Thứ Ba, 01/10/2024 11:19 SA
Internet về làng
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:02 SA

Internet đã có mặt ở Phú Yên gần 10 năm, thế nhưng người dân xã Sơn Nguyên huyện miền núi Sơn Hoà mới tiếp cận với dịch vụ này được nửa năm nay. Làm quen với phương tiện truyền thông mới, ai cũng cảm thấy vui và thích thú bởi lượng thông tin và trò chơi giải trí đồ sộ, đa chiều. Song internet đang là “viên đạn bọc đường” rình rập hàng ngày, hàng giờ các bạn trẻ nơi đây.

 

VUI CÙNG “NET”

 

Internet về Sơn Nguyên theo dự án đưa internet về vùng nông thôn giai đoạn 1 của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Công trình bao gồm: một bộ máy vi tính cùng hệ thống thiết bị đầu cuối, kết nối mạng theo phương thức dial-up với phần mềm mở Win Hepi có phiên bản tiếng Việt giúp cho khách hàng dễ sử dụng, chủ yếu truy cập những thông tin khoa giáo.

 

Nhân viên BĐVH xã

 

Đến Sơn Nguyên lần này, tôi đã chứng kiến sự đam mê của những “thượng đế chân đất” thả hồn lang thang cùng “net”. Và sức cuốn hút của mạng toàn cầu ngày càng lớn, cho dù giá mỗi giờ truy cập là 2.000 đồng. Trong căn phòng điểm bưu điện văn hoá xã rộng chừng 20m2, chiếc máy vi tính nối mạng lúc nào cũng “nóng lên” bởi lượng người sử dụng, tất thảy đều là thanh thiếu niên. Bên ngoài lố nhố khách đang đợi đến lượt mình hoặc để xem ké một thông tin gì đó. Nhìn lượng người đến truy cập khá đông tôi cũng vui lây, bởi từ nay người dân vùng cao đã có thể nắm bắt những thông tin nóng hổi đang diễn ra hàng giờ.

 

MÊ GAME, CHAT

 

Các trò giải trí trên mạng là “món khoái khẩu” của giới trẻ từ thành thị đến nông thôn.  Chị Cao Thị Loan, nhân viên điểm bưu điện văn hoá xã Sơn Nguyên cho biết: “Chương trình đưa internet về nông thôn chủ yếu là để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao dân trí nhưng đa phần khách hàng vẫn thích truy cập vào trò chơi trên mạng hoặc chat”. Nhìn qua chiếc máy kết nối internet từ 14 giờ đến 17 giờ, tôi thấy tất cả khách hàng đang vào mạng đều chơi game hoặc chat. Tuy ở đây chưa có đường truyền tốc độ ADSL nhưng việc truy cập cũng đủ làm cho khách hàng thích thú. Em Phạm Văn Vũ ở thôn Nguyên An vừa lướt tay trên bàn phím vừa liến thoắng: “Ở đây còn thiếu khá nhiều thứ cho dịch vụ internet như: phòng nghe, webcam phụ trợ cho chat và một số trò chơi hấp dẫn khác như: đua xe, bắn súng. “Trước đây, mỗi khi nghỉ hè, bố mẹ gửi em xuống nhà người quen ở TP Tuy Hoà để học vi tính nên việc truy cập mạng em tương đối rành. Từ khi internet về Sơn Nguyên, ngoài thời gian học ở lớp và học bài ở nhà, lúc nào rảnh em đều đến đây”. Trong khi tôi đang trò chuyện với Vũ, một tốp học sinh đến hỏi về cách vào mạng để chơi game… Chị Loan cho biết, từ khi  có dịch vụ internet thì doanh thu tăng bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tháng

 

CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

 

Dự án đưa internet về nông thôn giai đoạn I do Tổng Công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư, Phú Yên đã có 30 điểm bưu điện văn hoá xã được kết nối mạng interrnet, bao gồm: TP Tuy Hoà 5 điểm, Tuy An 7 điểm, Sông Cầu 4 điểm, Sông Hinh 3 điểm, Sơn Hoà 2 điểm, Đồng Xuân 1 điểm và Đông Hòa và Tây Hoà 8 điểm. Ở mỗi điểm được lắp đặt 1 dàn máy vi tính cùng hệ thống thiết bị đầu cuối. Dự kiến, giai đoạn II sẽ tiếp tục triển khai đến tất cả các điểm BĐVHX còn lại vào cuối năm 2007.

Tuy số lượng người đến với điểm internet khá đông nhưng chủ yếu vẫn chỉ giải trí chứ  không theo mục đích mà dự án đặt ra. Phần mềm Win Hepi không hỗ trợ trò chơi mà nhằm đưa công nghệ internet về nông thôn, đưa những thông tin cần thiết đến với bà con nông dân. Song khách hàng lại chưa quan tâm đến việc này.

 

Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay (không kể ở nông thôn hay thành thị) đam mê  các trò chơi giải trí vô bổ trên mạng mà ít quan tâm tìm hiểu thông tin về các sự việc đang diễn ra hàng giờ trên hành tinh này. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Bưu chính – phát hành báo chí Bưu điện Phú Yên cho biết: “Các trò chơi trên mạng rất dễ cuốn hút nếu người chơi không biết kiềm chế. Mục tiêu của dự án khi đưa internet về nông thôn vẫn là giúp người dân làm quen với công nghệ chứ không kinh doanh vì không hiệu quả. Muốn kinh doanh thì phải đầu tư nhiều máy hơn nữa mới có lãi. Chúng tôi biết, khi đã mở dịch vụ internet thì không hạn chế các dịch vụ trực tuyến. Khách hàng có quyền yêu cầu các dịch vụ nhưng ngành không khuyến khích. Hiện nay, dịch vụ internet tại các điểm bưu điện văn hoá xã vẫn được quản lý theo quy định chung của Bộ Bưu chính – Viễn thông như các đại lý khác”.

 

Đưa internet về nông thôn là một dự án lớn của Nhà nước nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí cho những vùng khó khăn từ việc truy cập các thông tin bổ ích. Nhưng nếu công tác tuyên truyền vận động người dân tiếp cận internet không hiệu quả thì sẽ đi vào con đường mà các đại lý dịch vụ internet hiện nay đang mắc phải.

 

ĐĂNG NGUYÊN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có phải là hai di tích lịch sử ?
Thứ Ba, 28/03/2006 07:58 SA
“Xóm đèn dầu”
Thứ Bảy, 25/03/2006 10:46 SA
Cứu ngư dân nước ngoài giữa biển đêm
Thứ Hai, 13/03/2006 10:00 SA
Rủ nhau đi... xem bói
Thứ Hai, 27/02/2006 08:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek