Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Chuyện của một phụ nữ trẻ nhiễm HIV
Thứ Tư, 06/08/2008 17:00 CH

“Tôi bị nhiễm HIV từ chồng 3 năm trước. Tôi biết, một số người nhiễm HIV có ý định “trả thù đời” một phần cũng do sự kỳ thị. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì bị kỳ thị. Song lẽ nào cứ lẩn tránh mãi? Tôi đã vượt qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời để sống bình yên”. Trong căn nhà nhỏ ở huyện Đông Hòa, T.T.M, một phụ nữ trẻ nhiễm HIV  mở đầu câu chuyện về mình như thế.

 

me-con-mai-080806.jpg
Người mẹ đang chải tóc cho M  – Ảnh: T.THỦY

 

NGÀY THÁNG ĐỚN ĐAU

 

“Chồng bệnh AIDS, chắc cô ấy cũng nhiễm HIV rồi!”. Lời xầm xì của các y tá như sét đánh ngang tai khiến M chết điếng.

 

Nửa tháng sau, chồng M chết vì căn bệnh thế kỷ tại quê anh (An Nhơn, Bình Định). M đau đớn nghĩ: “Rồi mình cũng sẽ như vậy sao? Sẽ về bên kia thế giới khi tuổi đời còn quá trẻ, với thân thể đầy u hạch?”. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính càng làm cho M tuyệt vọng. M biết mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Có một thời gian trước và sau khi cưới, anh vô TP Hồ Chí Minh làm thợ hồ. M không muốn truy tìm nguyên nhân khiến chồng mình lây bệnh, có biết cũng chẳng để làm gì. Cô không oán giận chồng, bởi dù sao thì anh cũng đã về nơi chín suối!

 

Biết tin, mẹ M ngất lên ngất xuống. Bà nghĩ: “Sao cuộc đời đứa con gái của mình lại bất hạnh như vậy! Mọi người sẽ xa lánh nó, xa lánh cả mình nữa thì làm sao sống được?”. Cuộc sống dường như thử thách người đàn bà này quá nhiều. Lớn lên trong cảnh mồ côi, bà lập gia đình rồi trở thành góa bụa khi chưa đầy 30 tuổi. Một mình nuôi con, giờ ở cái tuổi ngoài 60, bà còn phải nhận về nỗi đau khi đứa con gái duy nhất, đứa con mà bà nghĩ sẽ nương tựa vào khi gần đất xa trời, lại mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa.

 

Thương mẹ, có lúc M nghĩ đến cái chết. “Tôi định tự tử cho xong, vì sợ khi lâm bệnh nặng, mẹ càng khổ hơn” - M thổ lộ - “Nhưng rồi thấy đứa cháu nói trong tiếng khóc: “Cô ơi đừng chết! Cô ơi đừng chết!”, tôi đã suy nghĩ lại”. 

 

Sau khi làm tuần 49 ngày cho chồng, M đành phải đưa đứa con gái nhỏ của mình về sống với gia đình chồng. Rời xa bé N, lòng người mẹ trẻ đau như cắt. Nhưng M nghĩ: Mình đã nhiễm HIV, lại không có việc làm ổn định thì làm sao đủ điều kiện nuôi con. Hơn nữa, nếu con bé sống với mình, nó cũng sẽ bị kỳ thị, xa lánh.

 

Nhớ thương con, đêm nào M cũng khóc. Khóc đến cạn nước mắt mà lòng chẳng hề nguôi. Đớn đau như vậy song M chẳng được yên bởi bà nội bé N không chịu chấp nhận sự thật, và cứ khăng khăng rằng chính M đã lây bệnh cho con trai bà!

 

Ở quê M, nhiều người cũng xì xào bàn tán về việc cô bị nhiễm HIV, vì lúc chồng M nằm viện tại TP Quy Nhơn, có người đến thăm, sau đó về thông tin ra bên ngoài. Không chịu được sự kỳ thị, phân biệt đối xử của bà con lối xóm, M nhốt mình trong 4 bức tường. Cô nhớ lại: “Tôi đến nhà hàng xóm uống nước, vừa đi khỏi thì họ đem đổ cả thùng nước. Khi tôi ngồi sát bên ai đó, họ đều tìm cách tránh xa…”.

 

Tình cờ M nhặt được tờ rơi, biết ở Phú Yên có các điểm tư vấn phòng, chống HIV/AIDS. M lọc cọc đạp xe gần 20 cây số đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi lên Trung tâm Da liễu, nhưng không gặp được những người cần gặp. Khi M hỏi thăm, có người còn châm chọc: “Trông khỏe như vậy mà nhiễm HIV à?”. M buồn bã quay về.

 

“TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG”!

 

Trong những ngày tháng đen tối đó, M tựa vào niềm hy vọng duy nhất là con mình không mắc phải căn bệnh như cha, mẹ. Thật may mắn, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bé N không nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của M, giúp cho cô có thêm nghị lực để tiếp tục đương đầu với cuộc sống.  M tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên để được tư vấn sức khỏe, cung cấp thông tin và hỗ trợ về mặt tinh thần.

 

Thật mừng là tại đây, M gặp Nguyễn Hiệu, cán bộ phụ trách tuyên truyền của trung tâm. Cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết. Chính những lời động viên ân cần và sự chia sẻ của Hiệu giúp M có thêm nghị lực. M khao khát tìm hiểu về căn bệnh này qua tư vấn và các kênh thông tin từ báo, tạp chí,  truyền hình.

 

Mẹ của M cũng đã bình tĩnh lại sau bao tháng ngày trĩu nặng nỗi đau. Bà nói: “Giờ tôi là chỗ dựa duy nhất của con. Chia sẻ, động viên nó được lúc nào hay lúc đó. “Người sống hơn đống vàng”, còn nước còn tát. Tôi nói với nó hãy nhìn mẹ mà sống. Nó bảo: Con khỏe mạnh như trâu nè, mẹ đừng có lo! Hai mẹ con ôm nhau cười trong nước mắt”.

 

Để mưu sinh, M theo nghề mua bán phế liệu, như mẹ, mỗi ngày kiếm chừng 15.000 đồng. Cô bảo chỉ đi trong buổi sáng, còn buổi chiều nghỉ để giữ gìn sức khỏe. Từ ngày biết M nhiễm HIV, chòm xóm ít có người đến chơi, kể cả mấy người thân sống gần nhà. Nhưng M không còn thấy buồn như trước nữa. Cô tìm cách chơi đùa với mấy đứa trẻ cho đỡ nhớ đến con. Và mỗi ngày, M đều ngước nhìn bức ảnh duyên dáng của mình, thầm nhủ: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng!”

 

KHÁT KHAO ĐƯỢC SỐNG CÓ Ý NGHĨA

 

Tại hội thảo chuyên đề “Đại biểu HĐND với công tác phòng chống HIV/AIDS” mới đây ở Phú Yên, M mạnh dạn kể câu chuyện của chính mình, làm cả hội trường rơi nước mắt. Nguyện vọng của M là được góp phần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vượt qua giai đoạn khủng hoảng. M nói: Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các cô chú khác ở hội thảo hôm ấy đã giúp tôi có thêm niềm tin.

 

Tại nhà khách, M được Ban tổ chức bố trí ở cùng phòng với chị Phạm Thị Huệ, người được Tạp chí Times bầu chọn là một trong 20 Anh hùng châu Á năm 2004. Ngôi nhà của chị Huệ là địa chỉ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS của nhóm “Hoa phượng đỏ” ở TP Hải Phòng, Câu lạc bộ Mẹ và vợ. Được nghe nhân vật nổi tiếng này kể về cuộc đời, về những cống hiến cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, M ước sao mình cũng làm được một phần việc nhỏ nhoi để giúp người nhiễm HIV/AIDS vượt qua những ngày tháng đau khổ và xóa bỏ sự kỳ thị. Qua Nguyễn Hiệu, M biết hiện có nhiều phụ nữ nhiễm HIV đang rất cần sự giúp đỡ. Cô nói: Do sợ bị kỳ thị nên họ không dám đi xét nghiệm máu và âm thầm lây lan bệnh mà không biết.

 

M rất muốn tham gia vào nhóm đồng đẳng ở TP Tuy Hòa, tuyên truyền về HIV/AIDS bằng câu chuyện của chính mình. Tuy nhiên, nơi cô ở cách TP Tuy Hòa gần 20 cây số, mà phương tiện đi lại của M chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch.

 

Biết M nhiễm HIV, có người nói: “Tao mà như mày thì sẽ làm cho khối thằng đàn ông biết thế nào là đau đớn”. Nhưng M nghĩ khác: Nếu mình truyền bệnh cho họ, họ sẽ lây cho vợ, cho con. Để rồi những phụ nữ vô tội trở nên bất hạnh; những đứa trẻ vô tội sẽ không nơi nương tựa, bao bọc. Lúc ấy, mình chết đi cũng còn mang tội.

 

Nếu có công việc, thu nhập ổn định, M không ngần ngại xuất hiện trước công chúng, chia sẻ và giúp đỡ những chị em cùng cảnh ngộ. Một chiếc xe để đi đến gõ cửa những ngôi nhà bất hạnh, động viên những người nhiễm HIV vượt  qua bệnh tật là điều M đang mong ước.

 

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Trần Văn Tý:

 

Không chỉ ở lĩnh vực y tế mà cả trong lao động việc làm, người nhiễm HIV/AIDS chưa được đón nhận như những người bình thường khác. Sự kỳ thị làm cho cuộc sống tinh thần, tình cảm của họ bị xáo trộn. Cần ủng hộ ý tưởng của M, cần hỗ trợ, giúp đỡ M để cô ấy trở thành một truyên truyền viên đồng đẳng tích cực, giúp xóa bỏ mặc cảm và xoa dịu nỗi đau khôn cùng của những người mắc phải căn bệnh thế kỷ.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ma Dốt làm lúa nước
Thứ Ba, 05/08/2008 07:30 SA
“O du kích nhỏ” ngày ấy, bây giờ
Thứ Ba, 29/07/2008 07:32 SA
Vi tính... về buôn
Thứ Bảy, 26/07/2008 07:01 SA
Sắt son một lọn tóc thề
Thứ Sáu, 25/07/2008 07:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek