ, bây giờ đã ngoài 80 tuổi, đang ngồi uống nước cùng già làng Ma Ngoe. Duy chỉ có Hờ Ngoe - con gái cụ Ma Ngoe người đã cứu ông Sáu Công năm nào nay không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm xưa đầy xúc động như vừa mới xảy ra hôm nào. Xã Thồ Lồ sau hơn 30 năm giải phóng đã thay da đổi thịt.
Bà con xã |
Điện, đường, trường, trạm đã và đang được xây dựng để phục vụ đời sống của nhân dân. Mọi việc đang thay đổi và phát triển từng ngày trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Duy chỉ có tấm lòng của bà con các dân tộc miền núi vẫn như xưa. Đó là một lòng một dạ đi theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Nghĩa tình của bà con thủy chung trước sau rất trọn vẹn, không bao giờ đổi thay. Đó là truyền thống tốt đẹp và đạo lý của họ.
*
* *
Về huyện Sơn Hòa, cái nắng nóng ở Sơn Hòa oi bức và khó chịu hơn ở huyện Đồng Xuân. Đường từ thị trấn Củng Sơn qua xã Sơn Hội (có nhà tù Trà Kê của bọn thực dân để giam cầm những người yêu nước) vừa được nâng cấp nên giao thông đi lại rất thuận lợi. Những trái đồi lúp xúp hai bên đường bát ngát một màu xanh của sắn và mía. Chúng tôi về thăm bà con dân tộc Chăm ở xã Phước Tân - xã tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Năm 1950 - 1954, đây là xã vùng tạm chiếm, có trung đoàn bộ đội chủ lực 84 thường về đóng quân ở đây để chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đây là vùng căn cứ của Tỉnh ủy. Các cơ sở sản xuất, kho tàng của tỉnh đều ở tại đây. Xã Phước Tân được coi là tấm lá chắn để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng của tỉnh suốt trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Bà con trong xã không bao giờ quên tội ác của bọn lính Nam Triều Tiên đã giết hại 72 người dân đi tản cư tại chân núi Lở hồi năm 1970. Càng căm thù giặc bao nhiêu, bà con càng hết lòng hết sức bảo vệ và giúp đỡ cách mạng. Thà nhịn đói chứ đồng bào không thể để cán bộ cách mạng thiếu sắn, thiếu khoai và lạt muối.
Các đồng chí Ma Mẩn, Bí thư Đảng ủy xã, Ma Toàn, Chủ tịch UBND xã là những cán bộ chủ chốt của xã hiện nay được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, quý trọng. Đảng bộ có 65 đảng viên, đều thể hiện rõ vai trò tiền phong gương mẫu của mình, Nhiều năm liền được công nhận là đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tất cả 6 thôn buôn đều có phân trường, có điện lưới quốc gia. Trung tâm xã có trạm y tế (trạm trưởng là bác sĩ Hà Thúc Đạm, 1 y sĩ, 1 y tá và 2 điều dưỡng viên trình độ trung cấp), có bưu điện, có khu nhà tập thể cho các thầy giáo, cô giáo cấp 1 và cấp 2. Trẻ em các lứa tuổi đều được đi học. Không em nào bỏ học (lúc đầu có 8 em bỏ học vì gia đình gặp khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của địa phương và các thầy cô giáo nên các em đã đi học trở lại).
Chúng tôi đến thăm buôn Suối Ché. Ông La Trọng Loan làm công tác thương binh xã hội của xã cho biết, toàn xã có 43 gia đình liệt sĩ, 9 thương binh và nhiều gia đình có công với cách mạng, đều được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Chính phủ. Năm qua xã đã xây dựng được 9 nhà tình nghĩa và Nhà bia tưởng niệm, được nhân dân rất hoan nghênh.
Chúng tôi lại về thăm thôn Ma Y gặp ông Ma Ràng, 78 tuổi, thời kỳ năm 1961 - 1968 làm Chủ tịch xã; năm 1971 - 1977 làm Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Sơn Hòa. Rồi chúng tôi lại đến thôn Tân Hòa thăm ông Ma Phước, 70 tuổi, trước lúc nghỉ hưu là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.
Gặp cụ Ma Ngoe, 104 tuổi, ở buôn Phú Lợi xã Phú Mỡ – Ảnh: KIỀU HƯNG |
Qua lời các ông La Trọng Loan, Ma Rành, Ma Phước và quan sát thực tế ở ba thôn Suối Ché, Ma Y, Tân Hòa, chúng tôi rất phấn khởi thấy rằng bà con dân tộc Chăm ở đây không còn hộ đói. Tuy ít gạo nhưng sắn nhiều, mía tốt. Mấy năm vừa rồi sắn, mía được mùa và bán được giá nên đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Do vậy mà bà con có điều kiện dựng lại nhà cửa khá khang trang. Số gia đình có xe máy, tivi, tủ lạnh chiếm từ 70 đến 80%. Kênh phát thanh, truyền hình đã phủ kín cả 6 thôn. Bà con tự mua chảo truyền hình để có thể bắt được nhiều kênh. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng buôn làng văn hóa được bà con tự giác thực hiện các tiêu chí đã đề ra.
Rời huyện Sơn Hòa, chúng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và phấn khởi vì thấy rõ Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đang có những bước phát triển mới rất mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới, từ huyện đến các xã và các buôn làng đang phát triển không ngừng.
(Còn nữa)
TÔ PHƯƠNG