Thứ Năm, 03/10/2024 09:41 SA
Nhà thơ Lê Bá Dương - người chiến sĩ ấy
Thứ Tư, 30/07/2008 07:30 SA

Trong chuyến công tác tại Nha Trang mới đây, tôi ở chung với nhà báo, thượng tá Đoàn Hoài Trung (Báo Quân Đội Nhân Dân). Một sáng, anh Trung rủ tôi đi cà phê với “một nhân vật đặc biệt”, trên đường đi anh cho biết đó là Lê Bá Dương. Tôi ồ lên thích thú và hỏi: Có phải ông Lê Bá Dương Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ không? Chặng đường đến điểm hẹn không xa nhưng trong đầu tôi đã hình dung về ông thật nhiều.

 

MỘT NGƯỜI “CÓ MÃI TUỔI HAI MƯƠI”

 

Le-ba-Duong-1-080730.jpg

Nhà thơ Lê Bá Dương tại Trường Sa

Dù đọc nhiều bài báo đã viết về ông, lên Google để search (tìm kiếm) tên Lê Bá Dương thì nhận được vô vàn thông tin về tác giả của Lời người bên sông, nhưng chỉ khi gặp mặt, tay bắt mới cảm nhận hết một con người. Ông Lê Bá Dương ngồi trước tôi đó ư? Không tin được! Một người nhỏ nhắn, ôn hòa và cởi mở lại trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ khi chỉ mới 15 tuổi 49 ngày! Một người mang đầy thương tích của chiến tranh lại cực kỳ điềm đạm, luôn nở nụ cười trên môi… Và lại là tác giả của những vần thơ ám ảnh như chiếc cầu nối tâm linh giữa hai cõi âm dương: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn có bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm (Lời người bên sông). Khi nghe tôi đọc bài thơ này, ông Lê Bá Dương nhỏ nhẹ: Bài này tôi viết vào ngày 27/7/1987, khi về lại bên sông Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội cũ. Đến nay, Lời người bên sông có nhiều dị bản lắm. Nguyên văn: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

 

Một bài thơ có nhiều dị bản thì như thế nào nhỉ? Phải chăng bài thơ đó đã có đời sống của ca dao, được truyền khẩu trong dân gian. Cách làm thơ của ông Lê Bá Dương cũng gần giống như các cụ làm ca dao vậy. Thường thì xúc cảm trước sự kiện nào đó, tứ thơ hình thành trong đầu để rồi bật thành vần điệu. Ông Lê Bá Dương làm thơ trong đầu và ghi nhớ chứ  ít khi viết ra giấy nên các sáng tác của ông rất ngắn gọn. Hơn nữa, thơ của mình mà mình còn không thuộc, không rung cảm thì làm sao lay động tâm hồn người. Bài thơ này đã được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

 

Ông Lê Bá Dương hiện đang làm báo (Báo Văn Hóa) thường trú tại Khánh Hòa, xét về tuổi đời tôi phải gọi ông bằng chú. Nhưng nhiều lần gọi như vậy đều “được” ông nhắc nhở: Gọi bằng anh đi, tớ còn trẻ mà. Cậu là đồng nghiệp của tớ, gọi chú nghe khoảng cách lắm! Vâng, thưa anh Lê Bá Dương, anh rất trẻ như thể luôn “có mãi tuổi hai mươi” bên mình. Tuổi hai mươi đó không những của chính anh mà còn của bao người đã ngã xuống anh luôn nâng niu gìn giữ.

 

CÂY SÚNG, CÂY BÚT ĐỀU LÀ VŨ KHÍ

 

Năm 1972, trên đường hành quân vào Nam đi ngang nhà dân, một cô bé đã hỏi “chàng lính” Lê Bá Dương: Chú ơi, sao quân Giải phóng Bắc Quảng Trị lại gọi là quân “Cơm Bắc, giặc Nam?”. Chàng lính Lê Bá Dương trả lời bằng cách viết vội vào tờ giấy vở học trò của cô bé: Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in màu đất hai miền. Hơn 30 năm sau, cô bé ngày xưa gặp lại “chàng lính” năm nào trao trả tờ giấy đã úa màu có hai “câu đối” trên. Nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính cho rằng hai câu ấy là tuyên ngôn hay nhất về người lính giải phóng Bắc Quảng Trị và của cả người Vĩnh Linh - một thời giới tuyến Quảng Trị.

 

Sau chiến tranh, anh Lê Bá Dương chuyển sang cầm bút và cầm máy chụp hình với tư cách nghệ sĩ nhiếp ảnh để tiếp tục chiến đấu trên trận tuyến mới. Dù ở trận tuyến nào, khẩu súng và cây bút của anh đều ngắm về phía kẻ thù hại dân, hại nước. Trong những ngày ở Nha Trang cùng anh tác nghiệp, cảm nhận của tôi về anh là một con người luôn sôi sùng sục trước những vấn đề. Nói như thế không có nghĩa anh lúc nào cũng hăng say “đánh đấm”, ngược lại trong anh luôn hiện hữu một khoảng trời nhân văn để hít thở, đắm mình trước khi cầm bút.

 

Lê Bá Dương dù làm thơ, nhiếp ảnh hay làm báo… thì tinh thần chiến đấu trong anh vẫn được đặt lên hàng đầu. Anh chiến đấu để cái xấu cúi mặt xuống, để cái đẹp, cái thiện ngẩng mặt lên dưới ánh mặt trời cho cuộc đời lung linh hơn. Nhiều lần bị “cái xấu” bắn  tin “nhắc nhở”, thậm chí bóng gió đến cả việc xấu nhất đe dọa đến mạng sống, anh điềm tĩnh trả lời: “Khi đổi từ cây súng sang cây bút, tôi cũng đã tự nguyện chấp nhận cái “khả năng xấu nhất có thể này” để chuẩn bị cho mình những phương án hữu hiệu nhất có thể, để trong bất cứ tình huống nào dù rằng có thể bị “thương vong” thì tôi vẫn là tôi - đã sống và đang vẫn sống như đã sống, tiếp tục cầm bút: Viết bằng tấm lòng của một con người, bằng trách nhiệm của một công dân nhà báo; bằng phẩm chất của một đảng viên cộng sản chân chính; bằng ý chí và kỹ năng của một người lính!”. Đó chính là tính cách, khí tiết của người chiến sĩ ấy.

 

Le-Ba-Duong-2-080730.jpg

Chiến sĩ Lê Bá Dương được tuyên dương trên báo - Ảnh: TƯ LIỆU

 

YÊU QUẢNG TRỊ ĐẾN VÔ CÙNG

 

Anh Lê Bá Dương được nhiều đồng đội cũ và đồng nghiệp làm báo gọi là: Người thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn. Ngày 27/7 năm nay cũng thế. Anh và cô con gái út đã ra Quảng Trị để thả hoa trên sông nhớ những đồng chí đã hy sinh và gặp mặt đồng đội cũ. Ngoài chuyện hương hoa cho đồng bào, đồng đội, lần này anh còn lo thêm về công tác tổ chức giúp đồng bào xã Gio An khánh thành ngôi đình và bia tưởng niệm các liệt sĩ tại làng Gia Bình. Ngôi đình thoạt đầu được một nhà tài trợ ủng hộ 100 triệu đồng xây bia liệt sĩ, nhưng anh cùng đồng đội là thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bàn bạc và đề nghị nhà tài trợ xây cho làng một ngôi đình trên chính vị trí ngôi đình cũ đã bị hủy hoại thời chiến tranh và gửi tấm bia liệt sĩ trong khuôn viên đình. Anh bảo: Thờ liệt sĩ tốt nhất là thờ trong lòng dân, làng có hương thì anh em có hoa… đời đời không bao giờ mất giỗ. Dĩ nhiên với tấm lòng ấy, nhà tài trợ đã đồng ý và nâng mức tài trợ lên để công trình đình làng cùng nhà bia liệt sĩ  được hoàn thành, kịp khánh thành vào ngày 27/7/2008.

 

Trên trang blog của mình, câu slogan anh viết: Một người lính Xứ Nghệ yêu Quảng Trị đến vô cùng. Gần như năm nào anh cũng về Quảng Trị, phải dùng từ “về” vì đến Quảng Trị với Lê Bá Dương như là về quê mình. Nhiều người quê Quảng Trị nói rằng: Ông Lê Bá Dương yêu Quảng Trị còn hơn khối người chôn nhau cắt rốn ở Quảng Trị. Tình yêu Quảng Trị của Lê Bá Dương không chỉ là tình yêu một vùng đất đã gắn chặt “tuổi hai mươi” của mình vào đó. Hơn thế, đó là tình yêu không thể diễn đạt bằng lời, tình yêu ấy như nước sông Thạch Hãn “vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. 

 

TRẦN HOÀNG NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“O du kích nhỏ” ngày ấy, bây giờ
Thứ Ba, 29/07/2008 07:32 SA
Vi tính... về buôn
Thứ Bảy, 26/07/2008 07:01 SA
Sắt son một lọn tóc thề
Thứ Sáu, 25/07/2008 07:57 SA
Nơi bảy dân tộc anh em chung sống
Thứ Tư, 23/07/2008 07:33 SA
Kỳ II: Quán Trang: “Bảy ngày ba trận”
Thứ Ba, 15/07/2008 07:28 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek