Cái tên Ma Dốt giờ đây đã quá quen thuộc với người dân xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. Mọi người biết đến anh như một người đầy bản lĩnh vượt qua lầm lỗi, mặc cảm tù tội, vươn lên làm giàu trên quê hương mình, bằng đôi bàn tay cần cù lao động...
Ma Dốt với thành quả lao động của mình |
ĐẮP ĐẬP LÀM LÚA NƯỚC
Cuối năm 2007, bà con ở thôn Bưng A nói riêng và cả xã Ea Lâm nói chung trầm trồ kinh ngạc trước cách làm kinh tế của vợ chồng Ma Dốt. Trong tay không có tiền, Ma Dốt đã thuyết phục vợ bán đi 8 con bò và xoay xở đủ 27 triệu đồng để thuê máy đào rãnh, đắp đập ngăn dòng suối nhỏ làm hồ tích nước, san ủi đất thành ruộng để cấy lúa nước. Với hơn 2 sào ruộng, vụ xuân hè năm nay anh đã thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 1 tấn lúa, bằng hơn nửa héc ta lúa rẫy, lãi trên 5 triệu đồng. Ở cái hồ có diện tích mặt nước hơn 500m2, anh thả 5 kg cá giống, chủ yếu là cá chép, trê và rô phi, dự kiến sẽ thu hoạch trước mùa mưa năm nay.
Ngoài ra, trên diện tích đồi gần 5ha, Ma Dốt đã trồng rất nhiều loại cây khác nhau, gồm 2.000 cây bạch đàn chủ yếu ở bìa rẫy, 150 cây điều đã cho thu hoạch, gần 1ha mè. Xen kẽ dưới cây điều anh trồng thêm 7 sào mì, 4 sào bắp và 3 sào đậu phộng. Tính đến thời điểm này, anh thu lãi từ lúa, mè, điều được gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ma Dốt trồng hơn 2 sào cỏ để vỗ béo cho 13 con bò. Chỉ vào những con bò, anh nói: Đây là nguồn phân hữu cơ để bón cho ruộng lúa nước và cây ngắn ngày. Ma Dốt cũng đã xây xong chuồng chuẩn bị nuôi heo lấy phân để làm hầm biogas thu chất đốt. Một mô hình VACR (vườn-ao-chuồng-rừng) đang dần hình thành dưới bàn tay cần cù lao động của vợ chồng Ma Dốt.
Câu chuyện đắp đập làm lúa nước của Ma Dốt rất “ly kỳ” và cũng đầy chông gai. Ít ai nghĩ rằng Ma Dốt, người từng có một thời lầm lỗi, đi chệch hướng lại có ý tưởng táo bạo đến vậy. Ma Dốt kể, mấy năm trước anh bị kẻ xấu lôi kéo theo đạo Tin lành Đề Ga. Họ rủ anh vượt biên qua Campuchia rồi sang nước thứ ba để tìm sự giàu có sung sướng. Ma Dốt cứ nghĩ đi một thời gian kiếm tiền để có vốn làm ăn, ngờ đâu mình bị lừa phỉnh. Hai năm trong trại giam ở Thanh Hóa, Ma Dốt được cán bộ dạy cho cách làm lúa nước.
Từ trại cải tạo về, thấy vợ yếu, hai đứa con còn nhỏ, Ma Dốt càng thương, càng ân hận đã đi sai đường. Rồi anh đi làm thuê làm mướn kiếm tiền lo cho con ăn học. Đi làm thuê ngày có ngày không, tính đi tính lại cũng chẳng được bao nhiêu. “Qua nhiều đêm suy nghĩ, mình quyết định làm lúa nước” - Ma Dốt kể. Anh phải mất nhiều đêm thủ thỉ, thuyết phục vợ. Nói mãi rồi Mí Dốt cũng nghe ra và đồng ý. Còn Tun Mùi, mẹ vợ của Ma Dốt thì cương quyết phản đối. Thấy Ma Dốt “không chịu nghe lời”, bà tức giận bỏ đến nhà người con khác ở.
THẮP SÁNG NIỀM TIN
Trong niềm vui vì những gì mình ấp ủ đã thành hiện thực, Ma Dốt nhắc nhiều đến anh Nghĩa (Chủ tịch xã), Y Đen (Phó chủ tịch) và Ma Loan (Phan Đình Thế). Ma Dốt kể: “Lúc thực hiện ý tưởng, mình vẫn còn phân vân lo lắng. Nhưng sau khi nghe mình trình bày, anh Nghĩa, anh Y Đen bảo đây là mô hình tốt, cứ làm đi, xã sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Lúc đó mình mới yên tâm bắt tay vào làm”. Anh Phan Đình Thế, cán bộ xã Ea Lâm được cử xuống giúp đỡ Ma Dốt làm kinh tế. Anh Thế là người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, lại rất hiểu tập tục của người Ê Đê và được Ma Dốt gọi bằng cái tên thân thương là Ma Loan.
Hôm chúng tôi đến trang trại của Ma Dốt thì gặp Ma KRí, người cùng ở buôn Bưng A đến tham quan mô hình này. Hai anh đang mồi nước vào ống để xả vào ruộng. Ma KRí nói: “Sau khi đi cải tạo về, thấy mô hình lúa nước của Ma Dốt dễ làm, đem lại hiệu quả, mình cùng với vợ đắp đập bằng bao đất để làm lúa nước. Nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn, đập đã bị phá vỡ, trôi hết”. Ngừng một lát, Ma KRí nói tiếp: “Trước đây mình bị kẻ xấu lợi dụng, bây giờ chỉ muốn ở nhà làm kinh tế cùng vợ con. Mình muốn làm như Ma Dốt lắm!”.
Ma Dốt cho hay: Khi thấy mình đắp đập, bà con rất lo ngại, sợ đập bị vỡ. Còn bây giờø, thấy mình có ít ruộng mà được nhiều lúa, ai cũng tới thăm và muốn làm, như Ma Oanh, Ma Trô, Ma TLóa, Ma Mứt, nhưng họ chẳng có vốn. Họ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn.
Ma Dốt vẫn còn nhiều dự định. Sắp tới, anh sẽ hoàn chỉnh mô hình VACR, mở rộng diện tích lúa nước lên khoảng 5 sào. Ma Dốt tâm sự: “Có sự giúp đỡ ân cần của cán bộ xã Ea Lâm, làm được lúa nước, mình mừng lắm. Giờ mình chỉ muốn làm ăn thôi”.
Người đàn ông Ê Đê này không lúc nào hết việc. Hôm nào không làm cỏ, bón phân thì anh lại san ủi ruộng lúa. Buổi tối, Ma Dốt đến nhà Ma Loan nói chuyện, học hỏi cách làm kinh tế VACR.
Phó Chủ tịch xã Ea Lâm Y Đen cho biết: “Đa số người dân ở đây sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp, bấp bênh, nên chưa kích thích được sự hăng say lao động, dẫn đến hay tụ tập, rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo Tin lành Đề ga. Từ hiệu quả mô hình lúa nước của Ma Dốt, chính quyền xã sẽ nhân rộng để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, cái khó nhất của Ea Lâm là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Bà con Ê Đê ở đây rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành ở huyện, tỉnh...”
TRƯỜNG SINH - VĂN THÙY