Có phải đó là hai di tích lịch sử có liên quan đến hai triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn trên đất Phú Yên. Cùng với sự tàn phá của thời gian, con người cũng đã góp phần hủy diệt khiến hai di tích này trở thành phế tích và có khả năng bị biến mất.
TỪ “MIẾU BÀ TRANG”...
Các tài liệu cũ ghi miếu Bà Trang nằm ở thôn Định An Đông, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân xưa (nay thuộc xã An Định, huyện Tuy An). Vậy nhưng đến An Định, chúng tôi hỏi rất nhiều người về miếu Bà Trang nhưng không ai biết. May thay, có cụ bà khoảng trên 70 tuổi cho chúng tôi biết là miếu Bà Trang thuộc thị trấn Chí Thạnh chứ không phải ở An Định!
Khu đất này là vị trí của miếu bà Trang – Ảnh: N.C
Cách quốc lộ 1A non một cây số, nằm cặp bên hữu ngạn của dòng sông Ngân Sơn thơ mộng là một dãy núi, xưa kia người ta gọi dãy núi này là núi Cấm mà theo người dân trong vùng, bởi trước đây cây cối rất um tùm, hoang sơ, thú dữ rất nhiều, ít người dám đến đây nên núi có tên như thế. Ngày nay, ngọn núi này được người dân gọi là núi Hòn Chồng. Người ta chỉ dưới chân núi Hòn Chồng là miếu Bà Trang. Chúng tôi đi quanh quẩn dưới chân núi Hòn Chồng suốt cả buổi nhưng vẫn không sao tìm thấy ngôi miếu. Miếu Bà Trang từng được triều đình nhà Nguyễn sắc phong nên chúng tôi nghĩ chắc là bề thế lắm, nếu có tàn phế bởi thời gian thì tệ nhất cũng còn một nền móng vững chãi... Vậy mà trước mắt chúng tôi, vị trí của ngôi miếu Bà Trang chỉ còn là khoảnh đất trống, thay vào đó là một chuồng nuôi heo. Ông Phan Đình Trung, chủ ngôi nhà này cho biết khuôn viên của ngôi miếu Bà Trang đang nằm trọn trong khu vườn của nhà ông. Gia đình ông Trung đến đây sinh sống vào khoảng năm 1983, lúc đầu thì vẫn còn một số gạch ngói vỡ vụn và đá móng nằm lăn lóc, ngổn ngang. Khi đó cha của ông đã dọn dẹp đá và gạch ngói vỡ lại để trồng hoa màu. Theo lời ông Trung thì vị trí ngôi miếu nằm cách chuồng heo nhà ông khoảng 10 mét, nhưng một số người lớn tuổi ở đây thì cho rằng vị trí chính của ngôi miếu nằm ngay chuồng heo hoặc xê dịch đến phía trước một chút(?). Phía sau chuồng heo này có 2 ngôi mộ mà theo ông Trung, khi gia đình ông đến đây đã có rồi. Không biết 2 ngôi mộ này có liên quan gì đến miếu Bà Trang?
Tương truyền, khi quân của chúa Nguyễn do Tống Phước Hiệp thống lãnh bị quân Tây Sơn đánh tan tác ở vịnh Xuân Đài vào tháng 7-1775. Trên đường trốn chạy, bị truy đuổi gắt gao, Tống Phước Hiệp cho bộ tướng chạy trước để đánh lạc hướng, còn ông ta thay đổi trang phục vào trốn ở nhà bà Trang thuộc thôn Định An Đông, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân (nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An). Khi nghĩa quân truy lùng đến, bà Trang cho Tống Phước Hiệp vào trong buồng đắp chiếu nằm giả bệnh. Bà nói với toán nghĩa quân truy đuổi là có thấy một nhóm người vừa chạy qua, còn người đàn ông đang nằm trong buồng là chồng của bà. Tống Phước Hiệp thoát chết và tìm đường đi vào
... ĐẾN “MIẾU CÔNG THẦN”
Tháng 7-1775, quân của Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn kéo vào, đánh tiêu diệt hơn 10.000 quân của chúa Nguyễn ở vịnh Xuân Đài, Tống Phước Hiệp theo đường bộ tháo chạy vượt sông, bằng đèo vào Nam. Mãi đến năm 1801, sau nhiều cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn, vùng đất Phú Yên hoàn toàn trở thành đất chúa Nguyễn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. Ông đã cho xây dựng “Miếu Công Thần” để thờ quân Nguyễn bị Tây Sơn giết chết trong trận thuỷ chiến ở vịnh Xuân Đài. Miếu Công Thần nằm ở đảo Hòn Nầng, một hòn đảo nằm trong vịnh Xuân Đài, thuộc thôn Hoà Lợi, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu ngày nay.
Bức tường của miếu Công Thần bị đổ gãy do các đìa tôm xâm lấn vào – Ảnh: N.C
Cách quốc lộ 1A khoảng 4 cây số, qua những khúc cua ngoằn ngoèo của đường nông thôn vùng biển, chúng tôi đến được thôn Hoà Lợi. Ông Nguyễn Văn Nhằm, trưởng thôn, dùng thuyền đưa chúng tôi ra Hòn Nầng. Qua lời kể của ông, ngày xưa ở trên hòn đảo này mọc rất nhiều cây nầng – một loại cây thân dây leo, củ ăn bùi bùi giống như củ sắn, nhưng nếu ăn nhiều sẽ dễ bị say, người ta thường gọi là “say nầng”. Ngày xưa, lương thực thì rất hiếm, giặc giã liên miên nên người dân thường kết những chiếc bè để ra hòn đảo này đào lấy những củ nầng mang về làm lương thực. Lâu riết rồi người dân gọi hòn đảo này là Hòn Nầng.
Mất khoảng 30 phút, thuyền cặp đảo. Trước mắt chúng tôi là những lùm gai mọc chằng chịt che phủ những bức tường còn sót lại của ngôi miếu. Chúng tôi cố len vào bên trong để xem miếu Công Thần còn sót lại những gì. Nhưng vì gai mọc dày quá, tôi phải leo lên một cây đa cổ thụ để nhìn xuống quan sát. Một bức tường rất bề thế cao khoảng 1,5 mét, dài khoảng 8 mét, rộng khoảng 4 tấc, xây bằng đá cuội với gạch ngói vỡ và san hô sống. Theo quan sát của chúng tôi thì bức tường này tương đối còn nguyên vẹn, nhưng bị đổ gãy một đoạn do bị đìa tôm xâm lấn. Phía bên phải ở bên trong bức tường này là một nền móng rộng khoảng 30 mét vuông được bao bởi những bức tường xây bằng gạch, đá có nơi bị đổ xuống hoàn toàn có nơi thì còn cao quá đầu người và bị các bụi cây dại bao phủ. Phía bên trái của bức tường cũng có một nền móng giống như phía bên phải nhưng có vẻ rộng hơn và phía trước còn lại 2 trụ cột cao khoảng 2 mét. Một số trụ bị đổ xuống vỡ vụn bởi vì các đìa tôm đã xâm lấn vào. Trên bờ của các đìa tôm này, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều gạch ngói… chắc có lẽ là những bức tường của ngôi miếu đổ xuống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những đìa tôm này là của người dân địa phương, trong đó có một đìa tôm của một lãnh đạo xã.
Đi vòng ra phía sau ngôi miếu, chúng tôi phát hiện thấy rất nhiều ngôi mộ được xây bằng gạch, đá và san hô sống. Những ngôi mộ rộng khoảng 3 mét vuông, ở giữa là nấm mồ như một chiếc mu rùa lớn úp xuống, xung quanh được xây móng kiên cố cao hơn mặt đất khoảng 3 tấc. Vì rất nhiều bụi gai mọc um tùm nên chúng tôi không thể đếm hết có bao nhiêu mộ. Nhưng thật đáng buồn, khi chúng tôi phát hiện có một số mộ bị đào phá. Theo một người dân địa phương đi chung cùng chúng tôi thì những ngôi mộ bị đào bới này là do một số người cho là mộ của người Chăm nên đào để tìm vàng.
THAY LỜI KẾT
Đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều chứng tích lịch sử nằm rải rác trên mảnh đất Phú Yên bị xuống cấp. Ngoài sự xuống cấp vì thời gian, thì con người là nguyên nhân chính dẫn đến một số di tích lịch sử bị xuống cấp nghiêm trọng. Được biết cách đây mấy năm, có một công ty du lịch đã xin phép huyện Sông Cầu để đầu tư và đưa đảo Hòn Nầng vào phục vụ du lịch. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó công ty này lại rút lui. Thiết nghĩ dù có muộn, nhưng các ngành chức năng cũng nên thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để thẩm tra, xác định lại và có giải pháp cứu những di tích lịch sử này.
NGỌC CHUNG