Không xa trung tâm huyện, cũng không rơi vào cảnh đói khổ nhưng bao năm nay, người dân Gò Ổi phải sống trong cảnh đèn dầu hiu hắt. Trẻ em ở đây cũng ít được học hành đến nơi đến chốn bởi con sông Cái ngáng trở bước chân đến trường…
KHÔNG ĐIỆN
Nằm rải rác dưới chân một quả đồi, 32 nóc nhà ở xóm Gò Ổi (thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) từ hồi nào đến giờ vẫn không có điện thắp sáng. Ở trong xã nằm liền kề với trung tâm huyện, ấy vậy mà gần 170 con người ở đây phải thắp sáng bằng đèn dầu hiu hắt. Cả xóm chỉ có 3 chiếc ti vi đen trắng sử dụng bình ắc quy. Loại ti vi này quá cũ nên hư hỏng liên miên, lắm lúc có tiếng thì không có hình và ngược lại. Tối đến, trẻ em thấy nhà nào có mở ti vi là chạy đến “xí chỗ” để coi, có đứa “thượng” lên bao sắn trước nhà. “Sắm ti vi thêm khổ, cứ 2-3 ngày là phải chở bình đi hơn 3 cây số để sạc. Bởi vậy, nhà em để dành hôm nào có cải lương hoặc phim hay mới mở coi, em Trần Thị Thu Thủy, 15 tuổi, ở Gò Ổi, kể.
Trẻ em ở xóm Gò Oåi - Ảnh: Hoài Nam
Ngoài 3 cái ti vi thường xuyên hư hỏng ấy ra, xóm Gò Ổi không còn một phương tiện thông tin đại chúng nào khác. Xã có hệ thống truyền thanh không dây, nhưng ở đây lại không có cụm thu FM nào để nghe tin tức. Cũng vì thế, khi dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, người dân ở đây vẫn giết mổ và ăn mà không hề băn khoăn lo lắng.
Đường dây tải điện 22KV chạy ngang qua thôn Phú Sơn, lên thẳng thôn Đồng Hội (Xuân Quang 1). Đứng ở Phú Sơn hú một tiếng là bên xóm Gò Ổi nghe thấy, nào có xa xôi gì, tính ra kéo đường dây 500m là đến. “Họp hành lúc nào cũng nghe mấy ông ở xã nói, huyện chuẩn bị kéo điện về. Mấy ổng hứa hoài, năm này qua tháng nọ mà có thấy điện đóm gì đâu. Mỗi lần họp dân, mấy ổng đứng bên kia sông “bắc” loa tay qua thông báo!”, Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, một người dân trong xóm bức xúc nói. Họp ở đây cũng khác kiểu, lúc thì ngồi dưới gốc me trước cửa nhà ông Năm Nhọi, lúc thì xuống nhà ông Bầu tiện đâu ngồi đó chớ đâu có trụ sở!
KHÔNG HỌC HÀNH ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN
Mới 4 tuổi, trẻ con xóm Gò Ổi phải qua sông để đến lớp mẫu giáo. Con sông Cái nước lênh láng, nên nhà nào cũng sắm sõng đưa con đi học. Nguyễn Thành Được học lớp 4 bơi sõng chở cùng lúc 3 em nhỏ ngồi sau. Nhìn chiếc sõng lỏng lẻo dập dềnh trên sông nước thấy mà đau tim! Đi lại khó khăn nên nhiều trẻ em nghỉ học giữa chừng. Cả xóm chỉ có con ông Luận là đang học cấp III: Trường THPT Lê Lợi (thị trấn La Hai) số còn lại cứ “kéo lết” đến lớp 6, 7 thì nghỉ. Nhà ông Hồ Văn Hậu có 6 đứa con nhưng chỉ có 3 đứa nhỏ là còn đi học, đứa học cao nhất cũng chỉ đến lớp 6 riêng em Hồ Văn Trung thì mù chữ. Nhà ông Nguyễn Văn Gương có 5 đứa con nhưng chỉ 2 đứa còn học, 3 đứa lớn đã thôi đến trường từ thời tiểu học.
“ĂN GẠO CHỢ, UỐNG NƯỚC SÔNG”
Không có ruộng trồng lúa, dân xóm Gò Ổi đa số mua gạo chợ. Giếng ở đây còn mưa thì còn nước, hết mưa thì khô. Năm nào cũng vậy, bước sang tháng 2, tháng 3 là bà con ra sông gánh nước về dùng. Chị Phạm Thị Tuyết kể: “Cách đây 2 năm, trên vực lò, xã cho người thuê diện tích mặt nước để nuôi chình. Họ thả thức ăn sống, chình ăn không hết thối rữa trôi xuống dưới này. Uống nước vô bao tử không chịu nên bị bệnh tiêu chảy”.
Bà con nông dân ở xóm Gò Ổi sống chủ yếu dựa vào cây mía. Nhà nào cũng có che ép mía, ít nhất cũng có 10 phuy đường trầm (loại 300kg), nhà nào trồng mía nhiều thì có đến 30-40 phuy đường. Từ đôi dép, cái rổ, cái sàng đến cái tủ cái bàn, bà con đều bán đường để mua sắm. Cần cù làm việc, chi tiêu tiện tặn nên nhà nào cũng có vốn tích lũy, đời sống ổn định, trong xóm không có hộ đói nghèo.
Về mong ước có điện thắp sáng của người dân xóm Gò Ổi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Thị Ngọc Trúc cho biết: “Sắp đến sẽ có dự án kéo điện về phục vụ cho bà con xóm Gò Ổi”. Người dân “Xóm đèn dầu” không chỉ hy vọng dự án này sớm được thực hiện mà còn mong muốn bọn trẻ không phải đến trường trên những chiếc sõng chòng chành.
MẠNH HOÀI NAM