Thứ Năm, 28/11/2024 06:27 SA
Săn ong rừng
Chủ Nhật, 10/08/2008 07:00 SA

Giữa trưa, Khoa lặn lội chạy nhanh đến khe nước nhỏ ngay vách núi, đàn ong ruồi xuống lấy nước cất cánh vù vù rồi bay về phía núi xa, Khoa theo hướng ong bay tìm ra tổ của chúng.

 

Không chỉ săn ong ruồi, lấy mật ong ruồi, mật ong thế mà dân sành ong bây giờ săn cả ong vò vẽ. Có điều, nghề săn ong bây giờ không nuôi sống được nhiều người như trước.

 

DOT-ONG-080807.jpg

Trần Viết Nghĩa đang đốt tổ ong vò vẽ trong tán xoài rậm rạp  - Ảnh: LY KHA

 

THEO CHÂN THỢ SĂN ONG

 

Anh bạn tôi hăm hở báo tin, “mày tới đây nhanh lên theo tao đi đốt ong vò vẽ”. Thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ bị ong vò vẽ đốt thì có chứ biết lấy loại ong tổ đất này về làm gì. Theo chân nó đến nhà anh Trần Quang Nghĩa thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu) đã thấy anh Nghĩa chuẩn bị một mớ khăn, dầu lửa và một đoạn dây thép. Cả bọn len lỏi dưới bạt ngàn những tán lá dừa mà chỉ vài phút, tôi không còn biết đường ra là đâu. Vậy mà sau một hồi luồn lách như mê cung, cả bọn còn phải nhờ tới anh Trần Văn Khoa, một thợ săn ong chuyên nghiệp dắt đi. Lại ngoằn ngoèo trong những con đường nhỏ hẹp, chúng tôi lọt thỏm vào một khu dân cư thưa thớt nằm trong một khe núi hẹp giữa dãy hòn Ngang và hòn Bồ. Trên đường đi, anh Nghĩa đã phải trổ tài nói dối từ chối không biết bao nhiêu cuộc điện thoại mối làm ăn hái ra tiền, vì anh là chủ một xưởng cưa xẻ gỗ.

 

Ngay cạnh một nhà dân, trên tàu lá dừa khô là một tổ ong vò vẽ. Tổ ong xám xì, được ong đắp bằng đất. Anh bạn tôi (tên là Trần Viết Nghĩa), nối cây đủ cao để với tới tổ ong, xong anh dùng dẻ khăn quấn vào đầu cây nối, đổ dầu lửa lên rồi đốt. Nghĩa cầm cây đuốc huơ quanh tổ ong, cả đám ong bay ra ngoài. Nghĩa dùng cây khèo tổ ong rớt xuống đất, cả hai người cùng tên mặt hăm hở túm lấy những sáp ong đổ ra, bên trong còn lúc nhúc những con ong sữa trắng nõn cho vào bị ni lông.

 

Nhóm người bắt ong lại băng qua một con suối nhỏ, leo lên núi hòn Ngang. Ở lưng chừng núi, Khoa chỉ cho Nghĩa một tổ ong vò vẽ nằm ẩn sâu bên trong một tán xoài rất lớn, những phần việc của một tay săn ong lại bắt đầu.

 

Theo chân Khoa ngược về phía núi hòn Ngang, lần hồi rất lâu mới phát hiện được một tổ ong ruồi. Vẻ mặt hân hoan, Khoa thoăn thoắt leo lên cây, vươn ra cành có tổ ong. Nghe động, cả ngàn con ong bắt đầu vo ve bay vù vù kín cả một lùm cây to. Tay “thợ săn” vẫn tỉnh như… ruồi, ung dung mở bao thuốc lá, bật diêm đốt. Sau mấy hơi thuốc lấy đà, Khoa hít một ngụm khói lớn lần dò tay vào tổ ong và đưa miệng hun khói thuốc theo từng động tác của đôi tay chuyên nghiệp. Chỉ một loáng, tổ ong đã nằm gọn trong bị của Khoa, mặc cho đàn ong phủ kín cả thân người, Khoa xuống đất mà không một vết ong chích. Khoa vui vẻ nói: “Bốn ngày rồi mới có được tổ ong này, lần này về vợ đã có tiền chợ rồi. Tìm ong ngày càng khó, buổi sáng thì cứ phán đoán rồi đi bừa, đi mãi vào trong rừng sâu núi thẳm tìm trên những tán cây, trưa thì tìm những khe nước đọng ở vách núi để tìm ong lấy nước rồi theo đó mà tìm ra tổ của chúng. Nếu vẫn không tìm thấy thì chờ đến khi mặt trời nghiêng bóng buổi chiều để dõi mắt ngược với ánh mặt trời thì sẽ tìm thấy tổ ong. Đó là những mánh tìm mồi của những thợ săn ong rừng”.

 

ONG-VO-VE-080807.jpg

Chiến lợi phẩm: ong sữa dùng xào chuối, xào măng, nấu cháo; sáp ong dùng bón phân cho hoa, cây cảnh -  Ảnh: LY KHA

 

THỢ SĂN ONG KHÓ SỐNG VỚI NGHỀ

 

Theo lời kể của Khoa, anh học nghề săn ong rừng từ người cậu ruột của mình là ông Nguyễn Văn Phụng, ở cùng thôn. “Cách đây nhiều năm, dù giá mật ong ruồi khá rẻ, từ 100.000, 200.000, rồi 300.000 đồng/lít nhưng nghề săn ong cũng dễ sống, thợ săn ong đi một ngày có thể kiếm được một, hai tổ ong. Không như bây giờ, đã bốn ngày mới tìm được một tổ cũng là may lắm chứ mấy hôm nay, vợ ở nhà cứ bảo xem có ai thuê việc gì thì làm cho rồi, đi mấy ngày mà tiền đi chợ không có thì lấy gì sống!”.

 

Tại Thạch Khê, thợ săn ong đã bỏ nghề hết, chỉ còn lại cậu cháu Khoa, nhưng người vẫn hay tìm ong hằng ngày chỉ có mỗi Khoa. Đồ nghề của thợ săn ong gồm một đôi găng tay dày, một chiếc áo dài tay mang theo người, một chiếc mũ được phủ vải mùng dài đủ khi đội lên, vải mùng che kín dưới vai. Tuy nhiên, những đồ nghề này rất ít khi được những thợ săn chuyên nghiệp như Khoa dùng tới. Đồ nghề chỉ được dùng khi thợ săn gặp phải những tổ ong thế loại dữ. Đối với thợ săn chuyên nghiệp, chỉ khi nào bị “con mồi” phản kích, họ mới quay trở lại để dùng tới đồ nghề. Trường hợp này, giới săn ong gọi là gặp ong dữ, thường chỉ với loại ong thế. Nếu không mang theo đồ nghề, chỉ còn một cách là chờ đến tối. Buổi tối ong sẽ không thấy đường và không đốt được người nên bắt dễ, chỉ khó ở chỗ buổi tối đi đường rừng trở về khó khăn hơn. Khoa còn kể rằng, sư phụ dạy nghề cho anh còn chỉ cách dùng ong để đánh giặc. Đó là bắt nguyên tổ ong vò vẽ, ong thế đặt phục kích dưới đất trên đường địch sẽ đi qua. Nếu dẫm phải tổ ong, địch chỉ còn biết vứt cả súng ống mà chạy, ta chỉ việc thoải mái mà đánh. Ngày xưa, không ít lần dân trong vùng dùng cách này để đuổi địch. Nhưng ngược lại, dân săn ong cũng rất ngại dẫm phải ong được làm tổ dưới đất mặc dù nếu phát hiện được, bắt những tổ ong này rất dễ.

 

Mật ong ở vùng Xuân Lộc được xem là một trong những sản phẩm mật có chất lượng tốt nhất trên cả nước hiện nay và được mua với giá 500.000 đồng/lít mật ong ruồi và 300.000 đồng/lít mật ong thế, đây là giá cao so mật ong ở những vùng khác. Chất lượng mật ở đây được giới mua bán mật đánh giá cao là nhờ vào sự khắc nghiệt của vùng đất này. Dãy hòn Ngang và hòn Bồ kéo dài về phía tây giáp ranh với vùng núi cao thuộc xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) và huyện Vân Canh (Bình Định). Cả một vùng rừng núi rộng lớn không có những loại cây do người trồng cho nhiều hương, mật như các loại hoa, mía… nên mật ong vẫn được tích tụ từ những loại hoa rừng dại còn sót lại trên vùng đất khô khốc, cằn cỗi.

 

Thế nhưng vì số lượng ong rừng ngày càng khan hiếm nên thợ săn ong ngày càng khó sống với nghề. Khoa nói: “Ong ruồi ngày càng bị dạt về những vùng núi hẻo lánh xa xôi chứ không như trước, bước chân ra ngõ gặp ngay tổ ong có mật. Nguyên nhân của tình trạng này là khi nghề nuôi ong tại nhà phát triển đã đẩy nghề bắt ong rừng lâm nguy. Ong nuôi lấy mật được nhập giống từ Ấn Độ, loại ong này to xác và hung dữ hơn rất nhiều so với loại ong ruồi hiền lành truyền thống của nước ta nên vùng nào có ong nuôi thì ong rừng phải tìm chốn “ẩn thân” nơi khác vì thường xuyên bị tấn công khi “chạm trán” với ong Ấn Độ và phần thua cuộc trong cuộc chiến giữ quyền lãnh thổ luôn luôn thuộc về ong rừng”.

 

LAM-DUOC-080807.jpg

Anh Trần Quang Nghĩa và Trần Viết Nghĩa làm đuốc đốt ong - Ảnh: LY KHA

 

MÓN NGON VÀ NHỮNG HIỂM HỌA KHÓ LƯỜNG

 

Ngay với tổ ong vò vẽ thứ hai mà hai anh Nghĩa quyết tâm bắt mà đành phải bỏ cuộc vì Nghĩa đã bị ngay hai mũi tiêm chích vào đầu và tay. Ngay sau khi bị đốt, Nghĩa biết đã gặp phải “mồi dữ” nên nhanh chóng ném ngọn đuốc dài xuống đám lá khô ngay dưới gốc cây xoài. Sau một hồi nghĩ ngơi, cả đoàn quay về, tới nhà, cả mặt mũi, mình mẩy của Nghĩa đã nổi mẩn, dị ứng đỏ lựng từ đầu tới chân. Ngay lập tức phải gọi y tá trong vùng tới tiêm cho Nghĩa 2 mũi thuốc, hơn 2 giờ sau, Nghĩa mới bình thường trở lại được.

 

Anh Trần Quang Nghĩa kể, chuyện bị ong đốt ở vùng này xảy ra như cơm bữa. Cứ vài ngày lại có trường hợp bị ong đốt phải gọi y tá.

 

Vẫn tò mò với câu hỏi, ong vò vẽ được dùng để làm gì mà vì nó có người bỏ cả mối làm ăn hái ra tiền, sẵn sàng bị đốt đến phải tiêm thuốc chống dị ứng, trợ tim… Sau khi Nghĩa khỏe lại, mọi người bắt đầu xắn tay áo bắt những con ong non sữa trắng tinh đem xào với cây chuối non, bắp chuối, măng rừng; một phần dùng để nấu cháo… Anh Trần Quang Nghĩa cho biết đây là những món đặc sản mà không phải ai cũng biết, chỉ những người sành ăn ong như anh mới biết và cũng không dám phổ biến nhiều chỉ vì sợ… hết ong.

 

Những con ong sữa béo ngậy, có mùi đặc trưng không lẫn với bất kỳ món ăn nào trên cõi đời này làm cho ai nếm cũng phải tặc lưỡi thầm khen những người đã phát kiến ra món ăn độc đáo này. Cùng với rượu đế, cháo ong vò vẽ, ong vò vẽ xào chuối, xào măng đáng được liệt vào hàng những món ăn thượng hạng nhất. Riêng những con ong đã có đốt sống lưng đen chạy dài bên trong mình sữa hoặc đã bắt đầu có cánh được dùng để ngâm rượu uống chữa một số loại bệnh thông thường, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

 

Ngon là vậy nhưng nếu xảy ra sự cố thì dân săn ong phải trả giá đắt. Ngoài việc bị ong đốt có thể lâm nguy đến cả tính mạng, nhiều người bắt ong bị ong đốt đã vứt cả đuốc mà chạy, đuốc bén lửa với lá khô gây ra cháy rừng. Ít thì bồi thường cho chủ rừng, nhiều thì bỗng nhiên trở thành người vi phạm pháp luật.

 

LY KHA – XUÂN HUY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện của một phụ nữ trẻ nhiễm HIV
Thứ Tư, 06/08/2008 17:00 CH
Ma Dốt làm lúa nước
Thứ Ba, 05/08/2008 07:30 SA
“O du kích nhỏ” ngày ấy, bây giờ
Thứ Ba, 29/07/2008 07:32 SA
Vi tính... về buôn
Thứ Bảy, 26/07/2008 07:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek