Thứ Ba, 01/10/2024 11:20 SA
Người gắn tên với cây, với rừng
Thứ Hai, 10/04/2006 08:32 SA

Nhiều người “tròn mắt” khi thấy cách làm trang trại của vợ chồng ông “trùm”, bởi ở Phú Yên hiếm khi có người dám làm một trang trại “khổng lồ” như vậy. Bây giờ, vùng đất đồi hoang hóa cỏ tranh của buôn Quen (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) ngày nào đã trở thành nơi “hái ra tiền” của vợ chồng anh, “chỉ có thu chứ không có chi nữa” như lời anh nói. Mà thu bao nhiêu? “Chừng trăm hai, trăm rưởi triệu mỗi năm thôi”!

 

060410-lam1.jpg

Anh Cao Nguyên Lâm đang kiểm hàng để xe chở sắn lát từ trang trại đi tiêu thụ - Ảnh: Khương Duy

 

Con đường nối trung tâm xã Ea Bar với buôn Quen chỉ toàn đất đỏ lởm chởm nhọc nhằn, bụi bặm, hoang vắng không một mái nhà, băng qua vài con suối nhỏ và chập chùng đồi núi. Vậy mà vết xe tải hằn ngang dọc lên mặt con đường có chiều dài hơn 3 cây số đó. Đường vắng người đi, chỉ thi thoảng có một chiếc xe tải từ trong núi ra, lặc lè những bao sắn khô chất cao ngất ngưỡng, phì khói đen chầm chậm nhích tới. Ở cuối đoạn đường ấy là màu xanh. Xanh mơn mởn, xanh đến mát mắt, xanh đến quên cả những mỏi mệt của đoạn đường đã trải qua. Khi gặp được màu xanh ấy là đã đến trang trại của anh Cao Nguyên Lâm, người mà nói như Chủ tịch UBND xã Ea Bar Ma Rin: “Tên ổng bây giờ cả huyện Sông Hinh này ai cũng biết hết”.

 

“CHẾT” TÊN VỚI CÂY, VỚI RỪNG

 

* Phó Chủ nhiệm Uûy ban Kiểm tra Huyện ủy Sông Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bùi Đức Bình:

 

Điều đáng trân trọng ở Cao Nguyên Lâm là ngoài việc sản xuất kinh doanh giỏi, anh còn sẵn sàng giúp đỡ về kinh nghiệm mọi mặt cho những người xung quanh. Việc tạo công ăn việc làm ổn định, trả công cao và sòng phẳng của Lâm cũng là điều rất cần đối với việc phát triển trang trại của Sông Hinh

 

* Phó Chủ tịch Hội Nông dân Sông Hinh Nguyễn Bằng:

 

Nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy mô hình kinh tế trang trại của Cao Nguyên Lâm rất có hiệu quả. Nét mới ở trang trại này là sản xuất nhiều loại cây, con để “lấy cái này nuôi cái kia”. Đáng ghi nhận nữa là Cao Nguyên Lâm rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại khác và biết ứng dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên trang trại cho hiệu quả rất cao.

 

NGỌC CƯỜNG (ghi)

Bên cạnh màu xanh bạt ngàn của cà phê, sao su, xà cừ... trang trại của Cao Nguyên Lâm hiện ra như một ngôi làng vùng cao êm đềm. Cả khu “trung tâm” có 3 nhà sàn làm theo kiểu của người Ê-đê, bằng gỗ, mái ngói; chỉ khác là cầu thang lên nhà làm rộng rãi, dễ đi. Trời đã sắp đứng bóng. Nắng tháng tư chan chát nhưng vợ chồng Cao Nguyên Lâm vẫn đội nón cời đứng kiểm hàng để nhân công đưa những bao sắn khô lên xe tải chở đi Bình Định. Trang trại đang vào mùa thu hoạch sắn, từ tháng Giêng âm lịch đến nay. Đàn ông con trai được huy động để đưa những bao tải sắn lên xe, còn phụ nữ thì xắt lát sắn tươi vừa thu hoạch về. Chừng hơn chục con người quây quần nhau làm việc rất có không khí.

 

Cao Nguyên Lâm, chủ trang trại trông già hơn cái tuổi 48 của anh. Tóc muối tiêu trắng nhiều hơn đen, da ngăm, ra chất nông dân thứ thiệt với vẻ mặt hiền lành, thật thà, chất phác. Trong ngôi nhà sàn lộng gió, rót chén trà xanh trồng ở trang trại vừa mới nấu sôi, Cao Nguyên Lâm nói như phân trần: “Việc của trang trại có suốt ngày, lúc nào cũng lu bu. Tôi ở với cây cối nhiều hơn ở trong nhà này”. Cũng lạ, cái tên cha mẹ đặt cho anh tưởng tình cờ vậy thôi mà bây giờ lại gắn với núi rừng, với cây cối như đã lập trình sẵn vậy.

 

ĐỜI NGƯỜI, ĐỜI CÂY

 

Rồi Cao Nguyên Lâm nói về chuyện cây. Trong cái trang trại rộng gần 25 ha của anh bây giờ có cả chục loại cây khác nhau, ngoài một số cây ăn trái trồng lấy bóng mát và “cải thiện dinh dưỡng”, còn lại toàn cây kinh tế. Đầu “ngôi làng” là rừng cây xà cừ rộng 6,5ha, cao 2-3 thước, xanh rợp. Trong 3 năm 2001-2003, trang trại này trồng đến 10ha cao su, trong đó 4ha của đợt trồng đầu tiên đã phát triển rất nhanh, cao đạt 5-8m, thân cây đã có đường kính 5 tấc, dự kiến năm sau có thể thu hoạch vụ mủ đầu tiên. Rồi cà phê, chỉ còn 2ha, “nhưng thu hàng năm đến 60-70 tấn quả tươi làm mấy ông ở Nông trường cà phê Ea Bá lên đây chơi, thấy cà của tôi là đòi học hỏi kinh nghiệm làm sao để xanh tốt như vậy. Nhưng có bí quyết gì đâu, chủ yếu là bón phân bò mà thôi”. Đàn bò luôn duy trì trên dưới 120 con, thả băng trên thảo nguyên đầy cỏ, ngoài cho thịt (ước tính tổng đàn đã có bạc tỉ) còn cung cấp lượng phân bón dồi dào. Anh cũng trồng xen canh 15ha sắn dưới những lô cao su, xà cừ… để có thu nhập vài chục triệu hàng năm. Mới cuối năm 2005, Lâm quyết định trồng thêm 2 ha dó bầu thử nghiệm sau chuyến tham quan ở Khánh Hòa về. Anh cũng mới mua thêm khoảng 25 ha đất và dự kiến sẽ trồng keo làm nguyên liệu giấy. Cao Nguyên Lâm cũng đào ao nuôi cá để cung cấp thức ăn cho cả trang trại. Cái ao gần 500m2 của anh xáng cạp múc sâu đến gặp nước mạch, hạn cỡ nào cũng không khô được, đủ nước để tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng của trang trại và cho bò uống. Cùng với cá là 8000m2  lúa nước ngay trên vùng đồi núi cao, dư sức cung cấp lương thực cho cả “làng”.

 

Cao Nguyên Lâm lắc đầu khi được hỏi về giá trị của cả trang trại: “Chịu, chỉ biết là tiền tỉ thôi, không đếm được bởi ngoài giá trị vật chất còn có cả công sức, mồ hôi và tâm huyết của tôi trong đó. Nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm phát triển trang trại, tôi bảo ngoài việc phải có vốn, còn phải đam mê và dấn thân”. Nói thế là bởi hồi mới lên đây lập nghiệp, những năm đầu trồng cả chục ha cà phê, thu hoạch không đủ trả tiền công, giá lại liên tục rớt thê thảm, hái trái không đủ trả công, vợ chồng Lâm rớt nước mắt phá bỏ 7ha, lỗ gần 400 triệu đồng, tưởng sạt nghiệp. “Xung quang trang trại tôi cũng là trang trại cà phê của các “đại gia”. Nhưng sau vụ thất bát cà phê, họ bỏ hoang hết. Tôi với bà xã đồng lòng, quyết “theo lao” đến cùng, bỏ vốn ra mua lại đất của họ. Nhờ mê vậy mà 2-3 năm nay, cái trang trại này chỉ có thu vào thôi, không còn phải chi nữa”. Hiện tại, theo lời anh, lợi nhuận của trang trại hàng năm khoảng 120-150 triệu. Nhưng đó mới là cái trước mắt, khi cao su cho mủ, khi xà cừ cho gỗ, keo lai cho nguyên liệu giấy... thu nhập của trang trại này sẽ tăng theo cấp số nhân! Tất nhiên, những khoảng trống mùa vụ, Cao Nguyên Lâm đi đó đây, tự bỏ tiền cũng có mà theo các chương trình của nhà nước cũng có, để học hỏi kinh nghiệm về... các loại cây. Ngoài ra, những cuốn sách về kỹ thuật cây trồng, kỹ thuật trang trại... cũng là thứ “gối đầu giường” của anh.

 

Để có trang trại “vĩ đại” và ổn định, gắn bó với mảnh đất Ea Bar như hôm nay, Cao Nguyên Lâm cũng trải qua bá nghệ. Vợ chồng anh vốn người Xuân Phước (Đồng Xuân). Sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự (1981), anh về quê, vừa làm nông, vừa đi buôn nhưng sống chẳng sung túc gì. Rồi năm 1989, hai vợ chồng theo đoàn quân đào vàng đi khắp các bãi vàng có tiếng ở Sông Hinh như Tắc Kè, buôn Bầu, buôn Ken... Tích lũy được ít vốn, hai vợ chồng quyết định mua nhà ở Hai Riêng với mục đích lập nghiệp ở vùng đất mới, khi đó còn hoang sơ và tràn ngập khó khăn. Anh khai hoang, mua thêm đến mấy chục ha đất ở buôn Zô để trồng mè, trồng đậu đỏ để nuôi bò nhưng cũng không thành công. Vậy là những ngày rảnh rỗi, Cao Nguyên Lâm rong ruổi đến nhiều nơi ở Sông Hinh để tìm vùng đất mới và cuối cùng anh “chấm” khu đồi tranh buôn Quen, xã Ea Bar này. Vợ chồng lại đội nắng đội mưa khai hoang, đổ mồ hôi… bắt đất nở hoa...

 

“XÃ NÀY CHỈ MONG CÓ 3-5 ÔNG LÂM THÔI”

 

Để duy trì được công việc quá lớn của trang trại, Cao Nguyên Lâm quyết định làm nhà, rồi về quê ở Xuân Phước gọi những người hàng xóm thất nghiệp của mình lên cùng ở, cùng làm. Bây giờ, trong trang trại của anh có đến 3 gia đình với khoảng 10 lao động. Ông Ngô Lối, một “trang trại viên” cho biết: “Ở quê ngoài ba hột ruộng chẳng biết làm gì khác, còn ở đây chúng tôi có việc làm quanh năm, thu nhập khá nên “bám trụ” luôn gần cả chục năm nay rồi”. Những lao động ở trang trại của Cao Nguyên Lâm gần như không hết việc làm. Đầu năm thu hoạch sắn, cuối năm thu hoạch cà phê, khoảng giữa năm là xuống giống. Còn cắt lá, tỉa cành, phun thuốc, bón phân, làm cỏ... diễn ra quanh năm. Mỗi ngày làm 8 tiếng, đàn ông được trả 35.000 đồng/người, phụ nữ thì 30.000 đồng/người. Mỗi gia đình hai vợ chồng một tháng thu nhập cả 2 triệu đồng, một khoản tiền mà nhà nông thuần túy khó sánh bằng. Đó là chưa kể vào vụ hái cà phê, ông chủ khoán cứ 500 đồng/kg trái, người giỏi một ngày hái cả tạ, thu nhập tăng gần gấp đôi ngày thường.

 

Ngôi nhà của Cao Nguyên Lâm được gọi là “khu trung tâm”, không chỉ vì nó rộng rãi hơn, mà còn có ti-vi “phục vụ văn hóa”. Khu đồi núi hoang vắng này điện lưới chưa kéo tới, chỉ thắp đèn dầu. Cao Nguyên Lâm phải mua một cái bình ắc-quy lớn để chiếu ti-vi cho cả “làng” xem. Mới đây, anh tậu cả ti-vi màu, hôm nào có phim hay hoặc bóng đá truyền hình trực tiếp là giật máy nổ, thắp điện sáng choang phục vụ cả “làng”.

 

Mô hình trang trại của Cao Nguyên Lâm, bởi thế được đánh giá rất cao. Cả chục năm nay, năm nào Cao Nguyên Lâm cũng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar Phan Thanh Quyền nói ngắn gọn: “Cao Nguyên Lâm là người số 1, xuất sắc nhất Ea Bar”. Còn Chủ tịch UBND xã, ông Ma Rin, bảo: “Xã này chỉ cần 4-5 người như ông Lâm thì tuyệt vời, dân có công ăn việc làm, thu nhập khá, đóng góp được nhiều cho địa phương. Cách làm của Lâm, tên của Lâm bây giờ cả huyện này đều biết”. Chẳng trách ở bộ phận chức năng nào của xã Ea Bar đều treo lịch của Dự án Đa dạng hóa Nông nghiệp Phú Yên in năm 2006 có ảnh của “trùm trang trại” Cao Nguyên Lâm in lớn bên vườn cà phê xanh tốt và những cây cao su cao vượt vươn thẳng lên trời. Với họ, có được một người nông dân như thế là niềm tự hào...

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn cá ngừ đại dương
Thứ Năm, 06/04/2006 09:02 SA
“Vô nam, dụng nữ” !
Thứ Tư, 05/04/2006 08:11 SA
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc?
Thứ Hai, 03/04/2006 14:43 CH
Internet về làng
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:02 SA
Có phải là hai di tích lịch sử ?
Thứ Ba, 28/03/2006 07:58 SA
“Xóm đèn dầu”
Thứ Bảy, 25/03/2006 10:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek